PDA

View Full Version : Tình người trên mảnh đất 'chết' mang tên Nhân Ái



Tuanmecsedec
14-01-2014, 19:27
Tình người trên mảnh đất 'chết' mang tên Nhân Ái

Cập nhật lúc 17:34, 14/01/2014

(Sức khỏe (http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/)) - Tình yêu, tình người vẫn nảy nở trên mảnh đất được người đời cho là mảnh đất “chết”.


Nhiều người gọi bệnh viện Nhân Ái là mảnh đất “chết” vì nơi đây chuyên chăm sóc và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

"Nhà thương" đúng nghĩa

Chúng tôi đến bệnh viện Nhân Ái vào một buổi chiều cuối năm, trời se lạnh. Cuối năm ai cũng mong sẽ sum họp gia đình; nhưng những bệnh nhân nơi đây, xuân về Tết đến với họ thực sự là buồn nhiều hơn vui…

Bệnh nhân Tô Thị Mai L. (43 tuổi), chia sẻ, tết này là cái tết thứ 3 chị L. “ăn chực nằm chờ” ở bệnh viện. “Có về nhà ăn Tết cũng không thấy vui, vì mình mang bệnh tật trong người, lối xóm cũng e dè”, chị L. chực trào nước mắt.

Chị L., sinh ra trong một gia đình nghèo. Lấy chồng khi mới 18 tuổi, vợ chồng suốt ngày cãi vã, L. cay đắng bồng con bỏ về nhà mẹ đẻ khi đứa trẻ mới vừa tròn 4 tháng tuổi. Ít lâu sau, chị “gá nghĩa” với người đàn ông làm nghề thợ xây người Malaysia rồi theo chồng về bên xứ người. Cuộc hôn nhân mới cũng không mang lại hạnh phúc, vài năm sau, chị về lại quê hương. Rồi chị L. cay đắng khi biết mình dính HIV mà không hiểu nguồn cơ lây nhiễm từ đâu.

Giọt nước từ hốc mắt trên khuôn mặt sạm đen vì kháng thuốc, thân hình khòng kheo, Chị L. chia sẻ: “Tháng trước có xin bác sĩ cho về nhà thăm con, nhưng mới được vài ngày là sụt ký, chân đi không vững. Mà ngộ, mỗi lần xin về nhà, lại cảm thấy nhớ bệnh viện lắm. Ở đây quen rồi”.


<tbody>
http://baodatviet.vn/dataimages/201401/original/images1314218_IMG_0114.JPG


Chị L. học kết giỏ cườm trong khuôn viên bệnh viện

</tbody>

Nhắc đến Tết, đôi mắt bác Nguyễn Xuân M. (61 tuổi) cũng nhòa đi. Bác cho biết đã vào Nhân Ái gần chục năm rồi và năm nào cũng đón Tết ở bệnh viện. Nơi đây đã là mái nhà của bác những ngày cuối đời. Ăn Tết trong viện chính là ăn Tết ở nhà.

“Những người bệnh AIDS, bị gia đình và xã hội xa lánh. Tuy nhiên, khi chuyển vào bệnh viện Nhân Ái, được cảm nhận tình người qua sự chăm sóc, động viên, cảm thông từ các bác sĩ, y tá nơi đây lại cảm thấy yêu đời hơn và nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống”, bác M. chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, cho biết, mỗi bệnh nhân trước khi nhiễm AIDS được đưa vào bệnh viện đều có hoàn cảnh riêng, nhưng đa phần là bị xã hội, thậm chí gia đình bỏ rơi, không có thân nhân,...Có những bệnh nhân lúc đầu còn có người thân vào thăm, rồi dần thưa hẳn. Có những bệnh nhân đến lúc thiêu xác, người thân mới vào nhận tro, nhưng cũng có những bệnh nhân, tro cũng nằm lại nơi đây mãi…

Hi sinh bản thân mình cho đồng loại

Bệnh viện Nhân Ái thành lập năm 2006, hiện có hơn 300 bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang từng ngày, từng giờ giành giật lại sự sống trước lưỡi hái của tử thần. Những con người bất hạnh mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS, phải chịu đựng nỗi đau cào xé của sự kỳ thị và thậm chí bị gia đình chối bỏ đã được đôi bàn tay, trái tim của những người thầy thuốc xoa dịu. Các bác sĩ, điều dưỡng phải làm những việc như tắm rửa, vệ sinh, xoa bóp, an ủi, vỗ về khi các bệnh nhân vật vã, đau đớn trên giường bệnh.


