Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12): Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Thứ hai, ngày 01-12-2014, 09:17
TQĐT - Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12) năm nay có chủ đề “Không còn kỳ thị, phân biệt đối xử người nhiễm HIV/AIDS” nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn, giúp đỡ những người nhiễm HIV có được cuộc sống tốt.


Một buổi thu gom bơm kim tiêm của nhóm Giáo dục đồng đẳng
huyện Yên Sơn tại xã Mỹ Bằng.
Đánh giá của Liên Hợp Quốc cho thấy, tình hình người mới nhiễm HIV trên toàn cầu có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam chỉ 24% phụ nữ trẻ và nam giới có kiến thức về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và phản đối những quan niệm sai lầm về lây nhiễm HIV. Nguyên nhân dẫn tới sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV chính là sự thiếu hiểu biết về bệnh HIV. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị bệnh của những người nhiễm HIV/AIDS, làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng và số người tử vong do HIV/AIDS.


Là người đã nhiều năm gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện, y sỹ Hà Đức Hoan, Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn khẳng định, những năm qua, thông qua công tác tuyên truyền giúp nhận thức của cộng đồng xã hội về bệnh HIV/AIDS đã được nâng cao rõ rệt, sự kỳ thị, xa lánh và đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm đi rất nhiều, người HIV/AIDS được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có công ăn việc làm tốt hơn. Đến cuối tháng 11-2014, trên địa bàn huyện đã thành lập được 13 Câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS xã, thị trấn. Trung bình, mỗi Câu lạc bộ có từ 10 đến 20 thành viên, nòng cốt là các cán bộ Đoàn, Hội Phụ nữ, Trạm Y tế xã, giúp tăng hiệu quả hoạt động tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.


Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, nhóm Giáo dục đồng đẳng huyện Yên Sơn thật sự là “mái nhà chung” của 20 người nhiễm HIV. Cứ ngày 30 hàng tháng, các thành viên trong nhóm tổ chức sinh hoạt, đi phát bơm kim tiêm, bao cao su, phát tờ rơi, thu gom bơm kim tiêm… tại các điểm nóng về ma túy, mại dâm trên địa bàn huyện. Chị Trần Thị Thu ở xã Tiến Bộ, trưởng nhóm Giáo dục đồng đẳng chia sẻ, bản thân chị bị nhiễm HIV từ chồng. Ngày đầu được phát hiện mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”, mọi thứ như sụp đổ trước mắt chị. Chị lúc nào cũng nghĩ đến cái chết, nhiều người xa lánh… Chị đã tìm đọc nhiều sách, báo nói về HIV/AIDS để có thêm kiến thức về cách phòng, chống căn bệnh nan y này cho cộng đồng. Chị Thu tâm niệm, muốn mọi người không kỳ thị, xa lánh mình thì bản thân người nhiễm HIV phải sống cho tốt, hơn hết là một người tuyên truyền cho những người xung quanh hiểu biết về căn bệnh này. Nhờ sự kiên trì vận động và nỗ lực của bản thân, đến nay, chị không bị mọi người kỳ thị, xa lánh nữa. Ngoài ra, chị được điều trị đều đặn bằng thuốc ARV nên sức khỏe ổn định và làm việc bình thường, nuôi dạy con tốt.


Tháng 9-2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2014 - 2020 tạo bước tiến mới trong công tác phòng, chống ma túy và bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ta. Tỉnh phấn đấu ít nhất 70% người nghiện được điều trị bằng thuốc Methadone vào năm 2020, sẽ giảm sự lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nghiện tiêm chích ma túy.


Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, toàn tỉnh hiện có 48 tuyên truyền viên đồng đẳng. Trong đó, thành phố Tuyên Quang có 12 người, Sơn Dương có 16 người và Yên Sơn có 20 người. Các đồng đẳng viên có nhiệm vụ tìm kiếm các đối tượng bị nhiễm HIV, các đối tượng có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS nhằm tuyên truyền, vận động, giúp họ cách phòng tránh và giới thiệu họ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị; vận động các đối tượng từ bỏ ma túy và hành vi mua, bán dâm...
Bài, ảnh: Lý Thịnh
http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-h...hiv-46888.html