Cặp vé lên xe hoa

30/5/2014 20:00
Sức khỏe luôn quan trọng trong mọi giai đoạn, không riêng gì thời điểm bước lên xe hoa. Tuy nhiên, khi lập gia đình, hai người thường xuyên có hoạt động tình dục, có kế hoạch mang thai, sinh con… nên sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh tật (nếu có). Nguy hiểm nhất là có thể lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục, ảnh hưởng đến thế hệ sau. Vì thế, khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc rất cần thiết, là nền tảng để xây dựng cuộc sống lứa đôi. Nhưng, vấn đề này hiện chưa được người trong cuộc và cả xã hội quan tâm đúng mức.

Tiền hôn hậu… nhiễm
"Vì vội vàng trong tình yêu mà tôi mất tất cả" - chị Nguyễn Ngọc Quyên (*), buôn bán ở Q.7, TP.HCM nghẹn ngào nói với chuyên viên tư vấn HIV/AIDS. Chị đã xét nghiệm rất nhiều nơi để cầu may nhận được một kết quả âm tính, nhưng không… Ôm cái bụng bầu lùm lùm, chị tha thiết xin các chuyên viên tư vấn giúp cho đứa bé chào đời khỏe mạnh, không mang "dấu cộng" nghiệt ngã như mẹ. Ly hôn ở tuổi 30 do chồng ngoại tình, phá tán tài sản, chị Quyên ngỡ mình sẽ độc hành đến cuối cuộc đời, không ngờ, chỉ ba năm sau, chị gặp được một anh kỹ sư lớn hơn chị hai tuổi, chưa vợ. Anh ta chẳng những yêu thương, quan tâm, chăm sóc chị hết lòng mà còn hiếu thảo với ba mẹ chị. Choáng ngợp, chị trao hết cho anh không chút phân vân, nghi ngại và một giọt máu tình yêu đã kết tụ. Trùng thời điểm gia đình tổ chức đám cưới "chạy bầu", chị xét nghiệm máu ở tháng thứ ba của thai kỳ và nhận được tin dữ. Đến nước này, chồng chị mới thú nhận trước đây từng có quan hệ với một đồng nghiệp nữ nhưng "cô ấy là nhân viên văn phòng, tốt nghiệp đại học, lẽ nào…?". Hàng năm, anh đều có khám sức khỏe định kỳ nhưng chỉ là những xét nghiệm thường quy nên không phát hiện được HIV. Chị Quyên trách mình dễ dãi, chủ quan, nếu khám sức khỏe rồi mới đến với nhau thì đã tránh được hiểm họa.
Quen nhau sáu năm mới kết hôn, thời gian đủ để anh Trần Văn Ân (thợ điện, ngụ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tìm hiểu cặn kẽ về người bạn đời và mua trả góp một căn nhà nhỏ để xây tổ ấm, nhưng anh lại bỏ quên khâu khám sức khỏe. Sau lễ hỏi, vợ rủ anh đi khám nhưng anh gạt đi, còn vỗ ngực khoe "Anh khỏe như voi, bệnh hoạn gì đâu!". Ngày cưới cận kề, chị lại nhắc, anh gắt: "Bao nhiêu việc phải lo, thời gian đâu để chụp X quang, xét nghiệm... Nếu cần, em cứ đi một mình!". Bẵng đi bốn năm từ ngày cưới, anh Ân bắt đầu nổi những nốt đỏ ở tay, lưng. Điều trị da liễu không hết, anh được bác sĩ khuyên đi xét nghiệm HIV, kết quả dương tính. Anh chết đứng khi được thông báo. Nếu không có sự giúp đỡ, động viên của các đồng đẳng viên ở câu lạc bộ Bạn giúp bạn (43 Lam Sơn, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), có lẽ anh Ân đã không còn thiết sống. Lục lại trí nhớ, anh không biết mình đã có hành vi nguy cơ nào, chỉ lờ mờ đoán có thể bị phơi nhiễm do dùng chung lưỡi lam cạo râu với nhóm bạn nam cùng phòng trọ cách đây bảy năm. "Mình nhiễm đã đành, còn vợ không biết có bị không? Làm sao đủ can đảm nói thật và đưa vợ đi xét nghiệm?" - anh Ân ray rứt.

