Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Điều trị ARV, cứu cánh cho người nhiễm HIV

  1. #1
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần

    Điều trị ARV, cứu cánh cho người nhiễm HIV

    Thứ tư, 16/12/2015 | 23:17 GMT+7
    QĐND -
    Có thể nói, nhờ thuốc kháng vi-rút (ARV), nhiều phận đời nhiễm HIV đã được "hồi sinh". Thế nhưng, tương lai của khoảng 227.000 ca nhiễm HIV dương tính còn sống sẽ có nhiều bất định khi bắt đầu từ tháng 3-2016, các tổ chức quốc tế xác định lộ trình cắt giảm tài trợ thuốc ARV cho Việt Nam và sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2017.

    Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, điều trị ARV, đặc biệt là điều trị sớm mang lại nhiều lợi ích. Việc điều trị ARV sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều người nhiễm HIV được điều trị ARV vẫn sống bình thường hàng chục năm. Ở Việt Nam, theo ước tính của các chuyên gia, với việc mở rộng điều trị ARV đã ngăn ngừa cho gần 150.000 người tránh khỏi tử vong do AIDS trong giai đoạn 2001-2015. Điều trị ARV đúng có thể làm giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con, giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh...


    Khám cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Thanh Tùng

    Cũng theo TS Nguyễn Hoàng Long, trong thời điểm đang bị cắt giảm, tương lai không còn được tài trợ tiền thuốc ARV, người nhiễm HIV nhiều khả năng phải tự chi trả toàn bộ chi phí chữa bệnh thì bảo hiểm y tế (BHYT) là giải pháp bảo đảm việc điều trị bằng thuốc ARV được ổn định, bền vững, ít tốn kém nhất. Khi bệnh nhân không được duy trì điều trị ARV sẽ dẫn đến chuyển sang AIDS và tử vong, hoặc bị kháng thuốc và phải chuyển sang các phác đồ điều trị đắt tiền hơn gấp nhiều lần. BHYT giúp người nhiễm HIV/AIDS tránh được bẫy đói nghèo do các chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS và khám, chữa các bệnh khác. Nếu tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ được chi trả từ 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả chi phí mua thuốc ARV. Nếu người nhiễm HIV thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã (hoặc thuộc đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi...) thì sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, điều mà người nhiễm HIV lo ngại là khi tham gia BHYT thì danh tính và thông tin cá nhân của họ sẽ bị lộ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Long khẳng định, thông tin cá nhân của người nhiễm đã được Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng như các văn bản luật pháp khác quy định được giữ bí mật hoàn toàn. Vì vậy, người nhiễm HIV ngay từ bây giờ phải chủ động tham gia BHYT để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình. Đó chính là giải pháp để bảo vệ sức khỏe, điều trị bằng thuốc ARV cho chính bản thân mình một cách lâu dài và bền vững.

    Giai đoạn 2016-2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tập trung theo định hướng mới chuyển từ phòng, chống HIV/AIDS dựa vào viện trợ sang 3 giải pháp là tăng ngân sách, BHYT và huy động các nguồn xã hội hóa. Nếu thực hiện được các giải pháp trong việc duy trì nguồn thuốc ARV ổn định, mục tiêu xóa bỏ HIV/AIDS vào năm 2030 mới có thể thực hiện được và Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á chấm dứt đại dịch HIV/AIDS.


    THU HƯƠNG

    http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61...iv/391211.html
    ads

  2. #2
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần
    Điều trị ARV sớm - lợi cả đôi đường
    Thứ ba, 22/12/2015 09 giờ 50 GMT+0
    Điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV. Từ tháng 7-2015 đến nay, TP Cần Thơ triển khai điều trị ARV sớm, qua đó người nhiễm được điều trị sớm, cải thiện sức khỏe tốt hơn...



    * Cần điều trị sớm



    Theo bác sĩ phụ trách phòng khám ngoại trú (PKNT) quận Ninh Kiều, việc sớm tiếp cận điều trị ARV sẽ giúp bệnh nhân hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Trước đây, tiêu chuẩn đưa vào điều trị là bệnh nhân có CD4 ‹ hoặc bằng 350 tế bào/mm3 không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng hoặc bệnh nhân nhiễm HIV ở giai đoạn 3, 4. Phụ nữ mang thai chưa đủ tiêu chuẩn điều trị, dự phòng lây truyền mẹ con từ tuần thai thứ 14 hoặc ngay khi phát hiện nhiễm HIV sau tuần thai thứ 14.


    Bác sĩ Phạm Thị Tuyết Mai tư vấn cho bệnh nhân.

    Mới đây, nhằm mở rộng chương trình điều trị ARV và giúp người nhiễm HIV tiếp cận với thuốc ARV sớm nhất, ngày 29-5-2015, Bộ Y tế ban hành Công văn số 3655/BYT-AIDS về việc áp dụng tiêu chuẩn điều trị HIV mới. Cụ thể như: Đối với người lớn và trẻ từ 5 tuổi trở lên, chỉ định điều trị ARV khi tế bào CD4 < hoặc bằng 500 tế bào/mm3. Điều trị không phụ thuộc số lượng tế bào CD4 trong trường hợp: giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4 bao gồm mắc bệnh lao; đồng nhiễm vi rút viêm gan B, C; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú nhiễm HIV; người nhiễm HIV có vợ, chồng hoặc bạn tình không bị nhiễm HIV; người nhiễm HIV thuộc các quần thể nguy cơ (người tiêm chích ma túy, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới); người nhiễm HIV từ 50 tuổi trở lên; người nhiễm HIV sinh sống làm việc tại khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đối với trẻ dưới 5 tuổi: bắt đầu điều trị ARV không phụ thuộc giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4; bắt đầu điều trị ARV đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi có xét nghiệm PCR dương tính hoặc xét nghiệm kháng thể kháng HIV dương tính và có biểu hiện: nấm miệng, viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn nặng hoặc bất kỳ bệnh lý nào của giai đoạn AIDS. Thạc sĩ Phạm Thị Cầm Giang, Phó phòng Điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: "Tại TP Cần Thơ, sau khi tiêu chuẩn điều trị mới được ban hành, trên 95% bệnh nhân đang đăng ký tại các phòng khám ngoại trú (PKNT) được điều trị ARV. Các trường hợp còn lại do CD4 trên 500 và không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên nên vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe". Do mở rộng tiêu chuẩn điều trị nên số bệnh nhân tăng nhanh, theo thống kê tại Cơ sở Methadone quận Ninh Kiều (lồng ghép điều trị ARV), đến tháng 11-2015, cơ sở tiếp nhận điều trị ARV cho 450 bệnh nhân ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy, trong khi tháng 1-2015, chỉ có 398 bệnh nhân. Tính đến cuối tháng 11-2015, thành phố điều trị ARV cho 2.133 bệnh nhân tại 6 PKNT, trong đó có 169 trẻ em. Kết quả cải thiện chất lượng chương trình chăm sóc điều trị ARV tại các PKNT cho thấy, tỷ lệ duy trì điều trị ARV sau 12 tháng kể từ lúc bắt đầu điều trị đạt trên 85%; tỷ lệ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn được đưa vào điều trị ARV trong 15 ngày đạt trên 90%.


    * Giảm lây nhiễm HIV



    Những năm gần đây, ngoài những lợi ích về mặt sức khỏe của người nhiễm HIV, điều trị ARV còn được xem là một trong những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho người khác. Bởi việc điều trị giúp làm ức chế sự nhân lên của HIV - yếu tố quan trọng trong việc lây truyền HIV. Khái niệm điều trị bằng thuốc ARV là dự phòng được minh chứng qua hiệu quả đối với việc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và dự phòng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đối với các cặp bạn tình dị nhiễm (một người nhiễm, một người không). Một nghiên cứu đa quốc gia được tiến hành năm 2010 đã chứng minh rằng, điều trị bằng thuốc ARV sớm sẽ làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, số người nhiễm mới HIV giảm mạnh khi mở rộng điều trị bằng thuốc ARV.


    Hiện nay, việc mở rộng tiêu chuẩn điều trị ARV và quản lý chất lượng dịch vụ chăm sóc điều trị đã hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ sớm, dễ dàng và chất lượng hơn. Sức khỏe của người nhiễm HIV được cải thiện rõ rệt, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời dự phòng lây nhiễm HIV cho những người xung quanh. Theo Thạc sĩ Phan Thị Cầm Giang: "Để việc điều trị đem lại hiệu quả, ngoài nỗ lực của phía cung cấp dịch vụ, người nhiễm HIV cần cập nhật đầy đủ các thông tin, chủ động quản lý sức khỏe bản thân như: Tư vấn xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân; nếu kết quả HIV dương tính, người nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở điều trị HIV (PKNT) để được tư vấn, kiểm tra sức khỏe và điều trị ARV khi đủ tiêu chuẩn. Khi đã điều trị ARV, cần tuân thủ tốt điều trị và thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ y tế để việc điều trị ARV mang lại hiệu quả cao nhất".
    Bài, ảnh: H.Hoa
    http://www.baocantho.com.vn/?mod=det...d=76&id=173063

