Người đàn ông thoát khỏi cơn nghiện ma túy dài 16 năm nhờ tình yêu thương của vợ

Thứ hai 22/02/2016 14:18


"Trước khi lấy vợ, anh ấy đã nghiện 10 năm, cộng thêm 6 năm tôi làm vợ anh ấy là 16 năm gia đình chồng tôi không có tết. Những năm đó, tết với gia đình tôi chả có ý nghĩa gì. Tết càng buồn thêm vì gia đình tôi chỉ đóng cửa ở trong nhà, ai gọi cũng không mở vì gia đình tôi xấu hổ, không còn mặt mũi trò chuyện với ai. Nay đã khác rồi, trước kia gia đình tôi khổ bao nhiêu thì bây giờ sung sướng, hạnh phúc bấy nhiêu", chị Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ về cuộc sống gia đình.





Gia đình anh Nam Quốc Trung

Ma túy đeo đám


Những ngày đầu năm 2016, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Vân (SN 1979) và anh Nam Quốc Trung tại nhà riêng trên phố Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội. Trước đây, cái tên Nam Quốc Trung nổi như cồn bởi anh có tới 16 năm nghiện ma túy, còn giờ anh cũng nổi tiếng nhưng là bởi đã giúp hàng trăm người khác cai nghiện được.

Không ngại chia sẻ về quá khứ, anh Trung kể, anh sinh năm 1976, là con một trong gia đình giàu có tại Hà Nội. Vì là con một nên anh được bố mẹ chiều chuộng, thậm chí cung phụng.

“Tôi muốn cái gì là phải có cái đó, tôi muốn cái gì là sẽ được cái đó. Tôi hư hỏng từ bé. Với số tiền mà ba mẹ tôi kiếm được, tôi lao vào các cuộc vui. Tôi đã lầm tưởng rằng cuộc đời thằng Nam Quốc Trung này sinh ra là để hưởng thụ. Năm 1990, sau một lần thua bạc với số tiền lớn, ước chừng bằng gia tài của hai gia đình khác, tôi chán nản, nghe lời bạn bè hút ma túy để "quên sầu". Sau lần sử dụng ma túy đó, tôi biết cuộc đời mình không còn gì nữa. Thời gian đó, tôi sống trong sự điên loạn. Cha mẹ nói tôi không nghe. Ai nói tôi cũng không nghe. Mẹ tôi đau lòng, nhiều lần tự tử nhưng không thành. Vợ tôi đau khổ đến héo mòn, khi mang thai vẫn bị tôi đánh đập. Khi làm bố rồi, tôi còn bắt cóc con gái 1 tháng tuổi của mình để đòi tiền gia đình. Thậm chí, tôi còn định cho cả nhà uống thuốc ngủ để lấy bìa đỏ đi cắm, mua một con xe SH lượn khắp Hà Nội, số tiền còn lại sẽ để chơi ma túy… Có lần say thuốc, người ta còn tưởng tôi chết, đem "xác” tôi vứt xuống sông. Sau này, gặp người đó trong tù, tôi được nghe kể họ đã vứt "xác tôi" thế nào…", anh Trung kể.

Người vợ thà bị hành hạ chứ không chịu li hôn


Ngược dòng thời gian, chị Vân kể, chị quen anh Trung tại giảng đường đại học. Khi ấy, dù biết bạn trai nghiện, chị vẫn ở bên động viên, giúp đỡ anh cai nghiện, nhưng số lần anh cai nghiện, tái nghiện như cơm bữa. Cuối cùng, chị quyết định chỉ có làm vợ anh, ở bên cạnh anh quanh năm suốt tháng mới có thể sớm giúp anh thoát khỏi ma túy. Bàn chuyện đám cưới với bố mẹ, dĩ nhiên, chị bị ngăn cản.

