Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Thứ năm, 11/12/2014 09:16


Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 có chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với với người nhiễm HIV/AIDS”. Thông qua các hoạt động của tháng hành động nhằm kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và cả cộng đồng cùng tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn Tiến sỹ Đỗ Văn Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.


Ra quân phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố Ninh Bình. Ảnh: Trần Đức

P.V: Thưa đồng chí, những năm qua, những người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chăm sóc về mặt sức khỏe như thế nào?

Đ/c Đỗ Văn Dung: Trong những năm qua, cũng như các địa phương khác trong toàn quốc, cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc để triển khai và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, quy định về phòng, chống HIV/AIDS tới toàn thể các tầng lớp nhân dân, những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và người nhiễm HIV/AIDS. Về cơ bản, các tầng lớp nhân dân đã có kiến thức, thái độ và hành vi tốt trong phòng, chống HIV/AIDS.

Tính đến ngày 30-11-2014, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống trên địa bàn tỉnh là 1.769 người; số bệnh nhân AIDS còn sống là 990 trường hợp, trong đó có 849 bệnh nhân (trong đó có 24 trẻ em) được điều trị thuốc kháng vi rút (đạt 85,8%). Hoạt động chăm sóc và điều trị hiện nay tại tỉnh chủ yếu do Qũy toàn cầu hỗ trợ. Tỉnh ta đã duy trì điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS đủ tiêu chuẩn điều trị tại 2 phòng khám ngoại trú (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn), 5 điểmđiều trị ngoại trú (Bệnh viện đa khoa huyện Hoa Lư, Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn, Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan, Trung tâm 06, Trại giam Ninh Khánh) và 12 điểm cấp phát thuốc tại các xã, phường.


Đến nay, đã chuyển 210 bệnh nhân về 12 điểm cấp phát thuốc tại trạm Y tế xã. Công tác chăm sóc, hỗ trợ, điều trị người nhiễm được triển khai có hiệu quả ở tất cả các tuyến y tế, đặc biệt công tác này đang triển khai có hiệu quả tại cộng đồng. Bên cạnh đó, các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và khách hàng của phụ nữ bán dâm đã được hưởng dịch vụ cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí (chỉ tiêu thực hiện đạt trên 80%). Những người nghiện chất dạng thuốc phiện đã và đang mở rộng diện được cai nghiện bằng thuốc thay thế (Methadone).


Hiện tại trong tỉnh đã triển khai 2 cơ sở điều trị thuốc methadone cho 267 bệnh nhân (đạt 65% chỉ tiêu được giao). Đây là giải pháp rất hiệu quả, ngoài giải quyết vấn đề điều trị nghiện ma túy, làm giảm đáng kể lây truyền HIV, viêm gan B, viêm gan C qua đường máu và tăng tỷ lệ tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân AIDS đang dùng thuốc ARV. Trong năm 2014, lũy tích có khoảng 19.000 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV (đạt trên 90%), trong số đó đã phát hiện được 14 bà mẹ nhiễm HIV và được điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con đạt tỷ lệ trên 75%.


Tuy nhiên, dự kiến do cắt giảm kinh phí từ các tổ chức quốc tế, chương trình mục tiêu quốc gia, trong năm 2015 và các năm tiếp theo tỉnh Ninh Bình sẽ có thể nhận thêm gần 500 bệnh nhân AIDS hiện đang điều trị ARV tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vấn đề đặt ra là địa phương phải chủ động một lượng kinh phí không nhỏ chi trả thuốc ARV để điều trị suốt đời cho bệnh nhân AIDS.


P.V: Đồng chí có thể cho biết tình hình hòa nhập cộng đồng của những người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh?


Đ/c Đỗ Văn Dung:
Sự hòa nhập cộng đồng của người nhiễm HIV/AIDS cũng còn nhiều vấn đề cần phải chia sẻ và quan tâm. Sự hòa nhập cộng đồng của người nhiễm tốt hay chưa tốt phụ thuộc rất nhiều vào thực trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm. ở đâu, vào thời gian nào sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm giảm, ít hoặc không có thì ở đó, khi sự hòa nhập cộng đồng của người nhiễm được cải thiện và tốt hơn. Với người nhiễm HIV/AIDS, họ hơn bao giờ hết luôn mong được hỗ trợ chăm sóc, điều trị, được tôn trọng, được bảo vệ các quyền công dân, luôn khao khát và chủ động hòa nhập cộng đồng.


