Người thầy thuốc của bệnh nhân phong

Thứ Ba 1/3/2016 05:17:48 PM


SKĐS - Người ta vẫn nói, mỗi người mỗi nghề đều có cái TÂM, nhưng ở bác sĩ Trần Hữu Ngoạn còn hơn thế nữa, ông còn ĐỨC của người thầy thuốc, có tâm hồn của người nghệ sĩ, tâm hồn của một người yêu đời, yêu con người và cuộc sống.


Sau bao nhiêu năm công tác tại các khu điều trị phong các tỉnh phía Bắc như Quỳnh Lập, Quả Cảm…sau đó là Bệnh viện phong Qui Hòa, rồi đi Tây Nguyên khám chữa bệnh cho bệnh nhân phong ở đó. Cuối cùng ông về Bộ Y tế, làm việc ở Viện Da liễu nên tôi mới có cơ hội gần gũi ông.


Là sinh viên Y khoa gốc Hà Nội, ra trường bác sĩ Trần Hữu Ngoạn đã gắn bó với những người mắc căn bệnh mà thời đó cả xã hội sợ hãi, xa lánh. Đến thăm bệnh tại các khu điều trị phong, mọi người sẽ nhìn thấy hình ảnh người bác sĩ hiền hậu ân cần hỏi han, chuyện trò về gia cảnh của người bệnh như những người thân, cầm tay chân họ khám bệnh không chút ngại ngần. Những bệnh nhân phong già nua coi ông như một ông thánh, người trẻ coi ông như ông cha của họ. Ông ăn uống cùng họ, tặng họ những món quà rất thiết thực. Ông là người có thể quyên góp tiền từ nhiều tổ chức, nhiều nhà từ thiện để giúp đỡ bệnh nhân xây nhà, có vốn làm ăn, có tiền cho con cháu đi học văn hóa, học nghề. Sự gần gũi giữa ông và người bệnh thật cảm động, nếu ai chưa từng gặp ông thì sẽ rất thấy ngạc nhiên về tình cảm mà ông dành cho bệnh nhân và của bệnh nhân dành cho ông.

BS. Ngoạn trò chuyện với bà Mai Đình, người yêu của thi sĩ Hàn Mạc Tử tại Khu điều trị phong Qui Hoà( năm 1993).

Có lần đi công tác cùng ông ở tỉnh Quảng Trị chuẩn bị cho công nhận loại trừ bệnh phong của tỉnh, trong lúc rảnh rỗi của buổi tối, hai anh em chuyện trò, tôi có hỏi ông về việc ông chọn việc gắn bó với bệnh nhân phong từ những năm mới ra trường. Ông nói là trong khi học chuyên khoa Da liễu, tấm gương của người thầy mà ông nhắc đến với sự kính trọng, ngưỡng mộ, đó là GS. Đặng Vũ Hỷ đã giúp cho ông gắn bó với nghề này và với những con người có cảnh ngộ rất đau thương. Và khi đã gần gũi người bệnh thì ông càng thương yêu họ, thế là ông trở thành bác sĩ, là người bạn, người thân của bệnh nhân phong. Tôi tự hỏi không biết ngài A. Hansen, người đã tìm ra trực khuẩn phong có gắn bó với người bệnh như ông không?!


Nhiều năm đi khám chữa bệnh, làm từ thiện cho bệnh nhân phong ông thấy rõ nỗi cùng cực của họ không những về bệnh tật và trong cả cuộc sống, trong xã hội. Ông đã sưu tập các đồ dùng của bệnh nhân phong từ thế kỷ trước: bát, thìa, đèn, chậu, các dụng cụ cá nhân của bệnh nhân trong cả nước…nhìn những dụng cụ này ta không khỏi ngậm ngùi thương xót những cảnh đời khổ đau của những con người bất hạnh vì bệnh tật.

BS. Ngoạn đang khám chữa cho những bệnh nhân phong nghèo.

Những lúc rảnh rỗi, nói chuyện về âm nhạc, tôi thấy ông hiểu biết nhiều về lĩnh vực này. Ông nhớ rõ ngày sinh, ngày mất của nhiều nhạc sĩ lừng danh như Wolfgang Mozart, Ludwig Van Beethoven… và các tác phẩm của họ. Về hưu một thời gian, ông đổ bệnh phải nằm chữa trị tại nhà. Một hôm, khi tôi đến chơi nhà thăm ông, ông nhìn tôi một lát rồi nói: ”Tay này mà không nhớ thì tệ quá”, vẫn cách nói ngày xưa, nụ cười hóm hỉnh như xưa! Trò chuyện với ông không được nhiều vì ông mệt, chủ yếu nói chuyện với bà Yến, vợ ông. Nhìn ông nằm trên giường mà tôi thấy thương ông vô cùng. Người đàn ông luôn lạc quan, yêu đời, nhiệt huyết và tràn đầy tình yêu bệnh nhân phong, những người khốn khổ nhất trong xã hội, nay nằm đó. Chắc hẳn nhiều lúc ông nhớ lại những năm tháng mà ông đã trải qua.

BS. Ngoạn và vợ (năm 2003).


Ông không có danh vọng nào lớn như thầy thuốc ưu tú, chiến sĩ thi đua nhưng nhìn vào cuộc đời và tấm gương của ông thì mỗi chúng tôi đều phải ngưỡng mộ. Có lần ông được tặng một giải thưởng ở nước ngoài nhưng ông đã từ chối không đến nhận. Con người ông thật bình dị và mộc mạc. Có người nói ông là lập dị. Nhưng tôi cảm nhận đó là kiểu lập dị của một nghệ sĩ. Tại Bệnh viện phong Quy Hòa, tất cả mọi người đến đều được chiêm ngưỡng các bậc danh nhân trong ngành Y từ cố chí kim, các danh nhân trên thế giới và cả trong nước. Từ Hippocrates danh y và nhà hiền triết Hy Lạp trước công nguyên, Armauer Hansen người tìm ra trực khuẩn gây bệnh phong, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đến các danh y thời nay như GS Đặng Vũ Hỷ…. Đã có nhiều nhà báo đến xem và viết về Vườn tượng Danh nhân Y học trong khuôn viên Bệnh viện phong Qui Hòa- nơi nhà thơ lừng danh Hàn Mặc Tử đã từng sống những ngày cuối đời với những cơn đau vật vã của bệnh phong và từ giã cõi đời ở đó. Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn - Một thầy thuốc đã làm việc miệt mài cả cuộc đời mình giành trọn cho bệnh nhân phong. Ông là một con người có tấm lòng cao cả mà tôi được biết trong cuộc đời.


PGS. TS. TTƯT Nguyễn Duy Hưng (Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam)



http://suckhoedoisong.vn/nguoi-thay-...g-n112802.html