<tbody>
http://baodatviet.vn/dataimages/201401/original/images1314221_IMG_2549.JPG


Bệnh viện Nhân Ái, nơi điều trị, chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối

</tbody>

Vì điều trị miễn phí nên bệnh viện không có nguồn thu. Nguồn kinh phí của thành phố thì có hạn; nên để khẩu phần ăn của bệnh nhân đủ dinh dưỡng, các y bác sĩ phải tăng gia sản xuất, trồng thêm rau xanh, nuôi gà, nuôi heo,…để cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân.

Phía cuối con đường của bệnh viện Nhân Ái, là nhà tang lễ và nơi lưu cốt của các bệnh nhân xấu số không được người thân đón nhận. Hàng ngày những nén nhang vẫn tỏa hương thơm trên bàn thờ. Bên ngoài nhà lưu cốt, có hàng cây bông sứ hoa đẹp rực rỡ mà theo lời chị Nguyễn Thư Tình, Tư vấn viên của bệnh viện, thì những cây bông sứ này không bao giờ có lá nhưng quanh năm nở ra những bông hoa trắng thật đẹp.

Trên mảnh đất này, không chỉ có những bông hoa nảy nở, những mối tình cảm động giữa bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối cũng nảy nở, họ tìm thấy hạnh phúc, “bén duyên” trong những ngày điều trị bệnh tại đây. Bất chấp “thần chết” có thể mang họ đi bất cứ lúc nào; nhưng họ không bao giờ tỏ thái độ chán nản, mà luôn quan tâm chăm sóc lẫn nhau như những người trong một gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, chia sẻ: “Nơi đây không có sự kỳ thị và nỗi đau thể xác thì được xoa dịu bằng trái tim nhân ái. Những ai đang vướng phải căn bệnh HIV/AIDS còn lang thang cơ nhỡ hãy lên đây để được điều trị miễn phí”.

Đó là sự hy sinh cao cả, hy sinh bản thân mình cho đồng loại. Vô vị lợi.
Chợt nhớ Trịnh Công Sơn có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có bài thơ:

"Tôi hỏi đất:
- Ðất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:
- Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ:
- Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?"

Trên mảnh đất Nhân Ái, câu hỏi chua chát: “Người sống với người như thế nào?” sẽ được trả lời rằng: Người với người sống trong Tình và Nghĩa bằng trái tim Nhân Ái.


<tbody>
Bệnh viện Nhân Ái thuộc Sở Y tế TP.HCM, nhưng toạ lạc trên một ngọn đồi cao, hiu quạnh ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; chuyên chăm sóc và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
Bệnh viện hiện có khoảng hơn 270 cán bộ nhân viên, phần lớn đến từ TP.HCM, chấp nhận “bỏ phố lên rừng”. Đặc biệt, trong số hơn 270 cán bộ nhân viên, có khoảng 70 cặp nên nghĩa vợ chồng với nhau. Chính mảnh đất Nhân Ái đã mang họ đến với nhau. Họ sinh con, đẻ cháu trên mảnh đất Nhân Ái này và hằng ngày làm công việc của người thầy thuốc: điều trị và chăm sóc miễn phí cho những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

</tbody>

Ngô Đồng

http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/tinh-nguoi-tren-manh-dat-chet-mang-ten-nhan-ai-2364447/

Tuanmecsedec
16-01-2014, 10:54
Khi Nhân Ái làm nảy mầm sự sống

sgtt.vn, 16.01.2014 10:54 GMT+7

SGTT.VN - Cách TP.HCM hơn 200km, dù mang một cái tên thật đẹp, nhưng chẳng biết từ khi nào bệnh viện Nhân Ái (thuộc sở Y tế TP.HCM) lại được ví là “mảnh đất chết”. Vì đây là nơi chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, hay đây là nơi đèo heo hút gió, trưa nóng chan chát, tối lại lạnh giá?


