20-12-2014 22:46 - Theo: netlife.vn

Hôn thú cũng chỉ là một tờ giấy, nó quan trọng đến vậy sao? Để tôi nói bạn nghe.


Khi dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình được đưa ra, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều trên các báo mạng, diễn đàn, facebook... Một trong những lý do phản đối phổ biến nhất là: người đồng tính về ở với nhau đủ rồi, cần gì phải đăng ký kết hôn?




Những bạn nghĩ như vậy, có lẽ chưa bao giờ hiểu được cảm giác tan nát của một đứa con gái nhỏ bước vào mối tình đầu, để cuối cùng nhìn người mình thời gian đi thử váy cưới sánh đôi cùng một người đàn ông khác, tất cả chỉ vì cái thứ vô hình vô nghĩa mang tên "định kiến xã hội".


Nhiều người thân quen cũng hỏi tôi, hai người nam hay hai người nữ, cứ tự nhiên mà sống chung với nhau, cứ lặng lẽ mà xin con nuôi, thậm chí tổ chức đám cưới rình rang bây giờ cũng không bị công an xã đến phạt vạ nữa, vậy chưa đủ sao, còn phải cố đòi thêm cái giấy đăng ký kết hôn làm gì? Hôn thú cũng chỉ là một tờ giấy, nó quan trọng đến vậy sao?




Để tôi nói cho bạn nghe...


Không được pháp luật thừa nhận, có ảnh hưởng như thế nào cho những người đồng tính?




Tôi có một cô bạn, cô ấy và bạn gái sống chung với nhau đã 8 năm, xa gia đình. Một ngày người yêu của bạn tôi bị bệnh phải nhập viện, khi cần có người thân ký giấy cam kết trước khi mổ, bạn tôi đã không thể chứng minh mình đủ tư cách ký vào tờ giấy ấy. Cô bạn gái trong cơn đau nửa mê nửa tỉnh vẫn phải cố gượng dậy tự mình ký cam kết cho mình. Nếu họ được chứng nhận trước pháp luật, mọi chuyện đã dễ dàng hơn.




Rồi khi hai người đồng tính nhận con nuôi, trên giấy tờ đứa trẻ ấy vẫn chỉ có một người cha (hoặc một người mẹ). Người còn lại dù cũng thương yêu, chăm sóc đứa bé như con ruột, dù cũng hạnh phúc và đau khổ vì con như bất kỳ ông bố bà mẹ nào trên đời này, nhưng trên danh nghĩa vẫn chỉ là người dưng. Như vậy có đau lòng lắm không?




Người đồng tính cũng như người dị tính, ở đâu cũng có người này người kia, mỗi hoàn cảnh là một mảnh ghép đa dạng đa sắc màu. Nhưng với những trường hợp bạo lực gia đình, người đồng tính thường có xu hướng cam chịu nhiều hơn, họ không hề được pháp luật bảo vệ vì "trong luật không quy định". Khi chia tay, việc phân chia tài sản sau bao nhiêu năm sống chung cũng trở nên khó khăn vì "trong luật không có". Luật Hôn nhân, đâu chỉ là một tờ giấy mà thôi.


Vậy còn việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, có lợi như thế nào cho... người dị tính?



Các bạn có lẽ ngạc nhiên, mấy người kết hôn hay không là chuyện của mấy người, mắc mớ gì mà kêu có lợi cho chúng tôi?



Cách đây không lâu tôi có đọc trên báo một trường hợp, hai người con gái sau khi lấy chồng, có con, sống yên ổn gần 10 năm rồi một ngày quyết định không che giấu người thân nữa, họ cùng comeout, cùng ly dị và về ở với nhau.


Những người bạn trong giới đều ca ngợi mối tình của họ, đã vượt qua bao nhiêu khó khăn như vậy, dũng cảm đến thế, để tìm được hạnh phúc thực sự. Nhưng tôi cứ nghĩ đến hai người chồng, có lẽ còn đang ngỡ ngàng đằng sau trang báo, không hiểu mình đã làm gì nên tội mà gia đình nhỏ bé của mình tan vỡ như vậy.


Tôi không trách hai người con gái ấy, tôi chỉ ước rằng giá như được pháp luật và xã hội thừa nhận, để họ được đến với nhau từ 10 năm trước, thì có lẽ đã không có hai cuộc hôn nhân sai lầm như vậy. Nếu người đồng tính có thể đến với nhau dễ dàng hơn, sẽ có ít hơn những đám cưới "giả vờ" để che mắt người thân, mà chỉ có người trong cuộc biết họ bất hạnh đến nhường nào.


Tôi đã từng được đi dự một đám cưới đồng tính. Hạnh phúc trong mắt họ là thật, cũng rạng rỡ như bất kỳ đám cưới nào mà tôi từng dự, và có lẽ còn sâu sắc hơn, vì họ đã phải dũng cảm biết mấy để đi đến một đám-cưới-chưa-trọn-vẹn. Và tôi thương, còn bao nhiêu người đồng tính ngoài kia, vẫn đang phải ẩn mình trong vỏ bọc, vì định kiến xã hội và những thứ vô nghĩa không tên.