Nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS: “Hồi sinh” nhờ điều trị ARV

Đăng ngày: 24/11/2015

Chủ đề của chiến dịch phòng chống HIV/AIDS năm 2015 là: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Theo đó, phải phấn đấu có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% số người chẩn đoán đã bị nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.

Một người được tư vấn điều trị ARV tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai.


Phó giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai Hồ Hoàng Cảnh cho biết đó là các mục tiêu quan trọng có tính chất chiến lược trong phòng chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Nội dung chủ yếu của chiến dịch này nhằm vận động và tuyên truyền thay đổi hành vi, mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng virus cho người nhiễm HIV/AIDS.



*Điều trị ARV


Hiện nay, số người nhiễm HIV trên địa bàn được quản lý và điều trị ngày càng tăng. Tất cả các trường hợp bị phát hiện nhiễm đều có thể được tham gia điều trị kháng retrovirus (gọi tắt là điều trị ARV) ngay mà không còn phụ thuộc vào chỉ số tế bào CD4 như trước đây. Việc điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đã giúp “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời, giúp họ ổn định sức khỏe, tâm lý để trở về cuộc sống bình thường. Thậm chí nhờ được điều trị ARV sớm, nhiều người nhiễm HIV không lây cho vợ/chồng, nhiều cặp vợ chồng nhiễm vẫn có thể sinh con không bị nhiễm.

Anh V.T. ngụ tại phường Long Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ, hơn 10 năm được điều trị đều đặn ARV, sức khỏe của anh vẫn bình thường và sống lạc quan hơn. Anh T. nhớ lại, khi phát hiện mình nhiễm HIV, anh thẫn thờ như người mất hồn vì lúc đó anh nghĩ rằng bị bệnh này là chết. Vợ chồng anh đau đớn bàn tính chuyện gửi 2 con vào chùa. Cuộc đời bước sang trang mới khi anh được các bác sĩ ở Bệnh viện da liễu Đồng Nai khuyên nhủ, động viên đi điều trị ARV đều đặn và sử dụng các biện pháp tránh lây nhiễm cho vợ con. Rất may, đến nay vợ anh không bị nhiễm bệnh. Hiện nay, anh T. vừa điều trị bệnh vừa lo làm ăn, buôn bán, đời sống kinh tế gia đình khấm khá hơn rất nhiều.

Hay như vợ chồng anh V.D. (huyện Trảng Bom), anh D. dương tính với HIV nhưng nhờ điều trị ARV đều đặn nên đã không lây nhiễm cho vợ. Khi vợ anh D. mang thai cũng được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV từ khi mới phát hiện mang thai. Kết quả, con anh D. sinh ra cũng không bị nhiễm HIV khiến gia đình anh vô cùng phấn khởi. Tương tự, vợ chồng anh H.N. (TP.Biên Hòa) đều dương tính với HIV và được điều trị ARV đều đặn. Khi vợ anh N. mang thai cũng được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV và khi con sinh ra đã không nhiễm HIV.

*Mở rộng tiếp cận các dịch vụ


Bác sĩ Hồ Hoàng Cảnh cho biết, điều trị ARV nhằm giảm sự nhân lên của virus HIV trong cơ thể ở mức thấp. Nếu tải lượng virus HIV trong cơ thể người nhiễm thấp, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác cũng thấp hơn. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tiến hành đo tải lượng virus cho gần 600/gần 2,2 ngàn bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó phần lớn đều có tải lượng virus thấp. Ngoài ra, điều trị ARV còn ngăn cản sự tiến triển HIV sang AIDS ở bệnh nhân; phục hồi lại hệ thống miễn dịch; dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tăng thời gian sống; giảm tần suất mắc và tử vong do các bệnh liên quan đến HIV.

Ngoài ra, chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Hiện có 14 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại 13 khoa sản của các bệnh viện cùng với Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai thực hiện tư vấn xét nghiệm sớm cho phụ nữ mang thai trong lần khám thai đầu tiên; cấp thuốc ARV miễn phí cho phụ nữ mang thai khi phát hiện nhiễm HIV, điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Bên cạnh đó, chương trình điều trị ARV cũng đã mở rộng tại Trại giam Xuân Lộc và Trung tâm tư vấn và điều trị nghiện ma túy tỉnh (Trung tâm giáo dục lao động xã hội Xuân Phú cũ), các điểm điều trị ARV ở các xã, phường ở các địa phương có đông người nhiễm HIV là: TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, huyện Long Thành.


Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồ Hoàng Cảnh, để hướng tới mục tiêu 90-90-90 nhằm kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, nếu chỉ có ngành y tế sẽ không đủ sức mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Bởi hiện nay, chương trình điều trị ARV gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cung ứng ARV, thiếu nhân lực làm việc tại các điểm điều trị. Đặc biệt vẫn còn tình trạng phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV, đây là rào cản khiến họ ngại tham gia điều trị. Do đó, bên cạnh các giải pháp, như: đưa bảo hiểm y tế vào trong thanh toán điều trị ARV, tăng cường nhân lực, còn phải tăng cường truyền thông để giảm kỳ thị, vận động người nhiễm tham gia điều trị ARV nhằm đảm bảo sức khỏe cho mình và giảm lây nhiễm cho người thân, gia đình và xã hội là rất quan trọng.

Đặng Ngọc


http://www.dongnai.gov.vn/Pages/glp-...glpsite-1.html