<tbody>
http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=215264 (http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=215264)

Buổi chiều yên bình ở bệnh viện Nhân Ái, ở đây bệnh nhân sống chan hoà, nâng đỡ nhau. Ảnh: Vân Sơn

</tbody>

Gặp tôi ngày 11.1, cô chuyên viên tư vấn tâm lý của bệnh viện có cái tên ngộ nghĩnh, Nguyễn Thị Thư Tình, vừa cười vừa nói: “Giới truyền thông có nhiều bài viết rất hay về nơi đây, nhưng họ lại dùng một số cách nói khiến chúng tôi lo ngại như “mối tình trên vùng đất chết”, “nơi không có bệnh nhân xuất viện”. Đây là bệnh viện như mọi bệnh viện, có khác gì đâu. Có bệnh nhân tử vong, nhưng cũng có người xuất viện”.

Nơi cuộc sống mới bắt đầu

Thư Tình nói đúng. Trước đó, bác sĩ Nguyễn Thành Long, giám đốc bệnh viện, cho tôi biết, nếu năm 2012 trong 795 lượt bệnh nhân được bệnh viện tiếp nhận và điều trị nội trú, có 370 bệnh nhân ra viện (chiếm 46,5%), thì năm 2013 con số này là 494/919 (53,7%). Ngoạn mục không kém, năm 2012 bệnh viện có 118/795 bệnh nhân tử vong (chiếm 14,8%), nhưng năm qua con số đó giảm còn 89/919 (9,6%). Bác sĩ Long nói: “Đây là nơi chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối thật, nhưng không phải là nơi cuối đời của họ mà là nơi khởi đầu cho một cuộc sống mới, cuộc sống không phân biệt, không kỳ thị”.

Chiều ngày 10.1, trên đường dẫn thành viên câu lạc bộ Phóng viên y tế TP.HCM xuống khoa, Thư Tình nói: “Trừ một số bệnh nhân khoa săn sóc đặc biệt, những bệnh nhân còn lại như mọi người bình thường. Người khoẻ mạnh được huy động làm vườn, quét sân, phân phối suất ăn, trồng rau, chăn nuôi”.

Tựa vào góc tường của khoa nội B, ông Mạnh (*) nở nụ cười thật hiền khi thấy tôi từ xa. Nhìn bên ngoài, nếu không nói ra, có lẽ không ai biết ông là bệnh nhân AIDS, bởi thân hình ông khá rắn rỏi và săn chắc. Năm nay 67 tuổi, ông cho biết mình có đến 30 năm chơi ma tuý.Năm 2008, ông nhiễm HIV rồi chuyển sang AIDS không lâu sau đó. Năm 2010, ông được đưa đến bệnh viện Nhân Ái vì cơ thể quá suy kiệt. “So với lúc vào, giờ ông khoẻ nhiều chưa?”, tôi hỏi. Ông hồ hởi nói: “Khoẻ chứ, ngày nào tôi cũng đi lao động, ăn uống được, chẳng sợ gì cả. Lúc mới vào tế bào CD4 của tôi chỉ được 80 con/mm3, nhưng giờ lên đến gần 300 con/mm3 rồi”.

Được bác sĩ chữa mạnh khoẻ, ông Mạnh bảo giờ đây không còn nuối tiếc gì ở cuộc đời này. Có chăng, ông hơi buồn vì gia đình không còn ai quan tâm. Ông cười buồn: “Năm đầu vào đây, các con tôi thi thoảng còn vào thăm. Năm sau, từ khi tôi bán miếng đất bà nội để lại chia cho chúng, giờ chẳng còn đứa nào thăm nom”.

Không có người thân quan tâm, nhưng bên ông luôn có sẵn những y bác sĩ của bệnh viện Nhân Ái và cả những người chung hoàn cảnh trong bệnh viện chia sẻ. “Tôi có một quá khứ không hay, nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác. Ở đây tôi không cô đơn, sống có ích để chuộc lại lỗi lầm của mình xưa kia”, ông Mạnh nói. Ngày ngày, ông làm vườn, chăn nuôi, ai nhờ gì làm nấy, rồi ông còn tham gia nhóm đồng đẳng để tư vấn tâm lý cho những bệnh nhân khác. Đúng là bắt đầu một cuộc sống mới.

