Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Kháng thuốc - Mối quan tâm và thách thức của toàn xã hội

  1. #1
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần

    Kháng thuốc - Mối quan tâm và thách thức của toàn xã hội

    Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+) lúc : 20/12/15 09:22

    Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.


    Chăm sóc, điều trị bệnh nhân có biểu hiện kháng thuốc tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)





    Sử dụng kháng sinh không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất.

    Tuy nhiên, những loại thuốc này đã được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc mất hiệu quả.

    Tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sỹ lâm sàng trong điều trị mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội đối với sức khỏe cộng đồng.

    Kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

    Kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc.

    Theo báo cáo năm 2013 của World Crisis trung bình mỗi nước mất từ 04-1,6% GDP quốc gia cho phòng chống kháng thuốc.

    Hiện nay, nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới. Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.


    Bà Socorro Escalante, Trưởng nhóm phát triển hệ thống y tế, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau” và coi đây là ”quả bom hẹn giờ,” cần có các hoạt động mạnh mẽ để tương lai không đối mặt với nguy cơ không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm...

    Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ dự kiến đến năm 2050 sẽ có 10 triệu người tử vong do kháng thuốc mỗi năm.

    Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động.

    Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.

    Nghiên cứu của Tổ chức Y tế giới mới đây tại Việt Nam cũng cho thấy trong số 10 loại thuốc được dùng biến nhất thì tỷ lệ tiêu dùng kháng sinh là cao nhất, trong đó kháng sinh thế hệ thứ 3 nằm trong đầu danh sách. Nhu cầu thực phẩm gia tăng, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng ở mức báo động. Nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy có đến 45 loại kháng sinh được người nông dân sử dụng để điều trị, dự phòng và thúc đẩy tăng trưởng...

    Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng kháng thuốc, trong đó có nguyên nhân là sử dụng quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan.

    Bên cạnh đó còn một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng thuốc còn hạn chế. Thói quen tự "chữa trị" và “bắt chước” đơn thuốc của người dân, việc mua kháng sinh quá dễ dàng và đơn giản ở bất kỳ hiệu thuốc nào, việc người bán thuốc dễ dãi bán kháng sinh mà không cần đơn thuốc hoặc tự kê đơn khi người mua có yêu cầu đã dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc.

    Ngoài ra, việc dễ dãi trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Dược đã tạo cơ hội cho các nhà thuốc tự ý kê đơn, bán thuốc mà không có đơn của bác sỹ cũng góp phần làm gia tăng tình trạng lạm dụng thuốc và kháng kháng sinh...

    Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, không thể đổ lỗi cho người dân trong việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý. Trước hết, những người bác sỹ, dược sỹ là phải tuân thủ quy định trong việc kê đơn và bán thuốc theo đơn.

    Bên cạnh đó các cơ quan y tế cũng phải tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân có thêm những hiểu biết về kháng sinh và sử dụng kháng sinh. Trách nhiệm chính vẫn là của bác sỹ và dược sỹ.

    Cơ quan quản lý trực tiếp là thanh tra về dược phải tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra và xử lý các cơ sở, nhà thuốc vi phạm. Các bệnh viện phải tăng cường việc triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh ở bệnh viện, xây dựng các phác đồ điều trị và tăng cường giám sát việc kê đơn kháng sinh, có phản hồi với bác sỹ trong trường hợp kê chưa hợp lý để điều chỉnh./.
    ads
    Lần sửa cuối bởi songchungvoi_HIV, ngày 22-12-2015 lúc 13:14.

  2. #2
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần
    Sử dụng kháng sinh tùy tiện làm trầm trọng tình trạng kháng thuốc

    Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

    Ngay từ khi kháng sinh ra đời đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên ở Việt Nam tình trạng kháng thuốc diễn ra trầm trọng hơn do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sỹ, người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc.

    Khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh). (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)




    Không ít dược sỹ bán thuốc không đúng quy định, các bác sỹ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp hoặc sử dụng kháng sinh đắt tiền, thế hệ mới.

    Bên cạnh đó việc sử dụng kháng sinh sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.

    Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định kháng sinh phải được phân phối, quản lý và sử dụng theo đơn đúng quy định; bác sỹ kê đơn kháng sinh khi có bệnh lý nhiễm khuẩn; dược sỹ bán thuốc theo đơn; người dân sử dụng kháng sinh theo đơn bác sỹ.

    Song trên thực tế, việc tổ chức triển khai còn nhiều bất cập như người dân chưa có hiểu biết nhiều về kháng sinh, vai trò của kháng sinh, chưa biết hết tác dụng phụ của kháng sinh và vấn đề kháng thuốc. Bác sỹ biết vấn đề kháng thuốc nhưng do tâm lý và thói quen kê đơn kháng sinh để giảm thời gian điều trị cũng là nguyên nhân gây kháng thuốc.

    Dược sỹ biết quy định nhưng một bộ phận không nhỏ chạy theo lợi nhuận vẫn bán thuốc kháng sinh mà không cần đơn của bác sỹ.

    Ở Việt Nam, theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn.

    Có đến 98% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn. Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Đáng chú ý, nhiều người mua kháng sinh để điều trị ho- tỷ lệ này ở thành thị lên đến gần 32%.

    Theo kết quả kiểm tra bệnh viện hằng năm của Bộ Y tế cho thấy chi phí điều trị người bệnh có 48% là tiền thuốc, trong số thuốc kháng sinh chiếm 33%. Còn theo thống kê chi phí tiền thuốc trung bình cho người bệnh trong một năm là 33 USD.

    Trong lĩnh vực phòng chống và điều trị lao, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, ở Việt Nam, dịch tễ lao còn diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc.

    Tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (khoảng 4.800 bệnh nhân) và chiếm 19% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3.400 bệnh nhân).

    Chi phí điều trị người bệnh lao kháng đa thuốc tăng lên hàng trăm lần so với người bệnh lao không kháng thuốc và thậm chí không thể điều trị được ở một số trường hợp. Hơn nữa mỗi năm có khoảng 350 người bệnh lao phổi mạn tính và hầu hết trong số đó là lao phổi kháng đa thuốc làm nặng hơn tình trạng kháng thuốc hiện nay.

    Nguyên nhân vi khuẩn lao kháng thuốc có thể là do vi khuẩn tự biến đổi để tồn tại; do người bệnh không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, tự ý ngừng thuốc, giảm liều; do môi trường ô nhiễm, do khạc nhổ, xả rác bừa bãi nơi công cộng... Đây là những yếu tố khiến Việt Nam có số người mắc lao và bị kháng thuốc cao.

    Những nghiên cứu về sử dụng thuốc điều trị HIV và tình hình kháng HIV cũng cho thấy việc sử dụng thuốc ARV cũng làm xuất hiện các chủng vi rút HIV kháng ARV và nguy cơ làm lan truyền các chủng kháng thuốc trong cộng đồng.

    Trong một nghiên cứu về tính kháng thuốc được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ virus HIV kháng thuốc trên các đối tượng là những người nghiện chích ma túy, gái mại dâm và người bệnh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục chưa từng tiếp cận với ARV là 6,5 %.

    Năm 2008, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch quốc gia về dự phòng, theo dõi HIV kháng thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Kể từ đó đến nay, hàng năm Việt Nam đã tiến hành thu thập số liệu liên quan đến kết quả điều trị ARV cùng với việc thu thập các chỉ số cảnh báo sớm HIV kháng thuốc tại các cơ sở điều trị ARV đại diện trên toàn quốc.

    Việc giám sát HIV kháng thuốc ở những người mới nhiễm HIV chưa điều trị ARV đã được một số đơn vị thực hiện cho thấy tỷ lệ kháng HIV dưới 5%.

    Đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 30%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm.

    Việt Nam ghi nhận không chỉ một mà vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới./.

  3. #3
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần
    Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện để hạn chế việc kháng thuốc

    Lê Hảo (TTXVN/Vietnam+) lúc : 21/12/15 15:24

    Trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc hiện nay thì nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguyên nhân đáng lo ngại.

    Thăm khám bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN).




    Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị.

    Nhiễm khuẩn bệnh viện kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 7-15 ngày dẫn đến chi phí của một bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện thường gấp 2 đến 4 lần so với trường hợp không nhiễm khuẩn bệnh viện.

    Chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng

    Tại Việt Nam, các nghiên cứu tại các bệnh viện đã chỉ ra chi phí kháng sinh tăng thêm hàng năm do điều trị các nhiễm khuẩn vi khuẩn đa kháng trung bình mỗi ca bệnh lên đến trên 10 triệu đồng, cá biệt có trường hợp tốn hàng trăm triệu đồng…

    Hiện nay, mô hình bệnh tật của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh.

    Các dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A như Cúm A (H1N1, H5N1), Ebola, Mers-Cov và các dịch bệnh nguy hiểm khác lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là trong bệnh viện và có tỷ lệ tử vong cao có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

    Bên cạnh đó, việc phát triển những kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh như phẫu thuật nội soi, ghép tạng, phẫu thuật tim mạch... càng đỏi hỏi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện phải được tăng cường, phát triển tương xứng để bảo đảm hạn chế nhiễm khuẩn, hạn chế lây nhiễm chéo, an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

    Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng. Hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được quan tâm, có tới 28,6% bệnh viện ngành chưa có khoa, tổ kiểm soát nhiễm khuẩn.

    Các bệnh viện này cũng chỉ có 17,4% cán bộ được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Hầu hết cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của các bệnh viện đều đạt chuẩn ở mức độ thấp, gây ảnh hưởng đến triển khai các hoạt động kiểm soát lây nhiễm, chất lượng khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, chất lượng nước thải lỏng và các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn khác.

    Theo đánh giá chung, cơ sở vật chất chính đảm bảo cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn ở các bệnh viện tư nhân được đầu tư nhiều hơn so với các bệnh viện thuộc hệ thống công lập. Sự đầu tư về cơ sở vật chất phụ vụ công tác khiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện hệ thống công lập giảm dần từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện…

    Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng chống kháng kháng sinh, Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo toàn ngành thực hiện Thông tư 18/2009/TT-BYT về “Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế” và văn bản số 7517/BYT ngày 12/10/2007 về “Hướng dẫn vệ sinh bàn tay”.

    Các giải pháp đồng bộ về can thiệp vệ sinh bàn tay được hầu hết các cơ sở y tế quan tâm như đầu tư về phương tiện, cơ sở vật chất; tập huấn cho cán bộ y tế thực hành các bước vệ sinh tay. Nhờ đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn tại các bệnh viện giảm đáng kể, kiến thức về vệ sinh bàn tay của cán bộ y tế cũng được tăng rõ rệt, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế đã được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

    Xây dựng mô hình bệnh viện kiểu mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn

    Bác sỹ chuyên khoa II Hoàng Văn Thành, Phó cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ y tế) cho rằng, đơn vị nào Ban giám đốc, Lãnh đạo bệnh viện quan tâm thì nơi đó công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được quan tâm và thực hiện tốt góp phần vào thành công của công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, còn ngược lại.

    Chính vì thế hiện nay việc thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện chưa có sự thống nhất cao, chưa có chuẩn mực cụ thể về hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại các tuyến bệnh viện. Do đó việc xây dựng mô hình bệnh viện kiểu mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm cụ thể hóa các quy định, các hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn và định hướng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho phù hợp với các tuyến bệnh viện của Việt Nam.

    Hiện nay, Bộ Y tế đang Xây dựng mô hình bệnh viện mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo đó có 3 mô hình mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn cho bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện đã được đưa ra để các đại biểu thảo luận.

    Theo các chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn, mô hình bệnh viện mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ là nơi triển khai đầy đủ nội dung kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định của Bộ Y tế; là nơi mẫu mực cho đào tạo, tham quan học tập và chỉ đạo tuyến về kiểm soát nhiễm khuẩn; là nơi kiểm chứng, lượng giá hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và là nơi tiên phong trong triển khai áp dụng các hướng dẫn mới về kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống dịch.

    Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện Kế hoạch hành động Quốc gia tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh thông qua các giải pháp tăng cường tổ chức, nguồn lực, nhận thức và chính sách về kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Với những giải pháp quyết liệt, hy vọng tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh./.

  4. #4
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần
    Bộ Y tế cảnh báo "người dân sẽ không còn thuốc chữa bệnh"

    Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+) lúc : 22/12/15 06:12

    Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là mục tiêu chung của Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.


