Thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về HIV/AIDS

Thứ hai 11/01/2016 13:05


Nhằm nâng cao nhận thức của bà con dân tộc trong xã về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và sự lây lan của nó trong cộng đồng xã hội, trong hơn hai năm qua, chị H’Đum Êban, cán bộ Trạm y tế xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã trở thành một tuyên truyền viên nòng cốt của xã, tích cực tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, giúp bà con người dân tộc thiểu số (DTTS) trong xã hiểu đúng và có những biện pháp phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả.



Xã Hòa Xuân nằm cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột trên 15 km về phía Tây Nam, xã có năm thôn, ba buôn đồng bào DTTS và một khu dân cư tại Tiểu khu 1266. Toàn xã hiện có 1.765 hộ với 7.150 nhân khẩu, trong đó có 715 hộ đồng bào DTTS tại chỗ với 3.612 nhân khẩu, chiếm 50,51% dân số toàn xã, sinh sống tập trung chủ yếu tại ba buôn gồm: buôn Buôr, buôn Cư Dluê và buôn D’Rai H’Linh. Ngoài ra, còn một số hộ dân thuộc các DTTS khác sinh sống xen kẽ tại các thôn và tiểu khu 1266.


Chị H’Đum Êban tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS cho các phụ nữ người DTTS xã Hòa Xuân.

Theo thống kê của ngành y tế Đắk Lắk, tính đến hết tháng 10/2013, xã Hòa Xuân có tám người bị nhiễm HIV/AIDS, trong đó số nhiễm HIV mới là năm người, số đã tử vong do AIDS một người. Số người nhiễm HIV ở xã Hòa Xuân chủ yếu là lây qua sinh hoạt tình dục, từ mẹ sang con và chủ yếu là ở lứa tuổi thanh niên. Hòa Xuân lại là địa phương nằm tiếp giáp với khu vực của ba địa phương khác nên có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong nhân dân cao, đặc biệt là trong đồng bào DTTS. Trong khi đó, bà con DTTS trong xã còn mơ hồ về căn bệnh HIV/AIDS. Nhiều người hiểu căn bệnh này như là một loại tệ nạn xã hội, người bị nhiễm HIV rất dễ lây nhiễm kể cả qua việc tiếp xúc thông thường…

Vì vậy, giữa năm 2013, khi xã Hòa Xuân được Vụ Địa phương II Ủy ban Dân tộc chọn triển khai Mô hình điểm “Truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV dựa vào cộng đồng trong đồng bào DTTS và miền núi khu vực Tây Nguyên”, chị H’Đum được UBND xã và Trạm y tế xã Hòa Xuân phân công nhiệm vụ cùng với cán bộ của Vụ Địa phương II Ủy ban Dân tộc và các cán bộ của ngành y tế triển khai thực hiện một số hoạt động của mô hình điểm. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS tại ba buôn đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn xã.

Với nhiệm vụ được giao, bằng các kiến thức được trang bị qua các lần tập huấn và kiến thức tự học hỏi của bản thân trong quá trình công tác, chị H’Đum tuyên truyền lại cho bà con trong các buôn làng biết để phòng tránh, không bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ này.

Để công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả, chị H’Đum đã lồng ghép trong các đợt tiêm chủng mở rộng tại các thôn, buôn thu hút hàng trăm lượt người tham gia.

Chị H’Đum tâm sự: “Để công tác truyền thông tốt thì tuyên truyền viên phải nắm được tâm lý người dân, phải có kỹ năng nghe, nói, đặt câu hỏi, đồng thời giải đáp được tất cả những thắc mắc của bà con; nắm chắc kiến thức và dự kiến trước được các tình huống phát sinh. Vì vậy, trong quá trình tuyên truyền tại buôn, tôi luôn nghĩ cách làm thế nào, nói thế nào để truyền đạt lại cho bà con những kiến thức của mình đã học được nhưng phải đơn giản và gần gũi với đời sống của bà con nhất, giúp họ hiểu và tham gia trao đổi với tôi”.

Trong mỗi buổi nói chuyện chuyên đề, bà con đặt rất nhiều câu hỏi, đưa ra nhiều tình huống thực tế trong cuộc sống, nhờ nắm chắc kiến thức nên chị H’Đum đều giải đáp hết các câu hỏi, thắc mắc của bà con. Chị luôn cố gắng thay đổi cách thức truyền thông để bà con không nhàm chán mà cảm thấy hào hứng, thích thú với những kiến thức được truyền đạt, đồng thời tích cực, mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình.

Việc tuyên truyền của chị đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người dân, nhất là các già làng, người uy tín, chức sắc tôn giáo tại địa phương... Vì vậy, trong hơn hai năm qua các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng trong đồng bào DTTS tại xã Hòa Xuân được triển khai rộng khắp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân xã Hòa Xuân, đặc biệt là trong ba buôn đồng bào DTTS tại chỗ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng.

Đến nay, bà con tại các buôn của xã Hòa Xuân đã hiểu cơ bản các kiến thức về HIV/AIDS, về các đường lây truyền và không lây truyền, các biện pháp, phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS; biết được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; cách xử lý một số tình huống phát sinh trong thực tế để không bị lây nhiễm HIV; biết về các cơ sở khám và điều trị HIV của địa phương, đặc biệt là cách đối xử, không còn kỳ thị, xa lánh với người không may bị nhiễm HIV/AIDS như trước đây nữa. Bà con cũng đã hiểu được nhiễm HIV/AIDS là một quá trình kéo dài, người bị nhiễm vẫn có khả năng làm việc, sinh sống bình thường với cộng đồng nếu được chữa trị và chăm sóc tốt. Từ đó, nhận thức của bà con trong các buôn đã thay đổi, không còn kỳ thị và có ý thức thực hiện các hành vi an toàn và phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho bản thân và người trong gia đình mình.

Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nguyễn Đức Nhuận cho biết: Thông qua các hoạt động truyền thông của Trạm y tế xã nói chung, đặc biệt là sự nỗ lực của chị H’Đum Êban đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân Hòa Xuân về mức độ nguy hiểm của HIV/AIDS, có ‎ý thức tự phòng, chống HIV/AIDS; nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những người bị lây nhiễm HIV/AIDS... Chị H’Đum và nhóm cán bộ nòng cốt phát huy được vai trò là những tuyên truyền viên vận động người thân và những người chung quanh tham gia tích cực phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương... Nhờ đó, trong hơn hai năm qua trên địa bàn xã không phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV mới.

Với những nỗ lực trong công việc, ngoài được các cấp, các ngành khen thưởng, chị H’Đum Êban còn được bà con các buôn làng trong xã tin tưởng, thương yêu, khi trong gia đình, buôn làng có việc gì, đặc biệt là khi phát hiện có người mắc bệnh xã hội đều đến chia sẻ và nhờ chị tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống…
Thanh Tâm
Theo Báo Nhân dân