Đi tìm sự phát triển bền vững

Rộng 170ha, nằm trên một ngọn đồi trải dài hơn 1,5km thuộc địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, bệnh viện Nhân Ái bình yên, xinh đẹp không khác gì khu nghỉ dưỡng vì một bên là rừng, một bên là con đường dẫn xuống lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ.

Tối ngày 10.1, ngồi hóng mát với tôi tại khoảnh sân trước khoa cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Thành Long tâm sự: “Ở đây chuyên chăm sóc và điều trị miễn phí bệnh nhân AIDS hộ khẩu TP.HCM giai đoạn cuối. Có được cơ ngơi ngày nay là nhờ sự quan tâm rất lớn của UBND TP.HCM và sở Y tế TP.HCM. Nhưng có điều xã hội còn ít người biết đến nơi đây quá”. Băn khoăn của ông Long có cơ sở, vì thỉnh thoảng mới có đoàn đến thăm và hỗ trợ vật chất. Tất cả hỗ trợ này được dồn cả cho bệnh nhân vì chế độ ăn mỗi người quá thấp, chỉ 15.000 đồng/ngày. Ngoại trừ một công ty dầu ăn cam kết tặng một năm miễn phí sản phẩm, những hỗ trợ khác khá bấp bênh. Bệnh nhân AIDS đều suy yếu miễn dịch, rất cần dinh dưỡng, kiến nghị tăng khẩu phần ăn lên 30.000 đồng/ngày chưa biết khi nào được UBND TP.HCM chấp thuận.

Thiếu thốn vật chất, nhưng bệnh viện Nhân Ái luôn tràn đầy tình người. Nhân viên ở đây chỉ vài người sống ở Bình Phước, còn lại từ nhiều địa phương khác nhau đến. Gần nhất là TP.HCM, xa hơn có Lâm Đồng, Ninh Thuận, thậm chí là Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình. Nguyên nhân đến đây làm việc không ai giống ai, nhưng tất cả đều có chung tấm lòng yêu thương bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thành Long nói: “Ai vào làm ở đây cũng đều gắn bó, rất ít người bỏ việc hay chuyển công tác. Nhưng do điều kiện làm việc đặc biệt, việc tuyển người rất khó khăn. Chúng tôi phải tự cử nhân viên tại chỗ đi học bác sĩ chuyên tu, cử nhân xét nghiệm, dược sĩ đại học, bác sĩ chuyên khoa”.

Không chỉ tự đào tạo con người, ở bệnh viện Nhân Ái còn có mô hình tự xử lý nước thải bằng lau sậy rất thú vị, dự án thí điểm do UBND TP.HCM và sở Khoa học và công nghệ TP.HCM phê duyệt vào năm 2012. Nước thải bệnh viện, vốn chứa nhiều mầm bệnh nguy hại, được dẫn vào các ô đất trồng lau sậy nhập về từ Đức. Ở đây, nước thải được bộ rễ lau sậy lọc thành loại nước không độc hại và thải ra ngoài theo tự nhiên. Với cách này người ta không cần đầu tư máy móc, điện, hoá chất, bền vững với môi trường mà lại tiết kiệm được chi phí vận hành. Nếu thành công, dự án có thể triển khai ở những cơ sở y tế có nhiều đất.


<tbody>
http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=215265 (http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=215265)

Mảnh đất trồng thí điểm lau sậy để lọc nước thải, nếu thành công đây là một dự án bền vững môi trường.

</tbody>

Lòng nhân ái nảy nở

“Một số tổ chức nước ngoài có thể chỉ trích cách điều trị bệnh nhân AIDS như thế này, nhưng nếu đến đây chứng kiến, có thể họ thay đổi suy nghĩ, vì cách làm này rất nhân văn”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP.HCM, có mặt cùng chúng tôi trong chuyến đi nhận xét như thế.

