“Những cánh chim không mỏi” ở miền biên ải

Thứ tư 04/05/2016 09:57


“Có người thấp thoáng thấy bóng nhân viên tiếp cận đi vào ngõ thì đã nhanh chân trốn mất vì sợ bị bắt đi cai nghiện. Có người chống chế: cơm nhà tui còn chưa đủ ăn, phải đi rừng kiếm sống thời gian mô mà xét nghiệm với điều trị. Ma đói còn sợ hơn ma ết”.


Đau đầu với ma “ết”


Có mặt tại Quế Phong (tỉnh Nghệ An) vào một ngày đầu hạ, dù chưa vào mùa gió Lào nhưng chúng tôi đã cảm nhận được cái không khí oi bức, hừng hực nơi miền biên ải phía Tây Bắc xứ Nghệ. Khi được hỏi về tình hình người nghiện ma túy và nhiễm HIV trên địa bàn, một cán bộ của Trung tâm Y Tế huyện Quế Phong cho biết, nhiều năm trước, Quế Phong từng được xem là thủ phủ ma túy. Nhiều xã như Đồng Văn, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Thôn… số lượng người nghiện ma túy rất nhiều. Trước tình trạng đó, huyện đã cho lập các điểm phát bơm kim tiêm miễn phí. Tuy nhiên, nhiều người ngại nên họ không dám đến lấy. Một số nhân viên tiếp cận cộng đồng đã phải mang bơm kim tiêm sạch bỏ kiểu “nửa kín nửa hở” để người nghiện nhìn thấy.


Nhiều nếp nhà ở Quế Phong tiêu điều vì ma “ết”-Ảnh: Bình Nguyên


Mặt khác, thời gian gần đây khi công trình thủy điện Hủa Na được triển khai trên địa bàn huyện, người dân được bồi thường một khoản tiền rất lớn, đây cũng là một nguyên nhân khiến tình hình thêm phức tạp. “Nhàn cư vi bất thiện”, có tiền, một bộ phận người dân thường tụ tập chơi bời, các tệ nạn như nghiện hút, trộm cắp, mại dâm được dịp hoành hành. Công trường mọc lên, công nhân đến tìm việc, một số gái mại dâm ở nơi khác “dạt” đến khiến công tác quản lý thêm phần khó khăn.Thêm vào đó, ở nhiều xã miền núi, người dân đi “kéo” gỗ trong rừng, xa vợ con nảy sinh tâm lý buồn chán nên bị các chủ gỗ dụ dỗ sử dụng ma túy. Khi không có điều kiện, họ vô tư dùng chung một bơm kim tiêm. Ma “ết” cứ thế nhảy từ người này sang người khác, khi về nhà họ lại tiếp tục lây cho vợ con.

Cống hiến thầm lặng của nhân viên cộng đồng


Tại Trung tâm Y Tế huyện Quế Phong, trong một cuộc họp, chúng tôi có dịp nói chuyện với chị Thương- nhân viên tiếp cận cộng đồng có nhiều thành tích nổi bật. Chị Thương cho biết, chị bắt đầu làm nhân viên tiếp cận cộng đồng từ tháng 9/2015. Chị thường đi vào các bản vùng sâu, vùng xa để vận động người dân đi xét nghiệm HIV và giúp họ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị.


Chị Thương-Ảnh: Nhân vật cung cấp



Chị trải lòng, trong quá trình công tác chị biết nhiều trường hợp, chồng đi xét nghiệm về bị biết mình bị “ết” nhưng vẫn vô tư quan hệ với vợ mà không cần biện pháp phòng tránh. Vì thế, con “ết” cứ lây từ người này sang người khác. Nhiều người không muốn đi xét nghiệm vì xấu hổ, né tránh khi người khác nhắc đến việc xét nhiệm. Họ sợ mình tiếp cận là để báo công an bắt đi cai nghiện tập trung nên họ lẩn tránh. Nhiều trường hợp rất khó nói chuyện, họ tỏ thái độ bất cần, không hợp tác. Nhiều lần đi vận động, có người bảo chị: cơm nhà tui còn chưa đủ ăn, phải đi rừng kiếm sống thời gian mô mà xét nghiệm với điều trị. Ma đói còn sợ hơn ma ết.