  3. #3
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần
    Lợi ích của điều trị HIV bằng thuốc kháng virus ARV: Uống thuốc đầy đủ, lây nhiễm giảm tới 95%

    Ngày 27 Tháng 12, 2015 | 08:00 AM
    GiadinhNet - Bên cạnh việc kéo dài tuổi thọ, điều trị bằng thuốc kháng virus ARV (viết tắt là ARV) đem đến cho người nhiễm HIV cuộc sống bình thường như người khỏe mạnh không nhiễm bệnh. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng: Khi người nhiễm HIV được điều trị ARV, nguy cơ lây nhiễm HIV quan hệ tình dục giảm tới 95%. Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV ở giai đoạn sớm và con của họ được dùng sữa ăn thay thế sữa mẹ thì tỷ lệ lây nhiễm chỉ còn khoảng 2%.





    Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, ARV là một giải pháp hiệu quả cho việc điều trị HIV/AIDS. Ảnh: P.V



    Giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở người nhiễm HIV


    Dù không gây tử vong ngay khi nhiễm bệnh, nhưng HIV không thể bị tiêu diệt, người nhiễm HIV là nhiễm suốt đời, khả năng lây lan lớn, thời gian ủ bệnh dài và không có dấu hiệu nên khó phát hiện để phòng tránh, khi dấu hiệu bệnh phát ra ngoài thì đã chuyển sang giai đoạn bệnh nặng, khiến việc kiểm soát, dự phòng và điều trị phức tạp hơn rất nhiều.


    Tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở các bệnh nhân. Theo báo cáo Bộ Y tế năm 2014, số ca tử vong do HIV/AIDS là 2.299 ca, gấp gần 230 lần mức trung bình của một bệnh truyền nhiễm (10 ca tử vong/bệnh trong tổng số 28 bệnh).


    Như vậy, mặc dù trong thời gian qua Việt Nam đã khống chế không để dịch HIV/AIDS gia tăng nhưng mới chỉ là giảm về xu hướng, trong khi lũy tích số người nhiễm HIV còn sống vẫn tiếp tục tăng cao cho nên có thể nói dịch HIV/AIDS vẫn là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất đối với nhân loại và công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn cần sự ưu tiên hàng đầu.


    Hiện nay, HIV/AIDS chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, nhưng với sự tiến bộ của y học, các nhà khoa học đã tìm ra giải pháp điều trị HIV/AIDS tối ưu, đó là thuốc kháng virus (ARV). ARV là viết tắt của Antiretrovaral là một loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể. Nếu điều trị ARV hiệu quả thì có thể làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm, làm giảm nguy cơ lây truyền và làm tăng chất lượng sống của người nhiễm HIV/AIDS.


    Thuốc ARV được khuyến khích sử dụng kết hợp để ngăn chặn hình thành kháng thuốc. Với khả năng ức chế sự nhân lên của virus trong cơ thể và giảm thiểu tải lượng virus xuống dưới ngưỡng phát hiện, thuốc ARV mang lại nhiều lợi ích trong việc bảo vệ sức khỏe người nhiễm HIV cũng như cho toàn xã hội.


    Theo báo cáo tháng 5/2015 của Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), thuốc ARV có thể làm giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở người nhiễm HIV. Cụ thể, điều trị bằng ARV sớm giúp giảm 53% nguy cơ chuyển sang AIDS và tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao, viêm phổi…


    ARV làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn xuống dưới 2%, giúp giảm thiểu sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Quan trọng hơn, người điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe và khả năng lao động, từ đó có thể tự chăm sóc và trang trải cho bản thân, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.


    Mang lại hiệu quả nhân văn to lớn


    TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam bắt đầu chương trình điều trị ARV từ năm 2004. Hơn 10 năm vừa qua, Nhà nước ta liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị ARV. Nếu như lấy mốc 2004, chúng ta mới điều trị cho 400 bệnh nhân thì hiện nay đã điều trị 100.000 người. Số lượng bệnh nhân rất lớn so với trước đây. Hiện nay, ARV đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc với 316 điểm điều trị. Đặc biệt tại tuyến xã, 526 trạm y tế xã đang phát thuốc ARV cho các bệnh nhân. Ngoài ra cũng đã mở điều trị ARV tại các trại giam, các cơ sở tạm giam, tạm giữ.