Nhân văn thật, vì bệnh nhân không chỉ được điều trị miễn phí, mà còn hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc. Nhưng tôi tin có lẽ không nhiều bệnh nhân của bệnh viện Nhân Ái muốn về với xã hội bên ngoài, vì ở đây họ được sống chan hoà, yêu thương, nâng đỡ, và đặc biệt, nếu tuân thủ điều trị, bệnh sẽ giảm ngoạn mục.

Xuân là một trường hợp như thế. Năm nay 27 tuổi, nhỏ nhắn, xinh đẹp, cô cho biết khi nhập viện bệnh viện Nhân Ái cách đây hai năm, cô thật sự trong cảnh “thập tử nhất sinh”. Xuân nói: “Khi đó em nằm ở khoa săn sóc đặc biệt, còn ba tế bào CD4/mm3, nặng 30kg, mê sảng, da bọc xương, chỉ muốn ra đi thanh thản”. Nhưng sau một thời gian tuân thủ điều trị, giờ đây Xuân khoẻ ra không ngờ. Cô cho biết, mình đã lên được 42kg, tế bào CD4 tăng lên được 166 con/mm3!

Tối 10.1, trong buổi giao lưu văn nghệ với các thành viên câu lạc bộ Phóng viên y tế TP.HCM, Xuân và một bệnh nhân đã hát tặng mọi người nhạc phẩm Yêu nhau chưa chắc sống cùng nhau. Tôi hỏi: “Sao em chọn bài hát buồn vậy?”. Xuân trả lời: “Em hát để giải toả nỗi buồn. Nhưng em không buồn lâu đâu. Ngủ một giấc là quên hết tất cả. Sống ở đây thật vui, không ai bị kỳ thị, phân biệt cả”.

Vậy đó, bệnh viện Nhân Ái đâu phải là “mảnh đất chết”, cũng chẳng phải là nơi “đặt dấu chấm hết cuộc đời”, “hạnh phúc muộn màng” dành cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Bởi nhiều người trong số họ đã giảm bệnh thật ngoạn mục, nhiều người tìm lại niềm tin vào con người, và nhiều người cũng đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Từ ngọn đồi của bệnh viện đi xuống lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ, người ta sẽ nhìn thấy bên phải là lò thiêu (bệnh viện duy nhất của cả nước có lò thiêu!) và nhà tang lễ, nhưng bên trái lại là những vườn rau xanh mượt, do bệnh nhân và nhân viên y tế cùng chăm sóc. Ở đó, tôi thấy có những luống súplơ, rau lang, mồng tơi đang sinh sôi, nảy nở.

Có nhân ái, cuộc sống không mất đi mà luôn tiếp diễn.
BÌNH YÊN
* Các tên bệnh nhân đã được thay đổi.

http://sgtt.vn/loi-song/186889/khi-nhan-ai-lam-nay-mam-su-song.html

Tuanmecsedec
16-01-2014, 16:15
<tbody>
Tết về với những người bệnh HIV/AIDS

(16/01/2014)


Cuối năm âm lịch là thời điểm các bệnh viện vắng vẻ nhất bởi hầu hết bệnh nhân đã được xuất viện về quê đón Tết. Vậy mà tại một cơ sở điều trị nơi xa xôi gần biên giới, dường như tất cả những người "đặc biệt” sẽ phải đón một mùa Xuân mới giữa thâm sơn cùng cốc của núi rừng huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.



http://daidoanket.vn/Pictures/bao tuan/_2014/16/2014_16_7_a1.jpg
Ngoài việc hỗ trợ bạn đồng cảnh ngộ,
người nhiễm HIV còn tăng gia sản xuất

Ảnh: S.Xanh

Thêm một cái Tết xa gia đình

Vùng đất bình yên với hàng ngàn hecta cao su đỏ một màu thi nhau thay lá báo hiệu mùa xuân mới lại đến. Người người, nhà nhà háo hức chuẩn bị đón chào năm mới sang. Thế nhưng vẫn còn những người lên phương án lấy bệnh viện là nhà, chọn bạn đồng cảnh ngộ làm người thân để cùng nhau đón Tết.

Tựa cửa phòng bệnh buồn xa xăm bệnh nhân Tô Thị Mai Ly (bệnh viện Nhân Ái – Bình Phước) cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Vui vì tình hình sức khỏe của chị ổn định hơn để có thể sống qua được một cái Tết, vui vì sự đồng cảm của anh chị em và sự chăm sóc nhiệt tình của cán bộ nhân viên bệnh viện. Buồn vì một năm mới nữa lại đến và không biết trong thời gian tới sẽ như thế nào. Đưa bàn tay lên lẩm nhẩm chị giật mình phát hiện ra, đây là cái Tết thứ 4 xa nhà. Vẻ mặt rầu rĩ chị Mai Ly buồn buồn: "Không ai muốn đón Xuân xa nhà nhưng hoàn cảnh đưa đẩy mình phải chấp nhận. Lấy chồng từ năm 19 tuổi, 20 tuổi có con song đời sống vợ chồng tôi không mấy êm đẹp, sinh con được 4 tháng chia tay mỗi người một ngả. Không nghề nghiệp một mình vất vả nuôi con rồi cuộc đời đưa đẩy tôi đến đất Malaysia làm ăn sinh sống. Năm 2001 về nước, trong đợt đi khám bệnh tôi đau đớn khi biết mình nhiễm HIV? Thất vọng và hụt hẫng rồi suy sụp nặng. Nhưng rồi tình yêu của đứa con gái duy nhất cùng với sự tận tình chăm sóc của các bác sĩ tại bệnh viện giúp chị nhận ra cuộc sống vẫn còn nhiều điều ý nghĩa.

Đồng cảnh ngộ với chị Mai Ly khi mấy xuân rồi trong bệnh viện, ông Nguyễn Xuân Mai (ngụ tại quận Thủ Đức) tâm sự: "Mấy năm trời ăn Tết ở bệnh viện riết rồi quen. Mọi người đồng cảnh ngộ nên có thể chia sẻ được với nhau”. Ông Mai rưng rưng nước mắt khi nghĩ lại cái cảnh về nhà đón Tết luôn đón nhận sự ghẻ lạnh từ mọi người. Mặc dù là người nhiễm HIV nhưng tình cảm của ông với hàng xóm vẫn như ngày nào. Lúc nào ông cũng muốn thăm hỏi mọi người song đáp lại tình cảm đó ông nhận được sự kỳ thị đến ghê người. Bởi vì, mỗi lần qua chúc Tết hàng xóm họ thực hiện phép lịch sự là có mời ăn uống nhưng ngặt nỗi họ để cho ông phần ăn riêng. Ánh mắt nghi ngại trong bữa cơm làm ông lạnh hết cả người. Nhiều lần chứng kiến sự kỳ thị trên ông Mai như lạc hẳn vào một thế giới riêng và cảm thấy hụt hẫng về tình cảm. Thế là từ đó ông quyết định đón Tết ở bệnh viện để mọi người và chính bản thân ông cảm thấy thoải mái hơn.

Đồng cảm, sẻ chia

Sự kỳ thị của xã hội khiến người nhiễm HIV/AIDS thấy mặc cảm, cô đơn cho nên buộc họ phải tìm đến nơi chỉ có những người nhiễm HIV với nhau. Nơi đó, họ nhận được sự đồng cảm, sẻ chia và hơn hết là sự yêu thương lẫn nhau để cùng vượt qua tháng ngày còn lại. Và hình ảnh đó càng có ý nghĩa trong những ngày Tết này.

