PDA

View Full Version : Thí điểm điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV bằng phương thức xã hội hóa



songchungvoi_HIV
01-01-2014, 12:36
Thí điểm điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV bằng phương thức xã hội hóa

11/10/2013 12:45:24 CH
Sau hơn 20 năm đấu tranh chống lại đại dịch HIV/AIDS, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã thực hiện nhiều chương trình khác nhau trên quy mô toàn thành phố như chương trình Can thiệp dự phòng, chương trình Can thiệp giảm hại, chương trình Chăm sóc và điều trị HIV/AIDS góp phần dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng …Trong đó, chương trình Chăm sóc và điều trị HIV/AIDS của thành phố đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài thời gian sống của người nhiễm HIV và góp phần dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Đây được xem là một trong những chương trình hiệu quả và nhận được sự đánh giá cao của chính phủ và các tổ chức quốc tế.


http://pachcm.org.vn/pacweb/Images/PostImages/Cham%20soc%20dieu%20tri%201.jpg

Tính đến năm 2013, TP.HCM có 32 phòng khám ngoại trú (PKNT) bao gồm tại các bệnh viện, các khoa Tham vấn và Hỗ trợ cộng đồng quận/huyện, các Trung tâm 06, trại tạm giam. Tại các PKNT, người nhiễm HIV/AIDS được cung cấp đầy đủ các dịch vụ của Chương trình chăm sóc điều trị (CSĐT) HIV/AIDS và miễn phí như:
· Khám, tư vấn, theo dõi sức khỏe định kỳ;
· Thực hiện các xét nghiệm theo dõi tình trạng miễn dịch, các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng cơ hội;
· Được cung cấp đầy đủ các thuốc dự phòng và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội;
· Được điều trị bằng thuốc kháng retro-virus (ARV);
Tính đến cuối tháng 6 năm 2013, lũy tích số bệnh nhân đã được điều trị ARV đạt 42.232 và hiện có 22.254 bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân được điều trị ARV của cả nước.


http://pachcm.org.vn/pacweb/Images/PostImages/1yncrct4.jpg


Chẩn đoán và điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS hiện tại được căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, theo đó tiêu chuẩn đưa vào điều trị là tế bào CD4<350/mm3 máu hoặc có giai đoạn lâm sàng III/IV. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây đã chứng minh được việc điều trị ARV sớm mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người nhiễm (duy trì và cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ tử vong) cũng như cho cộng đồng và xã hội nói chung (giảm khả năng lây nhiễm, tiết giảm chi phí về chăm sóc y tế cho người nhiễm HIV/AIDS), đặc biệt nghiên cứu với mã số HPTN 052 được công bố năm 2011 đã khẳng định nếu điều trị sớm ARV (khi CD4 ở mức >350/mm3 máu) cho những cặp bạn tình “không đồng nhiễm” sẽ làm giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV cho bạn tình (gần như tuyệt đối). Bên cạnh đó, Theo tổ chức Y tế thế giới thì năm 2012-2013, với bằng chứng rõ ràng về những lợi ích của điều trị ARV sớm, tùy theo nguồn lực của mỗi quốc gia, hiện có khoảng 10 quốc gia trên thế giới (trong đó Mỹ, Ca-na-đa, một số nước Châu Âu, châu Á…) đã bắt đầu áp dụng ngưỡng điều trị với mức CD4 cao hơn (>350 tế bào/mm3 máu hoặc bất kể CD4). Thậm chí chiến lược “test and treat” (xét nghiệm tầm soát HIV và điều trị ngay khi xét nghiệm dương tính) đang được các nước cân nhắc áp dụng, nhằm hướng tới không còn người nhiễm mới và chấm dứt đại dịch HIV/AIDS. Chính từ những lợi ích và các bằng chứng khoa học của việc điều trị sớm bằng thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS như đã nêu trên, TP.HCM đã có đề án thí điểm điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV bằng phương thức xã hội hóa bắt đầu từ năm 2014 với định hướng chiến lược điều trị ARV sẽ thực hiện cùng lúc hai phương cách:
· Phương cách 1: Dựa trên tiêu chuẩn số lượng CD4 dưới 350 tế bào/mm3 máu hoặc đủ chuẩn lâm sàng để điều trị theo tiêu chuẩn quốc gia. Đây là phương cách điều trị miễn phí hiện hành.
· Phương cách 2: Điều trị ARV sớm dành cho những người nhiễm có CD4 trên 350 tế bào/mm3 máu đủ điều kiện và tự nguyện tham gia điều trị ARV sớm. Bệnh nhân chỉ trả tiền thuốc ARV và một phần chi phí dịch vụ (phần còn lại vẫn do Nhà nước và dự án chi trả). Để thực hiện được đề án này, TP.HCM đã đưa ra một số hoạt động như:
· Thiết lập được một hệ thống chăm sóc điều trị sớm cho người nhiễm HIV đủ điều kiện tham gia đề án bằng phương thức xã hội hóa và các văn bản pháp qui để vận hành hệ thống.
· Tăng cường công tác truyền thông nhằm quảng bá những lợi ích của việc xét nghiệm và điều trị sớm, giới thiệu nơi đang cung cấp dịch vụ điều trị sớm nhằm tạo sự đồng thuận của cộng đồng và sự tham gia của người nhiễm, người có nguy cơ bị lây nhiễm HIV.
· Tăng cường tiếp cận đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm HIV để tư vấn, xét nghiệm phát hiện sớm…
Nhìn chung, mô hình thí điểm điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV bằng phương thức xã hội hóa tại TP.HCM được xem là mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng. Mô hình hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS hướng tới mục tiêu “Chất lượng và bền vững” khi các nguồn tài trợ quốc tế ngày càng giảm.
Thu Vân