VÌ NHỮNG ĐỨA CON KHÔNG NHIỄM HIV
HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục không được bảo vệ hay tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV. HIV không lây truyền qua không khí,thức ăn,nước,muỗi và côn trùng đốt hay các tiếp xúc thông thường như bắt tay, hôn xã giao.
Rất nhiều người nhiễm HIV mà không hề biết vì nhìn bề ngoài khó có thể biết ai đã nhiễm HIV.Thật đáng tiếc cho nhiều bà mẹ bị nhiễm HIV do không biết tình trạng nhiễm của mình nên đã không được chăm sóc,điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Cách duy nhất để biết mình nhiễm HIV hay không là xét nghiệm máu.
Nếu kết quả xét nghiệm HIV của bạn âm tính tức là bạn có thể không nhiễm HIV,bạn sẽ được tư vấn để bảo vệ mình và người thân trong tương lai.
Nếu kết quả xét nghiệm HIVcủa bạn dương tính tức là bạn đã nhiễm HIV,cán bộ y tế sẽ tư vấn, chỉ dẫn chi tiết về các cách dự phòng trong khi mang thai,khi sinh nở và trong thời kỳ cho con bú để tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con và người thân của bạn.
Hiện nay chưa có cách nào để chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS nhưng đã có thuốc và các dịch vụ chăm sóc khác để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con,bảo vệ đứa con thân yêu của bạn.
Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang.Khi không điều trị dự phòng thì cứ 100 trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV sẽ có khoảng 25-40 cháu sẽ bị nhiễm HIV nhưng nếu các bà mẹ này được điều trị dự phòng thì chỉ có 3-10 trẻ bị nhiễm HIV tuỳ theo thời điểm bắt đầu dùng thuốc, việc tuân thủ điều trị và một số các yếu tố khác.
HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?
Mẹ nhiễm HIV có thể truyền sang con khi mang thai, khi sinh nở và khi cho con bú sữa mẹ.
KHI MANG THAI:
Nếu bạn biết là mình đã nhiễm HIV,bác sỹ có thể kê đơn cho bạn điều trị bằng thuốc trong lúc mang thai để bảo vệ sức khoẻ và giảm thiểu khả năng lây truyề HIV cho con.
KHI SINH NỞ:
Trong giai đoạn này,HIV có thể lây truyền từ mẹ nhiễm HIV do em bé nuốt phải dịch âm đạo hoặc máu của mẹ từ những vết rách hoặc cắt trong khi sinh hoặc các dịch tiết này cũng có thể thấm qua niêm mạc mắt, miệng ..của bé khiến em bé bị nhiễm HIV từ mẹ.
Khi sinh nở nếu bạn biết mình đã bị nhiễm HIV bạn có thể sẽ được nhận những chăm sóc và điều trị cần thiết trong khi sinh con để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho con.
Hãy đồng ý xét nghiệm HIV khi được cán bộ y tế tư vấn để bảo vệ bản thân và bé yêu.
KHI CHO CON BÚ:
HIV cũng có thể truyền sang con qua sữa mẹ.Nếu bạn đã bị nhiễm HIV ,cán bộ tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn cách nuôi con tốt nhất và phù hợp với bạn.
CÁC DỊCH VỤ CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ SAU SINH CHO TRẺ EM SINH RA TỪ BÀ MẸ NHIỄM HIV
A.Can thiệp đối với trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV
Cho trẻ uống ARV, hướng dẫn mẹ hoặc người chăm sóc tuân thủ điều trị ARV
B.Can thiệp nuôi dưỡng trẻ:
-Tư vấn về lợi ích của sữa mẹ và nguy cơ lây nhiễm HIV qua sữa mẹ.
Nếu có điều kiện: (nguồn sữa,nguồn nước sạch, vệ sinh ăn uống) nên dùng sữa thay thế .
- Nếu trẻ bú mẹ cần tư vấn đầy đủ về : Tư thế bú, ngậm bắt vú và xử trí vú khi nứt núm vú, áp xe vú, cai sữa càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
C .Giới thiệu chuyển trẻ đến :
-Các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho trẻ em để được chăm sóc và theo dõi lâu dài khi trẻ được 4-6 tuần tuổi.
-Nếu trẻ mồ côi động viên gia đình ( ông,bà, chú ..)tiếp tục chăm sóc hoặc giới thiệu trẻ đến các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC KHÁM THAI VÀ XÉT NGHIỆM HIV SỚM
+ Lợi ích của việc khám thai sớm: được khám, theo dõi sức khỏe cho mẹ và con; được uống viên sắt phòng thiếu máu, tiêm phòng uốn ván; được tư vấn về cách tự chăm sóc cho mẹ và con tại nhà; được tư vấn về xét nghiệm HIV tự nguyện để phát hiện HIV sớm.
+ Lợi ích của việc khám thai định kỳ tại cơ sở y tế (ít nhất 3 lần trong 1 thai kỳ) để được: theo dõi sức khỏe và biết cách tự chăm sóc cho mẹ và con; uống viên sắt phòng thiếu máu, tiêm phòng uốn ván đầy đủ; phát hiện, điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh khác.
+ Lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm:
Nếu kết quả âm tính: người phụ nữ sẽ được tư vấn về cách giữ cho họ không bị nhiễm HIV, giữ cho chồng, người yêu không bị nhiễm HIV.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính mà người phụ nữ muốn giữ thai nhi thì họ sẽ được cán bộ y tế tư vấn và giúp phòng lây truyền HIV cho con. Nếu người phụ nữ không muốn giữ thai thì họ sẽ được hướng dẫn và giúp đến các cơ sở y tế tin cậy để được tư vấn, lựa chọn phương pháp phù hợp.
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý
Trong tất cả các giai đoạn mang thai, nếu người mẹ biết rõ tình trạng nhiễm HIV của mình sẽ có thể được tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc và điều trị kịp thời để giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV sang con.Nếu người mẹ không biết rõ về tình trạng nhiễm HIV của mình khi mang thai sẽ có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho con và bỏ lỡ cơ hội nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Chồng của bạn cũng nên đi xét nghiệm HIV.Nếu chồng nhiễm HIV và bạn quan hệ tình dục với chồng không dùng bao cao su trong khi có thai hoặc cho con bú, bạn làm cho bản thân mình bội nhiễm HIV và con bạn có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn.
Chồng bạn nên đi xét nghiệm HIV tại Trung tâm tư vấn và xét nghiệm HIV. Đây là dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện,miễn phí, bí mật và không bắt buộc ghi tên, địa chỉ..
Nếu bạn không biết tình trạng HIV của chồng hoặc là biết chồng đã nhiễm HIV, hãy sử dụng Bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục trong thời kỳ mang thai và khi cho con bú.
|