Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Chồng chôn 11.000 hài nhi, vợ nuôi cả trăm đứa trẻ mồ côi

  1. #1
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần

    Chồng chôn 11.000 hài nhi, vợ nuôi cả trăm đứa trẻ mồ côi

    Monday, 12 - January - 2015

    Đó là đôi vợ chồng đặc biệt khi tự mình bỏ tiền ra làm những việc chẳng ai dám làm hơn 10 năm qua. Cho đến tận bây giờ đôi vợ chồng nghèo tiền nhưng giàu lòng nhân ái ấy đã cưu mang hàng trăm đứa trẻ mồ côi, tự tay chôn cất và xây mộ cho hơn 11 nghìn hài nhi xấu số.

    Những con số giật mình

    Người đàn ông này nói ngay khi tôi tìm đến với ông, lúc ông đang ở nghĩa trang hài nhi của mình: “Tôi nghĩ đến khi chết tôi cũng chỉ làm 2 việc, một là chôn cất các hài nhi, hai là cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi mà thôi!”. Hơn 10 năm nay, không chỉ lặng lẽ đi nhặt xác hài nhi về chôn cất mà ông Tống Phước Phúc (SN 1976, ở tổ dân phố số 8, phường Phương Sài, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) còn cưu mang nhiều số phận cơ nhỡ. “Một sinh linh dù chưa kịp thành hình nhưng cũng đã là một con người. Với suy nghĩ đó, tôi lập nghĩa trang Đồng Nhi làm nơi yên nghỉ của những hài nhi bị bỏ rơi, đồng thời thức tỉnh lương tri của những người cha, người mẹ đang tâm vứt bỏ những đứa con bé bỏng của mình”, ông Phúc tâm sự.
    Nghĩa trang Đồng Nhi, nơi chôn cất gần 11.000 hài nhi
    Theo chân ông Phúc đến nghĩa trang Đồng Nhi (ở núi Hòn Thơm thuộc thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang), chúng tôi đi qua những con dốc ngoằn ngoèo, dân cư thưa thớt, lên những bậc đá dọc sườn đồi mới đến nơi an nghỉ của những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Trước mắt chúng tôi là những ngôi mộ xếp thành từng dãy dài nằm sát nhau, trên mỗi mộ đều cắm một bông hoa hồng bằng nhựa nhiều màu sắc. Ông Phúc cho biết: “Khu đất này rộng khoảng 5.000m2, tôi mua năm 2004 để làm nghĩa trang cho các cháu. Tôi là thợ xây đã nhiều năm nên cứ theo kinh nghiệm mà xây nghĩa trang chứ không có bất cứ bản vẽ thiết kế nào. Các cháu còn quá nhỏ, nên tôi đặt vào hũ sành rồi chôn, sau đó dùng xi măng xây kín lại!”.

    Vừa dẫn chúng tôi đi xem từng dãy mộ, ông Phúc vừa kể lại những kỷ niệm buồn của mình: “Hồi ấy trong lúc chăm vợ trở dạ trong bệnh viện, cùng phòng đẻ với vợ tôi có cô sinh viên năm 2 đẻ non, đứa bé bị chết nên cô ta lẻn bỏ đi mất hút. Lúc đó, tự nhiên tôi có ý nguyện được chôn cất và hương khói cho cháu bé xấu số đó và ý nguyện đã được bệnh viện chấp nhận. Tôi mang xác đứa trẻ về nhà liệm xong, sau đó đi khắp vùng ven thành phố tìm đất trống, cuối cùng tôi tìm được một bãi đất trên triền núi Hòn Thơm chôn cất. Vài ngày sau tôi tìm đến chủ nhân đám đất rồi mua lại để làm nghĩa trang”, ông Phúc kể. Từ đó, hài nhi bất hạnh có nơi an nghỉ, rồi đến bé thứ hai, thứ ba, thứ tư… Những ngày sau đó, ông còn đến các bệnh viện trong thành phố xin họ cho mang các hài nhi xấu số từ các ca hút thai về để chôn cất. Lúc đầu, nhiều bác sĩ nghi ngờ nên không cho ông nhận, sau đó ông phân tích cũng như đưa giấy tờ liên quan của mình ra, đồng thời dẫn họ đến nghĩa trang để xem thì họ mới tin.

    Đến nay nghĩa trang Đồng Nhi này đã chôn gần 11.000 hài nhi và không còn chỗ để chôn nữa. Rồi những đêm trăn trở, ông không muốn những hài nhi tiếp theo lại bị vứt bỏ nên lặn lội về huyện Diên Khánh tìm đất mua để chôn cất hài nhi. Với số vốn ít ỏi ông tích cóp được từ công việc xây dựng của mình, ông cũng mua được khoảng đất trống nằm trên sườn đồi xã Diên Lâm (cách nhà ông gần 30km) rồi thuê người khai hoang để làm nghĩa trang.

    Biết ông Phúc có lòng nhân ái chôn cất hài nhi nên những đêm, có những bà mẹ tội lỗi đã lặng lẽ bọc xác bé trong chiếc khăn tìm tới bỏ lại trước cửa nhà ông rồi đi mất hút. Ông tâm sự: “Có nhiều đêm mưa, chuông cửa liên tục réo, vội vàng mở ra thì thấy một hài nhi đã hình thành đầy đủ hình hài, những lúc như thế tôi cảm thấy như nghẹn đắng trong cổ họng. Là con người thì yêu thương những linh hồn bé nhỏ kể cả khi chúng đã qua đời, không nên vứt bỏ chúng. Biết đâu những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian, những nặng nợ kiếp người, những hằn thù nhỏ nhen”.Vợ nuôi hàng trăm đứa trẻ mồ côi

    Chưa dừng lại ở đó, ông còn xin các bệnh viện, khi gặp các trường hợp đến nạo, hút thai hãy báo cho ông hoặc động viên họ đến nhà ông để ông được cưu mang và nuôi đứa trẻ khi họ sinh ra. Có lần, ông Phúc đến tận bệnh viện dẫn về một cô sinh viên mang bầu tháng thứ 6, đang có ý định vứt bỏ con về nhà mình. Trong lúc hai người đi qua bãi đất vắng cạnh Đại học Nha Trang, thì thấy một túi ni lông màu đen, ông liền giở ra xem và chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở nhưng đôi mắt bé mở to nhìn chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin. Ông liền đưa đến bệnh viện nhưng đến nơi thì hài nhi đã tắt thở. Tận mắt chứng kiến cảnh đó, cô sinh viên đi bên ông đã bỏ hẳn ý định hút bỏ cái thai 6 tháng của mình, rồi đến nhà ông nương nhờ.

    Những đứa trẻ bị bỏ rơi được ông Phúc cưu mang

    Nhiều cô gái lỡ sinh đẻ nhưng không muốn nuôi đã ẵm đến bỏ trước nhà ông Phúc, ông giữ lại nuôi và xem như con của mình. Cũng từ đó ông thành lập Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Phước Phúc. Đến nay trong căn nhà nhỏ của ông có 18 đứa trẻ bị bỏ rơi, đứa lớn nhất sinh năm 2005, đứa nhỏ nhất sinh năm 2012, tất cả đều được vợ chồng ông cùng mấy cô cháu gái chăm bẵm và xem như con của mình. Điều đặc biệt, những đứa trẻ cơ nhỡ này được ông Phúc đặt với 2 cái tên, con trai tên Vinh, con gái tên Tâm, tất cả đều lấy họ Tống Phước, chữ lót là quê quán hoặc tên của người mẹ. Chẳng hạn như cô con gái lớn ông đặt Tống Phước Vĩnh Tâm, chữ Vĩnh là quê của người mẹ trẻ 17 tuổi ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang. Cháu Vĩnh Tâm cho biết: “Bố bảo đặt tên chị em tụi cháu là Vinh và Tâm là mong muốn con trai được sống vinh, con gái thì luôn có trái tim yêu thương con người. Bố còn bảo, gắn quê quán hoặc tên mẹ của tụi cháu để sau này mẹ con dễ nhận nhau”.

