Kết quả 1 đến 20 của 161

Chủ đề: Nếu như HIV là "án tử" thì kì thị chính là bản án "chung thân" của người nhiễm H

Threaded View

  1. #4
    Admin diendanhiv.vn
    ( Sanh năm 1971 ) 18 năm trong chuyên môn tư vấn HIV miễn phí
    Tuanmecsedec's Avatar
    Ngày tham gia
    29-08-2007
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Giấy chứng nhận tham vấn số : 041/UB AIDS - TV do ủy ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM.
    Bài viết
    104,628
    Cảm ơn
    1,928
    Được cảm ơn: 21,273 lần
    “Sự kỳ thị, phân biệt đối xử có thể giết chết người bị nhiễm HIV nhanh hơn cả virus HIV...”

    Cập nhật lúc 06:14, Chủ Nhật, 02/12/2012 (GMT+7)


    Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, rồi người chồng bị nhiễm HIV cũng ra đi, cộng thêm đứa con trai duy nhất không may bị tai nạn mà chết. Còn nỗi đau nào lớn hơn thế đối với một người phụ nữ? Thế mà chị Trần Thị Phượng, Chủ nhiệm CLB Hoa Hướng Dương (TP Hạ Long) đã phải đối mặt và vượt qua những ngày tháng đau khổ nhất của cuộc đời để tiếp tục sống...

    - Chào chị! Chị có thể chia sẻ một chút về hoàn cảnh của mình được không?


    Nụ cười và niềm tin cuộc sống vẫn ánh lên trên khuôn mặt chị Phượng.
    + Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Năm 2000, qua lời giới thiệu của bạn bè, tôi quen chồng tôi. Trước khi đến với nhau, tôi biết anh đã từng nghiện ma tuý và ở tù… Nhưng tôi thấy anh ấy rất hiền nên cũng nghĩ đơn giản đó chỉ là những gì xảy ra trong quá khứ. Chúng tôi lấy nhau được 1 năm thì có một cháu trai kháu khỉnh. Thằng bé được 6 tháng tuổi, chồng tôi bắt đầu ốm. Đi khám về, gia đình chồng bảo là chồng tôi bị ung thư gan. Tôi rất hoang mang nhưng cũng xác định là anh ấy sẽ không còn sống được bao lâu nữa vì căn bệnh ấy. Trong thời gian đó, mọi người ở quê xì xào chồng tôi từng là con nghiện thì chắc chắn là bị “Si-đa” nên mới thế. Tôi cũng có chút nghi ngờ về điều này. Trong một lần về quê ở Hải Dương, tôi đã đi xét nghiệm máu và nhận được kết quả: HIV dương tính. Ban đầu, tôi không tin đó là sự thật. Tôi tiếp tục đến một bệnh viện nữa ở Hải Phòng để xét nghiệm lại với hy vọng kết quả trên là sai. Đến đây thì người ta bảo: “Bị “Si-đa” sắp chết rồi còn xét nghiệm cái gì nữa!”. Nghe những lời ấy, tôi như chết điếng, tay chân bủn rủn, mắt mũi lúc đó tối sầm lại, gần như ngã qụy...

    - Những ngày sau đó, chị đã đối mặt với sự thật cay đắng ấy như thế nào?

    + Chồng tôi qua đời sau đó không lâu. Lúc này, gia đình nhà chồng không những không thương mà còn đổ lỗi cho tôi đã lây bệnh cho con trai họ. Điều này khiến mối quan hệ giữa hai gia đình nội - ngoại vốn dĩ đã có những xích mích nay lại càng tệ hơn. Mẹ con tôi bị hắt hủi. Đã nhiều lần, tôi có ý định tự tử nhưng cứ nghĩ đến đứa con mới 7 tháng tuổi, thương con, tôi lại khóc và không thể nào làm được. Sau đó, tôi nghĩ, con mình cũng bị nhiễm, chồng cũng đã mất, tôi quyết định sẽ sống để nuôi con cho đến khi nào con trai tôi không sống được nữa thì cũng đi theo chồng con luôn. Tôi bấm bụng vượt qua tất cả, cố gắng làm lụng nuôi con, được ngày nào hay ngày đó. Hàng ngày, tôi đi bán rau, số tiền kiếm được cũng chỉ khoảng 10.000 đồng/ngày để mẹ con trang trải. Đến lúc con tôi được 2 tuổi, đi xét nghiệm ở bệnh viện thì cho kết quả âm tính với virus HIV. Giây phút đó, cầm tờ kết quả xét nghiệm trên tay, tôi đã khóc oà lên vì quá sung sướng… Niềm hy vọng tưởng chừng như đã tắt từ lâu đã được thổi bùng lên trong tôi. Đó cũng là động lực rất lớn để tôi dũng cảm bước tiếp…

    - Chị vừa nói khi biết mình bị nhiễm HIV, chị rất sợ nên đã giấu giếm mọi người… Vì sao vậy?

