Hướng tới mục tiêu xóa bỏ dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030
11:04 | 19/11/2014
(ĐCSVN) Ngày 18/11, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đưa ra cảnh báo nếu thế giới không nhanh chóng tăng tốc trong 5 năm tới thì dịch bệnh HIV/AIDS sẽ có thể bùng phát trở lại và số lượng các trường hợp nhiễm HIV mới sẽ lên tới mức còn cao hơn hiện nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: UNAIDS)

Báo cáo mới của UNAIDS với nhan đề “Đẩy mạnh: chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” chỉ ra rằng bằng cách áp dụng một cách tiếp cận nhanh chóng, gần 28 triệu trường hợp nhiễm mới HIV và 21 triệu ca tử vong do AIDS sẽ có thể được ngăn ngừa trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.


"Chúng ta đã đổi hướng quỹ đạo của bệnh dịch" – Giám đốc điều hành UNAIDS Michel Sidibé cho biết. "Chúng ta hiện có 5 năm để phá vỡ nó cho tốt, nếu không chúng ta có nguy cơ tăng trở lại dịch bệnh không kiểm soát được."


Theo UNAIDS, các mục tiêu cần đạt được đến năm 2020 bao gồm việc hoàn thành các mục tiêu 90 – 90 – 90: 90% người có HIV biết tình trạng lây nhiễm của mình, 90% những người nhận thức được tình trạng lây nhiễm của mình có thể tiếp cận với điều trị, và 90% những người điều trị đạt đến mức độ HIV không thể phát hiện trong cơ thể của họ.


UNAIDS ước tính rằng trong tháng 6/2014, khoảng 13,6 triệu người đã tiếp cận với điều trị kháng virus. Đây là một bước tiến quan trọng để đạt được mục tiêu 15 triệu người có thể tiếp cận với điều trị vào năm 2015, nhưng vẫn còn xa với mục tiêu 90 – 90 – 90. Chính vì vậy, vẫn rất cần những nỗ lực đặc biệt để xóa bỏ các khoảng cách trong tiếp cận điều trị cho trẻ em.


Ngoài ra, các mục tiêu khác được xác định bao gồm giảm hơn 75% số lượng các trường hợp nhiễm HIV mới mỗi năm (xuống còn 500.000 trường hợp trong năm 2020) và thực hiện mục tiêu "không phân biệt đối xử".


Báo cáo của UNAIDS nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc đầu tư để đạt được những mục tiêu này. Theo ông Sidibé, bằng cách đầu tư chỉ 3 USD mỗi ngày cho mỗi người sống chung với HIV trong 5 năm tiếp theo, chúng ta có thể phá vỡ được dịch bệnh./.
Khánh Linh (Theo UN, Reuters)