Chớ treo gan trước miệng siêu vi

Thứ hai, 04/05/2015 12:14
Viêm gan siêu vi là một bệnh truyền nhiễm do nhiều loại siêu vi khuẩn gây ra. Mỗi loại siêu vi có cách thức lây truyền bệnh khác nhau.

Biết được phương cách lây truyền của bệnh, ta mới có thể tự bảo vệ đồng thời tránh được phần nào sự lây bệnh cho người chung quanh.


Hai đường lây

Qua đường ăn uống:
Viêm gan siêu vi A và E được lây truyền chủ yếu qua đường ăn uống và đại tiện. Trong thời kỳ phát bệnh, các siêu vi khuẩn này được thải ra thường xuyên trong phân của người bệnh.


Do đó, biện pháp phòng ngừa bệnh chủ yếu là chú ý vệ sinh thực phẩm và ăn uống. Người đang bị bệnh viêm gan A dứt khoát không được nấu nướng hay chế biến thức ăn cho người khác, thậm chí cũng không nên buôn bán các loại thực phẩm.


Tạm thời không dùng chung vật dụng ăn uống hàng ngày như ly, chén, muỗng, đũa... với người bệnh ít nhất vài tuần vì bệnh sẽ từ từ thuyên giảm. Nếu có thể, không dùng chung phòng vệ sinh với bệnh nhân viêm gan A. Tập thói quen rửa tay kỹ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.




Đông Nam Á, trong đó có nước ta, là nơi đang có tỉ lệ nhiễm siêu vi viêm gan A trên 90% ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hầu như chúng ta đều đã bị nhiễm từ lúc còn bé cho nên việc chủng ngừa viêm gan siêu vi A chưa phải là một vấn đề cấp bách đặt ra cho ngành y tế nước ta.


Tuy nhiên, ở những người đã mắc bệnh viêm gan siêu vi B hoặc C mà chưa bị nhiễm siêu vi A, hoặc những đối tượng đặc biệt dễ có khả năng bị lây nhiễm siêu vi A như giới “gay” (đàn ông đồng tính luyến ái) có quan hệ tình dục qua đường miệng và hậu môn cần chủng ngừa viêm gan A. Nếu để bị nhiễm nhiều loại siêu vi cùng lúc, bệnh có thể nặng hơn và diễn tiến cũng phức tạp hơn.


Qua đường máu:
Bệnh viêm gan siêu vi B, C, D và G lây truyền chủ yếu do truyền máu, dùng chung kim tiêm hoặc vật dụng cá nhân với người bệnh (bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kềm cắt móng tay...) nói chung là do tiếp xúc với máu và các chất dịch trong cơ thể của bệnh nhân khi da và niêm mạc của chúng ta trầy xước hoặc bị đâm thủng. Viêm gan siêu vi B còn lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Đặc biệt ở Việt Nam, đường lây lan chủ yếu là từ mẹ sang con trong lúc sinh nở.


Có những trường hợp bị nhiễm siêu vi viêm gan B hoặc C mà bệnh nhân hoàn toàn không biết hoặc không nhớ đã bị lây từ lúc nào.


Nhiều cách tránh


Muốn phòng ngừa các loại siêu vi viêm gan B, C, D, phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
Người bị nhiễm siêu vi tuyệt đối không được hiến máu, cho tinh dịch hoặc các cơ quan nội tạng... Nếu bị các vết thương như đứt tay hoặc các vết lở loét ngoài da, cần phải được rửa sạch và băng kín.


Tuyệt đối không dùng chung vật dụng cá nhân có thể bị dính máu hay gây trầy xước da như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kềm cắt móng tay, đồ cạo gió... Bệnh hầu như không lây qua đường ăn uống hay qua hơi thở, cho nên không cần thiết phải ăn uống riêng. Những sinh hoạt, chung đụng hàng ngày như bắt tay, nói chuyện với người bệnh hầu như không nguy hiểm.

Không tiêm chích ma túy vì đó là phương cách lây nhiễm quan trọng của viêm gan siêu vi B, C, D và cả HIV... Khi cần tiêm chích thuốc, nên sử dụng các ống tiêm dùng một lần.


Hạn chế xăm mình, cắt lễ, xỏ lỗ tai, châm cứu ở những nơi không đảm bảo vô trùng. Khi cần chữa răng, làm nội soi, mổ xẻ... hay đi làm bất cứ các thủ thuật nào gây trầy xước da niêm thì nên đến những nơi đáng tin cậy về điều kiện vô trùng.


Không quan hệ tình dục bừa bãi. Tốt nhất là nên dùng bao cao su để bảo vệ. Nên giữ chế độ “một vợ, một chồng” vì càng có nhiều bạn tình thì nguy cơ lây nhiễm càng cao. Hạn chế quan hệ tình dục khi có kinh hoặc áp dụng các tư thế giao hợp dễ gây xây xát hoặc chấn thương niêm mạc.


Khi một người trong gia đình bị nhiễm siêu vi B, những người còn lại trong nhà nên đi thử máu xem có bị nhiễm chưa. Nếu chưa thì nên chích ngừa, tiêm chủng đủ liều và đúng thời gian theo lịch chủng ngừa để thuốc đạt tác dụng bảo vệ tối ưu. Viêm gan siêu vi C đến nay vẫn chưa có thuốc chủng ngừa, do đó biện pháp phòng ngừa chủ yếu là tránh tiếp xúc với máu và các chất dịch của người bệnh.


Người bị viêm gan siêu vi B hoặc C vẫn có thể lập gia dình. Nếu vợ hoặc chồng của bệnh nhân bị viêm gan B được chủng ngừa đầy đủ và hiệu quả thì vẫn an toàn. Việc lây nhiễm siêu vi C trong quan hệ vợ chồng tương đối thấp (1-3%). Nguy cơ lây lan chỉ gia tăng nếu quan hệ tình dục bừa bãi.


Việc lây nhiễm siêu vi viêm gan B khi thai nhi còn trong bụng mẹ rất thấp. Tuy nhiên người mẹ có thể lây bệnh sang cho con trong lúc sinh nở (sinh tự nhiên hay sinh mổ không khác biệt gì về mức độ lây nhiễm).

Việc quan trọng cần làm ngay là chủng ngừa viêm gan siêu vi B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh nếu người mẹ bị nhiễm siêu vi này. Siêu vi C cũng có thể lây từ mẹ sang con trong lúc sinh nở nhưng ít hơn siêu vi B rất nhiều. Việc nuôi con bằng sữa mẹ không có nguy cơ lây nhiễm, cho nên người mẹ bị viêm gan siêu vi vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ.



Ai cần xét nghiệm tìm siêu vi viêm gan?
- Người bị viêm gan.


- Những người đi hiến máu, cho tinh dịch hoặc cho cơ quan người.


- Bệnh nhân chạy thận nhân tạo, truyền máu nhiều lần, chích ma túy, người bị bệnh hoa liễu, nhiễm HIV, con của các bà mẹ bị nhiễm siêu vi B, C mãn tính.


- Các nhân viên y tế, nhất là khi lấy máu cho bệnh nhân bị viêm gan B hoặc C mà chẳng may bị kim đâm trúng tay.
- Vợ hoặc chồng hay các thành viên sống trong gia đình có người bị viêm gan B, C.


- Do đã có chương trình tiêm chủng bệnh viêm gan siêu vi B cho tất cả trẻ sơ sinh, việc xét nghiệm tìm siêu vi B ở phụ nữ có thai không còn được đặt nặng như trước. Tuy nhiên, việc phát hiện tình trạng nhiễm siêu vi B ở phụ nữ có thai vẫn giúp ích cho việc theo dõi người mẹ bị nhiễm cũng như khả năng lây cho con. Còn viêm gan siêu vi C vì chưa có thuốc chủng ngừa nên không cần thiết xét nghiệm cho thai phụ.
Theo PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng - Người đô thị