PDA

View Full Version : “Đông si đa” - tình nguyện viên “người nhà” của HIV/AIDS



Tuanmecsedec
30-11-2013, 14:41
“Đông si đa” - tình nguyện viên “người nhà” của HIV/AIDS

8:0 AM, 30/11/2013


http://laodong.com.vn/Uploaded/phanthiphuongthuy/2013_11_30/IMG_0814_ZXIM.JPG.ashx?width=660

“Đông si đa” đang kể câu chuyện làm tình nguyện viên cho những người có HIV/AIDS của mình.

48 trong số hàng vạn người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đã vĩnh viễn ra đi, nhưng chắc hẳn dù ở nơi chín suối, họ sẽ không thể quên người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi tận tụy bón từng thìa cơm, chén sữa, không đeo găng tay vẫn chẳng ngại tắm rửa trên những cơ thể đầy ung nhọc, lở loét. Và đến khi họ trút hơi thở cuối cùng, không ai khác lại chính người phụ nữ ấy khâm liệm để linh hồn họ ra đi thanh thản…





Bà chính là Bùi Thị Đông, người cũng mang nỗi đau quặn thắt vì có những đứa con ra đi vì căn bệnh thế kỷ.

Người phụ nữ bất hạnh

Hơn nửa thế kỷ sống trên đời, không biết bà Đông có được bao ngày vui vẻ, hạnh phúc, chỉ thấy bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Vợ chồng bà sinh hạ được 3 quý tử thì người con trai cả sớm dính vào nghiện ngập rồi gieo trong mình virus HIV. Vì cú sốc tinh thần ấy, đang là công nhân xây dựng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Đông quyết định “về một cục”, đến nay không được hưởng chế độ nào.

Những năm cuối đời, người con trai ấy vẫn khát khao một hạnh phúc gia đình với cô gái ở cùng khu cũng mang căn bệnh thế kỷ. Làm mẹ, có ai làm ngơ được trước hạnh phúc của con, bà Đông đành ngậm ngùi chấp thuận.

Một năm sau, vào năm 2001, người con dâu phát bệnh, thân mình lở loét, hôi tanh, những người anh em ruột thịt nhất cũng “bịt mũi cách xa”. Trước tình cảnh ấy, bà Đông không ngần ngại lau rửa chu đáo đến khi cô nhắm mắt xuôi tay.


Ba năm sau, người con trai cả cũng vào giai đoạn cuối. Những ngày tháng ấy, cũng chính tay bà Đông chăm sóc, lau rửa và khâm liệm cho con khi anh từ giã cõi đời. Bà bảo: “Đó chính là động lực để tôi chăm sóc cho các bạn cũng bị nhiễm H (HIV). Ban đầu, nếu nói không sợ là không phải nhưng trong cái sợ đó, tôi lại nghĩ rằng, con mình cũng từng bị như vậy nên không có gì ngần ngại chăm sóc để tạo niềm tin cho các bạn. Có sợ cũng cố gắng vượt qua”.

Nỗi đau mất đi con trai cả và con dâu chưa nguôi ngoai, tai họa lại ập đến khi người con trai thứ hai của bà cũng đi vào vết xe đổ của anh trai và bị nhiễm virus tử thần. Hiện tại, anh đang ở trại cai nghiện số 05 Xuân Phương và cũng trong giai đoạn cuối của bệnh AIDS, khắp người đã bắt đầu lở loét.

Những tưởng cậu con trai út sẽ là niềm hi vọng và chỗ dựa cho bà khi tuổi cao sức yếu, nhưng anh này cũng bỏ học từ năm lớp 11, theo chúng bạn ăn chơi đua đòi, không thể trang trải cuộc sống và đỡ đần người mẹ bất hạnh.

Một mình bà lại bươn chải ở khu chợ Nhật Tân. Ngày ngày cứ 4h sáng ra bán hàng nước, trưa chiều làm vệ sinh rồi lấy nước thuê cho hàng cá. Bao năm tự mình kiếm sống, nuôi con nghiện hút lại mắc bệnh xã hội, khi nhắc đến người chồng bà Đông chỉ ngậm ngùi: “Chồng tôi theo người khác đã gần chục năm nay. Tôi không biết lý do vì sao nhưng đừng đổ là do các cháu mà phải tội”.

