Mở rộng chương trình can thiệp phòng, chống HIV/AIDS

Thứ ba, 06:02 01/12/2015

(Baohatinh.vn) - Cùng với truyền thông, các chương trình can thiệp phòng, chống HIV/AIDS đã mang lại hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, chương trình điều trị ARV đã giúp nhiều bệnh nhân được tiếp tục cuộc sống theo đúng nghĩa. Gần đây, chương trình điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng Methadone có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV tích cực.



Nhân viên Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS phát tờ rơi tuyên truyền về dự phòng lây nhiễm HIV cho các đoàn viên thanh niên.

Hiện nay, nhận thức về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đang có những thay đổi tích cực. Thay vì thái độ kỳ thị trước đây, người ta xem người nhiễm HIV/AIDS là bệnh nhân cần được quan tâm, động viên, hỗ trợ và chăm sóc y tế. Điều đáng nói là hầu hết người nhiễm HIV đều có xu hướng sống lạc quan và có ích.

Chị Nguyễn Thị H., (Sơn Kim - Hương Sơn) nhớ lại: “Sau khi chồng mất vì HIV, mình đã gửi con gái cho ông bà ngoại chăm sóc vì không dám cho nó sống chung và nhiều khi đã nghĩ đến cái chết. Sau đó, nhờ tham gia đồng đẳng viên, mình dần lạc quan. Đặc biệt, chương trình điều trị ARV đã giúp mình rất nhiều. Ban đầu phải xuống TP Hà Tĩnh mới có thuốc nhưng những năm gần đây đã được lấy thuốc tại Hương Sơn. Đến nay, sức khỏe mình vẫn ổn định, công tác bình thường như bao người khác…”.

Không chỉ H. mà hầu hết những người nhiễm HIV được tiếp cận chương trình điều trị ARV từ nhiều năm nay đều ổn định sức khỏe. Nhiều người nhiễm HIV độc thân đã xây dựng hạnh phúc gia đình; nhiều cặp vợ chồng vẫn sinh con khỏe mạnh bằng cách điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Toàn tỉnh có 2 phòng khám ngoại trú (tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Sơn) hoạt động rất hiệu quả. Đến nay, có 230 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó, có 7 trẻ em. Kết quả xét nghiệm định kỳ của các bệnh nhân đều cho tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone gần đây cũng đã mang lại hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS một cách tích cực. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 4 cơ sở điều trị Methadone (TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Kỳ Anh) và 2 điểm cấp phát thuốc (Hương Khê, Nghi Xuân) với 291 bệnh nhân tham gia điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Văn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Nhiễm HIV/AIDS chủ yếu tập trung trong nhóm từ 20-39 tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân lây nhiễm chủ yếu do tiêm chích ma túy (chiếm tỷ lệ 62,63%). Vì vậy, điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng Methadone sẽ mang lại hiệu quả dự phòng về lây nhiễm HIV rất tốt, đồng thời, còn có nhiều lợi ích khác như: giảm tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B, C; cải thiện sức khỏe; giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp; tăng cơ hội làm việc; tiết kiệm nguồn tiền đáng kể vì không còn phải mua ma túy…

Việt Nam là một trong các nước thực hiện chiến lược tiếp cận 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định) vào năm 2020 theo sáng kiến của chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc nhằm hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Hà Tĩnh cũng đã và đang tích cực tập trung các hoạt động hướng tới mục tiêu này. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thứ 2 và 3 thì đòi hỏi phải làm tốt mục tiêu thứ nhất, phải phát hiện được người nhiễm HIV trong cộng đồng để giúp họ biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Vì vậy, cần tổ chức rà soát số người nhiễm HIV theo địa chỉ tại cộng đồng để tiếp cận và kết nối đưa vào điều trị, đồng thời, xác định địa bàn cần can thiệp. Mặt khác, tăng cường tổ chức tập huấn cho y tế xã, phường, thôn về mục tiêu, cách thức tiếp cận cho từng nhóm đối tượng, kỹ năng tư vấn, xét nghiệm HIV, kết nối và chuyển gửi thành công đến cơ sở điều trị.

Biện Nhung


http://baohatinh.vn/song-khoe/mo-ron...ids/105425.htm