    Nhờ tích cực mở rộng cơ sở điều trị bằng ARV và nâng cao chất lượng điều trị, chương trình điều trị HIV bằng ARV những năm qua tại Việt Nam đã mang lại hiệu quả rất lớn. “Điều trị bằng ARV có tác dụng rất lớn trong việc giảm tử vong, nâng cao sức khỏe. Nếu bệnh nhân được uống ARV đầy đủ, đều đặn thì có thể nói rằng chất lượng cuộc sống gần như bình thường. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, trong giai đoạn 2000-2015, Việt Nam đã giảm được 150.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS”, ông Nguyễn Hoàng Long cho hay.


    Bên cạnh đó chúng ta giảm được lây nhiễm nếu sử dụng ARV. Nếu như bệnh nhân nhiễm HIV mà uống thuốc ARV thì khả năng lây nhiễm giảm 95%. Như vậy, rất nhiều người chung sống hòa bình lâu dài với HIV nếu chúng ta có thuốc ARV.


    Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện nay trên toàn quốc có 227.000 người nhiễm HIV dương tính đang sống và cũng còn số lượng chưa được phát hiện trong cộng đồng. Trong số lượng đã phát hiện chúng ta mới đang điều trị 100.000 người, nếu như tính theo tỷ lệ phần trăm thì chúng ta mới điều trị dưới 50%. Theo chủ trương, chúng ta phải mở rộng phạm vi điều trị bằng ARV càng rộng càng tốt, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV, đồng thời phấn đấu đến năm 2020 là 90% những người nhiễm HIV dương tính được phát hiện. Nếu thực hiện được điều này, chúng ta sẽ khống chế được dịch.


    Tuy nhiên, nếu thực hiện được như vậy thì kinh phí rất lớn. Với số lượng 100.000 bệnh nhân hiện nay thì trong một năm chúng ta cần khoảng 420 tỷ đồng cho thuốc ARV. Mà trong khoản tiền này thì 95% hiện nay chúng ta nhận từ viện trợ quốc tế, đặc biệt là Quỹ PEPFAR, Quỹ Toàn cầu. Đặc biệt, trong thời gian tới, viện trợ này đang cắt giảm, sau năm 2017 thì cắt giảm hoàn toàn.


    Cũng theo TS Nguyễn Hoàng Long, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành công tuy nhiên khó khăn trước mắt còn rất nhiều đặc biệt là 5 năm nữa thì nhu cầu đáp ứng ARV là hết sức thiết yếu. Nếu như chúng ta không đáp ứng được việc này thì hết sức khó khăn. Thứ nhất bệnh nhân tăng tử vong, điều đó rất rõ ràng. Thứ hai là khi bệnh nhân không được điều trị thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao. Khả năng dịch quay trở lại cao nếu không được điều trị. Hơn nữa bệnh nhân không điều trị thường xuyên gây ra kháng thuốc thì phải chuyển sang phác đồ bậc 2. Khi đó chi phí điều trị tăng lên rất nhiều lần so với phác đồ bậc 1.


    Trong các hội thảo về vấn đề này, các chuyên gia và những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS đều cho rằng, cần tiếp tục kêu gọi tài trợ từ các tổ chức quốc tế, chính phủ và phi chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho công tác này. Đồng thời, để đảm bảo việc điều trị bằng ARV bền vững và lâu dài, cần thực hiện các biện pháp để chi trả cho thuốc ARV qua bảo hiểm y tế như: Xây dựng được quỹ cho điều trị HIV bằng thuốc ARV chi trả qua bảo hiểm y tế.

    Tại Việt Nam hiện nay, chi phí mua thuốc ARV bậc 1 chỉ ở mức 10.000 đồng/ngày cho một bệnh nhân. Tuy nhiên, nguồn kinh phí mua thuốc chủ yếu đến từ nguồn tài trợ quốc tế, ngân sách nhà nước chỉ chiếm 5% tổng kinh phí cho thuốc ARV.

