Hướng đến mục tiêu “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”
19/11/2014 07:58:00
Xung quanh các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014, (từ ngày 10-11 đến ngày 10-12). BS CKII Trần Kim Long (ảnh), Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hậu Giang, cho biết:
- Việt Nam đã chọn chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2014 là “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Chủ đề này đã khẳng định cam kết nỗ lực hạn chế các nguyên nhân ngăn cản người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị và những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm căn bệnh này, bao gồm: quyền học tập, lao động, sinh hoạt như những người bình thường mà Luật Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam đã quy định.




Để hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đã tham mưu cho Ban chỉ đạo 138 của tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 và tổ chức triển khai thực hiện trong toàn tỉnh với các hoạt động. Cụ thể: tổ chức Lễ phát động tháng hành động ngay ngày đầu tiên của chiến dịch (10-11), chỉ đạo cho Ban chỉ đạo 138 của các huyện, thị, thành trong tỉnh tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng tháng hành động trước hoặc trong ngày 1-12; tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp (nói chuyện sức khỏe với cá nhân, thảo luận nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV), tổ chức sinh hoạt nhóm giáo dục đồng đẳng, sinh hoạt câu lạc bộ, các hội thi tìm hiểu về HIV/AIDS trong các hội, đoàn thể ở địa phương…
Thưa bác sĩ, việc triển khai chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh như thế nào ?
- Muốn đạt được mục tiêu năm nay là “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” thì phải tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ bản chất của kỳ thị, phân biệt đối xử, nguyên nhân và tình trạng người nhiễm HIV/AIDS tự kỳ thị chính mình. Trong đó, những nguyên nhân gây ra kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, bao gồm:
Thứ nhất, do bản chất của bệnh: vì bản chất của kỳ thị và phân biệt đối xử nói chung thường gắn liền với những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khó chữa. Trong khi đó, HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Thứ hai, do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS: có người vẫn cho rằng, HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường. Hoặc một số người cho rằng, chỉ có những người tiêm chích ma túy hoặc người mua, bán dâm mới bị nhiễm HIV/AIDS. Họ coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, nhiễm HIV là có tội, có lỗi.
Thứ ba, do một thời gian dài việc truyền thông không đầy đủ hoặc không phù hợp: truyền thông quá chú trọng đến đường lây truyền mà không giải thích rõ ràng, nhất là đường không lây của HIV. Chúng ta cũng thường hù dọa tạo ra cảnh hãi hùng. Chính việc tuyên truyền như vậy đã khiến mọi người sợ hãi, xa lánh và đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS của tỉnh Hậu Giang hiện nay ra sao, thưa bác sĩ ?
- Hiện nay toàn tỉnh có 2 phòng khám và điều trị ARV, bao gồm: Phòng khám ngoại trú tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngã Bảy với số bệnh nhân đang điều trị ARV 380 người.
Đối với người nhiễm HIV còn ngại chưa dám bộc lộ tình trạng nhiễm HIV của mình cho người khác biết, kể cả với người thân trong gia đình, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với cán bộ chuyên trách phòng, chống AIDS đến tận nhà để tuyên truyền vận động người nhiễm tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị. Số người được điều trị ARV đã đạt trên 90% số người nhiễm HIV/AIDS còn sống đang quản lý được tại cộng đồng trong toàn tỉnh.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự phục vụ công tác khám và điều trị đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ngày càng tăng như hiện nay. Ngoài ra, còn tăng cường quảng bá dịch vụ, cũng như tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm, nhằm giúp cho tất cả người nhiễm HIV đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và điều trị ARV. Để công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV ngày càng tốt hơn, sắp tới trung tâm sẽ mở rộng các điểm cấp thuốc ARV đến các xã có đông người nhiễm để người nhiễm HIV/AIDS dễ dàng tiếp cận với thuốc ARV hơn.

Tại tỉnh Hậu Giang, tính đến ngày 31-10-2014, đã phát hiện 1.213 người nhiễm HIV. Trong đó, 806 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 484 người đã tử vong do AIDS. Số ca nhiễm HIV mới được báo cáo hàng năm có xu hướng duy trì tương đối ổn định trong vòng 5 năm gần đây, với khoảng 90 ca nhiễm mới mỗi năm. Địa bàn báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS bao phủ 7/7 huyện, thị, thành phố và 74/74 xã, phường, thị trấn.

Đối tượng nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa với hơn 80% tổng số người nhiễm ở tỉnh nằm trong độ tuổi 20-39. Nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt. Trong khi đó, nhiễm HIV do tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế. Trong 3 năm gần đây, số phụ nữ phát hiện nhiễm HIV có xu hướng tăng, chiếm trên 45% trong các ca nhiễm HIV mới. Mỗi năm có khoảng 7-10 trường hợp phụ nữ mang thai được phát hiện nhiễm HIV.
Xin cảm ơn bác sĩ !
BÍCH THIỆN thực hiện
http://www.baohaugiang.com.vn/