    Lập ra mái ấm mang tên mình, ông Phúc không chỉ cưu mang những sinh linh bé nhỏ bị vứt bỏ mà còn giúp đỡ cả những bà mẹ trẻ lỡ lầm để những mầm sống mong manh có cơ hội được làm người. Từ người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ, cô sinh viên trẻ người non dạ đến cô công nhân nghèo, tiếp viên ở cà phê và cả người bán vé số, người kiếm sống ngoài bãi rác… những ai có ý định bỏ thai đều được ông ân cần khuyên nhủ, thuyết phục họ về sống trong mái ấm, chăm lo chu đáo cho tới lúc khai hoa nở nhụy.

    Ông Phúc cam kết: “Có sinh có dưỡng thì tốt, nhưng nếu vì hoàn cảnh phải bỏ con lại, chú Phúc nuôi luôn giùm. Khi nào có điều kiện quay về đây, chú sẽ cho nhận lại con!”. Mỗi khi nhắc đến những đứa con bé bỏng của mình, ông Phúc như trẻ lại, mắt ánh lên niềm tự hào. Ông cho biết: “Bước qua cái tuổi tứ tuần rồi, tôi nghĩ đến khi chết tôi cũng chỉ làm hai việc, một là chôn cất các hài nhi, hai là cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi. Có lẽ vì thế nên gia tài lớn nhất của vợ chồng tôi ngoài 2 đứa con đẻ là 18 đứa con nuôi bụ bẫm thế này cùng cả trăm đứa trẻ đã được về với cha mẹ chúng. Nhìn chúng nó lớn khôn mỗi ngày, vợ chồng tôi mừng lắm”.

    Nói về việc làm của ông Phúc, bác sỹ Nguyễn Nam, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cảm kích cho biết: “Nhiều người thấy việc làm của anh Phúc là bình thường nhưng tôi nghĩ đây là việc làm rất hiếm, có những hôm nửa đêm nghe có người báo thấy hài nhi bị vứt bỏ mãi dưới huyện Vạn Ninh (cách TP Nha Trang 70km), anh Phúc vẫn chạy xe đi nhận về để an táng. Ở đây, tôi chứng kiến nhiều cô gái đến nạo phá thai nhưng qua lời khuyên của anh Phúc, các cô đã từ bỏ ý định phá thai. Khi sinh con, không có điều kiện nên nhiều cô để lại con cho ông Phúc nuôi, rồi lặng lẽ đi lấy chồng và có khi sau đó vài năm lại quay về nhận con”.

    Việc làm cao đẹp của vợ chồng ông Phúc đã được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm động viết thư khen và khẳng định: “Chúng ta lên án những kẻ hèn nhát, rũ bỏ trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Anh, chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế, còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm. Việc làm của anh, chị cùng với rất nhiều việc làm tình nghĩa khác trong cộng đồng vẫn đang nảy nở, sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân, thiện, mỹ, có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của con người được xây dựng trên cơ sở của đạo đức và phẩm hạnh”.

    Chia tay ông Phúc, chúng tôi tự nhủ lòng hãy bước nhẹ lại, sống chậm hơn để chiêm nghiệm một điều tưởng như bình thường nhưng bấy lâu nay có nhiều người quên lãng, rằng thật hạnh phúc khi được làm người.
    Cẩm Trinh – Minh Ngọc

    Nguồn: An ninh Thủ đô

  2. #2
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần
    Tấm lòng Bồ tát và 11 ngàn "tấm bia sám hối…"

    13-01-2015 07:17 - Theo: dantri.com.vn

    Xin ngả mũ trước tấm lòng cao đẹp của vợ chồng ông Phúc đồng thời cũng lên án nghiêm khắc những ai vì bồng bột, buông thả mà quên đi tình máu mủ ruột rà, đang tâm làm những điều suy đồi, thất đức. 11 ngàn nấm mồ vô tội cũng là 11 ngàn lời sám hối, là 11 ngàn tấm bia ghi nhắc nhở về tội lỗi….