    + Thực ra đó là giai đoạn đầu, khi tôi chưa hiểu biết gì nhiều về căn bệnh thế kỷ, chỉ biết khi mắc bệnh tôi sẽ chết sớm. Và thú thực tôi rất sợ bị mọi người phát hiện ra bệnh của mình. Nhất là khi đi đâu cũng bị mọi người xì xào, bàn tán là “con ấy bị Si-đa”... Đặc biệt, tôi lại là người đầu tiên trong cái làng quê ấy bị nhiễm HIV nên mỗi lần về Hải Dương, trừ bố mẹ, anh chị em trong gia đình, còn lại hàng xóm, thậm chí là họ hàng chẳng ai dám đứng gần, không dám nói chuyện, ăn cơm, uống nước cùng… Họ tránh tôi như tránh hủi. Mặc dù vậy, tôi cũng không dám trách móc ai cả, chỉ dám ở nhà bố mẹ vài hôm rồi lại quay về Quảng Ninh. Đến lúc con tôi đến tuổi đi mẫu giáo, tôi gửi con ở Trường Mầm non Cao Xanh (TP Hạ Long). Lúc đầu các cô giáo ở đấy cũng rất ái ngại, thậm chí họ còn bắt tôi mang giấy xét nghiệm chứng minh con trai tôi âm tính với HIV thì mới cho vào học khiến gia đình tôi rất bức xúc. Sau đó, đích thân cô giáo Hiệu trưởng đã đến xin lỗi gia đình và nhận cháu vào học. Tuy nhiên, về nhà sau mỗi buổi học, con trai lại mách mẹ là “các bạn bảo con bị Si-đa”. Thương con, tôi cho cháu nghỉ học, một năm sau mới đi học trở lại…

    - Đấy là chuyện trước đây. Còn bây giờ, chị đang là Chủ nhiệm một câu lạc bộ dành cho những người có H. Chị nghĩ gì về những ảnh hưởng của sự kỳ thị đối với cuộc sống của những người bị nhiễm HIV?

    + Tâm lý của những người bị nhiễm HIV đã rất nặng nề rồi. Khi họ đang muốn vực dậy để sống tích cực hơn thì lại bị những ánh mắt, hành động dè bỉu, kỳ thị và bị mọi người phân biệt đối xử thì càng khiến họ trở nên ức chế, chán nản. Thậm chí, có người tìm cách trả thù đời khiến nguy cơ lây nhiễm HIV trong xã hội cao hơn. Trong khi đó, cũng có những người quá chán nản, tuyệt vọng nên tìm đến cái chết… Ngoài ra, sự kỳ thị còn khiến cuộc sống của những người có H trở nên tồi tệ hơn. Bởi vì nó là nguyên nhân làm cho người có H sống khép mình, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cũng như thuốc điều trị làm cho tình trạng bệnh xấu đi.

    - “Sự phân biệt đối xử, kỳ thị có thể giết chết một người nhiễm HIV trong 3 ngày nhưng virus HIV thì không thể!”. Chị suy nghĩ như thế nào về câu nói này?

    + Hoàn toàn đúng. Đối với người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân HIV/AIDS thì tư tưởng rất quan trọng. Nếu bị phân biệt đối xử và kỳ thị thì tinh thần bị suy sụp rất nhanh. Những người bị HIV/AIDS cũng có muôn vàn mối bận tâm, lo toan như những người bình thường khác, đặc biệt là phụ nữ, đó là chồng, con, kinh tế gia đình, đối nội, đối ngoại….Thậm chí có người còn phải nuôi cả chồng nghiện hút, con cái thì ốm đau liên miên, bản thân họ cũng mang bệnh, sức khoẻ yếu. Áp lực cuộc sống rất lớn như vậy mà còn gặp phải sự kỳ thị nữa thì…

    - Sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người mắc HIV/AIDS trong xã hội hiện nay theo chị có khác gì so với trước đây không?

    + Có chứ. Trước đây khi công tác truyền thông chưa tốt nên mức độ sự hiểu biết của mọi người về HIV/AIDS chưa nhiều, thậm chí có người vẫn hiểu sai. Ví dụ như họ nghĩ virus HIV có thể lây qua bất kỳ con đường tiếp xúc nào đối với người nhiễm. Chính vì vậy, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người mắc HIV/AIDS rất nặng nề. Bây giờ thì sự kỳ thị vẫn còn đấy nhưng đỡ hơn và được ẩn nấp dưới những hình thức khéo léo, tinh vi chứ không lộ liễu như trước. Cách đây vài năm, một người bạn của tôi, cũng là người nhiễm HIV, có con đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng không được nhận vào học. Nhà trường không nói thẳng là sợ đứa trẻ sẽ làm lây nhiễm HIV cho các học sinh khác mà họ đã từ chối với lý do là trường đã đủ chỉ tiêu, không nhận thêm nữa. Cũng có không ít người bị đuổi việc vì doanh nghiệp phát hiện ra thông tin người lao động đó bị nhiễm HIV. Họ cũng đưa ra rất nhiều lý do hợp lý, như: Cắt giảm biên chế, lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc; bố trí một công việc thật nặng nhọc, quá sức đối với người đó hoặc chuyển họ sang một vị trí không thoả đáng khiến người lao động bị nhiễm HIV quá bức xúc dẫn đến bỏ việc…

