Sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục: Từ bằng chứng tới chính sách

Thứ ba 11/11/2014 13:00
Tăng cường các ứng dụng nghiên cứu dựa trên bằng chứng để xây dựng các chương trình và chính sách y tế, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản (SKTD/SKSS) là một vấn đề vô cùng cần thiết trong thời đại hiện nay.

Đó là khẳng định của Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA ) tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai mang tên “Sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục: Từ bằng chứng tới chính sách” được tổ chức hôm nay (11/11), tại Hà Nội.
Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và trẻ em phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh Nhật Thy
Hội nghị toàn quốc về SKTD/SKSS - diễn đàn vận động chính sách được tổ chức 2 năm một lần đã trở thành một diễn đàn chuyên sâu, có chất lượng để chia sẻ và thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực SKSS/SKTD cũng như ứng dụng vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Tham dự hội nghị có các đại biểu từ Bộ Y tế, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý hoạch định chính sách đến từ các trường Đại học, các bệnh viên, viện nghiên cứu, các cơ quan ở Trung ương và địa phương trên cả nước, các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho hay, tăng cường nghiên cứu khoa học, phổ biến, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học, công nghệ góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề đối với công tác dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản như giảm chênh lệch tỷ suất giới tính khi sinh, giảm tử vong ở mẹ, tử vong trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ phá thai và tăng cường chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thiếu niên, người cao tuổi và cho các nhóm dân tộc đặc thù (người nhiễm HIV, người dân tộc thiểu số).

Số liệu từ các cuộc điều tra về dân số cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ bao hồm cả mục tiêu 5a và 5b về cải thiện sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Độ bao phủ của các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD (bao gồm cả các dịch vụ lồng ghép trong kế hoạch hoá gia đình) đã được mở rộng. Chất lượng dịch vụ bao gồm cả dịch vụ về làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ dinh đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch trong tỷ lệ tử vong và bệnh tật giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân số khác nhau, đặc biệt trong nhóm dân tộc thiểu số. Vẫn còn có sự khác biệt và thiếu công bằng trong tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD có chất lượng giữa các vùng miền khác nhau trên toàn quốc. Một phần ba thanh niên vẫn gặp cản trở trong việc tiếp cận đầy đủ thông tin và dịch vụ về SKSS/SKTD.

Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam. Ảnh Nhật Thy
Trong bài phát biểu của mình, ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với hơn 90 triệu dân và 54 dân tộc khác nhau. Chính sách đáp ứng được tất cả các nhu cầu của mọi người sẽ không hiệu quả và chúng ta cần đảm bảo rằng các nhu cầu khác nhau của tất cả mọi người liên quan đến SKSS/SKTD phải được xem xét và thực hiện. Chính vì vậy cần thiết phải tiến hành nghiên cứu xã hội và thực nghiệm để có thể hiểu được tốt hơn về các yếu tố văn hoá, xã hội, kinh tế và các cấu trúc xã hội ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ SKSS/SKTD.”

Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng ghi nhận số lượng thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử. Thanh thiếu niên từ 10 đến 29 tuổi chiếm gần 40% tổng dân số Việt Nam. Họ không chỉ đông về số lượng mà các chuẩn mực và thái độ về tình dục của họ đang thay đổi hàng ngày trong một xã hội đang ngày cảng phát triển.

Trưởng Đại diện UNFPA nhấn mạnh rằng việc Việt Nam chưa có một cơ sở dữ liệu Quốc gia về sức khoẻ sinh sản của thanh thiếu niên đáng tin cậy đã dẫn đến sự hạn chế trong việc xây dựng và giám sát những chính sách và chương trình phù hợp với sức khoẻ sinh sản của giới trẻ.

“Do đó, tăng cường sử dụng bằng chứng dựa trên các nghiên cứu để xây dựng các chính sách và chương trình y tế đặc biệt là trong linh vực sức khoẻ sinh sản là đặc biệt quan trọng.”, ông Arthur Erken nói.

Hội nghị lần này cũng đã công bố các nghiên cứu trong lĩnh vực SKSS/SKTD thực hiện trong giai đoạn 2010-2014 ở Việt Nam; thực trạng và những thách thức đối với công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở Việt Nam, Định hướng thực hiến chiến lược Dân số Sức khoẻ sinh sản ở Việt Nam giai đoạn 2015-2020. Hội nghị cũng được nghe bài trình bày của các chuyên gia quốc tế về các vấn đề SKSS/SKTD ở khu vực châu Á Thái bình Dương và các bài học trong bối cảnh Việt Nam cũng như định hướng nghiên cứu trong tương lai.

Kết quả Hội nghị sẽ được sử dụng cho việc định hướng các nghiên cứu tới đây về lĩnh vực sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục ở Việt Nam, góp phần đạt được tiếp cận phổ cập chăm sóc SKSS/SKTD vào năm 2015.

Tại Hội nghị, Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đảm bảo thành tựu và tính bền vững của hệ thống chăm sóc sức khoẻ tình dục và sinh sản ở Việt Nam. Đầu tư cho tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ sức khoẻ sinh sản là một đầu tư quan trọng vì xã hội khoẻ mạnh và tương lai bền vững hơn.
Nhật Thy
http://tiengchuong.vn/