Tình nguyện viên “độc nhất vô nhị”

Đến chợ Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội), cứ hỏi bà Đông hay “Đông ma túy”, “Đông si đa”, ai ai cũng biết bởi cái lao động đặc biệt, gần như là “độc nhất vô nhị” chỉ của riêng bà là tắm rửa, khâm liệm cho người nhiễm HIV/AIDS và cả những người già cả, bệnh tật, ốm đau rồi qua đời.


<tbody>
http://laodong.com.vn/Uploaded/phanthiphuongthuy/2013_11_30/IMG_0811_PXFI.JPG.ashx?width=470



Chiếc xe đạp không chuông, không phanh cùng bà trên mỗi nẻo đường đến với người có HIV/AIDS.



</tbody>
Với chiếc xe đạp không chuông, không phanh, 1 đôi xô, 1 chiếc gáo, 1 cái xoong và bộ dụng cụ chăm sóc cho bệnh nhân HIV/AIDS được Bộ Y tế cấp, bà Đông đạp xe đến mọi ngõ xóm, phố phường, không chỉ ở quận Tây Hồ mà cả các xã bạn, hễ biết ai cần giúp đỡ là bà sẵn sàng gác lại công việc ở chợ và lên đường, có khi là đêm hôm, gà gáy.


Mối “duyên” với “nghề” đến với bà từ trước khi trở thành một tình nguyện viên Câu lạc bộ “Hãy đến bên nhau”. Bà kể, trường hợp đầu tiên bị HIV được bà chăm sóc và khâm liệm vào năm 2000, sau đó mới tới vợ chồng người con cả của bà.

Năm 2005, Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thực hiện chương trình phổ biến kiến thức ở phường. Với tình thương và tâm huyết dành cho những người nhiễm HIV, bà Đông được tham dự lớp tập huấn 15 ngày. Bằng kinh nghiệm của bản thân và tích lũy kiến thức qua lớp học, bà Đông là tình nguyện viên rất tích cực, hai năm liền được tặng thưởng giấy khen.

Công việc hàng ngày của bà là chăm sóc, chia sẻ với các bệnh nhân nhiễm H và đang sống chung với H, vận động các bạn tham gia Câu lạc bộ của phường. Ban đầu, CLB mới có 11 thành viên, đến nay đã phát triển lên con số 85 thành viên, trong đó có tới 21 người đang mang trong mình virus HIV.

Bà Đông chia sẻ: “Các bạn nhiễm H cũng là 1 con người, mình cũng là con người không nên kỳ thị, xa lánh các bạn mà phải là đòn bẩy để các bạn dựa vào. Các bạn nhiễm H đi vào con đường lầm lỡ, trở thành gánh nặng cho gia đình, mình phải có lời nói và động viên để các bạn hiểu rằng dù họ lầm lỡ nhưng bên cạnh vẫn có người sống chung với họ để giúp họ vượt qua mặc cảm”.

Bà kể, những ngày đầu đến làm tình nguyện, có khi bị người trong gia đình và chính người bệnh chửi bới, nhưng càng chửi bà càng đến và khi người đó qua đời, gia đình lại đến nhờ bà tắm rửa và khâm liệm cho họ.

Người tình nguyện viên đặc biệt nhớ nhất kỷ niệm với một bệnh nhân sinh năm 1978. Bố mẹ ly hôn, người mẹ giờ vẫn ngồi tù vì buôn bán ma túy còn người bố đã đi bước nữa. Khi người đó ở vào giai đoạn cuối, người bố và mẹ kế không dám chăm sóc, chỉ bịt khẩu trang đứng nhìn.

Bà Đông lại ân cần đến với người bệnh như đang chăm sóc đứa con của mình. Người ấy tâm sự với bà rằng: “Cháu ân hận, cháu và con bác lâm vào ma túy hại gia đình. Cháu cám ơn bác chăm sóc, tắm rửa cho cháu. Cháu ra đi là số phận, cháu sẽ phù hộ cho bác khỏe mạnh”. Và rồi 9h sáng hôm sau, người ấy lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng.

Có người bệnh tìm đến bà như một nơi để gửi gắm khi biết ngày lìa xa cuộc đời của mình sắp đến. Đó là trường hợp một người đàn ông có HIV ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Qua thông tin trên mạng, anh biết đến người tình nguyện viên với công việc độc nhất vô nhị giữa lòng thủ đô và nhờ gia đình đến tìm. Những ngày cuối, anh thỏa ước nguyện được bà chăm sóc và khâm liệm khi nhắm mắt xuôi tay.

Tận tâm tận lực với công việc là điều dễ nhận thấy ở người tình nguyện viên này. Chị Hà, một người hàng xóm gần gũi với bà Đông chia sẻ: “Mình là người may mắn trong gia đình không có người nhiễm HIV. Nhưng gia đình bà có 2 con nhiễm H nên bà rất hiểu và sẵn sàng giúp đỡ không tính toán, không vì tiền, mà chỉ làm vì tâm huyết của mình”.

Với người phụ nữ bất hạnh nhưng giàu lòng bao dung và chất chứa tình thương ấy, niềm an ủi duy nhất của bà lúc này là có cô con dâu vợ người con trai thứ hai rất thảo hiền, đặc biệt là hai cháu nội chăm ngoan và học giỏi. Đó là nguồn động lực lớn lao, là chỗ dựa tinh thần để bà tiếp tục đến với những gia đình, những người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ và trở thành chỗ dựa cho họ những ngày cuối cùng của cuộc đời.


(LĐO) THẢO NGUYÊN (http://laodong.com.vn/xa-hoi/dong-si-da-tinh-nguyen-vien-nguoi-nha-cua-hivaids-160672.bld#)

http://laodong.com.vn/xa-hoi/dong-si-da-tinh-nguyen-vien-nguoi-nha-cua-hivaids-160672.bld

songchungvoi_HIV
23-01-2014, 15:13
Người phụ nữ “kết duyên” với những phận đời HIV/AIDS

(GĐVN) Trong cuộc sống, mỗi khi nhắc đến “cái duyên”, mọi người thường nghĩ đến những ân tình, niềm vui sướng, hạnh phúc, sự gắn kết. Nhưng, với bà Bùi Thị Đông trú tại Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội thì không hẳn như vậy bởi “cái duyên” mà bà có, được gắn với nước mắt, đau thương mang tên HIV/AIDS…

Nhìn người đàn bà nhỏ nhắn, phúc hậu, nụ cười tươi, vồn vã với mọi người, không ai tin bà có một nghị lực phi thường đến thế. Không chỉ vượt qua nỗi đau khi những người con lần lượt ra đi vì bệnh liên quan đến HIV/AIDS, bà còn là chỗ dựa tinh thần cho những người mang “án tử” quanh vùng.



<tbody>
http://giadinhvn.vn/UserFiles/Image/Phong su/20111115_KetDuyenHIV02.jpg


Bà Đông đang tâm sự vự với phóng viên. Ảnh PV

</tbody>



Nỗi đau lớn đè nặng người đàn bà nhỏ bé

Lượm nhặt vài thông tin ít ỏi từ những lần tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS, chúng tôi quyết định tìm đến chợ Nhật Tân để gặp bà Bùi Thị Đông với biệt danh “bà Đông AIDS”. Trời vừa tảng sáng bà Đông đã lui cui dọn hàng nước ra bán, gặp ai bà cũng vui vẻ trò chuyện, tay bắt mặt mừng, dường như mọi nỗi âu lo trong bà đều bị xua tan hết. Gặp và trò chuyện với bà, chúng tôi có thêm triết lý sống mới: “Âu lo đâu có ích gì, còn sống ngày nào thì hãy sống vui tươi ngày đó”.

Chẳng cần câu nệ xem người đối diện là ai, hỏi chuyện gì, bà “hồn nhiên” tâm sự hết câu chuyện đời của mình cho chúng tôi nghe. Với bà, nỗi bất hạnh đã đè nặng lên đôi vai gầy gò của mình lâu lắm rồi. Quan điểm sống của bà là sống vì hiện tại và hướng tới tương lai, còn quá khứ thì hãy để nó trôi đi êm đềm, cố gặm nhấm chỉ tội đau buồn.

Phủi tạm chiếc ghế mời chúng tôi ngồi, bà vừa dọn hàng ra bán, vừa trò chuyện. Theo bà kể thì lần đầu tiên bà “sống với con virut HIV/AIDS” là năm 1998. Thời điểm này, vì không được tuyên truyền đúng, mọi người nghĩ HIV/AIDS khủng khiếp lắm, chẳng ai dám đến gần. “Hôm ấy khi tôi đang bán hàng thì mọi người xôn xao chuyện có người thanh niên gần đó chết vì AIDS. Khi tôi đến nơi, thấy người thanh niên với thân hình gầy nhom, lở loét, nằm co quắp. Trong khi đó, tất cả người nhà của cậu thanh niên đó vì sợ lây nhiễm nên chẳng ai đến gần. Không hiểu sao trong tôi dâng lên một niềm thương vô bờ”. Bà Đông lại tiếp tục kể:

“Thấy một người lạ như tôi nước mắt đầm đìa, tự nhiên xắn tay vào thay quần áo, tắm nước lá thơm, khâm liệm cho cậu thanh niên chết vì AIDS khiến ai cũng ngạc nhiên. Nhiều người nghi ngờ: “Bà kia có quan hệ gì với thằng ấy nhỉ, chắc bà này bị điên rồi, nhìn ghê thật đấy…”. Bỏ ngoài tai tất cả, tôi vẫn từ từ làm từng công đoạn một với suy nghĩ: Nó cũng như người thân của mình ấy mà…”.

Lần ấy, người nhà của cậu thanh niên xấu số kia tỏ ý bồi dưỡng cho bà một khoản tiền, nhưng bà nhất quyết không nhận. Cũng từ đó, “tiếng tăm” của bà vang xa, chẳng thế mà cứ thấy ai chết vì HIV/AIDS, mọi người lại kéo đến nhờ vả bà. Bà trầm ngâm: “Thời ấy chỉ cần nghe đến AIDS, mọi người đã kỳ thị, tránh xa rồi. Trong khi đó, không chỉ thường xuyên khâm liệm cho những người chết vì HIV/AIDS, quán nước của tôi trở thành “đại bản doanh” cho những người dính “án tử” tập trung.

Vì thế, khách hàng cũng thưa thớt hơn. Ai cũng bảo tôi điên, chồng con thì không ngừng ngăn cản tôi đừng nên đi “vác tù và” nữa…”.

Nghe bà kể chuyện chúng tôi cũng không khỏi ngưỡng mộ trước việc thiện bà làm. Tuy nhiên, số phận lại trêu ngươi người đàn bà nhân hậu ấy khi đưa “ả phù dung” đến “quyến rũ” hai cậu con trai mà bà yêu quý hơn cả mạng sống của mình. Chẳng là vì đua đòi các bạn, hai cậu con trai của bà vốn ngoan hiền là thế lại dính vào ma túy. Dù bà hết lời khuyên răn, động viên con, bản thân chúng cũng hiểu ra được vấn đề, nhưng cứ cai được một thời gian họ lại tái nghiện.

Đau đớn hơn khi cả hai người vì không biết cách phòng tránh lây nhiễm nên đều bị nhiễm virut HIV. Bà Đông đau đớn: “Biết tin các con nghiện và nhiễm HIV, chồng tôi vội vàng khăn gói chạy theo cô gái khác. Một mình tôi phải “đứng mũi chịu sào” lo hết cho con cháu”.

Cùng năm 2001, bà hai lần phải cạn nước mắt khi phải tiễn đưa người con cả và cô con dâu chết vì AIDS. Quán nước của bà vốn đã vắng khách, nay lại còn đìu hiu hơn bởi mọi người nghĩ đó là “ổ AIDS”.

