KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ HIV/AIDS
MỘT SỐ KIẾN THỨC CƠ BẢN PHỔ THÔNG

VỀ HIV/AIDS

Bs. Chu Quốc Ân
Cục phó - Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam


I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ HIV VÀ AIDS

1. HIV là gì?
HIV (Viết tắt từ các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh: Human Immunodeficiency Virus) là tên gọi tắt của một loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.
Cũng có thể hiểu “nôm na” HIV là loại vi rút làm mất dần sức đề kháng (khả năng chống lại bệnh tật) của con người.
2. Một số đặc điểm cơ bản của HIV
2.1. Về cấu tạo
- Kích thước của HIV vô cùng nhỏ bé, chỉ vào khoảng từ 80 – 120 nanomét (01 nanomét chỉ nhỏ bằng 01 phần tỷ mét). Do vậy ta chỉ có thể nhìn thấy nó dưới kính hiển vi điện tử phóng đại hàng triệu lần. Nhờ kích thước nhỏ bé này HIV có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết xây xước rất nhỏ và có thể qua cả niêm mạc.
- Khả năng biến đổi của HIV rất lớn nên hiện nay trên thế giới có nhiều chủng, dưới chúng HIV khác nhau. Thậm chí trong quá trình điều trị bằng các thuốc kháng vi rút (ARV) hiện nay HIV có thể biến đổi, trở nên kháng thuốc và các vi rút mới kháng thuốc này cũng lây truyền từ người này sang người khác. Đây là khó khăn lớn nhất đối với việc nghiên cứu chế tạo vắc xin chống HIV cũng như thuốc điều trị AIDS.
- Bề mặt của HIV có rất nhiều gai nhú giống như. Các gai nhú này giúp nó dễ dàng bám và đột nhập rất nhanh vào các tế bào bạch cầu - những tế bào vốn có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật.
Các đặc điểm trên của HIV là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, chế tạo thuốc điều trị AIDS và vắc xin dự phòng lây nhiễm HIV...

2.2. Về một số đặc điểm lý hóa
- Vỏ của HIV được cấu tạo bởi lớp lipid kép. Chính lớp vỏ kép này giúp cho HIV giữ được sức bền của bề mặt để có thể tồn tại lâu hơn khi khi nó ở ngoài cơ thể. Nhờ đó HIV có thể tồn tại ngoài môi trường từ vài ngày đến một tuần, nhất là khi nó nằm trong các mẫu máu dính trong các bơm kim tiêm đã sử dụng.
- HIV có thể tồn tại ở trong xác chết bệnh nhân AIDS trong vòng 24 giờ.
- Nhiệt độ dưới 0oC, tia X, tia cực tím không giết được HIV.
- Tuy nhiên, khi ở ngoài cơ thể, dưới tác động của nhiệt độ và các chất sát trùng thông thường HIV lại bị tiêu diệt. Ví dụ:
+ HIV bị tiêu diệt sau 30 phút ngâm trong cồn 70 độ, dung dịch Cloramin 1%, nước Javen 1%...
Do vậy, nếu ta ngâm dụng cụ tiêm, chích trong cồn 70 độ hoặc quần áo, đồ vải có dính máu nhiễm HIV vào dung dịch Cloramin 1%, nước Javel 1% trong 30 phút... là có thể tiêu diệt được HIV.
+ Nếu bị đun sôi trong 20 phút (kể từ khi nước sôi) thì HIV sẽ bị chết.
Do vậy, nếu chúng ta luộc các dụng cụ phẫu thuật, tiêm, chích... (bằng thuỷ tinh hay kim loại) 20 phút kể từ khi nước sôi trước mỗi khi sử dụng thì đã có thể diệt được HIV...
Các đặc điểm lý hóa trên của HIV chính là cơ sở khoa học để chúng ta xác định các biện pháp xử lý và dự phòng được sự lây nhiễm HIV, như xử lý các dụng cụ, đò vải... có dính máu và dịch sinh học của người nhiễm HIV cũng như xác định các biện pháp xử lý khi bị phơi nhiễm HIV.


3. Cơ chế HIV xâm nhập, phát triển và gây bệnh cho con người
Hệ miễn dịch của con người, với thành phần chủ lực là bạch cầu, là lực lượng bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của các loại tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài hoặc mầm bệnh ung thư phát sinh từ một số tế bào trong cơ thể.
Người ta có thể ví bạch cầu như những người lính luôn đi “tuần tra” khắp cơ thể để phát hiện và chiến đấu chống lại các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài hoặc phát sinh từ bên trong cơ thể.
Trong đội ngũ bạch cầu, có một loại đặc biệt gọi là lympho bào T có điểm thụ cảm CD4 (gọi tắt là tế bào CD4), đóng vai trò như một “Tổng chỉ huy”, có nhiệm vụ điều phối, huy động hay “rút lui” toàn bộ hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Sau khi xâm nhập cơ thể, HIV tấn công ngay vào các bạch cầu, nhất là lympho bào T-CD4. HIV sử dụng chính chất liệu di truyền của các tế bào bạch cầu này để nhân lên, để sinh sôi nảy nở. Như vậy, bạch cầu không những không bao vây, tiêu diệt được HIV, mà còn bị HIV biến thành “kẻ tòng phạm” và cuối cùng bị HIV phá huỷ.
HIV phá huỷ bạch cầu ngày càng nhiều, dẫn đến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm dần, cuối cùng là bị “vô hiệu hóa” và điều đó có nghĩa là cơ thể con người không còn được bảo vệ nữa. Lúc đó, mọi mầm bệnh khác như vi trùng, siêu vi trùng nhân cơ hội gây bệnh (nhiễm trùng cơ hội) và cả tế bào ung thư “mặc sức hoành hành” gây nên nhiều bệnh nguy hiểm... và dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, sau khi xâm nhập cơ thể, HIV còn có thể trực tiếp phá hoại tế bào thần kinh đệm khiến người bệnh lú lẫn, mất trí... hoặc xâm nhập vào các cơ quan thần kinh, dạ dày, ruột, da... gây nên một số bệnh cho các cơ quan này, làm cho bệnh cảnh của AIDS vì thế mà trở nên hết sức đa dạng và phức tạp, khó chẩn đoán.
4. AIDS là gì ?
AIDS (Cách viết tắt từ các chữ cái đầu của cụm từ tiếng Anh: Aquired ImmunoDeficiency Syndrome hay còn gọi là SIDA (cách viết tắt từ của cụm từ tiếng Pháp: Syndrôm dé Immuno Dèficience Acquise) - là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người - giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV.
Hội chứng là một tập hợp các triệu chứng. Ví dụ hội chứng nhiễm trùng bao gồm các triệu chứng sốt, nhức đầu, môi khô, lưỡi bẩn...
AIDS không phải là hội chứng bẩm sinh, hay di truyền mà là mắc phải do có các hành vi nguy cơ trong quá trình sống của con người, như dùng chung bơm kim tiêm hoặc quan hệ tình dục không dùng bao cao su với người nhiễm HIV, dẫn đến bị lây nhiễm HIV, và từ nhiễm HIV phát triển thành AIDS.
AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV. Thời gian từ khi nhiễm HIV cho đến khi thành AIDS dài hay ngắn tùy thuộc vào sức chống đỡ bệnh tật và hành vi của từng người. Trung bình từ khi nhiễm HIV đến khi thành AIDS kéo dài từ 5-7 năm, nhưng có nhiều trường hợp có thể kéo dài đến hàng chục năm nếu người nhiễm HIV biết cách giữ gìn sức khỏe và không có hành vi nguy cơ liên quan đến lây nhiễm HIV.