    Trong thời gian tới, các nguồn tài trợ sẽ dần cắt giảm và tiến tới kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017, đặt ra thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nếu không sớm có kế hoạch tài chính bền vững hỗ trợ mua thuốc để duy trì việc điều trị HIV bằng thuốc ARV được liên tục và ổn định, nguy cơ đại dịch bùng phát và đe dọa cộng đồng sẽ trở lại, thậm chí còn nguy hiểm hơn trước nhiều lần vì virus có thể đột biến và kháng lại thuốc ARV khi điều trị bị gián đoạn. Trong bối cảnh bảo hiểm y tế chưa thể ngay lập tức vào cuộc do còn nhiều vướng mắc cần giải quyết để có thể chi trả cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV, Chính phủ cần phân bổ kinh phí cho mua thuốc ARV từ ngân sách chi thường xuyên để tiếp sức cho công cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ với căn bệnh thế kỷ.
    Đối diện khó khăn khi nguồn hỗ trợ quốc tế chấm dứt
    Theo ông Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến tháng 6/2015, cả nước có 227.114 trường hợp nhiễm HIV (trong đó số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 71.115 người). Một trong các biện pháp điều trị đang được sử dụng là dùng thuốc kháng ARV, loại thuốc làm giảm lượng virus HIV xuống, giúp người bệnh khỏe mạnh và quan trọng là làm giảm 95% nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Hiện có hơn 95.700 trường hợp đang được điều trị thuốc. 95% tiền chi cho thuốc kháng ARV cấp phát miễn phí là từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, từ đầu quý II/2015, các tổ chức quốc tế đã chấm dứt chi tiền thuốc cho các bệnh nhân mới và chưa có cam kết hỗ trợ sau năm 2017.
    Mai Anh/Báo Gia đình & Xã hội

  4. #4
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần
    Lợi ích của điều trị ARV đối với bệnh nhân HIV

    16:45:32 25/12/2015

    Việc điều trị sớm ARV không chỉ dự phòng mà còn làm giảm tỷ lệ các nhiễm khuẩn cơ hội, giảm tử vong những bệnh liên quan đến HIV/AIDS. Chúng ta đều biết, ở người nhiễm HIV thì nhiễm khuẩn cơ hội làm cho bệnh trầm trọng hơn và bệnh nhân tử vong thường là do các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội này.




    Cấp ARV uống hàng tháng cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm Y tế Việt Trì, Phú Thọ. Ảnh: T.L

    Không điều trị kịp thời sẽ sớm tử vong


    Hiện nay, có nhiều loại thuốc điều trị ức chế sự phát triển và nhân lên của virus HIV trong tế bào cơ thể người thuộc 1 trong 4 nhóm: Ức chế hòa màng, ức chế men sao chép ngược, ức chế tái tổ hợp vào nhân tế bào cơ thể người, ức chế men protease.

    Tác dụng ức chế virus HIV là sẽ làm giảm số lượng virus trong cơ thể, giảm sự xâm nhập, phá hủy các tế bào miễn dịch của cơ thể, giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể dần hồi phục, có khả năng chống đỡ lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Một số thuốc hiện đang được sử dụng tại nước ta là: Zidovudin (AZT), Lamivudin (3TC), Tenofovir (TDF), Abacavir (ABC), Didanosin (ddI), Nevirapin (NVP), Effavirenz (EFV), Lopinavir/ritonavir (LPV/r). “Riêng thuốc Stavudin (d4T) dùng từ trước tới nay, hiện đang trên lộ trình loại bỏ ra khỏi các phác đồ điều trị do các tác dụng phụ lâu dài không hồi phục”, Th.s Lâm cho biết.

    Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh các bệnh nhiễm trùng cơ hội có liên quan chặt chẽ với mức độ suy giảm miễn dịch của cơ thể: Suy giảm miễn dịch càng nặng thì càng có nguy cơ mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội khác nhau. Không chỉ mắc một bệnh nhiễm trùng cơ hội mà có thể mắc cùng lúc nhiều bệnh.

    Trong số các nhiễm trùng cơ hội đó, có những nhiễm trùng cơ hội nặng, tổn thương các cơ quan quan trọng của cơ thể như: Hệ thống thần kinh, hệ thống hô hấp, các đợt viêm gan bùng phát cấp tính và nặng, viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan… Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong.

    Thực tế ở nước ta cũng cho thấy, khi triển khai tăng cường hệ thống điều trị, số lượng bệnh nhân tử vong giảm đi rất rõ rệt. Năm 2007 - 2008 có 7.000 - 8.000 bệnh nhân tử vong/năm, đến năm 2010 - 2011 giảm xuống còn 1.700 - 1.800 bệnh nhân tử vong/năm. 6 tháng đầu năm 2012 còn 600 bệnh nhân tử vong.


    Chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Ảnh minh họa

    Bệnh nhân HIV cần điều trị ARV sớm

    Nhiễm HIV/AIDS do virus gây suy giảm miễn dịch ở người - HIV (Human Immunodeficiency Virus) với đặc điểm hệ thống miễn dịch bị suy giảm dần theo thời gian dẫn tới hiện tượng cơ thể mất khả năng chống đỡ lại trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, bệnh lý khối u và ung thư. Nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể như: Thần kinh, hô hấp, tim mạch, tiêu hoá, các màng, mắt, các nội tạng, da và niêm mạc, cơ quan sinh dục đều bị các bệnh lý khác nhau liên quan tới nhiễm HIV/AIDS.

    Việc sớm tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus ARV sẽ giúp bệnh nhân hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm kể trên, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đối với những quốc gia còn eo hẹp về nguồn lực như nước ta, trong thời gian trước những năm 2009, tiêu chuẩn bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus khi bệnh nhân có số lượng tế bào miễn dịch CD4 dưới 200 tế bào/mm3. Trong Hướng dẫn Quốc gia về chẩn đoán, điều trị nhiễm HIV/AIDS ban hành ngày 19/8/2009, trên cơ sở xác định rõ hiệu quả của việc tiếp cận điều trị sớm bằng thuốc kháng virus ARV, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV là khi bệnh nhân có CD4 dưới 350 tế bào/mm3 hoặc bệnh nhân nhiễm HIV chuyển sang AIDS giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4.

    Đặc biệt, đối với những bệnh nhân bị đồng nhiễm viêm gan B với HIV thì việc tiếp cận sớm với điều trị bằng thuốc kháng virus ARV đồng thời có tác dụng điều trị ức chế virus viêm gan B như Tenofovir, Lamivudin sẽ ngăn chặn tiến triển của viêm gan B tới xơ gan và ung thư gan
    Những phụ nữ nhiễm HIV mang thai cần được theo dõi, quản lý và điều trị bằng thuốc ARV nếu mẹ đủ tiêu chuẩn điều trị, hoặc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu mẹ chưa đủ tiêu chuẩn điều trị. Việc điều trị dự phòng cho mẹ, điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV có hiệu quả to lớn, làm giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con.

    Phải dùng thuốc đều đặn suốt đời

    Người có HIV khi đã sử dụng thuốc kháng virus ARV thì phải điều trị suốt đời và phải uống kết hợp từ 3 loại thuốc trở lên mới có tác dụng ức chế phát triển virus HIV lâu dài, tránh được hiện tượng virus HIV kháng lại thuốc. Phải uống thuốc đúng giờ, đều đặn hàng ngày và thực hiện chế độ ăn phù hợp với từng loại thuốc được sử dụng, tránh ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc. Trong khi uống thuốc, không được sử dụng rượu bia để tránh xảy ra hiện tượng tăng nguy cơ gây độc tính đối với gan và thận. Tiếp cận sớm với điều trị ARV, sử dụng phác đồ đúng và tuân thủ điều trị tốt sẽ đảm bảo sự thành công, đem lại sức khỏe tốt cho bệnh nhân. Tiếp cận sớm với điều trị bằng thuốc ARV giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục lại hệ thống miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh. Người bệnh phải tuân thủ điều trị tốt mới đảm bảo hiệu quả điều trị lâu dài, tránh thất bại điều trị, tránh xuất hiện virus HIV kháng thuốc.

    Trong suốt quá trình điều trị, cần phải luôn thực hiện phòng tránh lây nhiễm HIV cho cộng đồng bằng việc không sử dụng chung bơm kim tiêm và luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tác phong làm việc khoa học, tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động xã hội…sẽ đem lại sức khỏe tốt cho bệnh nhân. Trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, cần thực hiện tốt lịch hẹn tái khám của bác sỹ. Cần giữ liên lạc thường xuyên với thầy thuốc trực tiếp theo dõi điều trị cho mình để thông báo kịp thời những diễn biến bất thường có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc.

    Qua các nghiên cứu của nhiều quốc gia (HPTN 052) cho biết, nếu như điều trị sớm ARV cho những cặp bạn tình trái dấu (một người nhiễm dương tính với HIV và người kia âm tính với HIV - không nhiễm) sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV tới 96%. Còn nếu như điều trị sớm ARV cho những người nhiễm HIV sẽ giảm khả năng bị bệnh lao ở người nhiễm HIV tới 65%.

    Lê Nguyễn Hà Trung (Theo Bộ Y tế)
    http://giadinhvatreem.vn/Song-khoe/L...-nhan-HIV-5281

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •