Thứ Hai, 12/01/2015 - 08:40
Người nhiễm HIV gần 20 năm, người kia cũng ngót nghét 15 năm "có ết". Khi nói chuyện với chúng tôi, anh chị không dám mơ ước gì cho 2 đứa con của mình mà chỉ có mong những điều tốt đẹp với những người “cùng dòng”.
Anh bảo, không phải anh không lo cho 2 đứa con của mình. Mang căn bệnh thế kỷ trong người, anh chưa biết mình ra đi lúc nào. Quyết định sinh con ra, anh chị đã phải tính đến lúc con vào đại học, thậm chí là còn xa hơn thế nữa. Nhưng những người “cùng dòng”, không phải ai cũng may mắn như anh chị, có một nửa để yêu thương, có gia đình để nương tựa và có những đứa con để hi vọng.
Chúng tôi tới thăm vợ chồng anh chị vào một ngày mưa tê tái, trời rét căm căm. Chị gầy gò, ngồi dưới hàng hiên cửa hàng tạp hóa – nơi là thu nhập chính của CLB Sông Lam Xanh – CLB của những người “có H” thành phố Vinh (Nghệ An). Cái bụng gần ngày sinh khiến chị nhiều khi phải nhăn nhó vì đau, nhưng cũng chứa chan niềm hạnh phúc của một người mẹ sắp đón một sinh linh nữa chào đời – điều mà trước đó chị không dám mơ đến.
Chị Nguyễn Thị Thương (tên nhân vật đã được thay đổi) quê Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Cơn lốc ma túy tràn qua, chị Thương bập vào lúc nào không hay. Rồi điều tất yếu đã đến, do không biết tự bảo vệ mình, chị nhiễm căn bệnh HIV. Suy sụp, khủng hoảng, thậm chí có lúc những muốn chết đi để giải thoát chính mình, để tránh sự nghi kị, kỳ thị của người đời, để bố mẹ khỏi phải mang điều tiếng. Nhưng rồi, khát vọng được sống mạnh mẽ hơn, giúp chị chiến thắng những ý nghĩ tiêu cực trong đầu mình. Chị quyết định: mình phải sống! Sống không phải vì mình mà vì những người cùng cảnh ngộ như mình.
Ki ốt hàng tạp hóa - nơi chị Thương làm việc đẻ gây quỹ hoạt động cho CLB Sông Lam Xanh.
Chị Thương tham gia CLB Sông Lam Xanh. Rồi số phận một lần nữa mỉm cười với chị khi chị gặp một người đàn ông cùng cảnh, hơn chị một tuổi. Anh Nguyễn Văn Tuấn (tên nhân vật được thay đổi) là trai Vinh chính gốc, cũng học đến đại học nhưng cuộc đời rẽ ngang khi nghiệm heroin và tưởng chừng chấm hết khi cầm tờ giấy xét nghiệm “dương tính với HIV”.Cuộc gặp gỡ như số phận sắp đặt đó, cả anh và chị đều nhận ra một nửa cuộc đời của mình ở đây. Yêu chị, anh có dũng khí cai nghiện và đã thành công. Yêu nhau rồi đi đến hôn nhân, chị bảo, thật may mắn khi tất cả người thân, bạn bè đểu ủng hộ cho hai đứa. Hai người “có H” đến với nhau bằng một đám cưới giản dị và ấm cùng cùng lời chúc phúc của bạn bè và niềm hi vọng sẽ cùng nhau vượt qua mọi thử thách của cuộc đời. Anh có chiếc xe ô tô cho thuê, khi cần cũng có thể làm tài xế cho người ta. Chị cùng một vài người bạn phụ trách ki ốt tạp hóa của CLB (để lấy kinh phí hoạt động cho CLB), cuộc sống cũng tạm ổn.
Nhưng chả có nhẽ chỉ có hai vợ chồng thui thủi sống với nhau. Cũng như bao nhiêu cặp vợ chồng khác, anh chị cũng thèm được nghe tiếng líu lo của con trẻ, được cưng nựng, được vỗ về đứa con là máu thịt của mình. Nhiều năm tham gia đồng đẳng viên trong nhóm Sông Lam Xanh, anh chị cũng được trang bị những kiến thức cần thiết về tránh nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. “Đi tư vấn, bác sỹ bảo có mấy chục cặp vợ chồng “có H” nhưng sinh con hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, anh chị thêm vững tâm để hiện thực hóa ước mơ của mình” chị Thương chia sẻ.
