Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS: Thu hẹp khoảng cách

Thứ Tư, 03/12/2014, 08:28 [GMT+7]
“Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” là thông điệp thông qua hàng loạt hoạt động trong tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Chung tay vì bệnh nhân AIDS


Không may qua đời vì nhiễm AIDS, chị Cao Thị T. (thôn 1, xã Ba, Đông Giang) để lại 5 đứa con nhỏ với gia cảnh hết sức khó khăn. Chị T. bị nhiễm HIV từ người chồng, vốn nghiện ma túy. Ở vùng cao, điều kiện truyền thông hạn chế, nhưng cộng đồng đã chung tay giúp đỡ cho các con của chị. Nhờ nguồn hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức hảo tâm, các em nay đã có nhà ở ổn định và tiếp tục đến trường. Trong số đó, có một em được Trung tâm Trẻ mồ côi, sơ sinh Quảng Nam nhận nuôi dưỡng. Vòng tay dang rộng của xã hội đối với người nhiễm HIV và gia đình người nhiễm HIV như trường hợp của chị T. không hiếm. Cái nhìn thiện cảm, không kỳ thị cũng chính là động lực giúp họ vượt qua bệnh tật, đồng thời trở thành kênh tuyên truyền, vận động cho cộng đồng phòng tránh HIV/AIDS.


Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS của tuổi trẻ Điện Bàn. Ảnh: A.T

Anh Nguyễn Thanh T., một người nhiễm HIV tại Điện Bàn, chia sẻ: “Hiện tại, tôi chỉ mong có được một công ăn việc làm ổn định, không bị phân biệt, kỳ thị để có thể phụ giúp gia đình, nuôi con cái ăn học”. Nguyện vọng của anh T. là nguyện vọng chính đáng của hàng trăm người nhiễm HIV khác trên địa bàn tỉnh. Anh T. tâm sự, chính thiện cảm, sự chở che của cộng đồng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những người như anh chống chọi lại với bệnh tật, đồng thời tiếp tục đóng góp sức mình cho sự phát triển của xã hội. “Chúng tôi mong muốn có một cái nhìn công bằng, thiện cảm hơn từ mọi người. Chúng tôi cũng còn khả năng lao động, còn có thể cống hiến. Đồng thời chúng tôi cũng muốn mọi người hiểu thêm về tác hại của căn bệnh này, tích cực ngăn ngừa, phòng tránh” - anh T. tâm sự.


Từ ngày 10.11 đến ngày 10.12 năm nay được chọn là Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Đó là thông điệp mà chương trình muốn gửi gắm, để thay đổi hành vi, thái độ ứng xử của người dân đối với những trường hợp như chị T. anh T. Hàng loạt hoạt động nhằm truyền thông, vận động thay đổi hành vi, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã được triển khai như phân phát tờ rơi tuyên truyền, thông tin qua băng rôn, áp phích, tọa đàm về phòng chống HIV/AIDS tại các điểm nóng khu dân cư, trường học. Song song với đó, việc tư vấn người có nguy cơ cao thực hành các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ về y tế được triển khai rộng rãi trên khắp địa bàn tỉnh đã từng bước phát huy hiệu quả trong việc ngăn ngừa tác hại của căn bệnh này


Sức lan tỏa trong cộng đồng


Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 849 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 410 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 310 người tử vong do AIDS. So với năm 2013, số người nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS và số tử vong do AIDS ở Quảng Nam đều giảm, nhưng không nhiều và chưa bền vững; 80% trường hợp nhiễm HIV chủ yếu nằm trong độ tuổi 20 - 40. Sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng và cả cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ được xem là giải pháp căn cơ nhất để hạn chế, giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS. Theo đó, hàng loạt hoạt động tuyên truyền, phát động phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất, Trung tâm Y tế huyện Điện Bàn đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức lễ phát động tháng hành động phòng chống HIV/AIDS năm 2014 tại điểm Trường THPT Nguyễn Khuyến (huyện Điện Bàn). Thông qua những hoạt động như tìm hiểu về HIV/AIDS, các phòng tránh, chuyển tải các thông điệp ý nghĩa bằng các cuộc thi vẽ tranh, câu hỏi kiến thức về HIV/AIDS, đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên và các bạn học sinh đã được tuyên truyền về tác hại, hậu quả của HIV/AIDS cũng như các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, người bị nhiễm HIV/AIDS đã trực tiếp sẻ chia tâm sự của mình, tạo nên một hiệu ứng sâu rộng đến các bạn trẻ với thông điệp mỗi người cần tự bảo vệ mình trước căn bệnh thế kỷ, đồng thời không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.


Anh Đặng Hữu Tú - Phó Bí thư Thường trực Huyện đoàn Điện Bàn cho biết: “Tuyên truyền, thay đổi nhận thức, chuyển tải các thông điệp ý nghĩa về HIV/AIDS thông qua các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, diễn kịch, vẽ tranh là cách hiệu quả để bạn trẻ hiểu hơn về căn bệnh này. Từ đó, tạo nên hiểu biết sâu rộng, thay đổi hành vi, giúp người trẻ có lối sống lành mạnh, ngăn ngừa, phòng tránh”. Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết thêm: “Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi hành vi theo hướng tích cực nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS luôn được triển khai thường xuyên, tích cực. Đây cũng được xem là cách hữu hiệu nhất để từng bước phòng chống dịch HIV/AIDS trong cộng đồng. Song song với đó, chúng tôi cũng đã triển khai xét nghiệm, tư vấn cho phụ nữ mang thai, tư vấn điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS, từng bước giúp họ ổn định sức khỏe, tâm lý, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ để họ có thể đóng góp, cống hiến cho xã hội”.


PHƯƠNG GIANG