Những người kéo thân phận lầm lỡ hòa nhập cộng đồng

Thứ sáu 19/02/2016 15:07


Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 319 Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) với 2.150 tình nguyện viên tham gia. Đa số các thành viên tham gia Đội tình nguyện đều là cán bộ hưu trí, đoàn viên, hội viên nòng cốt của các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội tại phường, xã, thị trấn. Sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ tình nguyện viên đã góp phần rất lớn trong công tác giáo dục cảm hóa các đối tượng tệ nạn xã hội, người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.


Tại phường 2, quận 5, TP.HCM, chị PTS vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên tự bươn chải bằng đủ thứ nghề để sống. Chị S. may mắn có được tấm chồng và đứa con gái nhưng rồi hôn nhân tan vỡ. Chị lao vào ma túy như con thiêu thân rồi bị nhiễm HIV, phải đi cai nghiện.

Trở về nhà sau bốn năm đi cai, chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì chị đón một vị khách không mời mà đến, đó chính là cô Thái Thị Tuyết Mai, tình nguyện viên của đội công tác xã hội phường 2, quận 5. Bà Mai đã đề xuất quỹ heo đất tình thương của Hội Phụ nữ phường giúp chị S. vay vốn mở quán nước giải khát tại nhà. Cùng lúc đó, anh DTH, đồng cảnh ngộ gần nhà chị S., đã dứt bỏ hẳn ma túy từ năm 2006 cũng thường xuyên tìm đến bà Mai tâm sự. Từ chỗ người xa lạ, anh H. và chị S. cùng nhận bà Mai là má rồi bày tỏ muốn nên duyên với nhau, có chuyện gì cũng tìm đến má Mai. Năm 2012, chị S. và anh H. quyết định lấy nhau và nhờ má tác hợp. Lễ kết hôn của hai anh chị được má Mai và các cán bộ của phường long trọng tổ chức tại trụ sở UBND phường trong niềm hân hoan. Biết hai vợ chồng thường xuyên phải nhập viện vì sức khỏe yếu, bà Mai đề xuất hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho hai vợ chồng.

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, đi lại khó khăn nhưng cô Thái Thị Tuyết Mai ngụ phường 2, quận 5 trước đây là bác sĩ đã về hưu vẫn nhận cương vị đội phó đội công tác xã hội tình nguyện. Bà Mai đến từng nhà vận động người đi cai nghiện, nhiều người nghiện tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, các em mạnh dạn khai báo bệnh và thường xuyên đến phòng khám từ thiện gặp bác sĩ Mai để điều trị, trong năm qua, bác sĩ Mai cùng với Đội tình nguyện phường 2, quận 3 đã chăm lo và điều trị cho 4 em có sức khỏe yếu.



Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ người sau cai nghiện

Đến khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh, khi hỏi về cô Lê Kim Chung không một ai là không biết, nhất là với những bạn trong nhóm hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng. Họ quen gọi chị là “má Chung cô đơn”, bởi vì chị sống một mình cùng với con trai từ khi chồng mất (năm 1992) đến giờ.

Hiện cô là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Lá chắn” quận Bình Thạnh; đội phó đội công tác xã hội tình nguyện phường; tổ trưởng dân phố kiêm tổ trưởng phụ nữ tổ 70, tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố khu phố 6.

Kiêm nhiệm nhiều công tác của phường nên cô nắm rõ từng hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp của chính quyền, tổ chức đoàn thể để hỗ trợ kịp thời. Kinh phí hoạt động ít, có không ít lần chị dùng tiền cá nhân để làm “công tác xã hội” như: nuôi các cụ già, đóng góp vật chất cho các tổ chức đoàn hội của địa phương, tài trợ nhiều phần quà động viên tinh thần cho người nghiện ma túy đã hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ đột xuất cho những người nghiện ma túy có hoàn cảnh ngặt nghèo. Khi thì cân chả, túi gạo, gói đường…

Với cô: “có thực mới vực được đạo, nhất là các em vướng ma túy, đa phần hoàn cảnh các em đều khó khăn, công ăn việc làm không ổn định, các em chưa được sự tin tưởng của gia đình và cộng đồng"… Vì vậy mà với chị, các em sẵn sàng chia sẻ, bộc bạch, thổ lộ những chuyện riêng tư ngay cả người thân các em chưa được biết. Chị Chung là người đầu tiên động viên các em đi cai nghiện. Không biết chạy xe máy, mỗi khi đưa các em đi cai nghiện chị phải nhờ đến các bác xe ôm đi cùng.


