Nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12):
Không phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh HIV/AIDS

Chủ nhật, 30/11/2014 09:08

(CATP) “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” từ ngày 10-11 đến ngày 10-12-2014, có chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.

MỤC TIÊU 90-90-90


Để Việt Nam tiến đến mục tiêu 90-90-90 (tức là: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế) kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, chương trình phối hợp về HIV/AIDS của Liên hiệp quốc đã đưa ra mục tiêu “ba không”, gồm: Không có trường hợp nhiễm HIV mới; không có người tử vong vì HIV/AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Chính vì tầm quan trọng này nên “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” năm 2014 tập trung vào chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, nhằm tăng hiểu biết của toàn xã hội về HIV/AIDS, không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người không may bị nhiễm HIV. Qua đó, giúp cho những người nhiễm HIV được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 260.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, trong đó có khoảng 56% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Trong lĩnh vực điều trị, nửa năm 2014, Việt Nam có 86.771 bệnh nhân (cả người lớn và trẻ em) đang được điều trị ARV (chiếm 32% số người nhiễm HIV hiện đang sống trong cộng đồng). Hiện, việc xét nghiệm tải lượng vi-rút ở Việt Nam chưa mang tính thường quy, mới chỉ thực hiện chủ yếu trong các trường hợp có nghi ngờ. Do vậy ước tính tỷ lệ xét nghiệm tải lượng vi-rút của chúng ta mới chỉ đạt khoảng 5% số người được điều trị ARV.



Ông Michel Sidibe, Phó tổng thư ký LHQ (bìa trái) đến thăm Trung tâm Y tế huyện Nam Từ Liêm (Hà Nội) - nơi chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS Ảnh: TTXVN


TPHCM: TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC, ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN HIV/ADIS TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ


Hiện TPHCM, có 60.065 người nhiễm HIV, trong đó có gần 33.934 người đã chuyển sang AIDS và đã có trên 10 ngàn người tử vong. Tình hình lây nhiễm HIV khá cao, trong 9 tháng đầu năm 2014, ước tính trên địa bàn thành phố có 1.240 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, 770 trường hợp chuyển sang AIDS và đã có 160 trường hợp tử vong.

Nhóm nguy cơ cao trong lây nhiễm HIV là các đối tượng tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm và nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới. Chính vì thế công tác tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV tại các quận huyện trong thành phố đã được chú trọng quan tâm, hiện có 24/24 quận huyện triển khai công tác này với 89 giáo dục viên đồng đẳng can thiệp nhóm ma túy, 101 giáo dục viên tiếp cận nhóm phụ nữ mại dâm và 8 người phụ trách nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Trong năm 2014, do dự án của tổ chức Ngân hàng thế giới (WB) kết thúc nên số lượng giáo dục viên đều giảm so với năm 2013, trong đó nhóm nam đồng tính giảm đến 50%, nhóm giáo dục viên đối với các đối tượng ma túy giảm 22%, giáo dục viên với phụ nữ bán dâm giảm 12,2%. Hiện thành phố có 35 phòng khám ngoại trú, quản lý, chăm sóc và điều trị cho 26.500 bệnh nhân, trong đó điều trị thuốc ARV cho 23.800 bệnh nhân, đưa hơn 2.800 bệnh nhân mới vào điều trị ARV.

Để chăm sóc người nhiễm HIV thành phố tiếp tục triển khai phòng khám lưu động để đưa dịch vụ chăm sóc điều trị đến với bệnh nhân ở những địa phương chưa có phòng khám ngoại trú và nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao nhưng khó tiếp cận các dịch vụ cố định, giúp việc điều trị được liên tục, tránh nguy cơ kháng thuốc và hỗ trợ tăng cường chăm sóc điều trị tại các cơ sở.

Về giảm thiểu tối đa và thực hiện tốt mục tiêu ba không: Không có trường hợp nhiễm HIV mới; không có người tử vong vì HIV/AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, ngành y tế cần tăng cường chính sách nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng, có cơ chế, chính sách cho việc bình thường hóa các dịch vụ điều trị, xét nghiệm HIV.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh lồng ghép hoạt động cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS, methadone vào dịch vụ y tế chung nhằm tăng việc tiếp cận của người bệnh được xét nghiệm và điều trị sớm. Đẩy mạnh việc nhận điều trị ARV qua bảo hiểm y tế, lồng ghép các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế.

Khuyến khích, tạo điều kiện để các nhóm đồng đẳng, các tổ chức tôn giáo, từ thiện tham gia hoạt động tuyên truyền, dự phòng và chăm sóc cho người nhiễm. Tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam.

MINH KHÔI - MINH NGHĨA


http://www.congan.com.vn/