PDA

View Full Version : Nghề điều dưỡng - những hy sinh thầm lặng



songchungvoi_HIV
28-01-2014, 11:01
ĐIỀU DƯỠNG: NGHỀ HY SINH THẦM LẶNG LTS: Theo thống kê của Bộ Y tế, toàn quốc có hơn 80.000 điều dưỡng, chiếm hơn 50% nhân lực trong các cơ sở y tế. Công việc này cực nhọc và đòi hỏi lòng yêu nghề, nhất là với những điều dưỡng làm việc trong những khoa được coi là độc hại như HIV/AIDS, lao, tâm thần, các khoa lây nhiễm...
Gian nan chuyện nghề
"Chăm một người nhà bị bệnh đã khổ, điều dưỡng chúng tôi thì phải chăm đến hàng trăm, hàng ngàn người bệnh trong suốt thời gian làm nghề, từ A đến Z, từ vệ sinh cá nhân cho đến các thủ thuật y tế... Mà người bệnh mỗi người mỗi tính, gặp một bệnh nhân khó chịu, bất hợp tác thì công việc lại khó thêm bội phần" – một điều dưỡng đã làm hơn 20 năm trong nghề tâm sự.
http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/10/3267608148-9-CHAN.jpg

Điều dưỡng Khoa nhiễm E, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM chăm sóc bệnh nhân


NGHỀ ĐIỀU DƯỠNG - NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG
ĐIỀU DƯỠNG: NGHỀ HY SINH THẦM LẶNG
LTS: Theo thống kê của Bộ Y tế, toàn quốc có hơn 80.000 điều dưỡng, chiếm hơn 50% nhân lực trong các cơ sở y tế. Công việc này cực nhọc và đòi hỏi lòng yêu nghề, nhất là với những điều dưỡng làm việc trong những khoa được coi là độc hại như HIV/AIDS, lao, tâm thần, các khoa lây nhiễm...
Gian nan chuyện nghề
"Chăm một người nhà bị bệnh đã khổ, điều dưỡng chúng tôi thì phải chăm đến hàng trăm, hàng ngàn người bệnh trong suốt thời gian làm nghề, từ A đến Z, từ vệ sinh cá nhân cho đến các thủ thuật y tế... Mà người bệnh mỗi người mỗi tính, gặp một bệnh nhân khó chịu, bất hợp tác thì công việc lại khó thêm bội phần" – một điều dưỡng đã làm hơn 20 năm trong nghề tâm sự.