Một trong những người có tâm đức với công tác này là cô Võ Kim Thanh, 54 tuổi, hiện là Tổ trưởng Tổ cán sự xã hội tình nguyện phường 6, quận 4. Trong thời gian 4 năm làm Tổ trưởng, bằng kiến thức kỹ năng của bản thân, cô đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tư vấn, giúp đỡ nhiều người đoạn tuyệt với ma túy, ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng.

Là Tổ trưởng Tổ cán sự xã hội kiêm thành viên Ban chấp hành Hội phụ nữ phường 6, cô Thanh đã cùng các cán sự xã hội và hội viên phụ nữ tuyên truyền, vận động 100% gia đình hội viên của Hội Phụ nữ đăng ký thực hiện 4 không với ma túy (không sử dụng, không mua bán, không vận chuyển, không tàng trữ ma túy). Phát động các chi, tổ hội đăng ký chi, tổ hội an toàn, củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của CLB xây dựng “Gia đình hạnh phúc” ở 3 khu phố. Duy trì sinh hoạt CLB “Phụ nữ Vươn Lên” , tập hợp giáo dục một số chị em phụ nữ chậm tiến, hồi gia; CLB “Phòng chống bạo hành trong gia đình”; CLB “Phụ nữ Đồng cảm” tập hợp các nữ hồi gia bị nhiễm HIV/AIDS… Tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tọa đàm trong cán bộ hội viên phụ nữ, thành viên CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, CLB “Nữ Thanh” về vai trò của gia đình trong việc giáo dục con em không phạm tội và vướng vào tệ nạn xã hội; Toạ đàm về biện pháp giúp đỡ người hồi gia tái hoà nhập cộng đồng, vai trò người phụ nữ trong mái ấm gia đình người hồi gia; phát huy hiệu quả mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ nuôi dạy con tốt”.


Cô Thanh cũng chủ động duy trì tốt công tác phối hợp với Công an phường và các ban ngành đoàn thể tổ chức phát động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào tố giác các loại tội phạm và giao nộp vũ khí. Duy trì việc nâng cao chất lượng hoạt động mô hình CLB “Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”.

Bên cạnh đó, cô cũng đã đề xuất Hội Phụ nữ tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá các loại mô hình tập hợp giáo dục; qua đó chủ động đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện, phụ nữ hồi gia và đối tượng có nguy cơ cao ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng, tập trung chăm lo tốt cho các gia đình hội viên nghèo, gia đình chính sách khó khăn, gia đình có con em có nguy cơ bỏ học, trẻ lao động sớm, các đối tượng phụ nữ chậm tiến, hồi gia với nhiều hình thức như trợ vốn cho những chị có phương án làm ăn hiệu quả, cụ thể đã đề xuất hỗ trợ cho 3 người vay với tổng số tiền 30 triệu đồng. Trong thời gian làm Tổ trưởng Tổ cán sự xã hội tình nguyện, cô cũng đã giúp đỡ, quản lý, giáo dục 4 người sử dụng ma túy: trong đó 1 người đã tiến bộ, còn 3 người đang uống Methadone. Hiện nay đang tiếp cận 3 trường hợp và vận động họ làm đơn tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Nhờ những việc làm thiết thực của cô Thanh, cô Mai, cô Chung, nhiều người sau cai nghiện và gia đình họ đã nhận thức được quyền và nghĩa vụ của họ trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Nhiều gia đình đã chủ động đến tìm gặp để được tư vấn và hỗ trợ. Chính vì vậy, mối liên kết giữa người sau cai và Tổ cán sự xã hội ngày càng chặt chẽ, góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn phường, quận.
Nhật Thy
Tổng hợp
http://tiengchuong.vn/Nhung-tam-long...dong/16757.vgp