Đoạn kết có hậu của đôi vợ chồng từng dính vào ma túy

Thứ tư 04/05/2016 17:26


Chồng nghiện ma túy nặng và nhiều lần vào tù, ra tội. Bí bách, túng quẫn, vợ cũng vướng vào vòng lao lý. Nhưng rồi bằng nghị lực, tình yêu thương và trách nhiệm, hai vợ chồng đã vươn lên, vượt qua lầm lỡ, trở thành nhân tố điển hình, nêu gương sáng trong “Hòa nhập cộng đồng” và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.




Đó là câu chuyện của anh Phan Văn Đồng (SN 1969) và chị Ngô Thị Hường (SN 1972) ở khối Quang Tiến, phường Vinh Tân (TP Vinh). Hầu hết người dân ở Bến xe chợ Vinh, “xóm nước đen” Cửa Tiền và khu vực ven thành phố một thời không còn lạ lẫm với biệt danh Đồng “đen”, với “thâm niên” gần 20 năm là “con nghiện”, nổi tiếng trộm cắp một thời nay đã hoàn lương.



Chìm trong nỗi đau từ ma túy…



Đoạn tuyệt với ma túy đã gần 10 năm nay nhưng đến giờ, anh Đồng vẫn “rùng mình” mỗi khi nhớ lại những ngày tháng “nàng tiên nâu” dẫn anh vào con đường tăm tối...


Là con út trong một gia đình nghèo, đông con, cả nhà chỉ nhìn vào mấy sào ruộng khoán và cánh đồng rau muống. Như các anh, chị, Đồng cũng phải tự lăn lộn tìm kế mưu sinh. Năm 2008, theo đám bạn, Đồng nhảy xe tải đi buôn mận và su su tận Mộc Châu (tỉnh Sơn La) về bán lại cho tư thương tại chợ Vinh.


Những chuyến đi hàng dài ngày vào bản làng vùng sâu, vùng xa Tây Bắc đã tạo cho Đồng “cơ hội” tiếp cận với thuốc phiện. Thời đó, ở bản nhà nào cũng trồng cây thuốc phiện trên nương và có sẵn ít “thuốc” trong nhà đãi khách quen, nên Đồng thường xuyên được mời dùng miễn phí. Từ đó, Đồng sa vào nghiện hút, rồi cơn thèm thuốc ngày càng dày hơn, không tài nào dứt ra được…

Cuối năm 1992, Đồng gặp Hường, làm nghề bốc vác thuê ở phường Cửa Nam, tình yêu nhanh chóng dẫn đến một đám cưới giản dị. Về ở với nhau một thời gian ngắn, Hường phát hiện chồng mình nghiện ma túy nặng. Thời điểm này, cũng là lúc Đồng bộc lộ hết sự tàn nhẫn mỗi khi lên cơn đói thuốc.







Anh Đồng giúp vợ nấu ăn

Sau những cơn nghiện thuốc dày vò, Đồng không đủ sức khỏe để theo xe hàng buôn chuyến nữa, nhu cầu chích mỗi ngày từ 3 - 4 cữ nên ngày nào Đồng cũng phải vật vờ theo đám bạn nghiện tìm “hàng” để thỏa mãn. Vật dụng trong nhà đã bán hết. Cứ thế, nhà cửa tan hoang theo khói thuốc… Chị Hường lam lũ buôn bán hoa quả lẻ ở chợ, lời lãi chẳng được bao, chỉ mong đủ cơm ăn hàng ngày, vậy mà làm được đồng nào Đồng đều ép chị phải đưa cho mình để thỏa mãn cơn nghiện. Mới sinh con được 20 ngày, Hường đã phải ẵm đứa con đang đỏ hỏn nhờ bà nội trông giúp, ra chợ kiếm miếng ăn hàng ngày...


Khi không còn lấy được đồng nào từ vợ, Đồng đi móc túi. Bến xe chợ Vinh và “xóm nước đen” Cửa Tiền là địa bàn làm ăn và nơi tìm thú vui của Đồng và đám bạn nghiện. Mỗi khi người dân bị mất cắp đến trình báo, công an các phường lân cận không khó khăn để truy ra Đồng.


Hai vợ chồng chịu án tù, các con bơ vơ, thương con, xót cháu nên bố mẹ Hường đưa cháu về nuôi. Hai đứa trẻ chưa có giấy khai sinh nên đã quá tuổi vẫn chưa được đi học, ông bà đành làm lại giấy khai sinh để các cháu được đến trường. Sau hơn một năm thụ án tại Trại giam số 5 (Thanh Hóa), nhận được tin bố mất, Hường đau đớn, ân hận, day dứt, Hường suy sụp đến nỗi chỉ muốn chết đi, được cán bộ ở trại giam tận tình thăm hỏi, động viên, khích lệ tinh thần, Hường gắng gượng quyết tâm cải tạo thật tốt và được ra tù trước thời hạn.


Hường về hòa nhập cộng đồng, xin làm nghề bốc vác thuê. Một thời gian sau, Đồng cũng được ra trại. Hôm đó, tình cờ trên đường về, Đồng nhìn thấy một phụ nữ nhỏ bé, cõng trên lưng bao xi măng, khó nhọc lê từng bước vào kho, khi đến gần, nhận ra vợ mình, Đồng đau lòng lắm. Đón các con về nhà, nhìn ánh mắt con ngơ ngác, lạ lẫm với bố mẹ, nhà trống trơn, không còn vật dụng gì giá trị, xót xa xen lẫn ân hận, đánh thức trách nhiệm làm cha của Đồng. Anh tự nhủ mình phải quyết tâm từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời.

Lịch trình “vô khám” - “ra trại” của Đồng kéo dài mãi, đợt ngắn nhất là 2 năm. Hết ở các Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh), Trại giam Bình Điền (Huế), Trại giam số 5 (Thanh Hóa)… Và đến 2 năm cuối cùng, Đồng cải tạo ở Trại giam số 6 (Thanh Mỹ - Thanh Chương). Một tay hai nách con thơ, lâu lâu phải khăn gói thăm nuôi, tiếp tế cho chồng, hết vào tận Huế rồi lại ra Thanh Hóa… vậy nhưng, ra trại không lâu, Đồng lại tái nghiện. Điệp khúc xin tiền, đánh đập, móc túi vào trại giam cứ thế lặp đi lặp lại khiến cho cuộc sống của gia đình Đồng luôn cùng cực, túng quẫn. Quá bí bách, Hường đã phạm tội tiếp tay cho chồng tiêu thụ của gian. Tháng 8/2003, Hường bị bắt và chịu án 5 năm tù giam. Cùng thời điểm đó, Đồng cũng đang thụ án tại Phân trại 1, Trại giam số 6 (Thanh Chương).


Gần 20 năm làm bạn với “cái chết trắng”, cái thứ thuốc “ma mị” đó như ăn sâu vào não, chỉ cần có điều kiện thì tái nghiện nên hành trình hoàn lương của anh gặp muôn vàn trắc trở. Vợ chồng Đồng động viên nhau, phải quyết tâm vượt qua khó khăn, lầm lỗi để xây dựng hạnh phúc, chăm lo cho con cái. Và họ đã không đơn độc khi có một điểm tựa tinh thần - đó là Câu lạc bộ “Vòng tay bè bạn”…


Tìm lại ánh sáng cuộc đời

Để giúp vợ chồng Đồng bớt tự ti, vững tin hoà nhập cộng đồng, công an phường, Đảng ủy, chính quyền và bà con khối, xóm, đặc biệt là các chị trong Câu lạc bộ “Vòng tay bè bạn” của Hội LHPN phường Vinh Tân thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình Hường.


Biết Hường có giọng hát dân ca khá tốt, Hội Phụ nữ đã vận động Hường vào đội văn nghệ của phường. Ban ngày đi làm thuê, ban đêm mang theo con đi tập văn nghệ, dần dần mặc cảm, tự ti trong Hường biến mất. Các cấp, hội còn hướng dẫn cho chị cách làm ăn, tích lũy và cho vay 34 triệu đồng từ quỹ của Trung ương Hội LHPN, đứng ra tín chấp để chị vay thêm 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có vốn làm ăn. Còn Đồng được một doanh nghiệp nhận vào làm thợ xây, công việc ổn định, ngoài giờ làm, anh còn giúp vợ việc nhà và chăm sóc con để chị có thời gian tập văn nghệ và hoạt động cùng câu lạc bộ, thấy chồng đã có những thay đổi tích cực, Hường vui lắm.Làm được đồng nào, anh đưa hết cho chị, những đồng tiền mồ hôi, công sức của anh, chị trân trọng lắm. Nhưng điều ý nghĩa và hạnh phúc nhất của chị là biết rõ anh đã từ bỏ được ma túy.
Gần 10 năm nay, gia đình chị Hường mới thực sự là tổ ấm đúng nghĩa, các cháu ngoan ngoãn, vợ chồng chăm chỉ làm ăn, số nợ vay từ nguồn quỹ và ngân hàng được trả dần đến nay đã gần hết. Con trai anh chị được người thân đưa sang Lào làm ăn, con gái đã lấy chồng.

Chị Hường liên tục được mời đi báo cáo điển hình ở các hội nghị “Tái hòa nhập cộng đồng”, nêu gương sáng trong hội nghị “Hòa nhập cộng đồng” và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư các cấp.
"Ma túy đã làm tan nát bao gia đình. Muốn vượt qua cần phải có nghị lực, quyết tâm của bản thân; tình yêu thương, sự bao dung, chia sẻ của cộng đồng. Câu lạc bộ “Vòng tay bè bạn”, chính quyền, các cấp, các ngành đã giúp chúng tôi làm được điều đó"- chị Hường chia sẻ.
Theo báo Nghệ An