http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/10/3267608148-9-CHAN.jpg
Điều dưỡng Khoa nhiễm E, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM chăm sóc bệnh nhân
Những bệnh nhân khó tính
Cách đây không lâu, Khoa Lao – HIV của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiếp nhận một người đàn ông gần 60 tuổi bị lao cột sống. Căn bệnh hành hạ khiến bệnh nhân không thể ngồi, đi đứng như bình thường, thêm vào là ám ảnh về "cái án tử" HIV khiến ông trở nên cáu gắt và thường xuyên trút những cơn thịnh nộ lên các điều dưỡng trực tiếp chăm sóc.
Gần một năm bệnh nhân ấy nằm điều trị là quãng thời gian mà các điều dưỡng trong khoa phải chịu đựng những cơn nóng nảy thất thường của ông.
Chị Võ Thị Hồng Nhung, điều dưỡng của khoa, nhớ lại: "Mỗi lần chúng tôi cho uống thuốc, ông lại nói: "Uống làm gì, trước sau gì cũng chết", rồi vùng vằng không chịu hợp tác". Tuy nhiên, lương tâm của người làm nghề cũng như những kinh nghiệm tiếp xúc bệnh nhân khiến chị thấu hiểu người đàn ông ấy, thậm chí không ghét mà còn tỏ ra thương cảm.
Suy nghĩ đó đã khiến chị và các đồng nghiệp im lặng chịu đựng và vẫn hết lòng chăm sóc người bệnh nhân ấy. Các chị cũng không quên giải thích với ông về căn bệnh, cho ông biết rằng nếu điều trị đúng cách, cơn đau rồi sẽ chấm dứt. Hơn hết, ông vẫn còn nhiều năm sống phía trước. Nụ cười đã trở lại trong một ngày người đàn ông ấy xuất viện trong vòng tay con cháu, sức khỏe hồi phục đáng kể và đã không còn bị cái chết ám ảnh. "Đối với chúng tôi, đó là một ngày thật hạnh phúc" – chị Nhung tâm sự.
Điều dưỡng trưởng Oách Kim Nhung của Khoa Nhiễm E (HIV), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cũng cho biết: Ám ảnh cái chết của người bệnh cũng là điều mà chị và các đồng nghiệp luôn phải đối mặt. "Giải thích cho người bệnh rằng nếu điều trị tốt họ có thể sống thêm rất nhiều năm không phải là việc dễ. Thậm chí có người bệnh đòi đánh cả điều dưỡng vì nghĩ rằng việc chúng tôi đang làm chỉ là kéo dài thêm sự đau đớn của họ. Nhưng bằng lương tâm nghề nghiệp, chúng tôi chấp nhận những cơn nóng nảy đó để thực hiện tốt bổn phận. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là những suy nghĩ tiêu cực nhất thời khi họ đang phải gánh chịu nỗi đau thể xác và tinh thần của bệnh tật".
Theo sát người bệnh
Nhiệm vụ của điều dưỡng viên còn tùy thuộc vào mức độ cần chăm sóc của bệnh nhân. Với bệnh nhân nhẹ, có thể tự làm những việc căn bản như ăn uống, tắm rửa; công việc có phần nhẹ nhàng hơn. Nhưng đối với những trường hợp người bệnh mất khả năng tự phục vụ bản thân, điều dưỡng viên là người trực tiếp phải hỗ trợ họ từ những việc căn bản nhất như vệ sinh cá nhân, theo dõi 24/24 để tránh các nguy hiểm có thể xảy ra.
Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và điều dưỡng Oách Kim Nhung bị cắt ngang giữa chừng do chị phát hiện một bệnh nhân bất ngờ ngồi dậy, tỏ vẻ muốn xuống khỏi giường. Chị nhanh chóng gọi một điều dưỡng trẻ khác vào giúp đỡ người bệnh. "Cậu thanh niên ấy bị AIDS giai đoạn cuối, đã rất yếu, đi đứng không vững. Nếu chủ quan không giúp đỡ, rất có thể anh ta sẽ té ngã, rất nguy hiểm" – điều dưỡng Nhung giải thích.
Trong hơn nửa giờ ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, đôi mắt chị thi thoảng lại hướng về hai căn phòng kính, nơi có khoảng chục bệnh nhân AIDS đang nằm. Chị chia sẻ: "Hai phòng này là phòng cấp cứu, các bệnh nhân ở đây đều đã rất yếu hoặc vừa trải qua một cơn bệnh nặng, nên chúng tôi phải theo dõi rất sát. Chỉ cần lơ là, bệnh nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào. Theo sát bệnh nhân cũng là một nhiệm vụ quan trọng của nghề điều dưỡng".
Có bệnh nhân giai đoạn cuối bị lở khắp mình, luôn phải cuộn mình trong hàng chục tấm drap giường để thấm huyết tương liên tục rỉ ra. Cứ vài giờ, điều dưỡng lại phải đem chục tấm drap mới thay cho bệnh nhân – việc mà thân nhân của anh từ lâu đã sợ không dám làm. Bằng sự kiên nhẫn và tận tâm, nhiều điều dưỡng ở đây đã làm mọi điều để giữ gìn những cuộc sống chỉ còn mong manh ấy, dẫu bao nhọc nhằn...

