Thứ sáu 15/04/2016 17:00
Ra đời với mục đích là tiếng nói chung của người nhiễm HIV, Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV/AIDS của Việt Nam (VNP+) đã trở thành mái nhà chung của những người sống với HIV, nơi họ có thể chia sẻ, cùng nhau cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Chương trình từ thiện do VNP+ tổ chức (Ảnh VNP+ cung cấp)
Tăng cường sự tham gia của người sống chung với HIV/AIDS
Trao đổi với phóng viên của Trang tin điện tử Tiếng Chuông,anh Đỗ Đăng Đông, Trưởng đại diện của VNP+ cho biết, những năm 2005 - 2006, khi thuốc ARV chưa sẵn có, cũng chưa có một mạng lưới nào cho những người sống chung với HIV sinh hoạt đúng nghĩa. Trước nhu cầu tăng cường sự tham gia của người sống chung với HIV/AIDS trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời để tạo được tiếng nói chung nhằm tác động chính sách cho những người nhiễm HIV, anh Đông nhận thấy, cần thiết phải có một mạng lưới, nơi quy tụ những người sống chung với HIV để họ có thể gặp gỡ, chia sẻ những buồn vui và khó khăn trong cuộc sống. Sau gần 2 năm chuẩn bị, năm 2008, Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV/AIDS của Việt Nam với sự tham gia của đại diện hơn 70 nhóm tự lực, liên minh và mạng lưới cấp tỉnh/thành phố của những người sống chung với HIV/AIDS trên toàn quốc đã chính thức ra đời. Việc ra đời của mạng lưới đánh dấu một sự thay đổi lớn trên vai trò đại diện cho tiếng nói của những người đang chung sống với HIV/AIDS tại Việt Nam.
VNP+ hoạt động với mục tiêu nâng cao năng lực cho thành viên mạng lưới, chia sẻ và điều phối thông tin, chống kỳ thị phân biệt đối xử, tăng cường vận động tiếp cận điều trị, phát triển mạng lưới và thu hút sự tham gia của người nhiễm HIV, vận động chính sách, thực hiện và giám sát. Theo anh Đỗ Đăng Đông, mục tiêu hoạt động như vậy là cách để VNP+ có thể thiết lập kênh thông tin chung nhằm kết nối, chia sẻ thông tin giữa các nhóm, tổ chức, cá nhân. Bởi hiện nay, người nhiễm HIV không còn chết vì HIV mà nhiều người chết vì bị kỳ thị phân biệt đối xử, chết vì đồng nhiễm. Đây là điều hết sức nguy hiểm, nếu như người nhiễm HIV không có thông tin và các thông tin không được chia sẻ với nhau. Chính vì lẽ đó, việc VNP+ tiến hành kết nối và chia sẻ thông tin đã gắn kết các thành viên với nhau. Tham gia VNP+ cũng là cách để những người sống chung với HIV tự bảo vệ bản thân, cũng như tham gia và khẳng định vai trò trong các hoạt động chăm sóc, điều trị và dự phòng HIV/AIDS. Sức mạnh tổng hợp của hàng nghìn người nhiễm HIV Với nguyên tắc hoạt động “Tự nguyện, Dân chủ, Công bằng, Phát triển, Bền vững, Đoàn kết, Sáng tạo và Minh bạch”, VNP+ đã trở thành đại diện cho hàng nghìn người sống với HIV tại Việt Nam, tạo điều kiện cho họ được trao đổi thông tin và vận động thực hiện tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ toàn diện về HIV, cũng như thực hiện quyền của những người sống với HIV và những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tính đến thời điểm hiện tại, VNP+ đang là đại diện cho sức mạnh tổng hợp của 150 nhóm tự lực và liên minh của những người sống với HIV đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS trong cả nước. Hiện nay, VNP+ đã được đăng ký là một tổ chức phi chính phủ trong nước với tên gọi Trung tâm hành động vì người sống với HIV. Chức năng của VNP+ đã được nâng tầm cao hơn, trong đó bao gồm: bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ, tạo và thiết lập cơ hội phát triển kinh tế cho những người có và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; thực hiện các chương trình truyền thông và phổ biến thông tin về HIV/AIDS, và nghiên cứu, chuyển giao kiến thức về các chương trình dự phòng HIV, chăm sóc và điều trị. Trong năm 2015, VNP+ đã phối hợp với Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AUSAID) và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)… tổ chức hội thảo vận động chính sách cho cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS và nhiều buổi tập huấn về chăm sóc, điều trị ARV, kháng thuốc, phòng chống HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản… Đặc biệt, trong năm 2015, VNP+ đã tổ chức sự kiện lớn Giải thưởng Dải Băng đỏ dưới sự bảo trợ của Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Ủy ban phòng, chống AIDS TP.HCM và dưới sự tài trợ chính của Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) và tập đoàn Đông Phương Group.
Giải thưởng Dải băng đỏ do VNP+ tổ chức đã được rất nhiều nghệ sĩ tham gia, ủng hộ (Ảnh do VNP+ cung cấp)
Giải thưởng Dải băng đỏ được VNP+ khởi xướng nhằm mục đích biểu dương những người sống với HIV tuân thủ điều trị tốt, có cuộc sống khỏe mạnh và hữu ích, thúc đẩy chương trình điều trị kháng virus, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến HIV. Sự kiện cũng đã chú trọng truyền thông, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với các quần thể chịu ảnh hưởng bởi HIV như người sống với HIV, người sử dụng ma túy, người lao động tình dục, người đồng tính, song tính chuyển giới. Đồng thời, nâng cao hình ảnh, vị thế, vai trò của người sống với HIV và các quần thể liên quan. Kêu gọi sự đồng hành của văn nghệ sĩ, truyền thông báo chí, chính quyền địa phương với người sống với HIV và các nhóm dể bị tổn thương. Anh Đỗ Đăng Đông, dự kiến trong năm 2016, VNP+ sẽ phối hợp với Dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS thành lập 15 nhóm tự lực của Người sống với HIV trẻ tuổi (PLHIV), Người sử dụng ma tuý trẻ (PUD) và Nam quan hệ đồng tính trẻ tuổi (MSM) tại các tỉnh; tiếp tục phối hợp tổ chức hội thảo vận động chính sách cho cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS, nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS; thu thập thông tin về tình trạng bằng sáng chế của các thuốc ARV và viêm gan C và tập huấn cho cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS… Mặc dù, trong điều kiện nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang cắt giảm và tiến tới cắt hẳn trong thời gian tới, đây là thách thức chung cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và cũng là khó khăn đối với VNP+ nói riêng. Tuy nhiên, anh Đông khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhất vai trò của mình, không ngừng phát triển VNP+, nâng cao năng lực cho những thành viên thuộc mạng lưới, hướng tới bảo đảm quyền lợi cho những người sống chung với HIV/AIDS, cũng như công cuộc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với cộng đồng người nhiễm.