Kỳ thị - Rào cản lớn đối với người nhiễm HIV/AIDS

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau hơn 30 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều thành tựu đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân làm hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS, là rào cản to lớn đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người bình thường.


Một vở kịch của Ủy ban Phòng chống AIDS với nội dung về chống phân biệt kì thị với người nhiễm HIV/AIDS
Hiện nay, người nhiễm HIV/AIDS vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử gây nên. Trong gia đình, người nhiễm HIV/AIDS thường phải ăn ở riêng, nếu ở chung thì không được dùng chung các vật dụng sinh hoạt hằng ngày, không được dùng chung nhà vệ sinh và hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình. Các cơ sở y tế thường miễn cưỡng khi tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS hoặc bắt họ phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt khám của mình, thậm chí có những cơ sở y tế từ chối phẫu thuật hoặc các thủ thuật y tế cho người nhiễm HIV/AIDS. Tại nơi làm việc, nếu phát hiện ra một người bị nhiễm HIV/AIDS, người đó sẽ ngay lập tức bị xa lánh, bị thay đổi công việc, bị gây sức ép để nghỉ việc hoặc bị bắt buộc thôi việc với những lý do không chính đáng. Tại trường học, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS thường phải ngồi bàn riêng, không được tiếp xúc với các bạn khác và không được tham gia các sinh hoạt chung của trường lớp, có một số trường học không nhận trẻ vào học hoặc gây sức ép bắt trẻ phải nghỉ học. Người nhiễm HIV/AIDS bị cô lập trong gia đình và xã hội khiến họ cảm thấy mặc cảm, xấu hổ và tự kỳ thị chính mình, họ cố tình giấu diếm tình trạng của mình, khiến cho HIV khó kiểm soát và lây lan nhanh trong cộng đồng. Một số người còn có tâm lý “trả thù đời”, họ tìm cách lây nhiễm HIV cho nhiều người khác trong xã hội.
Chúng ta biết rằng, cuộc sống của một người khi nhiễm HIV sẽ có sự thay đổi rất lớn, do đó đòi hỏi họ phải có nghị lực rất cao để vượt qua. Gia đình và cộng đồng là nguồn động viên tinh thần quan trọng để họ tự tin xóa đi mặc cảm và sống tốt hơn cho xã hội. Xóa đi mặc cảm và ý định trả thù đời, người HIV/AIDS sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế sự lây lan của HIV/AIDS trong cộng đồng.
Tại “Diễn đàn giao lưu Chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” do Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM tổ chức ngày 24/12/2013 vừa qua, nhiều giải pháp để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã được đưa ra nhưng giải pháp quan trọng nhất vẫn là cung cấp thông tin đầy đủ để mỗi người dân được hiểu chính xác và đầy đủ về HIV/AIDS, về các con đường lây truyền và biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân cũng như gia đình.
“Đã đến lúc người dân nên xem AIDS như những bệnh tiểu đường hay viêm gan, bệnh AIDS đã không còn gọi là bản án tử hình nữa mà là một bệnh mãn tính có thể kiểm soát được” – TS.BS. Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM chia sẻ.
Nam Sâm