Điều đáng sợ nhất của người nhiễm HIV không phải là cái chết

19/10/2017,

Đối với người nhiễm HIV, nỗi sợ bị kỳ thị còn lớn hơn nỗi sợ cái chết sẽ đến mang họ đi vao cõi vĩnh hằng.

Hôm ấy, Thúy vừa đứng trò chuyện với đám bạn lớp 4 của mình thì bị mẹ trông thấy. Mẹ lôi Thúy về nhà, đánh một trận nên thân. “Tao đã bảo là không được chơi với ai cơ mà, sao không nghe lời hả?”.Bình thường mẹ rất thương Thúy, nhưng khi mẹ xưng hô “mày, tao” là Thúy biết mẹ giận lắm. Cho đến giờ, Thúy vẫn không biết vì sao mẹ lại cấm đoán em không được giao tiếp với bất kỳ ai.

Không nên kỳ thị với những người bị HIV - AIDS


Gia đình Thúy chỉ có hai mẹ con, mới chuyển từ nơi ở cũ đến đây được một năm. Ngay từ khi bước chân đến làng quê xa lạ này, mẹ đã dặn Thúy không được trò chuyện, giao tiếp với bạn bè hay láng giềng.

Khi đến lớp chỉ được học xong là về nhà, không được chơi với bạn. Mẹ cũng dặn kỹ là giờ ra chơi cũng không được trò chuyện với ai. Thúy có hỏi thì mẹ chỉ bảo: “Con cứ nghe lời là được, nếu không thì sẽ phải vào tận trong rừng mà ở với cọp”.
Nghe những lời đe dọa của mẹ, Thúy rất sợ nên không dám chơi với ai. Ai cũng cho rằng em bị tự kỷ và hai mẹ con em là những người kỳ quặc. Sống cô đơn mãi, cuối cùng Thúy cũng trở thành một cô bé tự kỷ thật. Em lặng lẽ như cái bóng cứ đi đi về về ngôi nhà ở cuối làng.

Gặp ai cũng không chào, ai hỏi cũng chỉ lắc đầu nói không biết. Người duy nhất Thúy giao tiếp chính là mẹ.
Khi chúng tôi đến gặp mẹ Thúy thì chị hốt hoảng từ chối và một mực nói rằng hai mẹ con chị không bị nhiễm HIV, không cần ai giúp đỡ. Với những thông tin chúng tôi được cung cấp thì mẹ con Thúy đều bị nhiễm HIV do lây nhiễm từ người chồng đã mất cách đây 3 năm. Sau khi bị hàng xóm và kể cả những người thân xa lánh, chị đưa con đến mảnh đất hoang sơ này để mong sống yên ổn hết quãng đời còn lại.“Đằng nào cũng không thể chữa khỏi bệnh, cho nên tôi đưa con đến đây, không ai biết mẹ con tôi bị nhiễm HIV, chúng tôi còn được sống yên thân.

Nhưng tôi lo sợ mọi người biết cho nên không muốn con bé tiếp xúc với ai, nhỡ mọi người biết được thì nó cũng sẽ không được đến trường. Lúc đó chắc hai mẹ con chỉ có cách vào rừng mà sống. Ở đây, tôi còn bán được chút hàng để sinh sống, chứ ở nơi cũ, khi biết tôi bị nhiễm HIV không ai dám đến mua hàng, hai mẹ con sẽ không có gì để trang trải cuộc sống”. Chị tâm sự khi chúng tôi giải thích về công việc thiện nguyện của mình.

Nỗi sợ bị kỳ thị còn lớn hơn nỗi sợ cái chết sẽ đến mang những con người thiếu may mắn này đi vao cõi vĩnh hằng


“Thà chúng tôi tự kỳ thị bản thân mình còn hơn để người khác kỳ thị chúng tôi. Tôi sợ lắm ánh mắt khinh ghét của người khác khi họ nhìn con mình. Có người mẹ nào chịu được cảnh con mình bị hắt hủi, xua đuổi chứ”. Chị nói trong nước mắt.
Có lẽ nỗi sợ bị kỳ thị còn lớn hơn nỗi sợ cái chết sẽ đến mang những con người thiếu may mắn này đi vao cõi vĩnh hằng.

Theo Nghị định 176 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, phân biệt đối xử, kỳ thị người bị nhiễm HIV): Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Từ chối tuyển dụng vì lý do người lao động nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV, trừ một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng theo quy định của pháp luật;

Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vào học trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vì lý do nhiễm HIV hoặc thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV;

Từ chối tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào cơ sở bảo trợ xã hội vì lý do nhiễm HIV;

Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được giám hộ nhiễm HIV;

Tách biệt, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia hoạt động, dịch vụ của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vì lý do nhiễm HIV hoặc thành viên trong gia đình có người nhiễm HIV;

Phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV.


Minh Phương


http://www.giadinhvietnam.com/dieu-dang-so-nhat-cua-nguoi-nhiem-hiv-khong-phai-la-cai-chet-d119378.html