Việt Nam với cuộc chiến đại dịch HIV/AIDS


Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2010 (10/11-10/12) với chủ đề “Tiếp cận và quyền con người” đồng thời là một trong những sự kiện quan trọng đánh dấu 20 năm Việt Nam đối phó với đại dịch HIV/AIDS. Hưởng ứng Tháng hành động, nhiều hoạt động phong phú, thiết thực được triển khai rộng khắp các ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương.

Ngày 10/11, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã tổ chức phát động trong cả nước Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2010, mở đầu của Tháng hành. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu tròn 20 năm Việt Nam đối phó với dịch HIV/AIDS, với nhiều hoạt động truyền thông, vận động, mít tinh, hội thảo tuyên truyền… về HIV, hướng đến các mục tiêu quan trọng như: nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ hành vi của lãnh đạo các cấp về tiếp cận phổ cập trong chăm sóc, hỗ trợ và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho mọi người; mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS cũng như trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội…

Trước đó, ngày 7/11/2010, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Tiếp cận phổ cập và quyền con người”. Theo thống kê của ngành Y tế, tổng số người nhiễm HIV ở nước ta hiện còn sống là hơn 164.000 trường hợp, trong đó có hơn 37.000 trường hợp bệnh nhân AIDS và tổng số người bị HIV/AIDS đã tử vong là hơn 45.000 trường hợp. Phần lớn các trường hợp nhiễm HIV là do lây nhiễm qua đường máu (47,5%); lây truyền qua đường tình dục (38,7%)… Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên là 3 địa phương có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS đứng đầu trong toàn quốc.

Tại Bạc Liêu: Ngày 28/11, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tổ chức lễ mit tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Học sinh, sinh viên và các ban, ngành, đoàn thể ở trong tỉnh đã xuống đường diễu hành ở các khu vực công cộng, đông dân cư, với nhiều pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng HIV/AIDS với khẩu hiệu “Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”… Theo thống kê, tính đến cuối tháng 11/2010, tỉnh Bạc Liêu có hơn 1.900 người bị nhiễm HIV và 548 người bị tử vong do nhiễm AIDS.

Tại Đà Nẵng: “Thanh niên với các nhà hoạch định chính sách về phòng chống HIV/AIDS” là chủ đề của diễn đàn do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Ban quản lý Dự án phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên Thành phố tổ chức ngày 30/11. Đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và kỷ niệm 20 năm Việt Nam ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. Diễn đàn không chỉ là cơ hội để các bạn thanh niên chia sẻ những quan tâm, đề xuất những giải pháp và hiểu biết thêm về chủ trương chính sách trong công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố, mà còn là cơ hội để thanh niên thành phố khẳng định cam kết và quyết tâm tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS. Từ đó, có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ người dân được tiếp cận ngày càng rộng rãi hơn với các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS, kêu gọi xoá bỏ những rào cản về phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ, thanh niên và nhóm người dễ bị tổn thương.

Tại Nghệ An: Sáng 9/11, tại thành phố Vinh, Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Nghệ An triển khai kế hoạch tổ chức Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Nghệ An là một trong 7 tỉnh trọng điểm của cả nước về tình hình lây nhiễm HIV/AIDS. Tháng hành động Quốc gia năm nay nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho mọi người đồng thời tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS.

Tại Điện Biên: Ngày 28/11, tỉnh Điện Biên khởi đầu Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2010 bằng Lễ mít tinh sôi động với hơn 2.000 người tham gia. Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay được Điện Biên thực hiện với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của lãnh đạo các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về tiếp cận phổ cập phòng chống HIV/AIDS cho mọi người. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những đối tượng dễ tổn thương và đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Mặc dù là một trong những tỉnh cuối cùng trong toàn quốc phát hiện người nhiễm HIV, nhưng đến nay Điện Biên đã trở thành 1 trong 13 tỉnh trọng điểm của cả nước về HIV/AIDS. Hiện cả tỉnh có 3.380 người nhiễm HIV, trong đó 1.086 người chuyển sang giai đoạn AIDS; 100% huyện, thị xã, thành phố và 78,6% xã, phường trong toàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS. Trung bình mỗi ngày ở tỉnh này có 3,48 người nhiễm mới.

Tại Quảng Ninh: Tỉnh Đoàn Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Y tế Quảng Ninh tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2010. Quảng Ninh đã ra khỏi danh sách 10 tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất từ cuối năm 2009 với tỷ lệ nhiễm HIV trên dân số toàn tỉnh hiện là 0,29%. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS tại Quảng Ninh vẫn còn diễn biến phức tạp, có xu hướng lây lan trong nhóm có hành vi nguy cơ thấp và tăng số bệnh nhân chuyển sang AIDS. Trong Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Quảng Ninh hưởng ứng mạnh mẽ với các hoạt động: xuống đường tuyên truyền, phát tờ rơi, tuyên truyền qua loa phát thanh, băng rôn, áp phích… Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2010 ở Quảng Ninh cũng hướng tới việc thay đổi thái độ, hành vi của toàn xã hội về tiếp cận phổ cập trong chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV.

Tại Long An: Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS tỉnh Long An đã triển khai Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2010 ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Trong Tháng hành động, các cán bộ y tế và đồng đẳng viên, thanh niên tình nguyện sẽ tuyên truyền cho người dân trong tỉnh hiểu hơn về căn bệnh HIV/AIDS, cách phòng tránh bệnh cho bản thân mình, cho những người xung quanh và cách chăm sóc những người bị nhiễm bệnh. Với mong muốn mọi người bớt đi những kỳ thị đối với người bị nhiễm HIV/AIDS và chính người bị nhiễm HIV/AIDS cũng bớt đi những mặc cảm để sống tốt hơn, Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Long An đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền phù với với điều kiện của từng địa phương, từng nhóm đối tượng.

Tại Thái Bình: Ngày 27/11, Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Thái Bình đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) và chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu năm 2010. Sau lễ mít tinh, Ban chỉ đạo đã khai trương Triển lãm ảnh “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” để giới thiệu hàng trăm bức ảnh về sự cố gắng, nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống của những người nhiễm HIV và những hoạt động sẻ chia, cảm thông của cộng đồng xã hội với họ. Trong những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS tại Thái Bình đặc biệt được coi trọng nên đã được kết quả rất khả quan. Tính đến ngày 31/10/2010, Thái Bình đã phát hiện 3.675 người nhiễm HIV/AIDS và trên 85% số xã, phường có người nhiễm HIV.
Tại Bình Phước: Hưởng ứng Tháng hành động, tỉnh Bình Phước tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho mọi người; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS, xóa bỏ sự kì thị xa lánh đối với người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình và xã hội. Tại Bình Phước, hiện có trên 1.100 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 232 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 82 trường hợp tử vong tại 10/10 huyện, thị và 90/111 xã, phường, thị trấn.

Tại Cần Thơ: Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2010 kết hợp với sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Trong Tháng hành động, Sở Y tế Thành phố mong muốn thông qua công tác tuyên truyền, triển khai phong trào vận động toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của lãnh đạo ban, ngành các cấp, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân về tiếp cận phổ cập trong công tác chăm sóc, hỗ trợ và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho mọi người, đặc biệt là các đối tượng dễ tổn thương... Vì vậy, Cần Thơ đã đưa ra nhiều hoạt động cụ thể như: tổ chức chiến dịch đưa bao cao su vào tận phòng ngủ khách sạn, tăng cường kiểm tra sức khỏe của đối tượng nhân viên nhà hàng, khách sạn, tổ chức thu gom bơm kiêm tiêm ở những điểm nóng... Đặc biệt là mở rộng biện pháp đang thực hiện khá tốt qua đề án thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Hiện nay, thành phố Cần Thơ phát hiện hơn 4.000 người nhiễm HIV, trong đó các đối tượng ở độ tuổi từ 20 đến 29 tuổi chiếm tỷ lệ gần 52%. Ngành Y tế Thành phố đang tích cực tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS đến đối tượng thanh thiếu niên ở các vùng xa trung tâm, đưa các dịch vụ tư vấn vào tận các khu dân cư và nhà hàng khách sạn.

Tại Kon Tum: Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Tỉnh đoàn Kon Tum phối hợp với lực lượng công an các cấp tổ chức ký kết với đoàn viên thanh niên địa phương về chương trình thanh niên tham gia phòng chống ma túy trong giai đoạn 2010-2015. Nội dung cơ bản của chương trình là: Thanh niên tích cực tham gia phòng chống buôn bán và sử dụng ma túy, chống tệ nạn mại dâm và phòng chống HIV/AIDS.