Giải pháp hỗ trợ tín dụng cho 4 nhóm người dễ bị tổn thương
17:17 | 14/10/2014
(ĐCSVN) - Ngày 13/10, tại tỉnh Hòa Bình, đã diễn ra Hội thảo về Công tác triển khai Quyết định 29/2014/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương,
đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội của 15 tỉnh, thành phố

Chương trình do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương, đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội của 15 tỉnh, thành phố, gồm: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu, cùng một số tổ chức Quốc tế và nhóm bị tổn thương.

Phát biểu tại cuộc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết: Tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm hiện nay rất phức tạp. Lượng người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá ngày càng cao. Tội phạm ma túy ngày càng quy mô, phương thức hoạt động tinh vi và manh động, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống lại, gây ra nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Số người nghiện ma túy trong độ tuổi lao động là rất lớn, vì vậy cần tìm ra những giải pháp tích cực để giúp họ có được những tư liệu sản xuất, có ngành nghề để tạo công ăn việc làm, giúp cho họ hòa nhập cộng đồng.

Một số ý kiến tại hội thảo cho hay, việc xử phạt, thống kê những người hoạt động mại dâm vốn đã khó, thì việc xác minh, chứng minh người hoạt động mại dâm hoàn lương càng khó hơn.

Trao đổi về tình hình tội phạm ma túy hiện nay, ông Bùi Đức Kiệm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) tỉnh Hòa Bình cho rằng, để các nhóm người dễ bị tổn thương được hỗ trợ tín dụng thì cần có những chính sách phù hợp và cẩn trọng trong quá trình thực hiện các dự án để mang đến hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt là đối với nhóm người nghiện nếu không kiểm soát được thì họ lại sử dụng số tiền hỗ trợ để mua thuốc chích hút, gây ra những tác động ngược.

Về việc tạo mô hình sinh kế cho nhóm người bị tổn thương, Ths. Phạm Thị Hồng, Điều phối viên Vận động chính sách COHED chia sẻ: Dự án “Sáng kiến chính sách hỗ trợ hòa nhập phát triển kinh tế cho người nhiễm HIV và các nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS” nhằm mục tiêu phải tìm cho nhóm người này một sinh kế bền vững, có thu nhập ổn định, được hòa nhập với cộng đồng. Sau hai năm thực hiện Dự án cho thấy, đến nay, đã có 3 Hợp tác xã được trao giấy đăng ký kinh doanh tại Hải Phòng. Hầu hết các nhóm được thành lập vay vốn khi thực tế đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả và hoàn vốn đầy đủ.

Tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, mục đích vay vốn là nhằm mua sắm các loại vật tư, thức ăn gia súc, gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, phương tiện phục vụ kinh doanh buôn bán; đầu tư mua nguyên liệu sản xuất, công cụ lao động, máy móc, thiết bị làm các nghề thủ công trong hộ gia đình; góp vốn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác.

Theo quy định, mức cho vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương là căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp, nhưng không vượt quá 20 triệu đồng đối với cá nhân và 30 triệu đồng đối với hộ gia đình. Người vay vốn có thể vay vốn nhiều lần, nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức cho vay tối đa theo quy định này. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định./.

Chu Lương
http://www.cpv.org.vn/