Thực tế cho thấy, những năm gần đây sự hòa nhập cộng đồng của người nhiễm HIV/AIDS có sự cải thiện đáng kể, nhiều địa phương đã coi căn bệnh HIV/AIDS là một trong những bệnh nhiễm trùng thông thường khác và hoàn toàn không có sự mặc cảm với căn bệnh này. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã vượt qua được mặc cảm, kỳ thị, tích cực hòa nhập cộng đồng thông qua việc công khai danh tính, tình trạng bệnh tật, tham gia sản xuất, lao động. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều câu lạc bộ của người nhiễm HIV/AIDS như: câu lạc bộ “Vì ngày mai tươi sáng”, “Khát vọng tình thương”, “Mái ấm tình thương”, “Hoa ngọc lan”... là địa chỉ để những người có H giao lưu, gặp gỡ, giúp đỡ lẫn nhau.


Đây cũng là hình thức giúp quản lý những người có H, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để hạn chế tình trạng lây nhiễm ra cộng đồng. Nhiều trường hợp công khai tình trạng phơi nhiễm, giúp nhau trong cuộc sống hàng ngày, tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, quan niệm và sự nhìn nhận của cộng đồng, xã hội về HIV/AIDS đã có sự thay đổi cơ bản. Nhiều người đã nhận thức và hiểu đúng HIV là một loại bệnh tật và những người mắc căn bệnh này đã được chăm sóc, tư vấn, điều trị, thăm hỏi, động viên như những người mắc bệnh khác.


Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử ở các mức độ, hình thức khác nhau, vì thế đã trở thành rào cản không nhỏ cho sự hòa nhập cộng đồng của người nhiễm cũng như bảo đảm các quyền của người nhiễm; là rào cản trong công tác dự phòng HIV/AIDS, tới việc tiếp cận các dịch vụ điều trị, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm, các can thiệp giảm hại...


P.V: Chủ đề của Tháng hành động năm nay là “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Theo đồng chí, để thực hiện hiệu quả chủ đề này, cần phải quan tâm đến những vấn đề gì?


Đ/c Đỗ Văn Dung:
“Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” cần phải được xem là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm và gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể thông qua việc thực hiện hiệu quả công tác huy động sự tham gia tích cực của cả cộng đồng và sự phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS.


Trong đó, cần quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm làm thay đổi hành vi cho gia đình, cộng đồng và xã hội để có đầy đủ kiến thức, thái độ và hành vi về HIV/AIDS, từ đó không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Làm tốt công tác tư vấn với người nhiễm HIV/AIDS để họ không tự kỳ thị, phân biệt đối xử. Khi người bệnh biết bị nhiễm HIV/AIDS, thường bị khủng hoảng cả về tâm lý lẫn hành vi, vì thế rất cần sự tư vấn, chia sẻ, giúp đỡ của người thân, gia đình, cộng đồng, cơ quan chuyên môn... để nhanh chóng lấy lại được sự cân bằng, thăng bằng về tâm lý và hành vi, tự làm chủ bản thân và có các quyết định đúng về vấn đề sức khỏe của mình; sớm có được tính tự giác, tự tin và tự lực trong cuộc sống, có thể chủ động công khai danh tính của bản thân.


Bên cạnh đó, cần phát hiện sớm người nhiễm HIV và cung cấp thuốc ARV cũng như các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ khác cho người nhiễm tại cộng đồng. Điều trị thuốc ARV sớm cho người nhiễm HIV/AIDS là cách dự phòng lây nhiễm HIV bền vững nhất. Thực tế cho thấy, làm tốt công tác chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV, chúng ta sẽ quản lý tốt được người bệnh. Đồng thời, quan tâm thành lập và duy trì tốt các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS cho người nhiễm và các tầng lớp nhân dân tham gia. Nếu mô hình này được phát huy, sẽ tạo điều kiện tốt cho người nhiễm tự giác, tự tin và tự lực trong chăm sóc, điều trị bệnh và trong cuộc sống.


P.V: Xin cảm ơn đồng chí!