PDA

View Full Version : Sản phụ 7 năm mang HIV bỗng... hết bệnh



songchungvoi_HIV
09-02-2014, 14:23
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm test nhanh, dương tính giả, khiến nhiều bệnh nhân hoang mang về căn bệnh thế kỷ, PV đã có cuộc trao đổi với Th.s Nguyễn Thái Minh - Phó trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội.
Nguy cơ lây nhiễm của nữ cao hơn nam

- Trên thực tế, có trường hợp sản phụ khi sinh con đi làm xét nghiệm tới 3 lần ở bệnh viện cho kết quả dương tính với virus HIV. 7 năm sau, sản phụ này phải làm một số xét nghiệm về máu và kết quả thật bất ngờ, âm tính với virus HIV. Xét về góc độ y học, ông giải thích vì sao lại có chuyện như vậy?

Về mặt y học, một người muốn có kết quả xét nghiệm chính xác về HIV, người bệnh phải làm xét nghiệm qua 3 phương pháp khác nhau, cho 3 kết quả đều là dương tính. Khi đó mới đủ căn cứ xác định là người đó nhiễm HIV. Tất cả những test xét nghiệm nhanh đều có ưu điểm là độ nhạy rất cao. Bên cạnh ưu điểm của test nhanh thì việc sai số cũng nhiều.

Đó là về mặt y học, về luật Phòng chống HIV đã quy định rất rõ tại Điều 29 là chỉ những nơi mà bộ Y tế quy định mới được phép kết luận một người có bị nhiễm HIV hay không.


http://hanoimoi.com.vn/Uploads/anhthu/2013/9/4/hiv.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thái Minh, Phó trưởng khoa truyền nhiễm BVĐK Đống Đa Hà Nội.


Quay trở lại vấn đề bạn hỏi, việc một phụ nữ sinh con khi đi làm xét nghiệm 3 lần đều có kết quả dương tính với HIV và phải chung sống với kết quả đó 7 năm nay, nếu sự thật sản phụ đó đã làm xét nghiệm tới 3 lần đều cho kết quả dương tính với HIV rất có thể đó là dương tính giả. Nhưng tôi nghĩ có thể do lo sợ, e ngại nên bệnh nhân đó đã không đi khám lại mà chỉ biết là dương tính đồng nghĩa với việc mình đã nhiễm HIV.

Mặt khác, phía bệnh nhân cũng phải tự mình tìm hiểu qua các kênh thông tin, có rất nhiều kênh thông tin có thể giúp mọi người tìm hiểu một cách rõ ràng về căn bệnh HIV hoặc đến các trung tâm để được hỗ trợ hoặc tư vấn miễn phí. Trên thực tế, có trường hợp chồng nhiễm HIV nhưng vợ thì không, có người vợ nhiễm, chồng lại không. Cấu tạo bộ phận sinh dục của nữ có bề mặt tiếp xúc rộng hơn so với nam giới, do đó bề mặt xây xát của nữ nhiều hơn dẫn đến tỉ lệ nữ lây nhiễm cao hơn nam. Và đây là điều dễ hiểu khi sinh con đi làm xét nghiệm, nhiều phụ nữ mới phát hiện mình bị nhiễm HIV.

Những điều tưởng cũ nhưng rất mới

- Nhiều người rất mơ hồ về HIV: Ông nghĩ sao về điều này?

Trong thời gian cửa sổ của căn bệnh HIV người nghi bị nhiễm (quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung kim tiêm, xây xát chảy máu) người ta gọi là thời kỳ phơi nhiễm. Trong thời gian đó nếu người bệnh được điều trị kịp thời bằng uống thuốc trong thời kỳ phơi nhiễm sẽ an toàn.

Những loại thuốc này không phải là quá đắt chỉ dùng cho bác sỹ mà tất cả mọi người không may tiếp xúc với mầm bệnh đều được bác sỹ tư vấn cho dùng. Tuy nhiên, loại thuốc này người bệnh phải trả tiền chứ không được cấp miễn phí.

Vào thời điểm này khẩu hiệu "Đừng chết vì thiếu hiểu biết" vẫn còn nguyên tính thời sự. Thực tế còn rất nhiều người hiểu mơ hồ về HIV, thậm chí người ta còn làm cái chòi để đưa người thân bị nhiễm HIV ra đó sinh sống, tách bạch với gia đình vì sợ lây nhiễm. Trong khi các phương tiện thông tin đại chúng nói suốt ngày về sự lây lan của virus HIV nhưng nhiều người vẫn không hiểu lây nhiễm từ đâu, như thế dẫn đến hậu quả là có người nhiễm HIV chết nhanh hơn vì sự kỳ thị của người thân và sự ghẻ lạnh của những người xung quanh. Nhiều trường hợp, người bị nhiễm HIV khi bị sốt về một viêm nhiễm khác, nhưng người thân của họ không đưa tới bệnh viện điều trị, vì cho rằng sốt do bị HIV và thực tế có người bệnh chết vì bệnh khác, không chết về HIV.

Rõ ràng là sự kỳ thị, thiếu hiểu biết vẫn còn rất lớn trong suy nghĩ của nhiều người dân, thậm chí ngay tại Hà Nội vẫn có người hiểu một cách mơ hồ về sự lây lan của căn bệnh này.

- Ông có lời khuyên gì đối với những người có nhu cầu về xét nghiệm HIV để có được kết quả chính xác tuyệt đối?

Như tôi đã nói, nếu một trong hai người là vợ chồng, bạn tình của nhau mà nhiễm HIV thì người còn lại khi đi xét nghiệm phải nói thật với bác sỹ về tình trạng của mình hoặc đề nghị với bác sỹ cho làm xét nghiệm Elisa luôn. Thông thường thì bác sỹ làm test nhanh. Phương pháp này có độ nhạy rất cao, nếu có dương tính khi đó làm thêm xét nghiệm khác bằng hai phương pháp khác nhau. Điều tôi muốn nhắn nhủ với tất cả những người nhiễm, nghi nhiễm virus HIV hãy bình tĩnh. Nhiễm HIV không có nghĩa là chết, hãy tới các trung tâm y tế để được tư vấn và điều trị.

Xin cảm ơn ông!
Theo Người đưa tin
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/617180/san-phu-7-nam-mang-hiv-bong-het-benh (http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/617180/san-phu-7-nam-mang-hiv-bong-het-benh)