Người phụ nữ tìm niềm khát khao sống cho mảnh đời nhiễm 'H'

Người Đưa Tin Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nhớ giọng hát người phụ nữ ấy vút cao tại chương trình kỷ niệm lần thứ 27 Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS của Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại Việt Nam.

Chị cũng là người đầu tiên dám công khai “Vâng, tôi là người có “H”. Hơn 10 năm qua, người phụ nữ ấy vẫn chống chọi với căn bệnh thế kỷ. Chị nói rằng, mình đồng cảm và có tình thương vô cùng với những kẻ “đồng tật tương lân”.

Mạnh mẽ bước qua nỗi đau

Người mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là chị Đào Phương Thanh (SN 1968), trưởng nhóm Hoa Sữa (nhóm tự lực của người có HIV) đang làm việc tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội).


Trong mắt nhiều người, chị là người phụ nữ nhiễm HIV dũng cảm, giản dị, thật thà, hồn nhiên nhất. Khó ai nghĩ người phụ nữ gốc Hà thành có vẻ đẹp đằm thắm, luôn nở nụ cười rặng rỡ và luôn nói rằng “tôi đang rất hạnh phúc” lại có một cuộc đời đầy sóng gió như vậy.


Lần đầu tiên khi nghe chị hát tại chương trình kỷ niệm lần thứ 27 Ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS của Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại Việt Nam, tôi đã mê giọng hát ngọt ngào, đi vào lòng người ấy.


Nhưng điều khiến khán giả cũng như những khách mời ngạc nhiên hơn khi nghe câu chuyện về cuộc đời của chị. Ngày đó, chị khiến rất nhiều người ngạc nhiên khi dám tự đứng lên nói với cả thế giới rằng: “Vâng, tôi là người có “H”.


Giờ đây, chị như bông hoa nở giữa đời thường, mạnh mẽ bước qua nỗi đau, bình thản hơn trước cuộc đời đầy sóng gió. Và chị chưa bao giờ ân hận về quyết định của mình năm đó. Chị không sợ bị người khác kỳ thị, xa lánh. Và cũng chẳng bao giờ, người phụ nữ này ân hận việc mình đã làm. “Nếu tôi cũng sợ, tôi không làm thì chẳng ai dám”, chị Thanh nói với PV.


Chị Đào Phương Thanh luôn lạc quan và giúp đỡ nhiều mảnh đời nhiễm H

Nói chuyện với chúng tôi về quá khứ, chị Thanh bảo rằng, cuộc đời chị rất nhiều chuyện buồn, cay đắng. Lấy chồng chưa được bao lâu thì chồng chị mất trong một vụ tai nạn tàu biển. Chị trở thành góa phụ năm 20 tuổi. Và cũng từ lúc đó, cuộc đời chị đầy rẫy những sóng gió.


“Cậu em trai tôi nhiễm HIV, tôi phải về chăm sóc cho nó. Trong một lần chăm sóc, tôi vô tình để kim tiêm đâm vào tay. Ngày ấy chưa có kiến thức về HIV nên tôi cũng không có phòng ngừa gì cả. Sau 3 lần xét nghiệm, kết quả đều là dương tính với HIV. Tôi đã sụp đổ, khi đó, tương lai, hạnh phúc… chỉ là một màu đen. Cho đến năm 2004, tôi như ngã gục khi bố, mẹ, em trai lần lượt ra đi”, chị Thanh giọng trầm buồn kể.


Thời điểm đó, sự kỳ thị với những người nhiễm HIV còn quá nặng nề. Có lúc chị đã nghĩ đến cái chết và coi cái chết là thoát khỏi thế giới này.


Nhưng nghĩ tới đứa con gái thơ ngây, tội nghiệp, chị lại muốn sống, muốn chạy đua cùng thời gian. Những ngày tháng đó, hằng đêm, chị để nước mắt làm dịu nỗi đau. Người phụ nữ ấy đã dùng chút sức lực cuối cùng để đấu tranh cho sự sống. Chị nói, hơn 10 năm qua, chị vẫn đang chạy đua cùng thời gian còn lại của cuộc đời, giúp những người nhiễm “H” tìm được sự đồng cảm, sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.


Được biết, khi quyết định công khai mình có “H”, chị cũng sợ những chuyện không hay sẽ xảy đến với gia đình mình. "Chị bán đồ ăn sáng đầu ngõ nhà tôi còn nói, nhờ có Thanh mà chị không phải đập bát nữa. Vì ngõ nhà tôi có một cậu bị HIV, mỗi lần cậu ấy ăn sáng ở đây, chị này phải đập bỏ bát vì sợ lây bệnh cho người khác”, chị Thanh chia sẻ.


Và cuối năm 2005, chị kể câu chuyện của mình trên phương tiện truyền thông để cộng đồng nhìn vào hiểu hơn về những người nhiễm HIV. Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, ít ai có thể ngờ rằng, chị vẫn sống, giản dị mà sâu sắc. Trong hoành cảnh khắc nghiệt của cuộc đời người phụ nữ ấy đã vươn lên một cách đáng nể.