    Những đứa trẻ bị bỏ rơi được ông Phúc cưu mang




    Chuyện người chồng chôn cất và xây mộ cho hơn 11 ngàn hài nhi, người vợ cưu mang hàng trăm trẻ mồ côi đã gây xúc động sâu sắc trong lòng bạn đọc Dân trí. Hàng trăm thư điện tử (comment) đã gửi về tòa soạn bày tỏ niềm kính trọng to lớn, song cũng không ít ý kiến lên án gay gắt lối sống vô trách nhiệm, buông thả dẫn đến tội lỗi không thể tha thứ.

    Đó là câu chuyện trong bài báo "Chồng chôn 11 nghìn hài nhi, vợ nuôi cả trăm đứa trẻ mồ côi" kể về đôi vợ chồng ông Tống Phước Phúc sinh năm 1976, ở tổ dân phố số 8, phường Phương Sài, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, người đã lập nghĩa trang cho 11 ngàn hài nhi và nuôi hàng trăm trẻ em bị bỏ rơi.



    Theo bài báo trên, năm 2004, ông Phúc đã bỏ tiền dành dụm mua khu đất 5.000m2 ở Đồng Nhi (thuộc địa phận núi Hòn Thơm thuộc thôn Xuân Ngọc, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang để làm nghĩa trang cho các bé xấu số.

    Lý do ông Phúc xây dựng nghĩa trang này bắt đầu từ một kỉ niệm buồn khi chăm vợ trở dạ trong bệnh viện, ông đã tận mắt chứng kiến một sinh viên đẻ non, đứa bé bị chết nên cô ta lẻn bỏ đi.

    "Lúc đó, tự nhiên tôi có ý nguyện được chôn cất và hương khói cho cháu bé xấu số đó và ý nguyện đã được bệnh viện chấp nhận. Tôi mang xác đứa trẻ về nhà liệm xong, sau đó đi khắp vùng ven thành phố tìm đất trống, cuối cùng tôi tìm được một bãi đất trên triền núi Hòn Thơm. Vài ngày sau tôi tìm đến chủ nhân đám đất rồi mua lại để làm nghĩa trang", ông Phúc kể.

    Từ đó, ông đến các bệnh viện trong thành phố xin các hài nhi xấu số từ các ca hút thai về để chôn cất. Không dừng lại ở đó, ông còn đề nghị các trường hợp đến nạo, hút thai hãy báo cho ông hoặc động viên họ đến nhà ông để được cưu mang và nuôi đứa trẻ khi họ sinh ra.

    Nhiều cô gái lỡ sinh đẻ nhưng không muốn nuôi đã ẵm đến bỏ trước nhà ông Phúc, ông giữ lại nuôi và xem như con của mình. Cũng từ đó ông cùng với vợ thành lập Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Phước Phúc. Đến nay trong căn nhà nhỏ của ông có 18 đứa trẻ bị bỏ rơi, đứa lớn nhất sinh năm 2005, đứa nhỏ nhất sinh năm 2012, tất cả đều được vợ chồng ông cùng mấy cô cháu gái chăm bẵm và xem như con của mình.

    Việc làm cao đẹp của vợ chồng ông Phúc đã được nhiều bạn đọc khâm phục và kính trọng.

    Bạn dang linh viết: "Những việc làm rất hiếm, bậc Bồ tát giữa đời thường. Bản thân tôi rất kính phục những việc làm của anh".

    Bạn Lê Bách Tùng còn đề nghị: "Thật là một con người cao cả. Nếu có thể, hãy cho tôi được góp chút tấm lòng của mình với những sinh linh vô tội này".