Bệnh viện Nhân Ái có trên 300 bệnh nhân nhưng chỉ có vài chục bệnh nhân về nhà sum họp cùng gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Bệnh nhân ở lại bệnh viện với lý do không muốn về, không có nơi để về… Để đảm bảo cho bệnh nhân sinh hoạt vui tươi, đầm ấm trong những ngày Tết cổ truyền, Ban Giám đốc bệnh viện lên kế hoạch đón Tết rất chu đáo. Hoạt động chúc Tết, tổ chức hậu cần và văn nghệ không thể thiếu. Vì thế, mỗi độ Tết không khí đón xuân tại bệnh viện không kém phần đặc sắc. Theo kế hoạch, đêm giao thừa mọi người trong các khu - các phòng giao lưu với nhau bằng các trò chơi dân gian như: hái hoa dân chủ, thi gói bánh tét, thi cắm hoa mai… Không gian ấm cúng là thế nhưng không phải ai cũng có thể hòa nhập một cách vui vẻ, đặc biệt là những bệnh nhân mới đến. Bởi vì, dù có vui đến mấy họ vẫn cảm thấy thiếu thốn một thứ tình cảm gia đình. Hơn nữa họ cảm nhận rằng, mình đang bị bỏ rơi. "Lần đầu tiên đón Tết ở bệnh viện Nhân Ái hầu hết mọi người đều buồn vì nhớ gia đình. Thậm chí, có anh chị em không muốn hòa nhập cùng mọi người và chỉ biết khóc. Gặp những người như thế tôi chỉ biết chia sẻ và tư vấn tâm lý để họ nhận biết được giá trị cuộc sống”, bà Nguyễn Thy Lan, đồng đẳng viên lớn tại bệnh viện khẳng định.

Chia sẻ với chúng tôi bà Thy Lan cho biết thêm, lần đầu đón Tết tại bệnh viện bà không thoát khỏi sự tẻ nhạt, buồn bã. Cảm giác thèm khát đời sống bình thường, thèm khát một mái ấm gia đình cứ ám ảnh trong suy nghĩ. Từng là đồng đẳng viên thân thiết của mọi người trong nhiều năm qua bà luôn tích cực hỗ trợ người bệnh thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực, hòa nhập cuộc sống mới tại bệnh viện. Sử dụng ma túy từ năm 1972 - khi còn là vợ của một phi công dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Năm 1990 bà phát hiện mình bị nhiễm HIV. Chống chết sớm, con gái được chị chồng đưa sang Mỹ sinh sống bỏ lại bà với căn bệnh HIV. Nhờ có sự giúp đỡ của mọi người bà Lan sớm tìm đến bệnh viện Nhân Ái, đồng thời nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía bác sĩ nên bà không chỉ chăm lo hơn cho sức khỏe của mình mà tập trung giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. "Tôi mong tất cả bệnh nhân sống nhiệt tình hơn nữa bằng cách tự biết cách chăm sóc cho chính mình và không ngừng giúp đỡ người khác”, bà Thy Lan bày tỏ.

Dời bệnh viện Nhân Ái khi mặt trời dần dần xuống núi để lại không gian yên tĩnh và trầm lắng; để lại những mảnh rừng cao su một màu đỏ ối. Và, ngày mới sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay, mầm xanh của sự sống không ngừng vươn lên sau một mùa thay lá.


THANH GIANG

http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=75095&menu=1395&style=1


</tbody>

Tuanmecsedec
12-02-2014, 11:56
<tbody>
Bình Phước: Loay hoay lo dinh dưỡng cho người bệnh HIV/AIDS

(12/02/2014)


Tọa lạc sâu trong vùng "thâm sơn cùng cốc” huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, bệnh viện Nhân Ái là nơi nương tựa của những cơ thể héo hắt vì căn bệnh thế kỷ (HIV/AIDS). Tuy nhiên, những người bệnh vẫn đang đếm sự sống từng ngày trong điều kiện chế độ dinh dưỡng khó khăn, bất cập…





http://daidoanket.vn/Pictures/bao%20tuan/_2014/43/2014_43_15_a1.jpg



Những người bệnh khỏe mạnh hăng hái lao động thường xuyên



Ngôi nhà của bệnh nhân HIV/AIDS


Cách TP. Hồ Chí Minh hơn 200 km, bệnh viện Nhân Ái (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) trải rộng trên ngọn đồi 170 ha biệt lập với đời sống bên ngoài.


Gần 10 năm hoạt động, bệnh viện Nhân Ái đang ngày đêm miệt mài với công việc mang đầy ý nghĩa nhân văn – chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân HIV/AIDS trong giai đoạn cuối đời. Không mất tiền viện phí, không mất tiền thuốc thang lại được chăm sóc nhiệt tình - đó là điều bất ngờ mà bệnh viện Nhân Ái đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm cho người mắc phải căn bệnh "đặc biệt”.


Theo kế hoạch hoạt động, bệnh viện Nhân Ái chuyên xử lý các trường hợp cấp cứu, sơ cứu, khám, điều trị, chăm sóc, hỗ trợ về tâm lý cho người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. 270 cán bộ công nhân viên chức chăm sóc bệnh nhân rất tận tình, chu đáo với công việc hàng ngày như: khám bệnh, tiêm thuốc, tắm, thay quần áo, đút cháo, tư vấn tâm lý… Đối với bệnh nhân tại bệnh viện Nhân Ái mỗi y bác sỹ chính là những người thân yêu nhất trong đời sống thường ngày. Bởi vì, từng miếng cơm, giấc ngủ của người bệnh đều được họ chăm lo và nâng niu từng chút một. Thậm chí, khi người bệnh trút hơi thở cuối cùng cũng chỉ có y bác sỹ là người ở bên cạnh và là người đứng ra lo hậu sự. Xuất phát từ nhiều miền quê khác nhau nhưng tất cả y bác sĩ đều có chung một tình yêu thương và sẻ chia với bệnh nhân HIV/AIDS khi cố gắng chăm sóc người bệnh bằng tất cả những gì có thể. Không ít trường hợp tìm đến bệnh viện trong tình trạng cận kề cái chết, tuy nhiên nhờ vào sự chăm sóc của bác sỹ, điều dưỡng không ít bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Bệnh viện Nhân Ái thật sự là mái nhà ấm áp, đầy tình thương cho những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh thế kỷ nương tựa trong suốt quãng đời còn lại.


Loay hoay tháo gỡ khó khăn


Nhiều năm liền tiên phong trong việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS bằng cách thực hiện tốt chức năng của mình như: đảm bảo công tác sơ, cấp cứu kịp thời, chẩn đoán, điều trị… Song song đó, bệnh viện từng bước tăng cường đào tạo cán bộ giỏi về chuyên môn lẫn quản lý, đáp ứng với yêu cầu phát triển khoa học kỹ thuật. Sau 7 năm đi vào hoạt động đến nay bệnh viện có 13 khoa/phòng chức năng đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về kỹ thuật của một bệnh viện khép kín (từ khâu nhận bệnh cho đến khâu hỏa thiêu) bệnh viện Nhân Ái đang đối diện với nhiều khó khăn về số lượng đội ngũ y bác sĩ và chất lượng dinh dưỡng cho bệnh nhân. Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn có thể yên tâm về sự gắn bó của các y bác sĩ tại bệnh viện song cái khó hiện nay chính là thiếu nguồn lực đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân vì bệnh viện chỉ có 16 bác sĩ trong khi đó nhu cầu tối thiểu cần 30”. Theo ông Long, rất ít y bác sỹ có nhu cầu công tác tại đây, bệnh viện muốn tăng nguồn nhân lực nhưng rất khó. Thời gian qua bệnh viện đã phải tự túc đào tạo và nâng cao tay nghề cho đội ngũ y bác sỹ.


Hiện ngoài kinh phí nhận từ thành phố bệnh viện chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của mạnh thường quân nên việc cải thiện đời sống cho bệnh nhân HIV/AIDS có phần khó khăn. Bệnh nhân AIDS đều suy yếu miễn dịch rất cần dinh dưỡng, thế nhưng từ khi bệnh viện được thành lập đến nay chế độ ăn của người bệnh cũng chỉ dừng lại ở mức 15.000 đồng/người/ngày, trung bình mỗi bữa ăn 5.000 đồng. Khó khăn chưa tìm được hướng giải quyết cho nên, ngoài việc chờ đợi sự chấp thuận của UBND TP. Hồ Chí Minh tăng khẩu phần ăn lên 30.000 đồng/ngày, bệnh việc đang trông chờ vào nguồn từ thiện.



THANH GIANG


</tbody>


http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=76087&menu=1425&style=1

Langthangtinhdoi
20-02-2014, 06:49
Cần thông tin chính xác hơn đó a! Bv Nhan ái, trung tâm Mai hoà. Đều nói là nhận nuôi dưỡng người giai đoạn cuối nhung thủ tục ko phải dể. Em đả làm cộng tác viên cho dự an CDC. Chuyễn gửi 1 số ca khó khăn lắm.