Cảm nhận được sự tủi thân khi trong đám tang của con mình, mọi người đều xa lánh, không dám đến gần. Chứng kiến những ánh mắt kỳ thị của nhiều người “ném” vào người nhiễm HIV, bà quyết định đi gặp, động viên những người không may nhiễm phải con virut quái ác kia, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu được bản chất của con virut HIV là gì.

Vượt qua nỗi đau, thành người có ích

Muốn tuyên truyền cho người khác hiểu, bà tìm đến các Câu lạc bộ dành cho người nhiễm HIV để tham gia, xin tài liệu về nghiên cứu. Từ đây, bà nhận ra rằng nhiễm HIV không hẳn là cuộc sống đã đóng chặt vĩnh viễn, chỉ cần người bệnh sống vui vẻ, khoa học, biết bảo vệ bản thân thì tương lai của họ còn dài lắm. Với những kiến thức học hỏi được, chẳng kể nắng mưa bà Đông đi tuyên truyền cho mọi người.

Bà Đông chia sẻ: “Tuy mình không mắc, nhưng bản thân mình có người thân bị nhiễm nên tôi cũng hiểu được phần nào nỗi đau mà HIV mang đến. Từ những câu chuyện đời thật của mình, nhiều người nhiễm HIV đang sống bất cần, phá phách trở nên ngoan hiền, chia sẻ với tôi. Cũng từ đây tôi nhận ra một điều rằng, nếu xã hội càng kỳ thị bao nhiêu thì HIV càng có cơ hội lây nhiễm mạnh mẽ bấy nhiêu. Bởi bản thân người mắc đã tự ti nay lại chịu sự kỳ thị của mọi người nên rất dễ bị tổn thương dẫn đến giấu bệnh và phá phách…”.

Với suy nghĩ đó, ngoài việc bán hàng tại chợ, bà kiêm luôn là tuyên truyền viên “không lương”. Từ những việc làm thực tế của bà, nói có tình có lý, khoa học nên mọi người dần thay đổi suy nghĩ, sống hòa đồng với bà và người nhiễm HIV hơn.

Cứ như thế, gần 10 năm nay bà vẫn miệt mài làm công việc của “tiếng gọi trái tim”. Với những người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối cơ thể thường đau nhức, da lở loét, nhưng bà chẳng nề hà đến động viên, đấm bóp, bôi thuốc cho họ. Bà suy nghĩ thật đơn giản: “Niềm vui, hạnh phúc là gì? Đó chỉ đơn giản là thấy tâm hồn thanh thản, biết chấp nhận cuộc sống hiện tại để vươn lên. Là được nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của người ở cuối sự tuyệt vọng mà thôi…”.

Ánh mắt bà vui tươi, miên man nghĩ ngợi điều gì đó. Chứng kiến cảnh ấy, được nghe câu chuyện của bà, tôi biết rằng bà chẳng mơ mộng đâu xa, bởi có thể bà đang nghĩ đến niềm vui của những người nhiễm HIV mà bà đã gặp. Niềm vui khi bà liên hệ được với một tổ chức, hay một đơn vị từ thiện nào đó tài trợ thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS giai đoạn cuối.

Càng đi, càng gặp những số phận đau thương, bà càng tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS hơn. Giờ đây, bà không chỉ tuyên truyền, đi giao lưu gặp gỡ, xin thuốc cho bệnh nhân quanh vùng, bà còn “vươn” đi tận các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An…

Với thông điệp gửi đến người nhiễm HIV/AIDS: “Nhiễm HIV không phải cuộc đời đã đóng chặt vĩnh viễn. Chỉ cần tim vẫn đập, dòng máu vẫn còn lưu thông, nếu ta vẫn hướng thiện, sống lành mạnh thì đó cũng là việc làm có ích cho xã hội, cũng như góp phần chuộc lại những lỗi lầm mà mình đã mắc phải…”.

Bà Bùi Thị Đông đã nhiều lần được phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội… tặng bằng khen, đó chính là những phần thưởng khích lệ những công lao thầm lặng của bà.

Nhân ngày 20.10, chúng tôi thầm chúc cho bà có sức khỏe dài lâu để tiếp tục theo đuổi công việc tình người đầy chất nhân văn ấy.


Gia Thương