Hoa khôi chuyển giới và sự đấu tranh được là chính mình

Thứ sáu 27/05/2016 16:00

“Khi lên bàn mổ, em nghĩ mình sẽ được làm con gái và sẽ đẹp hơn nên mọi đau đớn em đều vượt qua được”.


Nguyễn Sử Yến Mi

Mẹ sợ người ta chê không biết đẻ!

Gặp Yến Mi trong cuộc thi Ngôi sao chuyển giới tại Hà Nội, chúng tôi thực sự ấn tượng với vẻ đẹp thanh lịch, cách nói chuyện thông minh, hóm hỉnh của cô. Vượt qua nhiều thí sinh khác, cô gái Nguyễn Sử Yến Mi (tên thật là Nguyễn Quốc Thắng -SN 1994, tại Cần Thơ) đã được xướng tên ngôi vị cao nhất -Ngôi sao chuyển giới.

Trò chuyện với chúng tôi My cho biết, ba mẹ ly dị nên từ bé nên cô sống với mẹ và dì. Đó là hai điểm tự lớn của đời cô, nên cô không dám công khai vì sợ 2 người buồn. Cô nhớ lại, ngày trước hai mẹ con đi với nhau, ai hỏi mẹ có mấy đứa con gái, mẹ nói có một đứa con gái, rồi chỉ vào em gái Mi. Mẹ còn ngồi tránh xa Mi nữa. Mi buồn lắm, cô cứ hỏi tại sao mẹ lại làm như vậy. Mẹ bảo rằng, mẹ sợ người ta cười không biết đẻ, không biết dạy con, để con bị “bệnh” như vậy. Trên đời chắc không có có gì đau đớn bằng những ngôn từ thể hiện sự xa lánh do chính những người thân yêu gây ra. Lúc đó, My thấy lạc lõng và cô đơn ngay chính trong gia đình của mình.

Chấp nhận tất cả để được làm con gái


Yến My chia sẻ, so với nhiều bạn khác, gia đình My cũng không đến nỗi kỳ thị nặng nề. Chỉ là họ không chấp nhận và không tin cô là người chuyển giới. Đặc biệt, trong gia đoạn đó có những tin đồn sai sự thật như chuyển giới là một căn bệnh lây lan và người chuyển giới thích đua đòi bắt chước. Nên gia đình My đã có nhận định không đúng về người chuyển giới. Tuy nhiên, cô quyết tâm trở thành một người con gái và sống tốt để gia đình chấp nhận giới tính và con người thật của mình. Quyết tâm của My cùng tác động của dì ruột đã khiến mẹ My dần dần hiểu về con mình hơn. Cuối cùng, người mẹ mang hết số tiền tích góp được 135 triệu đồng, giúp con trai sang Thái thực hiện ước mơ chuyển giới.

Yến My nhớ lại, sang Thái là một quyết định lớn, cô chấp nhận mọi rủi ro để đổi lấy một hình hài mới, một thân phận mới. Cô đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ lưỡng, sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống xảy ra, kể cả việc đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. Cô trải lòng: Lúc đó gia đình đã ủng hộ mình 100% rồi. Bắt đầu đi phẫu thuật, cô cảm thấy mình đang thực sự sống. Trước lúc đi em đã tham khảo thông tin từ các chị đã làm phẫu thuật lần trước. Khi lên bàn mổ, em nghĩ mình sẽ được làm con gái và sẽ đẹp hơn nên mọi đau đớn em đều vượt qua được. Khác với mọi người, khi phẫu thuật xong em chỉ thấy đau lưng do nằm lâu chứ không có cảm giác đau “chết đi sống lại” như những người khác. Hạnh phúc nhất, là khi phẫu thuật xong được về khách sạn. May mắn, ca phẫu thuật của cô thành công diễn ra suôn sẻ, cơ thể thích ứng tốt với những biến đổi mới. Cô lập tức gọi điện nói chuyện với mẹ và em gái. Những giọt nước mắt vỡ òa trong vui sướng.

Cô chia sẻ, các bạn chuyển giới hãy mạnh dạn để được sống là chính mình, vì mọi nỗi đau đều có thể vượt qua được. Sau khi đăng quang em, với cương vị hiện tại My sẽ cố gắng trau dồi kiến thức, nỗ lực hết mình để góp phần thay đổi cái nhìn của xã hội về cộng đồng LGBT. Đặc biệt, cô rất quan tâm đến vấn đề người LGBT bị kỳ thị trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Yến My tâm sự, cô vừa mới biết chuyện một bạn đồng tính nam tên M quan hệ tình dục qua đường hậu môn, bị bệnh lậu. Khi vào bệnh viện, các bác sĩ vẫn đón tiếp và gọi anh bình thường. Trong quá trình thăm khám, biết M quan hệ tình dục qua đường hậu môn, các bác sĩ liền tỏ thái độ. Sau đó, M tìm cách trị tại nhà, thề sẽ không bao giờ quay trở lại các cơ sở y tế. Yến My kỳ vọng sắp tới cộng đồng LGBT sẽ được tiếp cận với các cơ sở y tế chất lượng tốt, bình đẳng như bao người bình thường khác.



Bình Nguyên