"Tôi là con gái rượu vì vậy bố tôi rất cưng nựng tôi. Hôm đó, hai bố con nói chuyện với nhau cả đêm và tôi đã khóc rất nhiều. Bố tôi nói, thà nhìn thấy tôi khóc một ngày chứ không muốn tôi khóc cả đời, Tuy nhiên, bố mẹ không ép con, con tự quyết định cuộc đời mình, sau này sướng khổ thế nào con tự chịu. Thế rồi ngày 27.12.2000, đám cưới của chúng tôi diễn ra chóng vánh sau 5 ngày anh Trung cắt được cơn nghiện. Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình để giúp anh cai nghiện bằng được. Phải nói thêm rằng trước đó, anh đã nghiện 10 năm, bố mẹ đã đưa anh đi cai nghiện không biết bao nhiêu lần nhưng không được và khi tôi về làm dâu, tôi cũng không nhớ bao nhiêu lần cùng với mẹ đưa chồng đi cai nghiện. Hết cai nghiện ở trung tâm nhà nước mở lại đến những nơi nghe mách nước nhưng anh vẫn không cai được. Nhiều lần vào trại thăm anh, tôi thấy cuộc đời mình khổ quá nhưng cũng không dám kể gì với bố mẹ đẻ vì sợ bố mẹ đau buồn thêm. Lúc tôi đi lấy anh Trung, bố mẹ tôi coi như đã mất con gái. Sau khi sinh con đầu lòng, lúc này tôi mới hiểu cảm giác của người làm cha, làm mẹ. Tôi chuẩn bị đi đẻ, tích cóp được ít tiền, anh cũng lấy đi mua ma túy hết. Con gái đầy tháng, anh bắt cóc chính con để đòi tiền chuộc từ gia đình mà không biết lúc đó gia đình không còn gì đáng giá.

Anh ôm con gái chạy ra đường giữa đêm đông trong khi trên người con chỉ mặc chiếc áo mỏng. Khi anh lao ra đường, có người hét: "Trung ơi, sao mày ác thế. Mày bắt cả con gái mày để mua ma túy sao?". Anh bỗng khựng lại, ôm con về trả cho tôi. Cắt cơn nghiện được mấy ngày, anh tỉnh ngộ nói thương vợ thương con, không muốn làm khổ người thân nhưng khi cơn nghiện đến, anh lại như con thú dữ. Chưa hết, để có tiền mua ma túy, anh xuống đường trộm, cướp và bị công an bắt nhiều lần. Khi có thai đứa con thứ hai, tôi lại nuôi hi vọng anh sẽ thay đổi, rời xa được ma túy. Có đôi phút của cuộc đời, tôi ân hận nhưng rồi giây phút đó lại nhanh chóng qua đi và tôi lại quyết tâm ở bên cạnh để cùng anh ấy làm lại cuộc đời", chị Vân kể.

Nói đến đây, chị Vân rơm rớm nước mắt, anh Trung ngồi cạnh lau nước mắt cho vợ rồi kể chuyện về cuộc đời mình. “Tôi nhớ mỗi lần cô ấy lên trại thăm tôi, tôi đều bắt cô ấy viết đơn li hôn thì tôi mới ra gặp nhưng cô ấy không viết. Cô ấy ra, tôi mắng chửi cô ấy nhưng nhất định cô ấy không viết. Tình yêu đó cứ lớn dần lên, trở thành động lực trong tôi, cho đến giờ đây, tôi khẳng định tôi chưa yêu ai nhiều như vợ tôi bây giờ. Vợ tôi và mẹ tôi là hai người phụ nữ tôi yêu thương nhất nhưng họ cũng là người khổ vì tôi nhất", anh Trung kể.

Nén xúc động, chị Vân kể tiếp, đến năm 2007, những lần tiếp tế thăm nom cùng sự lớn lên của các con đã khiến anh Trung có thêm nghị lực. Thêm nữa, anh gặp được một vị linh mục, người này đã động viên, giúp đỡ anh rất nhiều trong công tác tư tưởng. Ngày anh bỏ được ma túy về với gia đình cũng là ngày cuộc đời chị Vân bước sang trang mới.

"Cai nghiện được ma túy, trở về với gia đình, tôi thấy anh thay đổi hẳn. Anh không còn hung dữ như trước. Dần dần, tôi cũng không thấy anh nói bậy, anh bỏ được thuốc lá, bia rượu. Tôi nói với bố đẻ tôi nhưng ông không tin. Mấy lần bố tôi "thử" anh, tận mắt chứng kiến anh thay đổi, bố tôi mới dám tin. Sau đó, chúng tôi sinh thêm 2 người con nữa. Giờ con gái tôi đã lớn, cháu 14 tuổi, cao gần bằng bố nhưng anh Trung vẫn có quy định là một ngày cháu phải thơm anh 5 lần. Sở dĩ anh ra quy định như vậy là để các con biết yêu thương gia đình, người thân và như thế thì bàn tay ma túy hay tệ nạn xã hội khác khó có thể chạm được vào”, chị Vân tâm sự.