    - Từ những trải nghiệm của mình, theo chị, những người bị HIV/AIDS phải làm gì để xoá bỏ dần sự kỳ thị của xã hội về căn bệnh của mình?

    + Theo tôi, trước hết bản thân những người nhiễm phải sống làm sao để mọi người thấy được mình là người sống có ích cho xã hội. Mình vẫn làm việc bình thường, sống bình thường, thậm chí còn sống tốt hơn những người không mang bệnh. Đó là động lực để cộng đồng hiểu và thông cảm cho mình. Tuy nhiên, khi gặp sự kỳ thị, phân biệt đối xử thì cũng phải biết cách để đấu tranh, để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình mà pháp luật đã quy định. Thứ hai, nếu muốn xã hội cởi mở hơn với mình thì mình phải cởi mở, chủ động chia sẻ với mọi người. Thực ra hiện nay có rất nhiều người đã mạnh dạn công khai tình trạng bệnh tật nhưng cũng còn không ít người vẫn sợ sệt, lo lắng, giấu giếm. Ví dụ như năm ngoái có một chị là giáo viên ở Vân Đồn bị nhiễm HIV từ chồng không dám làm hồ sơ uống thuốc. Chị ấy đã rất sốc, đau khổ, lo sợ bị người quen phát hiện nên đã sang Hạ Long điều trị. Chúng tôi đã tâm sự với chị rất nhiều để chị ấy hiểu rằng trong cuộc sống vẫn có rất nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh như chị và họ vẫn sống tốt, vẫn khoẻ mạnh bình thường. Nhờ đó đã giúp chị ấy lấy lại cân bằng và niềm tin trong cuộc sống.

    Một điều quan trọng nữa là những người nhiễm HIV nên tham gia vào các CLB của những người cùng hoàn cảnh để được chia sẻ. Trước năm 2006, bản thân tôi vẫn chưa hiểu biết gì về HIV. Sau khi được giới thiệu vào sinh hoạt ở CLB Đồng Cảm của phường, rồi tiếp tục gia nhập vào CLB Hoa Hướng Dương. Năm 2008, được bầu làm chủ nhiệm CLB. Tham gia CLB, được biết nhiều người có hoàn cảnh như mình, có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng nên cuộc sống của tôi trở nên vui vẻ, năng động hơn. Đó thực sự là ngôi nhà chung, giúp chúng tôi được sẻ chia để vươn lên trong cuộc sống.

    - Chị có một lời nhắn nào muốn gửi tới những người bị HIV/AIDS và cộng đồng không?

    + Mình chỉ mong những người bị nhiễm HIV nói chung, đặc biệt là các chị em phụ nữ rơi vào hoàn cảnh này, hãy luôn có suy nghĩ tích cực để sống một cuộc sống có ích, khoẻ mạnh trong những ngày còn lại. Và cũng mong cộng đồng có một cái nhìn cảm thông với những người có H, sẻ chia với những người mắc căn bệnh thế kỷ… Đó chính là động lực để những người có H như chúng tôi sống tích cực, thậm chí sẽ đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

    - Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! Chúc chị luôn duy trì được sức khoẻ thể chất và tinh thần thật tốt!

  2. Những thành viên đã cảm ơn Tuanmecsedec cho bài viết này:

    loilam90 (17-11-2013)

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 2 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 2 khách)

Các Chủ đề tương tự

  1. E đi cắt tóc và không để ý có thay dao không
    Bởi totlanh trong diễn đàn Hỏi Và Đáp : Sử dụng Ma túy, Kim tiêm, các vật bén nhọn
    Trả lời: 43
    Bài viết cuối: 04-08-2013, 17:55
  2. Không kỳ thị với người nhiễm HIV.
    Bởi Tuanmecsedec trong diễn đàn Kỳ thị và phân biệt đối xử
    Trả lời: 3
    Bài viết cuối: 05-07-2013, 09:55
  3. Hôn sâu có làm lây nhiễm hiv không?
    Bởi volananh trong diễn đàn Hỏi Và Đáp : Vấn Đề Khác
    Trả lời: 3
    Bài viết cuối: 01-07-2013, 12:21

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •