Kết quả 1 đến 2 của 2

Chủ đề: Ở nơi bệnh nhân cầm xilanh đe dọa bác sĩ

  1. #1
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần

    Ở nơi bệnh nhân cầm xilanh đe dọa bác sĩ

    Ở nơi bệnh nhân cầm xilanh đe dọa bác sĩ



    Không người ra kẻ vào như bao nhiêu bệnh viện khác, Bệnh viện 09 (Thanh Trì, Hà Nội) - nơi tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối - vốn đã vắng lặng, càng thêm im lìm, lạnh lẽo những ngày mưa phùn, gió bấc. Nơi đây, có những câu chuyện về bệnh nhân và các y, bác sĩ khiến người ta không khỏi xót xa.


    Hầu hết các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 09 đều chỉ có một mình. Ảnh: C.T.L



    Bệnh nhân cầm kim tiêm dính máu dọa bác sĩ



    Hồi Bệnh viện còn là Trung tâm điều trị 09, các y, bác sĩ ở đây đã phải đối mặt với những khó khăn không kể xiết. Bác sỹ Đỗ Thanh Hải - Trưởng khoa Lao - chia sẻ: “Những bệnh nhân đầu tiên mà chúng tôi tiếp nhận đều là những đối tượng đến từ các trung tâm bảo trợ xã hội, các trại giam, đối tượng không nơi nương tựa. Họ - những người mang trong mình nỗi mặc cảm hay có lí lịch bất hảo - thường tìm cách xa lánh bác sĩ, số khác lại có biểu hiện ngông cuồng, không sợ một ai”.


    Để tiếp cận được với những bệnh nhân này, các y, bác sĩ đều phải trở thành chuyên gia tâm lí, tìm cách thuyết phục, giải thích, giúp họ nhận thức được vấn đề. “Quan trọng là qua cách mình tiếp xúc, chăm sóc họ, họ hiểu ra mình không phân biệt, kì thị họ nên dần gần gũi, chia sẻ và sau đó là biết tuân thủ theo phác đồ điều trị”, bác sĩ Hải cho biết.


    Tuy nhiên, đó là khi các bệnh nhân tỉnh táo, còn lúc họ lên cơn vật thuốc thì chẳng nói trước được điều gì. Bác sĩ Hải kể, những bệnh nhân đã vào đây, đa phần đều đã nghiện hút nên rất bất cần. Mỗi lần họ lên cơn vật là mỗi lần anh em cán bộ bệnh viện hoảng sợ. Có bệnh nhân lao vào phòng y, bác sĩ khóa cửa lại, sau đó dùng những lời lẽ đe dọa khiến mọi người sợ hãi. Có bệnh nhân nhiễm HIV, nghiện ma túy lâu năm dùng xilanh tự hút máu mình rồi đi khắp bệnh viện, gặp bác sĩ nào là dọa người đó. Có người lại điên điên khùng khùng nhai kẹo caosu rồi bắn hết lên trần nhà… Tuy nhiên, cũng theo các cán bộ, nhân viên tại đây, đến nay tình trạng này đã được cải thiện nhiều. Không còn cảnh bệnh nhân dùng bơm kim tiêm đe dọa hay đuổi đánh bác sĩ nữa.



    Chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại Bệnh viện 09 Hà Nội.


    “Hãy để cho nó chết”



    Điều đau đáu nhất đối với các bác sĩ nơi đây là sự lạnh lùng, kì thị của chính gia đình bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân từ khi phát hiện nhiễm HIV thì bị bỏ mặc luôn. Khi bệnh viện tìm cách liên lạc với gia đình bệnh nhân, họ lấy mọi lí do để từ chối thăm nom, gặp mặt. Người bảo bận, người nói đã biết tin con cái họ vào điều trị nên giao hết cho bệnh viện vì trước đó nó phá phách nhiều quá. “Có người còn mong muốn cho con họ chết đi, câu nói mà chẳng ruột thịt nào nỡ dành cho nhau cả", bác sĩ Hải chua xót kể lại. Nhiều năm qua, các bác sĩ đã phải chứng kiến biết bao cái chết lặng lẽ, cô độc của bệnh nhân vì không có lấy một người thân đến gặp mặt lần cuối.


    N.T.T (26 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) cũng là một trong đa số các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện 09 bị người thân ruồng rẫy. T kể, năm 2014, T biết mình lây nhiễm HIV từ chồng. Ngày cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, T như chết lặng. Sau khi mắc HIV, T bị gia đình chồng ghét bỏ, vợ chồng ly hôn, nỗi đau chồng lên nỗi đau. Những ngày ở Bệnh viện 09, nhận được sự quan tâm, chăm sóc nhiệt tình từ các y, bác sĩ, T dần lấy lại niềm vui sống. “Hồi mới vào đây, em chỉ nặng hơn hai chục cân, cơ thể yếu lắm. Nếu không nhờ các bác sĩ động viên, em đã không thể hòa nhập lại với cuộc sống”, T nói. Ước mơ của cô gái nhỏ bé ấy là khi sức khỏe ổn định sẽ đi học nghề marketing online, có một công việc để tự lo cho mình.