Anh Trung dang tay cứu giúp nhiều người nghiện ma túy và gái mại dâm làm lại cuộc đời


Tết lại về sau… 16 năm


Năm 2007, sau khi thực sự từ bỏ được ma túy, cuộc sống gia đình anh Trung lúc này mới thay đổi. Nếu như trước kia, cứ tết đến, gia đình anh đóng cửa ở trong nhà, không đi thăm họ hàng người thân, ai gọi cũng không tiếp thì tết năm 2007, nhà anh vui mừng khôn xiết. "Trước đó 16 năm, nhà tôi không quan tâm đến tết. Thấy gia đình hàng xóm vui vầy, xum họp, tôi càng thêm tủi cực, có khi là uất hận, nhưng tết năm 2007 đó và cho đến bây giờ tôi thấy ngày nào gia đình tôi cũng vui như tết vậy. Tết đến, tôi thường chuẩn bị từ nhiều ngày trước để đảm bảo đầy đủ, không thiếu thứ gì vì giờ đây tết đâu chỉ của 6 người chúng tôi mà là tết của rất nhiều anh chị em khác nữa", chị Vân nói.

Thấy tôi có vẻ ngơ ngác chị Vân nói liền: "Tôi quên chưa nói, sau khi chồng tôi cai nghiện thành công, điều đầu tiên mà anh ấy nghĩ tới và muốn làm là giúp đỡ những người khác cai nghiện. Chính vì thế mà tôi đã bỏ công việc ở công ty dược để cùng anh thực hiện mong muốn đó. Hiện chồng tôi đã mở 6 trung tâm giúp người nghiện từ bỏ ma túy và giúp cả những cô gái từng bán dâm trở về với cuộc đời".

Nghe vợ nói đến đây, anh Trung thêm vào câu chuyện: "Tôi lập ra các trung tâm cai nghiện, gọi là trung tâm thì hơi to nhưng cũng có thể gọi là cơ sở. Ngay nhà tôi đang ở đây cũng là một cơ sở. Cơ sở cai nghiện của tôi luôn mở cửa, không có song sắt, không có dùi cui mà chỉ có tình yêu thương. Những người nghiện cũng như những cô gái từng bán dâm đã quá lâu rồi họ không nhận được tình yêu thương, chăm sóc của gia đình, không ai cứu họ thoát ra khỏi ma túy, từng là người nghiện tôi biết, trong lòng họ luôn có tiếng kêu thảm thiết “Có ai đấy không, xin hãy đến cứu lấy tôi. Tôi quá đau khổ trong cuộc đời nghiện ngập của tôi rồi. Tôi không muốn sống như vậy nữa” và tôi sẵn sàng cứu họ.

Trao đổi với PV, ông Trần Khánh Định - tổ tưởng tổ 29, cụm 17, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội - cho biết, ông đã chứng thực câu chuyện cuộc đời anh Nam Quốc Trung. “Anh Trung nghiện nhiều năm nhưng nay đã cai nghiện thành công và mở được nhiều cơ sở giúp người khác cai nghiện. Anh ấy còn giúp cả gái bán dâm làm lại cuộc đời. Ngôi nhà ở phố Lê Văn Thiêm này là một trong số những cơ sở đó. Tôi không biết trong số họ có bao nhiêu người cai được nghiện, bao nhiêu người còn nghiện nhưng ở khu này họ sống rất lịch sự, có văn hóa. Họ đi lại rất nhẹ nhàng, không ầm ĩ, không làm ảnh hưởng gì đến những người xung quanh. Cho đến nay, tôi chưa thấy ai phàn nàn gì về cơ sở cứu rỗi người nghiện, gái mãi dâm này của anh Trung. Bản thân tôi cũng ủng hộ hành động ít người làm được của anh ấy”, ông Định nói.
Theo Lao động