    Tuy nhiên ngoài việc cảm phục tấm lòng cao cả của ông Phúc, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự bức xúc trước sự suy đồi của đạo đức xã hội. Đó là cách sống buông thả, vô trách nhiệm của không ít những bạn trẻ, là hành động hèn nhát, "dám làm không dám chịu"…

    Bạn phùng anh viết: "Chỉ mong rằng những người mẹ có ý định phá thai nên suy nghĩ lại những hành động của mình…".

    Bạn cuong còn mạnh mẽ hơn: "Những nghĩa trang như thế này là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử mà đạo đức đã xuống đến đáy".

    Trong thư gửi ông Phúc, nguyên Chủ tịch nước
    Nguyễn Minh Triết cũng viết: "Chúng ta lên án những kẻ hèn nhát, rũ bỏ trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Anh, chị đang làm những việc nhân nghĩa, quên mình vì người khác, không những là nơi nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh, mà hơn thế, còn là tấm gương cao đẹp của danh dự và nhân phẩm…".

    Xin ngả mũ trước tấm lòng cao đẹp của vợ chồng ông Phúc đồng thời cũng lên án nghiêm khắc những ai vì bồng bột, buông thả mà quên đi tình máu mủ ruột rà, đang tâm làm những điều suy đồi, thất đức.

    11 ngàn nấm mồ vô tội cũng là 11 ngàn lời sám hối, là 11 ngàn tấm bia ghi nhắc nhở về tội lỗi…




    Bùi Hoàng Tám

  3. #3
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần
    Chàng trai xăm hình chôn hàng trăm thai nhi

    10-05-2016 03:40 - Theo: vnexpress.net

    Những thai nhi bị vứt bỏ với nhiều lý do, thợ xăm hình Ngô Quang Trung (28 tuổi) ở Đăk Nông đi thu gom về chôn cất.


    Trung bỏ các thi hài cẩn thận trong hộp nhựa để chờ đem chôn. Ảnh: Thiên Thiên


    Vừa hoàn tất công việc xăm hình cho khách hàng, người thợ Ngô Quang Trung nhận điện thoại từ số lạ bảo đi gấp đến đường Đào Duy Từ, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Đến nơi, cặp vợ chồng dáng hao gầy, đứng tuổi đưa cho anh túi nylon màu đen, nói: "Nhờ anh đem chôn cháu ở nghĩa trang giùm vợ chồng tôi. Cháu mới 4 tuần tuổi". Vừa dứt lời, hai vợ chồng quay xe đi mất hút.



    Nam thanh niên chạy thẳng hướng nhà thờ Gia Nghĩa, bước vào căn nhà nhỏ không khoá cửa. Bên trong nhà có bàn thờ đã bày sẵn và cái tủ đông lớn. Trên giường có nhiều hộp nhựa nhỏ hình chữ nhật, trông giống hộp đựng thức ăn. "Đây là tủ đông được nhiều người góp tiền mua để ướp xác thai nhi không bị phân hủy. Những cái hộp nhựa hình chữ nhật kia, tôi ví là quan tài của các cháu", chàng trai chia sẻ.


    Từng chứng kiến nhiều thi thể trẻ sơ sinh bị vứt bỏ ở xó đường, hay trong thùng rác rất thương tâm, 4 năm trước, anh cùng các bạn thành lập nhóm tình nguyện chuyên chôn cất các thai nhi bị phá bỏ. "Khi tiếp xúc với những bào thai chưa kịp thành người, tôi xúc động lắm. Nhóm chỉ mong muốn các cháu có nơi yên nghỉ thật thanh thản", người thợ xăm hình nói.



    "Có hôm, từ sáng sớm, tôi thấy cô gái trẻ vừa đi vừa khóc, chân tay run lẩy bẩy treo túi nylon màu đen lên mé cổng nhà thờ, rồi bỏ đi. Qua tìm hiểu, tôi biết cô ấy 'ăn cơm trước kẻng', do người yêu không nhìn nhận nên cô ta mới bỏ đứa bé", anh kể về một trong số hàng trăm câu chuyện gặp phải.



