Triển khai tín dụng đối với các nhóm dễ bị tổn thương

Thứ hai 13/10/2014 15:00
Việc vay vốn, tạo việc làm cho gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma tuý, người bán dâm hoàn lương… giúp họ ổn định đời sống, giảm nguy cơ lây nhiễm, hoà nhập cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng của Chính phủ nhằm ổn định an ninh trật tự, góp phần phát triển KT-XH của
đất nước.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Nhật Thy

Ngày 13/10, tại Hòa Bình, đã diễn ra Hội thảo triển khai Quyết định 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương (nhóm đối tượng).

Hội thảo do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED) tổ chức với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội của 15 tỉnh thực hiện thí điểm cùng đại diện các nhóm dễ bị tổn thương.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, trong các nhóm đối tượng nói trên, số người trong độ tuổi lao động là rất lớn, vì vậy cần tìm ra những giải pháp tích cực để giúp họ có được những tư liệu sản xuất, có ngành nghề để tạo công ăn việc làm giúp họ hoà nhập cộng đồng.
Ông Lập hy vọng, các tỉnh được chọn thí điểm sẽ thực hiện tốt Quyết định 29/2014/QĐ-TTg, để dến năm 2017 có thể triển khai toàn diện trên cả nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình sinh kế cho nhóm người dễ bị tổn thương và kết quả khảo sát về khả năng tiếp cận với nguồn vốn sẵn có; thảo luận đưa ra giải pháp triển khai có hiệu quả Quyết định 29. Ngân hàng chính sách xã hội cũng có hướng dẫn cụ thể về quy trình, nghiệp vụ cho vay.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Bùi Đức Kiệm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình chia sẻ, để người nghiện và các nhóm người dễ bị tổn thương được hỗ trợ tín dụng cần có những chính sách phù hợp và cẩn trọng trong quá trình thực hiện các dự án để mang đến hiệu quả tốt nhất. Tránh đầu tư ồ ạt mà cần làm thí điểm trước để đánh giá về mức độ thành công để triển khai. Đặc biệt là đối với nhóm người sau cai nghiện, bởi nếu không kiểm soát được thì họ lại sử dụng số tiền đó để mua thuốc, sẽ gây ra những tác động ngược.
Hội thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh trong việc thực hiện thí điểm. Cụ thể, sở cần tổ chức tuyên truyền đến các nhóm người là đối tượng được vay vốn về mục đích, ý nghĩa của chính sách mới, các quy định về vay vốn, hướng dẫn cho họ trình tự, thủ tục vay vốn.
Đồng thời, cùng với ngành Y tế, Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội nắm tình hình nhu cầu vay vốn của 4 nhóm trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, kinh phí cho vay vốn hàng năm. Cần theo dõi chặt diễn biến quá trình vay vốn, tìm ra những nguyên nhân, yếu tố dẫn đến việc vay vốn hiệu quả hay kém hiệu quả (ở từng khâu hoặc cả quá trình), xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách.
Bên cạnh đó, kết nối với các tổ chức xã hội hỗ trợ người vay vốn về tư vấn kỹ năng làm ăn, kỹ thuật, kèm cặp, tiêu thụ sản phẩm... để vay vốn có hiệu quả, giảm rủi ro.
15 tỉnh thực hiện thí điểm gồm: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu.

Nhật Thy
http://tiengchuong.vn/