Chị chia sẻ, bản thân người làm công tác cộng đồng như chị, phải thật kiên trì, xây dựng được niềm tin, và khi cần phải biết sử dụng các mối quan hệ thông qua bạn bè người thân thì mới được việc. Có những trường hợp chị phải tới 4, 5 lần người ta mới chịu đi khám. Chỉ trong vòng 3 tháng, chị đã thuyết phục được 96 người đi xét nghiệm, trong đó có 34 người được xác định HIV dương tính, và thuyết phục 14 bệnh nhân khác tiếp tục tham gia điều trị sau một thời gian buông xuôi.

Chuyện người đi phát bơm kim tiêm sạch


Qua lời giới thiệu của chị Thương, tôi có dịp gặp gỡ và nói chuyện với một nhân viên tiếp cận khác trên địa bàn xã Châu Kim là anh Ngân Văn Un. Anh Un là một người nghiện ma túy, hiện tại vẫn đang tiếp tục điều trị bằng Methadone tại Trung tâm y tế huyện Quế Phong. Là người từng có thâm niên nghiện, nên anh rất hiểu các bạn nghiện của mình. Anh cho hay, thực tế người nghiện rất xấu hổ khi đến nhận kim tiêm sạch, họ sợ bạn bè người thân nhìn thấy rồi bàn tán này nọ. Vì vậy, dù có phát miễn phí đến tận tay họ cũng không muốn nhận.

Nhiều người khi hết tiền, lên cơn nghiện họ sẵn sàng liều mình dùng chung bơm kim tiêm với các bạn nghiện với tâm lý: bệnh tật chi không biết, trước mắt cứ thỏa mãn cơn nghiện đã. Vì vậy, mỗi ngày anh đều lên Trung tâm Y tế huyện nhận 1 hoặc 2 hộp bơm kim tiêm. Anh thường chọn những chỗ người nghiện hay tụ tập, đặt hộp kim sạch ở vị trí “nửa kín nửa hở” rồi về.

Anh Ngân thừa nhận, dù chính quyền và người dân đã cố gắng rất nhiều nhưng tình trạng tái nghiện vẫn cao, vì cái gốc rễ của vấn đề là nhiều người nghiện không có thu nhập và việc làm ổn định. Nên dù được đi cai, trở về, thiếu việc làm, nhàn rỗi sinh buồn chán nên họ vẫn lén lút tìm đến ma túy để giải tỏa. Vì vậy, dưới góc nhìn của một tiếp cận viên, anh cho biết cuộc chiến ma túy vẫn chưa thể triệt để khi chưa chưa giải quyết được việc làm cho người dân trên địa bàn.

Anh chia sẻ, một vấn đề anh thấy vô cùng nhức nhối trên địa bàn Quế Phong đó là chuyện các cô gái đi “mần ăn” xa. Họ là các cô gái có nhan sắc-những bông hoa rừng của miền biên ải, do điều kiện kinh tế thiếu thốn, họ rời bản xuống miền xuôi kiếm ăn. Nhiều cô chỉ một thời gian ngắn quay về, thay đổi vô cùng đột ngột. “Họ nói đi làm công nhân ở nhà máy, đi làm phục vụ nhà hàng nhưng dân bản ai cũng ngầm hiểu họ mần chi. Nhiều người có chồng nhiễm H vẫn đi, đây là nhóm có nguy cơ rất lớn”, anh Ngân lo ngại.

Tạm biệt miền biên ải, chúng tôi vẫn nhớ mãi những “cánh chim không mỏi” kiên trì, bền bỉ đấu tranh với ma túy và HIV. Cuộc chiến vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp, cam go. Bên cạnh những biện pháp kiên quyết của các lực lượng chức năng, sự nhiệt tâm của nhân viên y tế, điều cần thiết phải tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho bà con dân tộc trên địa bàn.
Bình Nguyên
http://tiengchuong.vn/Ho-so-tu-lieu/...n-ai/17627.vgp