Đêm trắng
Ở những phòng bệnh có bệnh nhân điều trị nội trú, điều dưỡng viên cũng như các bác sĩ, hộ lý đều phải chia ca túc trực ban đêm, khi mọi người đã yên giấc. Làm việc trái giờ gây nhiều mệt mỏi, nhưng họ lúc nào cũng phải tỉnh táo để ứng phó với những tình huống khẩn cấp trong đêm.
Điều dưỡng Oách Kim Nhung cho biết: có những đêm cả 4 điều dưỡng phòng cấp cứu cùng thức trắng vì có đến 2-3 ca. Không kịp nghỉ ngơi sau một đêm dài căng thẳng, đến sáng hôm sau họ vẫn tiếp tục công việc thường nhật của mình vì không còn người thay thế. Còn theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Thủy (Khoa B, Bệnh viện Tâm thần TPHCM), thông thường đêm nào cũng có 1-2 bệnh nhân tâm thần nặng lên cơn kích động. "Cái khó nhất của trực đêm là khi đó bệnh viện vắng người, nên chúng tôi càng cần theo dõi sát bệnh nhân và xử lý thật khéo léo nếu chuyện xảy ra" – chị chia sẻ.
Thắp lại nguồn sống
Ngoài vai trò của một người chăm sóc bệnh, điều dưỡng viên đôi khi còn như một người thân, người bạn giúp bệnh nhân vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống
Mới đây, Khoa Lao đa kháng thuốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) tiếp nhận bệnh nhân L.V.H. trong tình trạng nguy kịch, bị tràn khí màng phổi lẫn tràn khí dưới da, thân hình căng phồng và đau đớn theo từng chuyển động. Bệnh nhân và người nhà khi ấy đã gần như tuyệt vọng.
Vượt qua tuyệt vọng
“Chăm sóc ông H. rất cực nhọc” - anh Trần Duy Kiệt, điều dưỡng trưởng khoa, nhớ lại - “Căn bệnh khiến ông luôn cảm thấy khó thở, bứt bối, dẫn tới trạng thái tâm lý không ổn định, lúc nóng nảy, cau có, lúc lại buông xuôi. Ông H. bị bệnh nặng, lại là lao đa kháng thuốc, điều trị phức tạp nên lằn ranh sống chết lúc ấy rất mong manh”.
Người nhà ông H. có lẽ cũng đã mỏi mệt với cơn bệnh kéo dài nên hiếm khi vào thăm. vì thế, mọi vấn đề trong sinh hoạt thường ngày của ông H. đều do các điều dưỡng đảm nhận. “Chúng tôi cố gắng giúp ông cảm thấy thoải mái nhất có thể vì hiểu rằng một người bệnh nặng thường khó chịu thế nào.
Quan trọng nhất là không được để bệnh nhân nản lòng vì lao đa kháng thuốc vốn phải điều trị kéo dài và nghiêm ngặt hơn lao thông thường” – anh Kiệt cho biết. Nhờ đó, một thời gian sau, sức khỏe ông H. dần hồi phục, thoát khỏi tình trạng tràn khí và hiện đang điều trị tiếp tục tại nhà.
Đến giờ, chị Oách Kim Nhung, điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm E (HIV) Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM), vẫn không quên ca HIV đầu tiên được đưa đến khoa năm 1991.

http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/11/8-9-chan1_500x375.jpg

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hương, Khoa Lao đa kháng thuốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), chăm sóc người bệnh




“Khi đó, HIV còn rất lạ lẫm khiến bệnh nhân cũng như tập thể y, bác sĩ, điều dưỡng rất lo âu” – chị kể lại. Cô gái trẻ ấy nhập viện trong tình trạng sức khỏe khá xấu. Chị Nhung cố gắng vượt qua cảm giác lo sợ trước loại virus mới và nguy hiểm để trấn an người bệnh, giúp cô gái thoát khỏi tuyệt vọng và hợp tác trong điều trị.
Như một phép màu, đến nay đã gần 20 năm, bệnh nhân ngày nào vẫn khỏe mạnh và chọn cho mình cuộc sống bình dị của một nhân viên văn phòng. Chị Nhung hồ hởi: “Mỗi tháng, cô ấy vẫn đến đây nhận thuốc một lần. Cô thường kể nhiều chuyện về công việc và cuộc sống rất lạc quan, vui vẻ hiện nay của mình”.
Tạo sự tin tưởng
Đến Khoa A Bệnh viện Tâm thần TPHCM, chúng tôi gặp một thanh niên tâm thần phân liệt đứng chắn ngay cửa ra vào (cửa đã bị khóa) nằng nặc đòi về nhà. Điều dưỡng trưởng khoa Cao Đức Xuân Kiều đã nhanh chóng có mặt, nhẹ nhàng dỗ dành người thanh niên vào giường chích thuốc.

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng,Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM:
Phải như người thân
Điều dưỡng phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức về chuyên ngành mình đang công tác. Họ phải biết lắng nghe bệnh nhân để hiểu rõ về người mình đang chăm sóc, từ đó có cách giúp đỡ hợp lý cũng như làm cầu nối truyền đạt với bác sĩ thông tin về bệnh. Đặc biệt với các bệnh nhân nội trú, điều dưỡng là người theo sát nhất nên cần như một người bạn, người anh, người chị... trong gia đình, làm điểm tựa cho họ trong những giai đoạn khó khăn của căn bệnh, nhất là những bệnh nhân “cô đơn” thiếu bàn tay chăm sóc của người nhà.
Riêng các điều dưỡng trong ngành tâm thần của chúng tôi, họ còn phải là những cán bộ y tế tâm lý để hiểu được thế giới đặc biệt trong suy nghĩ của những người tâm thần, từ đó đồng hành cùng họ vì yếu tố tâm lý là đặc biệt quan trọng trong chặng đường điều trị bệnh tâm thần
Sau đó, thêm 3-4 điều dưỡng, hộ lý dùng nhiều cách khác nhau để khuyên răn và hơn 5 phút sau, bệnh nhân mới chịu trở về giường. “Người bệnh tâm thần nặng không suy nghĩ như người bình thường nên phải hết sức nhẹ nhàng, tạo cho họ cảm giác yên tâm, họ mới hợp tác” – anh Kiều chia sẻ.
Do tính chất đặc biệt của người tâm thần, ngoài chức năng chăm sóc bệnh nhân, mọi điều dưỡng ở đây đều phải học cách trò chuyện với họ. Đó không phải là những cuộc trò chuyện thông thường mà phải dựa trên kiến thức về tâm thần để thuyết phục bệnh nhân trong quá trình điều trị, trấn an họ và nhất là làm dịu những cơn kích động thường gặp ở người tâm thần. Vì thế, tạo được sự tin tưởng nơi bệnh nhân là điều mà các điều dưỡng ở đây luôn cố gắng.
Khoa Lao đa kháng thuốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có hẳn một nhóm 3 điều dưỡng chuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Thạc sĩ – bác sĩ Phan Thượng Đạt, trưởng khoa, cho biết: “Lao kháng thuốc khó điều trị, thời gian điều trị có khi dài gấp mấy lần lao thường (tối thiểu 18 tháng với 6 loại thuốc đặc trị khác nhau) nên tâm lý chán nản thường gặp ở bệnh nhân.
Bên cạnh đó, nhiều người khi vừa biết mình bị lao kháng thuốc thường rất sốc, dẫn đến stress. Rồi những vấn đề khác như tác dụng phụ của thuốc, điều kiện kinh tế eo hẹp không theo nổi việc điều trị... cũng làm bệnh nhân hoang mang, cần đến tư vấn”.
Nhóm 3 điều dưỡng này làm nhiệm vụ tìm hiểu về gia cảnh bệnh nhân, gọi điện thoại nhắc nhở khi họ không đến tái khám đúng hẹn, liên hệ với các tổ chức từ thiện để giúp đỡ những bệnh nhân quá khó khăn. “Tâm lý ổn định là một phần rất quan trọng để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao” - bác sĩ Đạt nhận xét.
Người điều dưỡng còn là chiếc cầu nối với thân nhân người bệnh khi cần thiết, an ủi họ khi có tình huống không may xảy ra. Điều dưỡng Lê Viết Đông của Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch kể lại: “Lần ấy, đứa bé 4 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 sang đã không qua khỏi vì bị lao màng não quá nặng. Mẹ cháu gần như quỵ ngã. Chúng tôi phải động viên, an ủi bà rất nhiều. Đó cũng là việc làm cần thiết để các thân nhân trong lúc mất mát không có những hành động thiếu suy nghĩ để rồi nỗi đau chồng chất nỗi đau...”.
Quên mình vì người bệnh
Những ngày tháng bị lây bệnh của điều dưỡng bệnh viện lao hay những vết sẹo trên cơ thể các điều dưỡng tâm thần... đã đổi lại cơ hội được sống, được phục hồi của nhiều người bệnh
Mang hai chiếc khẩu trang, đi qua hai lớp cửa cách ly, chúng tôi được các điều dưỡng của Khoa Lao đa kháng thuốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch dẫn vào phòng bệnh ghi hình. Các anh không quên nhắc nhở phải thao tác thật nhanh vì ở phòng bệnh càng lâu nguy cơ lây nhiễm càng cao. Vậy mà, đây là nơi các điều dưỡng thường trực làm việc, chăm nom người bệnh.

http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/13/19049457989chan2.jpg

Thường xuyên tiếp xúc với căn bệnh dễ lây nhưng các điều dưỡng Khoa Lao HIV Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vẫn tận tình chăm sóc bệnh nhân




Nhọc nhằn điều dưỡng khoa lây
Điều dưỡng Võ Thị Hồng Nhung (Khoa Lao HIV Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) cho biết hiện trong khoa cũng đang có người phải tạm nghỉ làm để điều trị lao. “Đây là bệnh lây qua đường hô hấp nên nguy cơ lây nhiễm khá cao nhưng không ai vì đó mà bỏ nghề. Trái lại, điều đó càng làm điều dưỡng chúng tôi hiểu thêm về bệnh và tâm huyết với nghề hơn” – chị tâm sự.
Điều dưỡng Khoa Nhiễm E – HIV của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hầu hết đều dưới 30 tuổi, có người mới ra trường cách nay không lâu. Với kiến thức của người công tác trong ngành y, các cô đều hiểu rõ về những nguy cơ mình phải đối diện khi vào nghề. AIDS không phải một bệnh dễ lây nhưng các bệnh cơ hội đi kèm, đặc biệt là lao, luôn chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Điều dưỡng trưởng Oách Kim Nhung cũng nói thêm: “Nhiều người bị HIV mặc cảm, buồn phiền và có ý nghĩ tiêu cực, điều đó dễ dẫn đến những phản ứng bất thường mà mỗi xô xát đều có thể dẫn đến tai nạn nghề nghiệp. Do đó, ứng xử khéo léo, tinh tế cũng là một cách điều dưỡng viên tự bảo vệ mình”.
“Lúc mới vào nghề, bản thân tôi cũng có chút ngại ngần. Nhưng tiếp xúc nhiều ca bệnh, nhìn nhiều người đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, tôi nhận ra rằng việc góp sức giúp người khác thoát khỏi bệnh tật là quan trọng hơn cả” – điều dưỡng Lê Viết Đông của Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chia sẻ. Sau một lần nhập viện năm 12 tuổi, vượt qua cơn bệnh nặng trong vòng tay của các bác sĩ, điều dưỡng, anh đã thấu hiểu và yêu cái nghề nhọc nhằn nhưng đẹp đẽ này. Đó cũng là lý do anh trở thành điều dưỡng viên.
Cách đây một năm, khi đến thăm Khoa E2 của bệnh viện, một khoa chuyên dành cho bệnh nhân nghèo, vô gia cư, điều dưỡng trưởng Trần Xuân Tiến đã cho chúng tôi xem một lá thư. Đấy là lời cảm ơn rất chân thành của một bệnh nhân, được gửi đến sau một tháng ra viện. Anh cho biết đó là điều an ủi rất lớn đối với bản thân.
Người điên nổi loạn
Trong căn phòng lúc nào cũng ồn ào vì những tiếng la hét, lảm nhảm của người tâm thần, điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh Mai của Khoa B Bệnh viện Tâm thần TPHCM chỉ cho chúng tôi xem vết sẹo dài chừng 5 cm trên cổ chân. “Đấy là “kỷ niệm” của một ca trực đêm” – chị cười.
Chuyện xảy ra đã vài năm. Quá nửa đêm, một bệnh nhân đã bất ngờ tỉnh giấc và nổi cơn điên, vùng chạy và tấn công những người anh ta gặp phải. Chị Mai cùng 3-4 người khác đuổi theo để khống chế đưa bệnh nhân trở lại giường. Trong cơn giằng co ngay giữa sân bệnh viện, bệnh nhân đã xô ngã một chiếc ghế đá và gây ra vết thương trên chân chị. “Điều đó cũng... bình thường thôi” - đáp lại sự ngạc nhiên của chúng tôi, chị kể tiếp: “Bệnh nhân nổi loạn ở bệnh viện này hầu như ngày nào cũng có, việc nhân viên y tế bị tấn công không còn là chuyện lạ. Cách đây không lâu, một nam điều dưỡng ở Khoa A đã phải nghỉ làm mấy tháng vì bị bệnh nhân đánh gây chấn thương nặng ở đùi”.
Điều dưỡng trưởng Khoa A, anh Cao Đức Xuân Kiều, kể lại trường hợp nam bệnh nhân bất ngờ tháo bóng đèn trong phòng bệnh, bẻ đôi và tấn công mọi người, đòi ra: “Lúc ấy, phải huy động nhiều người khiêng mấy tấm nệm bọc anh ta lại để anh ta đừng đâm bóng đèn vỡ nhọn hoắt vào người khác. Không dễ dàng gì, vì còn phải khéo để bệnh nhân không làm chính mình bị thương. Mất gần 15 phút, làm đủ cách, cả chục người mới đưa được bệnh nhân vào giường. Cũng may là không ai bị thương...”.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, điều dưỡng trưởng Khoa B của bệnh viện, chia sẻ: “Thật ra, các bệnh nhân tâm thần có kích động cũng là do họ không làm chủ được mình. Họ tấn công chúng tôi nhiều nhưng chúng tôi càng thấy thương cảm họ hơn vì đó là nỗi đau của những người mang bệnh, lý do khiến họ bị nhiều người xa lánh”. Theo chị, khi có bệnh nhân lên cơn, những lời khuyên chân thành, đúng phương pháp vẫn là cách hữu hiệu nhất để giúp họ dịu lại. Là điều dưỡng, các anh chị dành rất nhiều thời gian trong ngày để trò chuyện với người bệnh. “Người tâm thần dễ cảm thấy cô độc, rất cần được chia sẻ, được hỗ trợ về mặt tâm lý nên bổn phận của điều dưỡng chúng tôi còn là làm bạn, làm giá đỡ tâm lý cho người bệnh” – chị Thủy nói thêm.
Sau những giờ phút căng thẳng giải quyết bệnh nhân kích động, các điều dưỡng vẫn giữ lấy nụ cười, tiếp tục đi thăm các phòng bệnh cho dẫu bất cứ lúc nào họ cũng có thể nhận những cú đánh bất ngờ. Các chị điều dưỡng Thủy, Kiều, Mai... đã có mấy chục năm gắn bó với nghề, với không ít những lần bị bệnh nhân tấn công. Nhưng họ biết rằng vẫn còn nhiều số phận cần bàn tay chăm sóc ân cần để một ngày được về với đời...

Thạc sĩ – bác sĩ Phan Thượng Đạt, Trưởng Khoa Lao đa kháng thuốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch: Cần bảo vệ chính mình
Điều dưỡng viên cần nắm vững kiến thức, cẩn thận trong công việc và tuân thủ các quy định để bảo vệ chính mình. Những việc tưởng chừng rất nhỏ như mang khẩu trang, găng tay, tắm rửa trước khi ra về... đều rất quan trọng vì điều dưỡng là những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Tại khoa, chúng tôi dán rất nhiều áp phích, tờ rơi có nội dung về ngăn ngừa lây nhiễm để nhắc nhở bệnh nhân, thân nhân và chính nhân viên y tế. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thực hiện việc quản lý hành chính chặt chẽ, bố trí công việc khoa học để hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh.
http://hungvuongred.com/vn/tin-tuc/tin-tuc-xa-hoi/nghe-dieu-duong-nhung-hy-sinh-tham-lang-598/