    Các thai nhi ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 4 tuần đến 4 tháng tuổi, được nhóm anh đem về bỏ trong tủ lạnh chờ quy tập đủ trên 10 thi thể mới đem chôn. Tất cả các bé xấu số đều được anh đặt tên với chữ đệm là 'Thiện' - có nghĩa làm điều thiện - và nhận làm con nuôi, ghi chép vào sổ sách cẩn thận.



    Ngôi mộ tập thể có diện tích gần 10 m2, đang là nơi yên nghỉ của hơn 300 thai nhi đặt ở nghĩa trang xã Đăk Nia. "Người dân đã góp tiền, rồi xin phép chính quyền cấp cho khoảnh đất nhỏ xây mồ mả cho các con. Các con nằm ngủ ở 'căn nhà' này có cơ hội chơi với nhau đông vui hơn", anh chia sẻ.



    Tâm sự về công việc của chồng, chị Nguyễn Thị Vân (27 tuổi) cho biết, chị rất tôn trọng và ủng hộ chồng, với tâm niệm sẽ tích đức cho con cháu sau này được nhờ. "Những lúc anh ấy bận việc xăm hình cho khách, hay đi đâu đó, tôi đi đến các địa điểm để nhận thai nhi về làm thủ tục", người vợ nói.



    Trung quê ở Thái Bình, từng theo học ngành sư phạm mỹ thuật. Nhận thấy nghề này không còn phù hợp với mình nữa, chàng trai này bắt đầu làm quen với một số người bạn theo nghề xăm hình nghệ thuật, sau đó chuyển vào Tây Nguyên lập nghiệp.



    "Trong suy nghĩ của nhiều người, họ rất dị ứng với nghề xăm hình. Tôi muốn làm một điều gì đó, để mọi người hiểu khác, xăm hình cũng là một nghề, một lĩnh vực nghệ thuật. Vợ tôi ngày xưa cũng chê tôi, vì tôi là thợ xăm hình. Thấy đây là môn nghệ thuật có nhiều điều thú vị, cô ấy đã theo học, rồi cả hai yêu nhau", nam thanh niên giãi bày.



    Với đôi tay tài hoa, anh mở địa điểm xăm hình ở thị xã Gia Nghĩa thu hút khá đông khách. Cứ đến ngày cuối tuần, hay những ngày lễ Trung cùng nhóm bạn đi nấu cơm tại Tịnh thất thiện hoa để phát cho người nghèo. Nhóm tình nguyện của anh tổ chức chương trình, mỗi hình xăm nhỏ đổi lấy thùng mì tôm, được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng.


    Trung trước ngôi một tập thể của hơn 300 thai nhi. Ảnh: Thiên Thiên


    Sư thầy Thích Nhuận Đức, trụ trì Tịnh thất thiện hoa, cho biết nhóm tình nguyện viên của Trung thường xuyên giúp nhà chùa nấu ăn, rồi đem phát cơm miễn phí cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. "Ngoài việc chôn cất thai nhi rất nhiều ý nghĩa, nhóm từ thiện của Trung còn thường xuyên tham gia cùng chùa phát cơm, tặng quà cho người nghèo nhiều nơi", sư thầy Nhuận Đức nói.
    Lần sửa cuối bởi songchungvoi_HIV, ngày 10-05-2016 lúc 17:05.

  4. #4
    Thành Viên Mới
    Ngày tham gia
    14-01-2014
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.hcm
    Bài viết
    83
    Cảm ơn
    3
    Được cảm ơn: 7 lần
    việc làm của bác phúc quả thật cao cả, con đọc bài viết này muốn khóc... con cũng là người nhiễm hiv, cũng muốn có con như bao nhiêu người khác... nhưng ngặc nổi giờ khoa học tiên tiến rồi, người nhiễm hiv vẫn có con được. con muốn xin 1 đứa con về nuôi quá

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •