28/06/2014 08:23
(Soha.vn) - Trải qua hai cuộc hôn nhân đầu với những trận đòn thập tử nhất sinh, cơn bão số phận còn đổ ập khi chị hay tin mình bị lây nhiễm HIV từ người chồng nghiện ngập.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của người phụ nữ nhiễm HIV
Nhắc tới chị N.T.H, những người ở Thanh Xuân (Hà Nội) thường nhắc về một người phụ nữ nghị lực và là chủ nhiệm CLB Bồ Câu Trắng – CLB tình nguyện vì những trẻ em có HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS mà ít người “kì thị” nhắc tới chị là người phụ nữ bị phơi nhiễm. Bởi lẽ, hơn 10 năm đối mặt với căn bệnh thế kỉ cũng là hơn 10 năm chị sống hết mình vì những người đang sống trong thế giới "không tuổi”.
Trong ánh sáng yếu ớt của buổi chiều hè muộn, tôi vẫn kịp nhận ra nét đẹp thanh tú của người phụ nữ sinh năm 1970 ấy. Sau khi giới thiệu sơ qua với chúng tôi về cơ ngơi mà hai vợ chồng đã dày công vun đắp: đó là quán nhỏ bán đồ ăn nhanh để có thêm đồng ra đồng vào phụ cùng những buổi anh đi xe ôm, là ngôi nhà cấp 4 đơn sơ nhưng lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười… chị cho chúng tôi xem tập hồ sơ mà CLB Bồ Câu Trắng đang lên kế hoạch xin tài trợ để thực hiện chương trình phát cháo miễn phí cho trẻ em nhiễm HIV ở bệnh viện Nhi Trung ương.


Mặc dù nhiễm HIV nhưng chị N.T.H vẫn có cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng người chồng không bị nhiễm HIV