    Luật Dược sửa đổi đang trình Quốc hội khóa XIII quy định cấm mua, bán thuốc mà không có toa đơn thuốc bác sỹ. (Nguồn: TTXVN)





    Bên cạnh các giải pháp như nâng cao năng lực hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc, bảo đảm cung ứng đủ các thuốc thiết yếu có chất lượng, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả, Bộ Y tế đặc biệt chú trọng công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc.

    Bộ Y tế đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; nâng cao nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế, người nuôi trồng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản về kháng sinh và sự kháng thuốc. Bộ tăng cường công tác giáo dục truyền thông trong toàn dân, từng bước xã hội hóa công tác phòng, chống lao: vận động, yêu cầu, sử dụng các thành phần của xã hội, người thân trong gia đình người bệnh vào công tác phòng, chống lao ở mọi cấp độ và hình thức khác nhau.

    Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cần tích cực tuyên truyền sâu rộng phòng, chống kháng thuốc hơn nữa, trong đó có 3 thành phần đối tượng cần vận động, đó là các thầy thuốc, cán bộ y tế; bệnh nhân; người bán thuốc.

    Trong đó, thầy thuốc và cán bộ y tế dứt khoát phải chỉ định, kê đơn dùng thuốc kháng sinh hợp lý, chỉ kê đơn khi cần thiết. Đối với bệnh nhân, cần phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân để họ hiểu rằng phải sử dụng thuốc kê toa, dùng kháng sinh hợp lý, đúng chỉ định.

    Về đối tượng người bán thuốc, Bộ trưởng cho biết, tại Việt Nam, nếu người dân muốn mua thuốc, có thể tới bất kỳ hiệu thuốc nào cũng mua được mà không cần toa thuốc. Trong khi đó, ở các nước, chỉ khi có toa thuốc người dân mới được mua thuốc.

    Luật Dược sửa đổi đang trình Quốc hội khóa XIII quy định cấm mua, bán thuốc mà không có toa đơn thuốc bác sỹ. Cũng theo Luật mới, các dược sỹ, nhân viên bán thuốc ở các hiệu thuốc tiến tới phải bán thuốc theo đơn, nhất là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP.

    Ngoài ra, trong Luật Dược hiện hành đã cấm và có quy chế về kê đơn, có Thông tư 08 về kê đơn đối với bác sỹ, nhưng với người bán thuốc, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt.

    Bộ trưởng đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Quản lý Dược nghiên cứu, phối hợp để ban hành Thông tư vấn đề kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn tại các quầy thuốc, đặc biệt là các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP.

    Đội ngũ cán bộ y tế, bác sỹ, điều dưỡng là phải thực hiện nghiêm chế độ kê toa, không kê bừa bãi. Vấn đề này phải thực hiện nghiêm theo quy định, xử nghiêm các bác sĩ kê toa không đúng quy định đồng thời, quản lý chặt chẽ các quầy thuốc bán lẻ, thực hiện nghiêm theo quy định chuẩn nhà thuốc và xử phạt nghiêm các nhà thuốc. Ý thức người dân phải được nâng cao để tự bảo vệ sức khoẻ của mình.

    Trong thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức thanh tra các nhà thuốc bán kháng sinh trên phạm vi toàn quốc, Bộ Y tế yêu cầu các bác sỹ khi kê toa cho bệnh nhân sử dụng trong 7 ngày không hết phải chẩn đoán lại, nếu sử dụng 2 loại kháng sinh trở lên phải được hội chẩn...

    “Nếu chúng ta không đột phá làm một cuộc cách mạng, đến lúc nào đó, hơn 90 triệu người dân chúng ta không còn thuốc chữa” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

    Trước tình trạng kháng thuốc đang trở nên nghiêm trọng với nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới; việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn … đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng sinh và kháng thuốc.

    Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc; thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc và đơn vị Giám sát kháng thuốc Quốc gia. Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; thông tin thuốc; kiểm chuẩn xét nghiệm; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh; thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế để nâng cao trình độ, kỹ năng về thực hành kê đơn thuốc tốt, thực hành dược lâm sàng, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị./.

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •