Làm đám cưới cho vợ chồng nhiễm HIV

ngày 10/10/2015

(PL)- Nhiều người nghiện ma túy, người nhiễm HIV, người bán dâm… đã làm lại cuộc đời nhờ có đội công tác xã hội tình nguyện ở mỗi xã, phường.

Ở nhiều địa phương hiện có nhiều đội công tác xã hội tập hợp những người tình nguyện làm công tác tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV, người bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Bỏ ma túy để làm tình nguyện viên

Anh SL, ngụ phường Tân Tiến (TP Buôn Ma Thuộc, Đắk Lắk) có tiền án hai lần vào tù vì tội cướp giật và mới được thả về. anh Nguyễn Văn Tần, đội trưởng đội tình nguyện phường Tân Tiến, phải mất vài lần mới trò chuyện được với L. Trước đó, L. vì nghĩ anh Tần đến để kiểm tra anh có chơi lại ma túy không để đưa đi trường cai nghiện nên rất cảnh giác. Từ gợi ý và hỗ trợ của anh Tần, L. đã mạnh dạn mở cơ sở lẵng hoa mỹ nghệ bằng cách tận dụng những vật dụng bỏ đi như gáo dừa, cành cây trứng cá khô. Không những thế, L. đã trở thành một thành viên tích cực của đội tình nguyện và mời được sáu bạn từng chơi ma túy làm công cho cơ sở của mình và trả lương hơn 3 triệu đồng/tháng/người. Kết quả từ năm 2011 đến nay, L. và các bạn đã tu chí làm ăn và không còn vấn vương ma túy. Nhiều dự định mở ra trước mắt L. và nhóm bạn: Tết năm nay sẽ bán cây dâu tằm làm cảnh, sang năm mở ao cá giải trí…

May mà nhờ có “má”

Tại phường 2, quận 5, TP.HCM, chị PTS vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên tự bươn chải bằng đủ thứ nghề để sống. Chị S. may mắn có được tấm chồng và đứa con gái nhưng rồi hôn nhân tan vỡ. Chị lao vào ma túy như con thiêu thân rồi bị nhiễm HIV, phải đi cai nghiện.


Từ sự hỗ trợ của đội tình nguyện, cơ sở SL đã tạo việc làm cho sáu bạn trẻ từng nghiện ma túy. ảnh: H.LAN

Trở về nhà sau bốn năm đi cai, chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì chị đón một vị khách không mời mà đến, đó chính là bà Thái Thị Tuyết Mai, tình nguyện viên của đội công tác xã hội phường 2, quận 5. Bà Mai đã đề xuất quỹ heo đất tình thương của Hội Phụ nữ phường giúp chị S. vay vốn mở quán nước giải khát tại nhà. Cùng lúc đó, anh DTH, đồng cảnh ngộ gần nhà chị S., đã dứt bỏ hẳn ma túy từ năm 2006 cũng thường xuyên tìm đến bà Mai tâm sự. Từ chỗ người xa lạ, anh H. và chị S. cùng nhận bà Mai là má rồi bày tỏ muốn nên duyên với nhau, có chuyện gì cũng tìm đến má Mai. Năm 2012, chị S. và anh H. quyết định lấy nhau và nhờ má tác hợp. Lễ kết hôn của hai anh chị được má Mai và các cán bộ của phường long trọng tổ chức tại trụ sở UBND phường trong niềm hân hoan. Biết hai vợ chồng thường xuyên phải nhập viện vì sức khỏe yếu, bà Mai đề xuất hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho hai vợ chồng.


Ba năm sau cưới nhau, hai vợ chồng anh H. và chị S. vẫn thầm cảm ơn má Mai và đội tình nguyện của phường 2, quận 5 đã kết duyên và chăm sóc sức khoẻ định kỳ cho họ

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, đi lại khó khăn nhưng bà Thái Thị Tuyết Mai ngụ phường 2, quận 5 trước đây là bác sĩ đã về hưu vẫn nhận cương vị đội phó đội công tác xã hội tình nguyện. Bà Mai đến từng nhà vận động người đi cai nghiện.



Cho đến bây giờ, ánh mắt đáng thương, đầy biết ơn của V., một người nghiện nhiễm HIV giai đoạn cuối, vẫn còn ám ảnh bà. V. mồ côi cha mẹ nên sống với chị. Trở về địa phương sau khi đi cai, V. nổi lao hạch khắp người. Bẵng đi vài ngày không thấy V. đến trạm y tế phường lấy thuốc, bà đến tận nhà tìm V. thì hay V. không đi nổi nữa vì vết thương lở loét, mưng mủ. Chị ruột V. giận em, đòi bỏ V. cho chết đi. Ròng rã hai năm, ngày nào bà cũng đến thay băng vết thương cho V., chị ruột V. vì thế mà cũng rất cảm kích và hết lòng chăm sóc cho em. V. đã ra đi nhưng chắc chắn anh đã được sống những giây phút cuối cùng hạnh phúc.

Mặc dù hoạt động trong điều kiện nhiều khó khăn, chi phí chỉ gọi là hỗ trợ vài trăm ngàn mỗi tháng nhưng các đội tình nguyện đã dành nhiều công sức, thời gian để giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn mà không toan tính thiệt hơn. Họ đã kết nối hiệu quả giữa người cần hỗ trợ với các ban ngành đoàn thể, nếu không có cái tâm thì không thể làm được. Mới đây, UBND thành phố đã phê duyệt nâng mức hỗ trợ cho mỗi thành viên và cấp thêm kinh phí đồng phục, tuyên truyền để hỗ trợ cho các đội hoạt động hiệu quả hơn.


Ông LÊ VĂN QUÝ, Chi cục phó Chi cục
Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM
Đến cuối năm 2014, cả nước có 38 tỉnh, thành phố thành lập 2.789 đội tình nguyện với hơn 18.180 tình nguyện viên tham gia. Đặc biệt, TP.HCM ngoài việc thành lập 319 đội tình nguyện ở 319 xã, phường thì đã thành lập thêm 152 đội tình nguyện ở các khu phố của quận Bình Thạnh và quận 6, kinh phí do quận chi trả, đưa tổng số đội tình nguyện của toàn thành phố lên 471 đội.
Nguồn: Báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội