Kháng thể là các protein trong hệ miễn dịch, có nhiệm vụ nhận dạng và chống virut cũng như vi khuẩn hoặc tìm kiếm, tiêu diệt tế bào đột biến, trong đó có cả tế bào gây ung thư. Vì vậy, muốn chẩn đoán sớm phải dựa vào các xét nghiệm tìm kháng nguyên HIV (kháng nguyên là những chất được tiết ra bởi vi khuẩn hoặc vi trùng để làm hại cơ thể) – hay nói cách khác là tìm chính virus HIV ngay sau đẻ, vào các thời điểm 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng sau khi sinh.
Hiện nay, xét nghiệm tìm kháng nguyên HIV để chẩn đoán sớm cho trẻ đã được thực hiện tại Việt Nam ở Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương.
Khi nhiễm HIV ở trẻ cũng có một số biểu hiện lâm sàng sau đây: Thời gian ủ bệnh Với những trẻ bị lây nhiễm từ bào thai, khi sinh ra, hầu hết trẻ đều bình thường, khoẻ mạnh, chỉ có một số ít có cân nặng thấp hơn so với tuổi thai. Với những trẻ bị lây nhiễm trong khi sinh hoặc sau sinh (do bú sữa mẹ) thì một vài tuần sau sinh có thể có những biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, quấy khóc, có thể khám thấy gan lách to (gần giống với giai đoạn tiền triệu chứng của người lớn nhiễm HIV).
Số trẻ nhiễm HIV tuỳ theo biểu hiện lâm sàng xảy ra sau đó sớm hay muộn được chia thành 2 nhóm:
- Nhóm có thời gian ủ bệnh ngắn: chiếm khoảng 20% với các biểu hiện lâm sàng xảy ra trung bình từ 3 đến 6 tháng sau sinh.
- Nhóm thời gian ủ bệnh dài: chiếm khoảng 80% với các biểu hiện lâm sàng xảy ra trung bình ở giai đoạn 5 đến 7 tuổi.
Như vậy, so với người lớn, thời gian ủ bệnh của trẻ ngắn hơn và thường tiến triển tới AIDS nhanh hơn và nặng hơn.
Giai đoạn có biểu hiện lâm sàng
a. Các biểu hiện lâm sàng
Hạch to: thường thấy hạch to nhỏ không đều ở nhiều nơi, nhiều nhất là vùng cổ, dưới hàm, nách, bẹn, thường không đau, mật độ chắc, diễn biến dai dẳng. Gan lách to:
Có thể gặp gan to hoặc lách to riêng biệt hoặc cả gan lách đều to (thường to ít và không có biến đổi đặc biệt về hình thể và tính chất). Không tăng cân hoặc sút cân: thường xảy ra ở giai đoạn muộn, trẻ sút cân nhiều ở giai đoạn AIDS tiến triển muộn và đặc biệt có nhiễm trùng cơ hội.
Sốt kéo dài:
Giai đoạn đầu thường sốt dai dẳng không có quy luật, không rõ căn nguyên, có thể nặng lên khi có nhiễm trùng cơ hội. Sốt thường kéo dài khoảng hơn 1 tháng
Tiêu chảy mạn tính:
Thường xảy ra ở giai đoạn AIDS tiến triển nặng, kết hợp với nhiễm khuẩn đường ruột. Ngoài ra có thể gặp các tổn thương thần kinh, bệnh viêm phổi kẽ thâm nhiễm lympho, viêm tuyến mang tai, xuất huyết giảm tiểu cầu, tan máu tự nhiên, viêm cơ tim, viêm thận,... và ung thư da dạng sarcoma Kaposi (mặc dù ở trẻ em hiếm gặp hơn nhiều so với người lớn).
b. Các nhiễm trùng cơ hội hay gặp
Nhiễm trùng da: hay gặp do các loại virut herpes, chốc lở do tụ cầu, liên cầu và có thể do một số loại nấm.
Nhiễm trùng phổi: Hay gặp nhất là viêm phổi do một số loại virut hoặc một số loại nấm. Đặc biệt cần chú ý đến bệnh lao phổi. Tỷ lệ mắc bệnh lao phổi ở những trẻ nhiễm HIV thường khá cao.
Nhiễm trùng tiêu hoá: Cũng thường xảy ra do mắc các loại vi khuẩn viêm dạ dày - ruột như E.coli, Salmonella, trực khuẩn lỵ,... và có thể do nấm đặc biệt là nấm Candida albicans. Ngoài những loại nhiễm trùng cơ hội hay gặp kể trên còn có thể gặp viêm màng não do nấm, viêm gan virut các loại…
Khi các trẻ chưa được xét nghiệm và chẩn đoán HIV, các bà mẹ cũng cần chú ý những biểu hiện bất thường của trẻ và cần đến bác sỹ để được khám, chẩn đoán và có hướng điều trị cụ thể.
Thanh Bình (Tổng hợp)
http://www.tamsubantre.org/index.php/article/Bieu-hien-lam-sang-va-nhiem-trung-co-hoi-hay-gap-o-tre-bi-nhiem-HIV-tu-me_181_183_4244.html