PDA

View Full Version : Những điều nam giới cần biết về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.



songchungvoi_HIV
23-01-2014, 21:13
03/01/2014 01:31:18 AM

1. Nếu chưa biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân và vợ


Nam giới hãy cùng bạn đời đến cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Hãy sống lành mạnh, an toàn và có trách nhiệm.



Sống lành mạnh: Không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân; Chung thuỷ với vợ; Hạn chế uống rượu bia, không sử dụng ma tuý.
Sống an toàn: Dùng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ tình dục; Dùng riêng bơm kim tiêm và các dụng cụ xuyên chích qua da khác.
Sống có trách nhiệm: Chủ động đến cơ sở y tế sớm khi có dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục như loét, tiết dịch, sưng, hạch, sùi...; Nam nữ trứơc khi kết hôn nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV.



Nam giới hãy chủ động thực hiện cac biện pháp tránh thai.



Không nên ép bạn đời mang thai và sinh con.
Quan tâm, chia sẻ với bạn đời.
Chủ động đến cơ sở y tế để được tư vấn và cùng lựa chọn các biện pháp tránh thai như sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ tình dục.



2. Nếu bản thân hoặc cả hai vợ chồng bị nhiễm HIV


Khi chỉ có người nam nhiễm HIV:



Hãy chủ động trao đổi với vợ về tình trạng nhiễm HIV của mình để phòng tránh làm lây nhiễm HIV cho vợ, con và nhận được sự chăm sóc giúp đỡ khi cần thiết. Mặc dù việc tiết lộ tình trạng nhiễm HIV với vợ có thể là một khó khăn nhưng bạn không thể dấu mãi tình trạng nhiễm HIV của mình và lại có thể làm lây truyền HIV cho vợ bạn.
Hãy đăng ký theo dõi sức khoẻ tại một cơ sở y tế thuận tiện nhất để được chăm sóc, theo dõi và điều trị khi cần thiết.
Không ép vợ sinh con khi người vợ chưa sẵn sàng.
Sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ tình dục để tránh lây truyền HIV cho vợ hoặc bạn tình.
Hãy cùng vợ đến cơ sở y tế để trao đổi với cán bộ y tế về khả năng sinh con cũng như biện pháp dự phòng lây truyền HIV sang con khi có dự định mang thai và sinh con.



Khi cả hai vợ chồng đều bị nhiễm HIV



Ngay cả khi hai vợ chồng bị nhiễm HIV, con bạn vẫn có thể được sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh và không nhiễm HIV nếu vợ bạn sớm được dùng thuốc kháng virut (ARV) và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Bước đầu tiên để đảm bảo sức khoẻ của vợ chồng bạn và đứa con là hãy tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Bạn chủ động tham gia vào một “Nhóm hỗ trợ”, “Nhóm bạn giúp bạn” và hãy tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt về cách sống chung với HIV. Hãy mạnh dạn hỏi cán bộ y tế hay các cán bộ tư vấn để được giúp đỡ và biết thêm thông tin về các hoạt động của mạng lưới “Bạn giúp bạn”.
Hãy cùng nhau đi khám định kỳ để kiểm tra mức độ suy giảm miễm dịch (số lượng tế bào CD4) và biết hệ miễn dịch của bạn như thế nào. Hãy đi khám, chụp phổi để phát hiện bệnh lao khi thấy nghi ngờ. Cả hai vợ chồng bạn cũng cần khám và sẽ được điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu cần thiết.
Hãy cùng nhau chăm sóc sức khoẻ, cùng nhau trao đổi với cán bộ y tế để quyết định việc có nên mang thai hay không.
Những việc nam giới cần làm nếu hai vợ chồng vẫn quyết định có thai:

+ Chủ động đưa vợ đi khám thai sớm để được: chăm sóc thai nghén; Dự phòng và điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV); Sinh đẻ an toàn; Tư vấn lựa chọn cách nuôi con phù hợp.
+ Động viên và hỗ trợ tinh thần cho vợ: Hãy tạo điều kiện cho vợ mình có thời gian nghỉ ngơi, bằng cách chủ động làm việc nhà và tạo ra không khí gia đình đầm ấm.
+ Quan hệ tình dục an toàn: Hãy thảo luận với vợ về quan hệ tình dục khi mang thai, hạn chế quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Hãy bảo vệ bản thân, vợ và con mình bằng cách chung thuỷ và sử dụng bao cao su đúng cách trong tất cả các lần quan hệ tình dục.
+ Hãy cùng nhau tập thể dục: Những bài tập nhẹ nhàng sẽ thúc đẩy quá trình lưu thông máu và tăng cường hệ miễn dịch rất tốt cho sức khoẻ của cả hai vợ chồng bạn. Đi bộ cũng là bài tập lý tưởng cho phụ nữ khi mang thai.
+ Duy trì chế độ ăn hợp lý: Cả hai vợ chồng cùng ăn uống điều độ, cân bằng, đủ chất. Ăn uống cân bằng có nghĩa là ăn những loại thực phẩm như rau, hoa quả tươi, các chất tinh bột như mỳ, khoai tây, các chế phẩm từ sữa như sữa chua, pho mai và chất đạm như thịt ít béo và cá hay tôm, cua, ốc, hến. Uống nhiều nước để ngăn chặn sự mệt mỏi và đau đầu. hãy tránh đồ uống có cồn, vì đồ uống có cồn không có lợi cho thai nhi, thậm chí có thể gây ra xảy thai. Tốt hơn là uống nước quả hoặc sữa.
+ Tránh căng thẳng: Bản thân bạn cũng nên học cách thư giãn, tránh căng thẳng. Hãy cố gắng tìm hiểu và trao đổi với nhau về những thay đổi mà bạn và vợ mình đang trải qua khi các bạn sắp được làm cha mẹ. Sự căng thẳng không cần thiết có thể rất có hại cho người mẹ hoặc đứa trẻ.
+ Hãy thực hiện những quyết định mà cả hai vợ chồng đã chọn. Mẹ chồng, mẹ đẻ hoặc các thành viên khác trong gia đình đôi khi có những ý kiến khác nhau, do vậy hãy kiên định với những quyết định mà các bạn thấy là tốt nhất cho đứa con của mình dựa trên những thông tin khoa học thu thập được qua các lớp chăm sóc trước sinh, các tài liệu truyền thông và các buổi tư vấn.


Thảo luận phương pháp điều trị cho cả hai vợ chồng.

+ Cán bộ y tế sẽ giúp bạn nếu 2 vợ chồng bạn cần điều trị thuốc kháng vi rút (ARV).
+ Việc điều trị bằng phương pháp nào, phác đồ nào sẽ phụ thuộc vào mức độ suy giảm miễn dịch (số lượng tế bào CD4) của 2 vợ chồng.
+ Điều quan trọng nhất là cả hai vợ chồng đều phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế.


Chuẩn bị trong thời gian chuyển dạ.

+ Hãy đưa vợ đến bệnh viện để sinh đẻ an toàn và được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
+ Hãy nói với cán bộ y tế về tình trạng nhiễm HIV của cả hai vợ chồng cũng như các loại thuốc mà vợ bạn đã và đang được điều trị để nhận được phương pháp xử lý tốt nhất giúp dự phòng lây nhiễm HIV cho con.
+ Hãy chăm sóc, hỗ trợ cho vợ, cho bản thân và chăm sóc cho con của mình sau khi sinh.


Một vài điều mà bạn và vợ có thể cùng nhau chia sẻ:

+ Học cách tắm, cho con ăn, thay tã, bế và vỗ về đứa con của mình. Tất cả những việc làm này sẽ tạo nên sự tự tin cho người bố và tăng cường tình cảm giữa hai bố con.
+ Hãy giúp vợ mình chăm sóc cho con. Chia sẻ gánh nặng sẽ làm cho hai vợ chồng bạn chăm sóc con dễ dàng hơn. Khi bạn đã thực hành cách thay tã, cho con ăn và vỗ về con, tức là bạn đã giúp đỡ vợ mình để cô ấy có thể nghỉ ngơi một chút.


Điều trị dự phòng cho đứa trẻ. Khi đứa trẻ sinh ra cần được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút, do vậy cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Đứa trẻ cũng cần được tiêm phòng sau khi sinh như những trẻ bình thường khác. Hãy hỏi cán bộ y tế để được tư vấn về việc đăng ký và theo dõi sức khoẻ cho con bạn ở một cơ sở y tế thuận tiện nhất. Bạn hãy đưa trẻ đi khám bệnh ngay khi có những dấu hiệu bất thường để trẻ được điều trị kịp thời.
Chọn cách nuôi dưỡng trẻ ăn. Hai vợ chồng bạn cần phải quyết định về việc cho trẻ ăn sữa mẹ hay sữa thay thế, hãy chủ động hỏi bác sĩ về cách nuôi dưỡng con của bạn, để đưa ra quyết định đúng đắn và phù hợp với điều kiện của bạn.

+ Nếu bạn và vợ chọn cách chỉ cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, thì đây là một lựa chọn tốt cho trẻ vì khả năng trẻ bị lây nhiễm HIV qua sữa mẹ rất thấp, nhất là khi cả mẹ và trẻ được điều trị bằng thuốc kháng HIV.
+ Nếu cho trẻ ăn bằng sữa thay thế thì luôn phải chú ý đảm bảo sẵn có đủ sữa theo từng độ tuổi, nước sạch đun sôi, khả năng tài chính để chi trả và biết cách vệ sinh dụng cụ cũng như pha sữa đúng cách.


Hãy cho trẻ đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.


* Các địa chỉ tư vấn và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:
- Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm y tế quận/ huyện...
- Khoa Sản bệnh viện huyện.
- Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh.
- Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh.
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

(C.M)
http://www.soyte.hanoi.gov.vn/?u=dt&id=9052