Khát khao cống hiến...


Cuộc trò chuyện với chị luôn bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại gọi điện đến xin được tư vấn về HIV/AIDS, hay tâm sự của những người đang rơi vào ngõ cụt khi phát hiện ra mình mắc căn bệnh thế kỷ. Chị luôn nhẹ nhàng, động viên như thể tiếp thêm cho họ sự sống.


“Nhiều người cũng bảo tôi hâm nên mới nhận công việc này vào người. Nhưng tôi tự hào về những việc mình làm. Tôi nghĩ rằng, ở đâu đó đang có những số phận, hoàn cảnh giống mình, họ cần được giúp đỡ”, chị cười. Từ những suy nghĩ rất đời thường đó, chị đã cùng nhiều người nhiễm H thành lập ra câu lạc bộ Hoa Sữa (nhóm tự lực của những người nhiễm HIV).


Chị Phương Thanh cùng nhóm Hoa Sữa ra quân nhặt bơm, kim tiêm.

Thấy nhiều người ngạc nhiên về việc làm của nhóm Hoa Sữa, chị chỉ cười. Chị mong muốn, nhóm của mình sẽ cố gắng làm gì đó để người dân thay đổi suy nghĩ, thái độ đối với người HIV.


Để những người nhiễm HIV có cơ hội hòa đồng với mọi người. Những ngày đầu mới thành lập, nhóm Hoa Sữa chỉ có 6 thành viên trong đó 5 người là bạn của em trai chị. Mọi người gọi đó là “ngôi nhà chung” của những người có “H”. Khi “cơn lốc” HIV làm phá tan hạnh phúc của biết bao gia đình, lúc đấy sự kỳ thị những người nhiễm “H” lớn đến mức người nhà cũng không dám khâm liệm con cái họ mắc căn bệnh thế kỷ khi chết.


Đêm khuya, họ gọi điện đến trung tâm nhờ chị và các thành viên đến giúp. Chị lại tức tốc lên đường, bất kể mưa gió. Nhiều người nhiễm “H” họ xin vào nhóm Hoa Sữa vì không muốn tiếp tục chìm đắm trong suy nghĩ “dính vào “ết” là sẽ chết”. Họ muốn sống và hy vọng được cống hiến cho xã hội.

Chị Thanh cho biết: “Nhóm Hoa Sữa không chỉ tư vấn hay tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS mà còn ra quân đi nhặt bơm, kim tiêm để làm sạch đường phố. Chúng tôi chỉ mong sao số lượng kim tiêm trên đường ngày càng ít đi. Không chỉ có vậy, hàng ngày chúng tôi vẫn tình nguyện nấu cháo, rồi mang cháo cho các bệnh nhân đang điều trị HIV tại bệnh viện Đa khoa Đống đa. Tôi nghĩ những việc đó mới thiết thực”.


Giờ đây, gánh trách nhiệm lớn trên vai, chị Thanh luôn nỗ lực hết mình để kéo những người nhiễm “H” ra khỏi bóng đêm, để cộng đồng có cái nhìn thiện cảm hơn với căn bệnh thế kỷ. Hơn 10 năm qua, chị đã gồng mình lên để chống chọi với bệnh tật, dùng nụ cười, tiếng hát của mình để sống cùng căn bệnh thế kỷ.


Chị cũng công khai số điện thoại cá nhân để mong muốn có nhiều người gọi điện đến nhờ chị tư vấn. “Họ còn gọi điện chứng tỏ là họ còn muốn sống. Tôi cũng không gần ngại chia sẻ về quá khứ của mình. Hay câu chuyện tôi đã gạt bỏ mọi thứ để tiếp tục sống như thế nào ”, chị Thanh tâm sự.


Nỗ lực không mệt mỏi, chị vui vì những số phận khốn khổ đặt niềm tin vào mình. Chính vì thế, chỉ vài ngày nữa thôi, chị lại lên đường công tác, đến những vùng núi hẻo lánh, nơi người ta vẫn còn sợ, kỳ thị những người nhiễm H để tuyên truyền, phổ biến về căn bệnh thế kỷ và nhặt những chiếc kim tiêm còn vương trên đường.


“Ngôi nhà chung” của những người có “H”


Nhóm Hoa Sữa được thành lập vào ngày 8/8/2004 do chị Đào Phương Thanh làm trưởng nhóm. Hiện nay nhóm có 64 thành viên được chia thành nhiều tổ nhỏ, tổ nhặt bơm kim tiêm, nấu cháo, rửa xe, chăm sóc...


Các thành viên của nhóm đến từ nhiều tỉnh khác nhau, từ Hà nội tới Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh... Hàng tháng, các thành viên của nhóm cũng trích ra 1/10 tiền trợ cấp của mình để làm quỹ cho nhóm hoạt động. Đây được xem là “ngôi nhà chung” của những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ.



Mai Hằng