Chị Thương chỉ ước những đứa trẻ không may nhiễm HIV từ mẹ có phác đồ điều trị riêng để kéo dài sự sống, được vui chơi, được học hành như những đứa trẻ khác (Hình minh họa: Ươc mơ của em - tranh của trẻ có HIV vẽ - Nguồn Báo Nghệ An).
9 tháng 10 ngày mang thai, anh chị phấp phỏng trong lo âu. Nhỡ…, chị không dám nghĩ đến điều ấy. Cuộc vượt cạn dữ dội, anh chị vỡ òa trong niềm vui đón con gái đầu lòng. Chị không thể cho con bú dòng sữa của mình, bé lớn lên bằng những hộp sữa ngoài, bằng tình yêu của ông bà, của bố mẹ, của những người “cùng dòng” với cha mẹ mình. Nhìn con ngủ ngoan, lòng anh chị lại như có ai xát muối. Nỗi lo sợ được hóa giải khi kết quả xét nghiệm lúc bé 3 tháng tuổi: âm tính với HIV! Trong niềm vui vỡ òa ấy, chị đón nhận thêm một niềm vui nữa khi biết mình đang mang trong bụng một sinh linh nữa.
“Con trai em ạ. Vài ngày nữa là sinh thôi. Thằng này nghịch lắm, không như chị nó đâu”, chị Thương cười, nụ cười mãn nguyện. Như nhìn thấy những sự nghi ngại trong mắt chúng tôi, anh Tuấn cười: “Em đừng nghĩ vợ chồng anh liều. Quyết định sinh con ra, bọn anh đã phải chuẩn bị kỹ càng rồi. Người như vợ chồng anh, cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu, biết “ra đi” lúc nào.
Nhưng vợ chồng anh không thể vô trách nhiệm với con mình, với người thân và với xã hội được. Cũng không phải là nhiều nhưng vợ chồng anh có thể lo cho con đến khi cháu vào đại học. Điều anh sợ nhất bây giờ là khi các cháu đến trường, không thể không tránh khỏi sự kỳ thị của bạn bè, của người đời được”. Anh ngước đôi mắt nhin ra bầu trời đông xám xịt, mưa vẫn rơi như mắc cửi.
Xoa xoa vào bụng, chị Thương tiếp lời chồng: “Sự kỳ thị đối với những người “có H” vẫn còn nặng nề lắm em ạ. Khi mình đã cầm chắc cái chết trong tay mà bị người đời, thậm chí cả người thân của mình ruồng rẫy, chối bỏ thì cái đau đó, cái sợ hãi đó còn lớn gấp trăm ngàn lần cái chết. Anh chị may mắn được gia đình, bạn bè yêu thương, tin tưởng và tiếp thêm sức mạnh nhưng vẫn nhiều người “cùng dòng” không được hưởng hạnh phúc ấy.
Chị chỉ ước sao Nhà nước, cộng đồng, xã hội có nhiều sự quan tâm hơn nữa đối với những người “có H”, trao cho họ nhiều yêu thương và tin tưởng để họ có thể sống và sống có ích với căn bệnh này. Và không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như con anh chị. Mong sao những đứa trẻ “có H” sẽ có một phác đồ điều trị kéo dài để các cháu được sống, được vui chơi, được học hành như những đứa trẻ bình thường khác”.
Cận kề ngày sinh, chị Thương vẫn không nghỉ. Ngày ngày, chị cùng chồng ra ki ốt của CLB Sông Lam Xanh làm việc. Việc kinh doanh dạo này cũng không được tốt, thậm chí, vợ chồng chị phải đứng ra trả tiền thuê ki ốt cho nhóm. “Cũng phải cố thôi em ạ”, chị nói với chúng tôi như thể động viên chính mình. Tôi hiểu, chị cố, không phải vì mình mà vì bao nhiêu người “cùng dòng” đang cần được hỗ trợ, giúp đỡ.
Nguôn : Dantri.com.vn