PDA

View Full Version : “Mẹ nuôi” của những trẻ nhiễm HIV



songchungvoi_HIV
04-02-2014, 08:43
Thứ bảy 01/02/2014 17:00


Không mang nặng đẻ đau, không chung máu mủ, nhưng người phụ nữ ấy luôn yêu thương, chăm sóc cho các em không may mắn nhiễm HIV như chính những người con đẻ của mình.

Chị là Nguyễn Thị Lập, sinh năm 1959, ở Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Là “mẹ nuôi” của 80 trẻ nhiễm HIV ở Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2, Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội, chị Lập đã từng chăm sóc cho rất nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có những hoàn cảnh kém may mắn.
Trước đây từng là học viên cai nghiện ở trung tâm từ năm 2002, trong thời gian là học viên ở trung tâm, chị được phân công làm vườn, nấu nướng cho các trẻ nhiễm HIV/AIDS.



http://tiengchuong.vn/Uploaded/nguyenthilananh/2014_01_24/DSCN2062.JPG


Mẹ nuôi Nguyễn Thị Lập và con tại Trung tâm. Ảnh Thùy Chi
Xúc động hồi tưởng lại những ký ức của hơn chục năm trước, ngày chị mới bắt tay vào công việc không dễ dàng này, chị Lập cho biết, chị đã chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng để hồi gia sau gần 2 năm học nghề và giáo dục tại Trung tâm vì những lầm lỗi trong quá khứ. Nhưng khi nhìn thấy những ánh mắt ngây thơ, lạ lẫm và những đôi chân thơ dại đang chập chững bước trong khuôn viên rộng lớn của trung tâm, đặc biệt là những tiếng khóc xé lòng của con trẻ, bước chân chị chùn lại.
Sau thời gian kết thúc cai nghiện bắt buộc, chị Lập đã tình nguyện nộp đơn xin ở lại trung tâm, mặc dù các con chị ra sức khuyên ngăn, mong mẹ trở về nhà để an hưởng tuổi già. Và rồi cả những lời chỉ trích của những người thân và mọi người xung quanh như “gần gũi, chăm sóc trẻ em bị bệnh nan y như thế, nhỡ lây bệnh thì khổ”…
Chị Lập đã phải giải thích cho các con và mọi người hiểu hoàn cảnh thương tâm của các trẻ ở đây. Đa số các em đều mồ côi, không cha mẹ và đều nhiễm HIV. Một câu hỏi vẫn luôn đau đáu trong chị “bị bỏ rơi như thế, không có người yêu thương, chăm sóc, những đứa trẻ sẽ sống ra sao?”.
Thế rồi, các con chị cũng đã ủng hộ và để chị ở lại trung tâm. Ngày đầu thành lập, trung tâm chỉ có khoảng 4, 5 trẻ. Bây giờ, khi trung tâm nhận nuôi và chăm sóc đến 80 trẻ nhiễm HIV thì cũng đã có nhiều người như chị xin được ở lại để làm “mẹ nuôi” chăm sóc cho các bé.
Trung tâm chia ra khoảng 6 nhà khác nhau, mỗi nhà có 2 “mẹ nuôi” chăm sóc cho các con. Ngôi nhà Bí Ngô của mẹ Lập có 19 con, từ sơ sinh đến 18 tuổi, các bé đều nhiễm HIV nên các “mẹ nuôi” phải chăm sóc các con rất cẩn thận, sạch sẽ để không bị lây nhiễm.
Chị Lập cho biết, nhiều bé nhiễm HIV bị nhiễm trùng cơ hội lở loét khắp người, chảy dịch không ngừng nên hai bảo mẫu phải thay phiên nhau lau chùi, bôi thuốc. Có bé bị biến chứng lên não, cả ngày lẫn đêm sốt cao, lên cơn co giật, la hét, đi ngoài liên tục khiến các mẹ phải chạy lo thay tã lót, quần áo, cho uống thuốc, dỗ dành và chườm thuốc, xoa dịu cơn đau cho các bé.
Mỗi bé ở đây có những cảnh ngộ khác nhau nhưng đều đáng thương như nhau. Tất cả những phận đời đó được chị lưu lại trong hồi ức và giữ mãi cho riêng mình. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với chị Lập là trường hợp của bé Đức Anh.
Chị Lập bùi ngùi chia sẻ, năm 2004, Đức Anh được chuyển đến Trung tâm khi mới 2,5 tháng tuổi và nặng chưa đầy 2 kg. Nhìn đứa bé chỉ còn da bọc xương, lại lở loét khắp người, các cán bộ Trung tâm ái ngại nhìn nhau lắc đầu. Lúc ấy, nhìn đứa bé non nớt, chị đã nhận chăm Đức Anh. Có lẽ tình yêu thương lớn lao đối với đứa trẻ đã chiến thắng nỗi sợ hãi trong chị.
Đón đứa trẻ từ tay lãnh đạo Trung tâm, chị vội vã đưa bé vào tắm rửa, lau chùi, sát trùng các vết thương rồi bôi thuốc cho bé. Vì sức đề kháng quá yếu nên Đức Anh không thể mút nổi bình sữa, chị lại cần mẫn bón từng giọt sữa cho bé.
Ông trời đã cảm thương hai mẹ con. Một tuần sau khi cặm cụi tắm lau rửa cho Đức Anh bằng lá chè, các vết thương của bé đã se lại, bé cũng dần biết tự bú sữa bình, rồi ăn dặm… Sức khỏe của bé cũng tiến triển khá tốt, cân nặng tăng lên trông thấy, trông bé rất khôi ngô và đẹp trai.
Được 8 tháng, đang hồng hào, khỏe mạnh, Đức Anh bỗng nhiên bỏ ăn, Ban lãnh đạo Trung tâm thay đổi các kiểu khẩu phần ăn bé cũng lắc đầu không chịu ăn. Chị Lập đã mua ngũ cốc cho bé ăn, cậu bé đã ăn trở lại nhưng do ảnh hưởng não, bé bị lên cơn co giật, tím tái hết cả người. Do cơn đau hoành hành, đêm nào hai mẹ cũng phải thay phiên nhau để chăm sóc bé. Cứ thế, hơn một năm trời, hai mẹ vật vã với Đức Anh, đến khi 23 tháng thì cháu mất.
“Lúc cháu mất, tôi thấy đau xót như mất chính đứa con đẻ của mình. Nhớ lại những lúc bé cất tiếng gọi mẹ, lòng tôi như quặn lại. Mấy tháng trời tôi cứ như người mất hồn, chả thiết ăn uống gì cả…”, chị Lập bộc bạch với đôi mắt ngấn nước.
Chị Lập cũng bùi ngùi khi nhớ về cảnh ngộ của bé Uyên. Uyên không bị lây truyền từ mẹ sang con, mà nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc cho bố ốm.
Vào Trung tâm từ lúc 7 tuổi, giờ đã 17 tuổi rồi nhưng 10 năm qua chưa lần nào Uyên được về đón Tết cùng gia đình vì bố đã về nơi chín suối còn mẹ thì đã lên xe hoa cùng người khác.

http://tiengchuong.vn/Uploaded/nguyenthilananh/2014_01_24/DSC_0568_copy.JPGCác con tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2,Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội. Ảnh Thùy Chi
Bận rộn với những đứa con nhỏ trong ngôi nhà Bí ngô, chị Lập đã tự động viên mình ở lại mỗi khi Tết đến. Đã 5 cái Tết rồi chị không về nhà… Các con chị trách, “mấy năm trời chúng con chỉ mong mẹ về ăn Tết với chúng con mà sao mẹ cứ ở lại đấy?”.
Chị Lập rơm rớm nước mắt, chị cũng rất muốn có những bữa cơm đầm ấm, xum họp bên gia đình, nhất là những ngày Tết. Tuy nhiên, nghĩ đến các con ở trung tâm, chị lại không cầm được lòng. Cứ gần đến Tết, chị lại tranh thủ về nhà mua sắm đồ cho nhà rồi lại vội vàng quay trở lại trung tâm để đón Tết với các con.
Ngôi nhà Bí ngô do chị phụ trách có 19 con thì thường Tết có khoảng 4 con về. Nếu chị về nhà chung vui Tết với gia đình thì không biết ai sẽ trông các con. Nghĩ thấy tội các con nên chị quyết ở lại cùng vui Tết với các con. Tết năm nay cũng vậy, chị sẽ cho các con đi chơi tết, đi thăm các mẹ nuôi. Trung tâm cũng sẽ tổ chức nhiều sự kiện như văn nghệ, các cuộc thi, trò chơi và trao quà tặng cho các con trong dịp Tết.
Mười hai năm gắn bó với các con như ruột thịt, chị Lập chia sẻ: "đây chính là cuộc sống của chị, sống với các con đã lâu, nảy sinh nhiều tình cảm nên bây giờ chị không muốn rời bỏ các con". Người mẹ nuôi này đã nguyện ở đây chăm sóc các con đến khi nào “không còn sức nữa”.

Thùy Chi
http://tiengchuong.vn/HIVAIDS/Me-nuoi-cua-nhung-tre-nhiem-HIV (http://tiengchuong.vn/HIVAIDS/Me-nuoi-cua-nhung-tre-nhiem-HIV/9767.vgp)