IV. MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP KHI TRUYỀN THÔNG VỀ HIV/AIDS

1. Tại sao côn trùng đốt hay súc vật cắn lại không làm lây truyền HIV?
Như trên đã trình bày, HIV là loại vi rút chỉ tồn tại và “sinh sôi nảy nở" được trong cơ thể người.
Người ta chưa tìm thấy một loại côn trùng hay súc vật nào thích hợp cho HIV phát triển. Do vậy, không một loại côn trùng hoặc súc vật nào có thể truyền HIV cho người.
2. Tại sao kim tiêm có thể làm lây truyền HIV, còn vòi muỗi đốt thì không?
Đó là vì kim chích và vòi muỗi khác xa nhau.
Về mặt khoa học, khi theo máu người vào cơ thể muỗi HIV sẽ bị dịch vị dạ dày muỗi tiêu diệt. Do vậy, HIV không thể sống và nhân lên trong cơ thể muỗi được. Ngay cả khi cho rằng vòi muỗi có thể dính HIV giống như kim tiêm, thì khả năng lây truyền HIV cũng không xảy ra, vì lượng HIV có thể dính vào vòi muỗi là rất không đáng kể, không đủ ngưỡng để làm lây truyền HIV từ người nhiễm sang người lành.
Trên thực tế, ở châu Phi, những vùng bị sốt rét, sốt xuất huyết (những bệnh do muỗi là trung gian truyền bệnh) nặng nề không tương ứng với vùng có tỷ lệ nhiễm HIV cao và ngược lại...
3. Vì sao mà chưa tìm ra được vắc xin phòng nhiễm HIV?
Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu vẫn là:
- HIV có khả năng biến dị rất lớn, vì thế không thể có vacxin kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đáp ứng kịp sự “thay hình đổi dạng” của HIV. Mặt khác khó tìm ra một loại vắc-xin thích ứng cùng một lúc với nhiều chủng HIV khác nhau, lại được phân bổ ở nhiều vùng khác nhau;
- Nhiều đặc tính của HIV chưa được làm sáng tỏ;
- Sự đầu tư về nguồn lực quá tốn kém;
- Nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý và đạo đức khi tiến hành thử nghiệm vắc xin trên cơ thể người...chưa được giải quyết...


4. Có cách nào chữa được AIDS chưa?
Hiện nay có nhiều loại thuốc kháng vi rút (gọi tắt là ARV) có tác dụng làm chậm sự phát triển của HIV, chứ chưa có thuốc điều trị khỏi AIDS.
Phương pháp điều trị kết hợp các loại thuốc tuy có hiệu quả bước đầu nhưng rất tốn kém và cũng mới dừng lại ở mức độ kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân...
5. Làm thế nào để biết một người bị nhiễm HIV?
Nhìn bề ngoài, không thể biết được ai là người nhiễm HIV.
Chỉ có một cách chắc chắn để khẳng định ai đó đã nhiễm HIV là xét nghiệm máu. Ngay cả khi xét nghiệm máu cho kết quả âm tính cũng chưa khẳng định được nếu người nhiễm đang trong “thời kỳ cửa sổ”.
6. Như vậy, nếu kết quả xét nghiệm tìm kháng thể là “âm tính” thì liệu đã yên tâm là mình chưa bị nhiễm HIV?
Bạn chưa thể yên tâm vì tình trạng nhiễm của bạn có thể đang ở trong “thời kỳ cửa sổ”, đặc biệt trong trường hợp bạn đã từng có hành vi nguy cơ cao (như chích ma tuý dùng chung bơm kim tiêm hoặc quan hệ với người bán dâm mà không dựng bao cao su...) trong 3 tháng qua.
Để khẳng định, bạn cần đi xét nghiệm ít nhất là sau ba tháng tính từ khi có hành vi nguy cơ và trong giai đoạn đó bạn không có thêm bất cứ hành vi nguy cơ nào khác.
7. Xét nghiệm HIV có được giữ bí mật không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì:
Cán bộ xét nghiệm và những người tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ phải đảm bảo bí mật cho người nhiễm HIV.
Nhưng pháp luật cũng quy định người nhiễm HIV phải thông báo ngay tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ hoặc chồng hoặc người sắp kết hôn với mình biết để có biện pháp phòng tránh lây bệnh (Luật phòng, chống HIV/AIDS).


8. Ai là người có thể nhiễm HIV?
Tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm HIV nếu có các hành vi nguy cơ (liên quan trực tiếp đến máu và dịch sinh dục của người khác), như:
- Quan hệ tình dục, nhất là với người nhiễm HIV hay với người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao mà không dùng bao cao su đúng cách;
- Dùng chung bơm kim tiêm và dụng cụ tiêm, chích với người nhiễm HIV;
- Dùng chung các dụng cụ có liên quan đến máu và dịch sinh dục như dao kéo phẫu thuật, châm cứu, xăm mình, xâu lỗ tai, dao cạo râu, dụng cụ chữa răng, dụng cụ thăm khám thai sản...;
- Nhận máu và các sản phẩm của máu chưa qua sàng lọc HIV;
- Dính máu của người nhiễm HIV thông qua các vết thương hở hoặc da tay xây sát...
- Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con mình trong khi mang thai, khi đẻ, hoặc khi bú sữa mẹ…

Bs. Chu Quốc Ân
Cục phó - Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam