Thứ 3, 06-01-2015 01:27:42 pm
Hầu hết đồng tính nữ đều che giấu bản thân không muốn lộ diện với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp để tránh sự kỳ thị. Nhiều đồng tính nữ rất đau khổ, tuyệt vọng, thậm chí ghê sợ chính bản thân và lo sợ sự kỳ thị, phản đối của gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp...


Vì sợ mọi người phát hiện nên các đồng tính nữ rất cẩn trọng với những hành vi được cho là dễ lộ diện bản thân: “Khi nói chuyện hay hẹn hò với bạn em luôn phải tìm chỗ an toàn để nói chuyện hoặc gặp gỡ tránh mọi người nghe được hay bắt gặp. Nhiều lúc em thấy rất căng thẳng, căm ghét bản thân vì cảm giác che giấu”, một lesbian tại Hà Nội chia sẻ.


Sự thận trọng khiến đồng tính nữ sống khép kín hoặc sống không thật với bản thân mình. Họ phải sống giả tạo sao cho có những hành vi của mình thỏa mãn sự mong đợi của mọi người trong xã hội như: nữ tính, xưng hô với bạn tình, người yêu bằng ngôn ngữ bình thường như những người bạn. Hồng Khanh - một đồng tính nữ Hải Phòng cho biết: “Để che giấu mọi người bọn em không dám thể hiện tình cảm trước mặt mọi người mà chỉ ứng xử với nhau như những người bạn bình thường trong cuộc sống thôi, từ nói lăng, xưng hô và những cử chỉ yêu thương cũng không dám thể hiện với nhau”.


Sống hai mặt


Sự kỳ thị khiến đồng tính nữ không dám bộc lộ khuynh hướng tình dục đích thực của mình và luôn phải sống một cuộc sống hai mặt. Một đồng tính nữ vẫn có thể lấy chồng, sinh con nhưng vẫn duy trì quan hệ với những nữ giới khác. Điều này là không công bằng cho những người thân bên cạnh và có thể gây ra những hậu quả tiềm ẩn về bệnh tật, mâu thuẫn có thể dẫn đến tan vỡ gia đình.


Từ khi còn đi học Hương đã thấy rõ mình có xu hướng thích các bạn nữ. Lớn lên, Hương đã yêu nữ mặc dù có rất nhiều bạn nam yêu quý Hương. Nhưng do sức ép từ gia đình nên Hương đã phải bỏ người yêu nữ để “cố làm người dị tính” bằng cách đến với những người đàn ông. Cuộc gặp gỡ với người thứ nhất… rồi người thứ hai… đến người thứ ba với nhiều trải nghiệm, tâm tư tình cảm khác biệt nhau nhưng Hương đều không thể yêu thương những người đàn ông đó như họ yêu thương cô. Cuối cùng do sức ép từ phía gia đình, cô đã quyết định kết hôn với người thứ ba. Sau khi lễ cưới được tổ chức thành công đi đôi với sự hài lòng của Hương là một nỗi buồn khó tả: “Đến lúc cô dâu, chú rể phải xuất hiện trước hai họ, em phải khoác tay người đấy thì lúc đấy em buồn thảm thiết - Hình ảnh người yêu em lại hiện về. Lúc đó em chỉ muốn khóc thật to nhưng em lại không thể nào khóc được”.


Nhiều đồng tính nữ mặc dù không thể yêu nam giới, không muốn lấy chồng nhưng vì không muốn cha mẹ, người thân gia đình lo lắng nên luôn có ý nghĩ phải chấp nhận. “…Mình biết bố mẹ lo lắng, quan tâm, yêu mình như thế nào, cho nên mình muốn làm gì đó cho bố mẹ, mình phải hy sinh hạnh phúc của bản thân, mình phải lấy chồng. Mình lấy chồng thì bố mẹ mình sẽ cảm thấy thoải mái hơn, mình không muốn bố mẹ mình phải suy nghĩ nhiều về mình nữa” Phương Linh - một lesbian ở Hải Dương chia sẻ. Mặc dù không có tình yêu với nam giới nhưng nhiều đồng tính nữ vẫn mạo hiểm “cố làm người dị tính” bằng cách lấy chồng, có con cho người thân gia đình yên tâm. Những suy nghĩ trên xuất phát từ việc nhiều bậc cha mẹ nghĩ một cách đơn giản rằng con mình cứ có bạn trai, lấy chồng là có thể giải quyết được “vấn đề” yêu nữ. Nhưng thực tế không như vậy. Cuộc sống gia đình không có tình yêu rồi sẽ ra sao? Một cuộc sống hai mặt hoặc cố làm người dị tính liệu có đem lại hạnh phúc không? Ngày xưa có chuyện cha mẹ ép duyên con, ngày nay trong cộng đồng LGBT lại cho chuyện “tự ép duyên” mạo hiểm của những đồng tính nữ.


Theo kết quả của nhiều nghiên cứu thì cuộc sống hai mặt có thể làm cho nhiều đồng tính nữ rơi vào trạng thái trầm cảm, dễ tìm đến rượu, bia, ma túy, quan hệ tình dục với nhiều người, hoặc có những hành vi khác có hại cho sức khỏe. Những hành vi đó lại càng khiến đồng tính nữ bị kỳ thị nặng nề hơn, bị xã hội thành kiến và gạt ra ngoài lề xã hội.


Như vậy, rõ ràng sự kỳ thị từ phía gia đình và cộng đồng xã hội có thể gây ra những tổn thương lớn về tâm lý và sức khỏe cho đồng tính nữ. Đa số các bậc phụ huynh đều có quan niệm đồng tính là một căn bệnh, một vấn đề xấu. Khi biết con mình là đồng tính nữ, họ có các hành động như ngăn cấm quyết liệt, đồng thời thuyết phục, hướng con đi theo “lẽ thường” như lấy chồng, để tóc dài, mặc trang phục nữ tính... mà không quan tâm đến việc theo “lẽ thường” đó có làm cho con mình hạnh phúc hay không? Chính sự phản đối gay gắt của cha mẹ đã gây căng thẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của đồng tính nữ. Những đồng tính nữ phải trải qua những trải nghiệm nặng nề này thường có hành vi tự tử, có biểu hiện trầm cảm, sang chấn về tâm lý và có những tổn thương về sức khỏe.



Thân Nam Phong/baodongtinh