    Không chỉ những bệnh nhân đặc biệt này mới bị kì thị, ngay cả những bác sĩ điều trị cũng bị phân biệt đến đau đớn. Không những thế, các bác sĩ còn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV rất lớn.


    Bác sỹ Nguyễn Thị Thảo - Phó giám đốc Bệnh viện 09 - cho biết, nhiều năm qua, không ít y bác sĩ, kĩ thuật viên khi lấy máu bệnh nhân bị bắn cả vào mắt, hay vô tình bị kim tiêm đâm vào tay.


    Lo lắng nhất của cán bộ, nhân viên bệnh viện là phơi nhiễm lao bởi gần đây tỉ lệ bệnh nhân bị lao kháng đa thuốc khá nhiều. Hộ lí N.T.B, làm việc hơn 10 năm ở bệnh viện, là trường hợp từng 2 lần nhiễm lao. Lần gần đây nhất cách đây một năm, chị bị nhiễm lao phổi và phải trải qua thời gian điều trị 8 tháng sức khỏe mới ổn định trở lại. Theo chị B, bệnh nhân đi lại trong bệnh viện khạc nhổ bừa bãi, người nào sức đề kháng yếu thì rất dễ hít phải vi khuẩn từ đó. Số bệnh nhân lao kháng thuốc trong bệnh viện khá nhiều nhưng lại chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, khi bác sĩ nhắc nhở thì mới đeo khẩu trang nhưng lúc đeo, lúc không.


    Trưởng khoa Lao Đỗ Thanh Hải - người từ bỏ công việc bên ngành bảo hiểm để đến với Bệnh viện 09 - chia sẻ: “Lúc tôi về quê, ai hỏi mà nghe tôi nói làm ở đây thì tất thảy đều sửng sốt. Người ta nghĩ mình ở Hà Nội thì phải làm việc này việc kia chứ không ai lại điều trị cho những bệnh nhân mà xã hội không coi trọng. Bệnh viện cũng không có danh tiếng, nhiều người không biết. Họ nói thế nhưng điều đó với tôi không quan trọng. Nếu ai cũng làm ở bệnh viện tuyến trên thì tuyến dưới ai làm? May mắn của tôi là có được sự cảm thông, chia sẻ từ gia đình và bạn bè. Hơn nữa, khi làm việc tại đây là tất cả cán bộ, nhân viên y tế đã chuẩn bị tinh thần đối mặt với 100% bệnh nhân có bệnh lây nhiễm nên có công tác phòng bị riêng”.


    Đối mặt với vô vàn khó khăn, vất vả là thế nhưng khi được hỏi “có bao giờ mọi người nghĩ đến việc từ bỏ công việc này không” thì điều dưỡng, y, bác sĩ nào cũng cười và lắc đầu.


    Bác sĩ Hải tâm sự: “Bệnh nhân cần chúng tôi. HIV thì cũng như bao nhiêu bệnh khác, chỉ cần nắm rõ con đường lây nhiễm để phòng ngừa là được. Tại sao người nhà không cho họ uống thuốc được mà tôi lại làm được? Khi bệnh nhân trở về với cộng đồng, họ vẫn gọi điện đến hỏi thăm, chúc tết chúng tôi. Đó là vì họ tin tưởng. Giây phút chứng kiến bệnh nhân khỏe mạnh, trở về với gia đình, đó là món quà quý giá, là cảm xúc khó tả mà không phải ai làm nghề cũng nhận được và trải qua”.

    Thùy Liên
    http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-s...-si-521172.bld

  2. #2
    Thành viên năng động nhiệt tình.
    Ngày tham gia
    18-07-2009
    Giới tính
    Nam
    Đến từ
    Tp.HCM
    Bài viết
    47,923
    Cảm ơn
    2,578
    Được cảm ơn: 11,968 lần
    Bác sĩ viết sẵn di chúc vì lĩnh trọn một xilanh máu nhiễm HIV

    27-02-2016 18:54 - Theo: eva.vn

    Dù đang ở độ tuổi “chín” nhất của sự nghiệp, nhưng bác sĩ Hà đã từng phải viết sẵn bản di chúc vì nghĩ mình không thể thoát khỏi “án tử” khi lĩnh trọn một xilanh máu nhiễm HIV.


    Có lẽ, với những ai chỉ nghe kể mà không trực tiếp gặp bác sĩ Hoàng Hải Hà (Bệnh viện 09 Hà Nội) thì không thể tin được câu chuyện đã từng xảy ra với chính bác sĩ cách đây hơn chục năm về trước.


    Ngày đó, với kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp, đồng thời đang công tác ở nơi được cho là tụ điểm ma túy mới nổi ở Hà Nội, bác sĩ Hà đã cùng các chiến sĩ công an đội phòng chống ma túy đi truy quét tội phạm trên địa bàn quận Thanh Xuân. Do thời gian truy quét tội phạm vào thời điểm trời tối, cộng với những tối tượng buôn bán và sử dụng ma túy rất liều lĩnh, chính vì thế bác sĩ Hà đã lĩnh trọn một bơm kim tiêm còn nguyên máu tươi của nam thiếu niên mới 15 tuổi.


    “Có lẽ đây là ký ức, kỷ niệm nghề nghiệp đáng nhớ nhất của đời tôi. Khi đã trải qua những lúc như vậy, giờ tôi cảm thấy đời không còn gì để mất, và mình phải cống hiến hết mình để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân đang nhiễm HIV tại đây”, bác sĩ cho biết.


    Khi hỏi cụ thể về những việc đã từng xảy ra với bản thân trong đợt truy quét tội phạm và sau đó bị phơi nhiễm HIV, bác sĩ Hà ngậm ngùi kể lại: “Đó là câu chuyện xảy ra năm 2001,khi tôi còn đang phụ trách quản lý người nhiễm HIV/AIDS tại Trung tâm y tế quận Thanh Xuân.


    Bác sĩ Hoàng Hải Hà đang khám cho bệnh nhân.

    Hôm đó vào khoảng 10 giờ đêm, khi lực lượng công an vây bắt được 8 đối tượng sử dụng ma túy. Một trong số đó khai bị nhiễm HIV nên công an gọi bác sĩ đến lấy máu xét nghiệm cho đối tượng này. Trong khi lấy máu xét nghiệm, tôi đã bị một thanh niên 15 tuổi đâm và bơm cả xilanh máu vào người.


    Khi có kết quả xét nghiệm, không chỉ có tôi mà tất cả mọi người đều bàng hoàng khi biết đối tượng này bị nhiễm HIV. Khi đó, có một vài người cũng bị phơi nhiễm nhưng nhẹ hơn, tôi bị nặng nhất khi lĩnh trọn cả một bơm kim tiêm đầy máu vào người”.


    Bác sĩ Hà cho biết, sau khi bị “tai nạn” trên, ngay lập tức bác sĩ được tiến hành sơ cứu và uống thuốc dự phòng HIV. Tuy nhiên, thời gian đó cũng chính là lúc bác sĩ Hà phải chịu nhiều bi kịch của cuộc đời nhất. Khi mà bạn bè, hàng xóm dường như ai cũng xa lánh.


    Không chỉ có vậy, bác sĩ Hà còn phải vật lộn chịu đựng với những tác dụng phụ mà thuốc chống nhiễm gây ra như: cơ thể gầy rộc, thiếu máu… và vô hình dung tất cả những điều đó càng làm cho mọi người đồn đoán: “chắc chắn mắc bệnh HIV rồi”.


    “Lúc đó, ai cũng nghĩ bị HIV, thậm chí ngay cả bản thân mình cũng nghĩ vậy. Trong đầu khi đó đã có suy nghĩ cận kề cái chết, và đã nghĩ đến những viễn cảnh vợ con bơ vơ, nhất là khi đó con tôi chưa đầy một tuổi. Thậm chí tôi nghĩ đến trường hợp xấu nhất xảy ra và đã tự viết một bản di chúc vì nghĩ mình sẽ ra đi”, bác sĩ Hà nhớ lại.


    Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với người bác sĩ có tâm, sau khi dùng thuốc dự phòng và tiến hành làm các xét nghiệm định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm, kết quả đều thể hiện âm tính với HIV.


    “Có lẽ đây cũng là cái cơ duyên của mình, sau khi kết quả xét nghiệm âm tính, bản thân tôi đã có đơn tự nguyện xin chuyển về Bệnh viện 09 để trực tiếp khám, chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV”, bác sĩ Hà nói.


    Qua câu chuyện trên, bác sĩ Hà muốn gửi đến tất cả mọi người một thông điệp, đó là đừng kỳ thị những bệnh nhân nhiễm HIV, đừng xa lánh họ, bởi HIV không phải căn bệnh dễ lây nhiễm cho cộng đồng.


    “Đôi khi, những bệnh nhân nhiễm HIV không chết vì mắc căn bệnh này, mà họ lại chết vì sự kỳ thị của xã hội, của gia đình”, bác sĩ Hà kết luận.



Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 1 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •