PDA

View Full Version : Tấm gương bình dị mà cao cả



songchungvoi_HIV
27-02-2014, 11:43
Thứ năm, 27/02/2014 08:28
(CATP) Hơn 30 năm theo nghề y, trong đó có 13 năm điều trị, tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS, bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông (SN 1954, Trung tâm Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận Bình Thạnh, TPHCM) đã trở thành người mẹ thứ hai của nhiều bệnh nhân. Sự tận tụy của bà đã khơi dậy trong họ khát vọng sống và quyết tâm vượt qua nỗi ám ảnh bệnh tật.NGÃ RẼ YÊU THƯƠNG
Bác sĩ Đông sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại tỉnh Long An. Cả mẹ và chị gái bà (liệt sĩ Ngô Thị Trừng) đều là bác sĩ. Giai đoạn 1972 - 1979, bà học đại học y khoa tại Bulgaria rồi về công tác tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội. Khi cha mẹ già yếu, em gái trở về từ chiến trường Tây Nam với nhiều thương tật, bà quyết định chuyển vào TPHCM để tiện chăm sóc cả nhà. Bác sĩ Đông nhớ lại: “Rời BV Phụ sản Hà Nội vô miền Nam, tôi công tác tại Trung tâm Y tế quận 4, TPHCM. Ở đây, tôi là bác sĩ chuyên trách về kế hoạch hóa gia đình. Chúng tôi phải lặn lội vào trong những hẻm sâu, đến từng nhà thăm người dân, động viên và vận động họ kế hoạch hóa gia đình. Tôi cũng tham gia khám, tư vấn về bệnh lây qua đường tình dục tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM và tổng đài 1080. Tôi có dịp tiếp xúc và hiểu hơn về đời sống người lao động nghèo”.
Năm 2001, bác sĩ Đông trực tiếp khám, chữa bệnh cho nhóm nguy cơ cao tại quận 4. Năm 2005, bà chuyển về Trung tâm Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng (TTTVVHTCĐ) quận Bình Thạnh.
http://congan.com.vn/images1/ToaSoan-BanDoc/02-14/6c-2563.gif
Ngô Thị Ánh Đông tư vấn về HIV
TẬN TÂM, TẬN LỰC
Trưa, Sài Gòn nắng gắt, bác sĩ Đông vẫn ngồi bên những chồng bệnh án cao ngất trong phòng khám. Cánh cửa bật mở, bà L.T.H (SN 1961) tất tả bước vào khoe: “Cô Đông ơi, thằng H.Q nhà tui bữa nay khỏe lên nhiều và còn đi được nữa”. Ngày biết tin cậu con trai duy nhất nhiễm HIV, bà H. chết lặng. Trong cuộc đời dài dằng dặc giữa đói nghèo và cơ cực của mình, bà không dám tin đây là sự thật. H.Q từng phải nằm liệt giường suốt hai năm. Ban đầu, anh tỏ ra bi quan, tuyệt vọng vì cho rằng nhiễm HIV là đã hết. Bác sĩ Đông đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo anh cách dùng thuốc, cách phòng tránh lây nhiễm cho người thân.
Kết quả là giờ H.Q đã vui vẻ, khỏe và tin yêu cuộc sống hơn. Bà H. vừa ra về thì anh N. (ngụ quận Bình Thạnh) đến lấy thuốc cho vợ. Tiện thể, anh nhờ bác sĩ Đông - tư vấn cách chăm sóc, bảo vệ đứa con mới chào đời không lâu của mình. Khi chị Tr. (vợ anh N.) mang thai mấy tháng thì phát hiện bị nhiễm HIV. Anh N. bảo, đó là khoảng thời gian thật sự khó khăn. Nhờ những chỉ bảo tận tình của bác sĩ Đông, vợ chồng anh dần lấy lại tinh thần. Chị Tr. đã sinh con và điều may mắn nhất là em bé không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Còn L.T.N (SN 1984) thì đến gặp bác sĩ Đông để báo tin mình vừa bắt đầu công việc mới. T.N đã được điều trị tại trung tâm bốn năm nay. Như phần đông những người bị nhiễm HIV khác, T.N từng rất nản lòng, bất cần đời. Cơ thể anh xanh xao, ốm yếu tới mức khi đến gặp bác sĩ, người thân phải bế trên tay. Vậy mà, sau mấy năm, giờ T.N đã đi lại bình thường, nói chuyện thoải mái và có công việc để tự nuôi sống bản thân.
Bác sĩ Đông đang là Trưởng ban điều hành mạng lưới chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại TPHCM (trực thuộc Hội phòng, chống HIV/AIDS TPHCM). Ngoài công tác chuyên môn, bà còn trực tiếp đi vận động chi phí cấp cứu đột xuất và học bổng cho con em người bệnh học đại học do Quỹ Odon Vallet (thuộc Tổ chức khoa học gặp gỡ Việt Nam của Pháp) tài trợ. Đêm nào bà cũng thức đến khuya, chăm chú học các lớp online miễn phí về HIV, viêm gan siêu vi B, C của trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TPHCM và các trường của Mỹ.
Học xong, bà đến nhiều tỉnh, thành như An Giang, Cần Thơ, Huế, Hà Nội, Điện Biên... để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) cho đồng nghiệp, bệnh nhân. Nhiều tổ chức, BV trong và ngoài nước ngỏ ý mời về làm việc với mức lương cao, nhưng lần nào bác sĩ Đông cũng từ chối. Bà bộc bạch: “Có một người cha từng đến trước mặt tôi khóc nức nở vì ba đứa con trai của ông đều nhiễm HIV. Một người vợ quýnh quáng không biết làm thế nào khi chồng mình qua đời vì HIV, cũng gọi tôi. Những người đang từng ngày đấu tranh, vượt qua dư luận và nỗi sợ hãi của chính mình để chăm sóc, gắn bó với chồng, vợ bị nhiễm HIV, họ nói rằng, họ cần tôi. Do vậy, từ bỏ bệnh nhân, thân nhân của họ vì vật chất, tôi làm không được”.
HẢI BĂNG
http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=942&p=&id=512879