Rồi chị giải thích cho chúng tôi lí do chị chọn tên CLB là Bồ Câu Trắng mà ở đó có hơn 10 thành viên đều là những người phụ nữ bất hạnh bị nhiễm HIV từ chồng. “Bồ Câu Trắng là nói về những đứa trẻ ngây thơ trong trắng nhưng bị lây nhiễm căn bệnh thế kỉ từ bố mẹ. Uớc mơ của bọn mình là làm sao cho cuộc sống của những đứa trẻ ấy sẽ tốt hơn”, chị H. cho biết.
Nhìn đứa con trai 11 tuổi ngồi bên cạnh, lặng lẽ lắng nghe câu chuyện chị kể chúng tôi nghe, chị chỉ nhẹ nhàng xoa đầu con và nói: “Đến giờ phút này tôi cũng chưa biết mình sẽ đi trước hay là con trai đi trước. Nếu tôi có đi trước, điều khiến tôi lo lắng nhất chính là cuộc sống của con trai… Đó cũng là một phần động lực giúp tôi điều trị tích cực để con có chỗ dựa trong những ngày cuối đời”.
Đáp lại ánh mắt ngạc nhiên mà chúng tôi đang đổ dồn về hai mẹ con, chị H. mỉm cười: “Cháu bị HIV. Cũng hơn 10 năm rồi… Không cần ai nói nhưng nó tự biết mình bị căn bệnh ấy qua những lần tôi cho cháu đi phát quà từ thiện, đi tập huấn hay tuyên truyền cùng tôi về căn bệnh này. Hai mẹ con đã từng phải đối diện với dư luận tại chính ngôi trường cháu đang theo học. Nhưng mọi chuyện qua rồi… Giờ cháu trở thành một tuyên truyền viên tích cực góp phần nâng cao kiến thức của mọi người về căn bệnh này”. Nói chưa dứt lời, chị vội vã quay mặt sang một hướng để giấu đi đôi mắt đang ngấn lệ.
Trước đây chị vẫn đi phát cháo miễn phí và chăm sóc các cháu nhỏ bị bỏ rơi trong bệnh viện, từ việc tắm rửa cho tới thay quần áo và cho các bé ăn. “Có những bé đã vĩnh viễn rời xa cuộc đời ngay trên tay chúng tôi khi chúng tôi cho cháu ăn. Lúc đó, tôi đã liên tưởng tới con mình. Tôi sợ một ngày nó cũng bỏ tôi đi như thế…”, giọng chị H. bỗng chùng xuống.
Và chị trải lòng về những đắng cay trong đời, những đắng cay nhưng chưa bao giờ chị oán trách hay mang trong mình tư tưởng hận thù. Vì có oán trách cũng không lấy lại được gì mà chỉ làm khổ nhau, suy sụp tinh thần.
Sóng gió cuộc đời
17 tuổi, cái tuổi viên mãn trong đời con gái nhưng chị N.T.H (Thanh Xuân, Hà Nội) lại quyết định “theo chồng bỏ cuộc chơi” cùng người bạn “thanh mai trúc mã” với mối tình đầu nhiều mộng tưởng. Lấy chồng sớm bởi niềm mong ước lớn nhất của chị khi đó chỉ là gia đình sẽ bớt được miệng ăn, đỡ nghèo, đỡ khổ.
Cái ước mong tưởng chừng như nhỏ bé ấy lại đi cùng hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang” khi vợ chồng trẻ, thu nhập thấp, con nhỏ… thêm vào đó là những suy nghĩ trái chiều. Và li hôn là cái kết tất yếu cho cuộc sống không “thuận vợ thuận chồng”. Năm 1996, anh chị ra tòa, kết thúc cuộc hôn nhân đầy sóng gió, con trai về ở cùng bố.
Hạnh phúc một lần nữa mỉm cười với người phụ nữ “đa đoan” ấy khi 5 năm sau, chị quyết định đi bước nữa cùng người con trai sinh trưởng trong gia đình gia giáo. Chính sự “lệch pha” về kinh tế mà chị bị gia đình chồng phản đối. Dù nhà chồng có điều kiện nhưng anh chị vẫn phải đi thuê nhà trọ khi quyết định tới với nhau. Anh yêu chị, nhưng tình yêu của anh không đủ lớn để vượt qua rào cản gia đình. Rồi cái chất trắng đã dẫn cuộc đời anh sang một ngã rẽ khác. Anh nghiện: nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện cờ bạc. Bao nhiêu của nả trong nhà cứ “không cánh mà bay”. Mỗi lần say, thua bạc, anh lại tìm chị để trút những cơn giận dữ. Hết đánh vợ, anh lại gây sự với người ngoài và bị bắt đi cải tạo 1 năm. Trở về, “ngựa quen đường cũ”, anh lại tự đặt mình vào vòng xoáy của ma túy.
Chị không nhớ, mình đã “trôi nổi” trong cuộc sống ấy bao nhiêu lâu. Thêm vào đó là những bất hòa trong cuộc sống của nàng dâu và nhà chồng khiến chị thấy chênh vênh trước muôn vàn ngã rẽ.
Năm 2003, chị chết lặng người khi biết chồng nhiễm HIV trong lần anh bị tai nạn và phải đi cấp cứu tại bệnh viện Quân Y 103. Giật mình, ngẫm tới bản thân, chị cũng đi xét nghiệm tại cơ sở tư nhân. Và cái kết mà người phụ nữ ấy không bao giờ nghĩ tới đã tìm tới chị khi kết quả xét nghiệm dương tính.
“Lúc đó tôi buồn và sốc lắm. Từ bé đến lớn mình chỉ biết bán hàng, kiếm tiền để trang trải cuộc sống, không va chạm gì nên cũng ko bao giờ nghĩ mình bị thế”, chị H. tâm sự. Nhưng như có ngàn mũi kim đâm vào tim khi đứa con trai mới 2 tuổi của anh chị cũng bị lây nhiễm căn bệnh thế kỉ đó. Tin sét đánh ngang tai ấy khiến chị không ăn không ngủ suốt một tuần.
Rồi chị tìm quên trong công việc mưu sinh để lấp đi những khoảng trống và nỗi sợ trong lòng. Chị sợ những người xung quanh phát hiện sẽ xa lánh mình nên chị dần sống khép kín, ít quan hệ giao du...
Đối diện với sự thật phũ phàng ấy, chị không cho phép mình đầu hàng số phận. Chị vẫn khuyên chồng cai nghiện và nuôi con khôn lớn. Nhưng anh đã bị “nàng tiên nâu” chi phối nên không lâu sau cũng bị bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy.
Chị sống lặng lẽ hơn sau những biến cố ấy trong căn nhà nhỏ thuê ở phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) để khởi nghiệp từ quán nước vỉa hè. Thế nhưng, những định kiến của xã hội về căn bệnh này, những kết thúc buồn của bao người phụ nữ cũng như những đứa trẻ vô tội… đã khơi nguồn để chị xuất hiện trước mọi người và công khai mình bị nhiễm HIV. Và chị còn kiêm công việc của một tình nguyện viên chuyên đi tư vấn tâm lý, sức khỏe cho những người có HIV… để thay đổi suy nghĩ của mọi người, không phải những người nhiễm HIV là gầy gò, ốm yếu.
Sau biết bao biến cố, hạnh phúc đã mỉm cười với chị trong tổ ấm cùng người chồng làm nghề xe ôm và hai đứa con cùng mẹ khác cha.
Sohanews

http://www.baomoi.com/Nhung-cuoc-hon...9/14176745.epi