Trò chơi sắm vai cô gái thuyết phục chồng sắp cưới đi khám sức khỏe trong chuyên đề "Khám sức khỏe tiền hôn nhân - Hạnh phúc bền lâu cho lứa đôi" do câu lạc bộ Tiền hôn nhân (Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP.HCM) tổ chức
Có nên quy định bắt buộc?
Sẽ không là quá lời khi cho rằng, hồ sơ khám sức khỏe chính là chiếc vé để bước lên xe hoa. Nếu "đi chui", hạnh phúc sẽ phụ thuộc vào rủi may. Tuy nhiên, trường hợp không đồng thuận trong việc cùng đi khám sức khỏe trước khi cưới như vợ chồng anh Ân không hề cá biệt. Rào cản nằm ở tâm lý: sợ người kia tự ái, sợ khám sẽ… ra bệnh, sợ "biết bệnh, bồ bỏ"... Nhiều cặp đôi quan niệm, đã yêu thì không điều kiện, người yêu có thế nào cũng cưới thì đâu cần khám làm gì.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Lan Hương (từng công tác ở Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM) việc khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ có lợi, hạn chế được nhiều hậu quả đáng tiếc. Khám không những giúp ta biết được tình trạng bệnh lý để điều trị sớm mà còn tạo điều kiện để vợ chồng quan tâm, chăm sóc cho nhau, tổ chức cuộc sống, xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, chuẩn bị tài chính đầy đủ, lập kế hoạch cho tương lai. Riêng đối với sinh hoạt tình dục, duy trì nòi giống, biết được tình trạng sức khỏe của mình là rất quan trọng để phòng tránh lây nhiễm cho nhau và cho con. "Các bạn ở ngưỡng cửa hôn nhân có thể đến khám tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Bình Dân… Kết quả sẽ được bảo mật, thông tin cho người kia biết hay không là quyền của mỗi người; trừ trường hợp nhận kết quả HIV dương tính, người này phải có nghĩa vụ thông báo cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo khoản 2, điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)" - bác sĩ Lan Hương cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lan Hương (phải) trao đổi với các bạn trẻ về khám sức khoẻ tiền hôn nhân
Không khám sức khỏe tiền hôn nhân thì không chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe đã đành; ngay cả khi đã đi khám, cũng không tránh được nguy cơ "đạp gai" nếu người bệnh che giấu tình trạng thật của mình. Dù có luật, có chế tài, nhưng trên thực tế hiếm thấy ai bị xử lý vì cố tình gieo rắc căn bệnh thế kỷ cho vợ/chồng. Nạn nhân cũng chỉ "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì sợ bị kỳ thị và không vượt qua rào cản tình cảm, đạo lý để thưa kiện bạn đời. Mặt khác, nếu có xử lý tới nơi tới chốn thì bản thân cũng đã bị lây nhiễm rồi.
Để không "nắm dao đằng lưỡi", để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân, chị Lê Thị Ngọc Bích (tư vấn viên Phòng Tham vấn và xét nghiệm HIV, Trung tâm Ánh Dương, Hội LHPN TP.HCM) cho rằng: "Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nên được pháp luật quy định cụ thể, chặt chẽ. Giấy khám sức khỏe là một thủ tục bắt buộc khi đăng ký kết hôn. Nếu chưa thể đưa vào luật ngay thì bộ phận hành chính cấp giấy kết hôn (tư pháp phường/xã) nên gợi ý, động viên, khuyến khích người đến đăng ký kết hôn đi khám sức khỏe và tự nguyện công khai cho người kia được biết. Công khai không chỉ tình trạng có hay không có HIV mà còn với tất cả các bệnh tật khác".
TÔ DIỆU HIỀN(*): Tên nhân vật đã được thay đổi