NẮM CHẶT BÀN TAY

Tan sở từ 5h30 nhưng thường 7h tối, anh mới về đến nhà. Lúc đó, con vợ cũng đã đón, cơm nước đã nấu sẵn, anh chỉ việc thay đồ rồi ăn cơm. Ăn cơm xong, vừa buông bát khỏi mâm, anh đi luôn về phòng, nằm ngả lưng trên giường và bật máy tính bảng lướt mạng trong khi chị Nhàn vừa dọn bếp, vừa quát tháo hai đứa con tập trung học bài. Cảnh chị tất tưởi cơm nước, đồ đạc bừa bãi khắp nhà... dường như không hề có chút “tác động” nào tới anh.

Không những lười việc nhà, chồng chị Nhàn còn có thói quen bừa bộn. Dùng cái gì ở đâu, không bao giờ anh cất vào chỗ cũ, đi đâu về đến nhà, thay quần áo, giày tất... anh vứt mỗi thứ một nơi. Có lần, chị đi công tác hơn 1 tuần mới về nhà. Vừa vào đến cửa, chị đã choáng váng vì nhà cửa lộn xộn như... đống rác; lon bia, chai rượu... lăn lóc khắp nền nhà. “Vợ đi vắng chồng tụ tập ăn uống xả láng tí chút mình cũng chẳng nói làm gì nhưng ăn xong lại không dọn, bát đĩa còn nguyên cả thức ăn thừa rồi để đấy thì thật kinh khủng. Đi công tác về mệt muốn xỉu, vậy mà mình vẫn phải dọn nhà. Lần đó, vợ chồng mình đã “choảng” nhau to, phải mất gần tháng mới làm lành...”, chị Nhàn tâm sự Đặc biệt, không chỉ “vô tâm” với việc nhà mà ngay cả với con cái anh cũng không mấy khi để ý. Những ngày trong tuần, các con phải học bài thì không nói làm gì nhưng ngày nghỉ, những lúc cả bố và con cùng rảnh rỗi, chị rất muốn gia đình quây quần hoặc giả là bố con cùng đọc truyện, vẽ tranh... để mà giao lưu với nhau. Song chồng chị hầu như không bao giờ chủ động nghĩ ra một trò gì đó chơi với con. Nếu phải trông con, anh sẽ bật tivi, băng đĩa hoặc mở máy tính cho con xem. Rồi đến việc đi xin học cho con, con học gì, ở đâu, cô nào, thầy nào; giúp con làm kiểm tra bài, ôn bài, hay tâm tình với con... bao nhiêu năm nay anh không hề tham gia mà đều “khoán trắng” cho chị.

Đã không ít lần, chị nhắc chồng chơi với con, bởi đó không đơn giản là những phút giây giải trí mà con là lúc gắn kết tình cảm, để bố con hiểu nhau hơn... Anh nghe rồi chỉ ầm ừ cho qua, xong rồi đâu lại vào đấy. Hễ không đi làm thì anh lại lao vào chiếc máy tính.

Công việc cơ quan đã mệt nhưng tối về chị lại bù đầu với đủ thứ việc trong gia đình từ nấu nướng đến dọn dẹp, giúp con học hành... nên cứ quay như chong chóng. Đến khi được ngả lưng thì chỉ muốn đánh một giấc, lấy sức ngày mai lại tiếp tục cho guồng quay của gia đình. Cũng vì thế, chuyện “vợ chồng” của anh chị rất thưa thớt. Nhiều lúc, biết anh tỏ ý muốn âu yếm, chị còn thấy khó chịu. Mặt khác, cũng vì phải luôn chân luôn tay với đủ thứ việc nhà nên chị chẳng có thời gian nào để tâm sự với chồng...

Thực tế, không ít người chồng có suy nghĩ giống chồng chị Nhàn, cho rằng, tình cảm và trách nhiệm với gia đình chỉ là việc kiếm tiền, rồi phó thác toàn bộ việc nhà và chăm sóc con cái cho vợ. Bởi vậy, sau giờ làm, họ tự cho phép mình gác chân xem ti vi, đọc báo, để mặc vợ với đủ thứ việc không tên... Điều này, dễ khiến người vợ bị “quá tải”, dẫn tới mệt mỏi, cáu kỉnh và dễ sinh mâu thuẫn trong gia đình. Hạnh phúc vợ chồng sẽ không tròn nếu chỉ một người chăm lo. Do đó, thay vì “nai lưng” ra làm việc nhà, chị em cần lên tiếng về những khó khăn, vất vả của mình để chồng hiểu và chia sẻ. Tất nhiên, để làm được điều này, chị em cần có sự chủ động và mạnh mẽ hơn với cuộc sống hằng ngày. Chị em có thể đưa ra những công việc cụ thể và yêu cầu chồng lựa chọn những việc chồng có thể làm hoặc muốn làm. Sau đó, thường xuyên nhắc nhở và giám sát để chồng có ý thức làm việc. Ngoài ra, chị em hãy học cách khen ngợi nếu anh ấy làm tốt... Bên cạnh đó, các mày râu cũng nên tự giác, chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái với vợ, có như thế gia đình, vợ chồng mới gắn kết bền chặt hơn.

“Hai đứa đều chăm ngoan học giỏi, bây giờ ổn định hết rồi, sướng nhất bác Hùng đấy nhé!”. Nghe mọi người khen, tôi thấy hân hoan, có niềm vui sướng tột độ xen lẫn tự hào. Cuối cùng thì con Lan cũng đã lấy chồng, các con đều đã yên bề gia thất, công việc đâu vào đấy, tôi thấy mình nhẹ hẳn cả người. Quay sang nhìn vợ, tôi thầm cảm ơn, tất cả là công sức của cô ấy.

Chúng tôi quen nhau từ những năm 1983, tôi là sỹ quan mới ra trường. Yêu nhau 3 năm, tôi mới có cơ hội cưới cô ấy về làm vợ. Là bộ đội, tôi phải đi công tác liên tục, độ vài ba tháng, thậm chí là 6 tháng, 1 năm mới được về thăm nhà. Hầu hết mọi vất vả, vợ tôi đều phải đối phó một mình. Thương vợ, nhớ nhà nhưng quân lệnh như sơn. Khi vợ sinh con Lan, tôi không thể về được. Thời ấy nghèo, không có điều kiện như bây giờ, con Lan lúc mới sinh, cân cả tã mới được già 2kg. Con nhỏ, sức vóc vợ tôi lại yếu nhưng cô ấy vẫn chăm sóc con khỏe mạnh, xinh xắn. Khi sinh cu Tuấn, sức khỏe vợ tôi khá hơn, thằng bé được 3,2kg. Tôi đã cố gắng xin đơn vị về, để kịp lúc vợ lâm bồn nhưng khi đến nhà thì cô ấy đã đẻ được một ngày. Ấy thế mà vợ không trách giận, còn động viên tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều lúc ôm vợ, thấy ướt vai áo, càng thương vợ biết nhường nào.

Vợ tôi thật chu đáo. Ngày mới cưới, vừa làm dâu, vừa làm chị của 4 đứa em chồng đang tuổi lớn song cô ấy đã làm rất tốt, không một ai chê trách được điều gì. Tuần rằm mùng một nào vợ tôi cũng đều không quên mua đồ mang lên để ông bà thắp hương tổ tiên. Chưa một ngày giỗ, Tết nào, vợ tôi không sắp xếp cẩn thận và lo cỗ bàn chu đáo.

Vợ tôi là cô giáo, dạy ở một trường tiểu học cách nhà hơn 5 cây số. Ngày xưa không có xe máy, xe đạp tốt như bây giờ, tôi phải cố gắng lắm mới dành đủ 80 đồng để mua một chiếc xe đạp cũ, lốp quấn chun để vợ đi làm. Lúc đó, chúng tôi đã ra ở riêng, các con còn nhỏ, bà nội bà ngoại đều bận làm đồng, cũng chẳng trông cháu được lâu. Vợ tôi thường phải khóa cửa để 2 đứa nhỏ trong nhà rồi nhờ bác hàng xóm thỉnh thoảng ngó qua, xem chúng thế nào. Dạy xong ở trường, cô ấy lại vội về để cơm nước cho các con. Có hôm đi công tác về, thấy cảnh những đứa trẻ con khác sang chơi mà đứa thì bên ngoài, đứa ở bên trong, nói chuyện, chơi đồ hàng qua những song cửa, vừa thương vừa yêu. Nhanh thật, vậy mà đã gần ba chục năm.

Công tác một thời gian, tôi phấn đấu để được về hoạt động ở đơn vị gần nhà, tiện chăm sóc vợ con hơn. Nhưng lúc ấy, các con tôi cũng đã lớn và được vợ huấn luyện bài bản. Cô ấy dạy các con từ lời ăn tiếng nói. Ngay từ nhỏ, trước khi đưa chúng đi đâu, vợ tôi thường hỏi và để các con tự trả lời theo suy nghĩ: “Việc đầu tiên các con sẽ làm gì?”, “Tiếp theo các con sẽ làm gì?”, sau đấy sẽ trả lời và giải thích cho các con hiểu. Bằng những câu hỏi như thế, vợ tôi hướng dẫn các con từng bước nên làm gì trong mọi trường hợp. Dạy chúng cách nấu cơm, cách tự chăm sóc bản thân.

Tôi vẫn thường nói với con Lan: “Làm vợ bộ đội khổ lắm con ơi!”. Nhưng rồi nó vẫn lấy chồng bộ đội. Nó chỉ bảo: “Bố yên tâm, con sẽ học mẹ!”. Biết phía trước chúng còn nhiều gian nan nhưng giờ đây, chứng kiến cảnh các con trao nhẫn cho nhau, tôi hạnh phúc vô cùng. Khẽ tìm tay vợ rồi nắm chặt, tôi thì thầm: “Vợ bộ đội à, cảm ơn em!”.

NGỌC HOA