Viêm gan C

Thông tin chính

Key facts

  • Viêm gan C là một bệnh gan do vi rút viêm gan C gây ra.
  • Mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này có thể dao động từ một bệnh nhẹ kéo dài một vài tuần đến tình trạng nghiêm trọng lâu dài có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.
  • Việc lây truyền virus viêm gan C là do tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh.
  • Viêm gan C có thể được điều trị bằng thuốc kháng vi rút.
  • Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng viêm gan C.
  • Mỗi năm, 3-4 triệu người bị nhiễm vi rút viêm gan C trên toàn cầu.
  • Khoảng 150 triệu người bị nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính và có nguy cơ phát triển thành xơ gan và/hoặc ung thư gan. Hơn 350.000 người chết vì bệnh gan liên quan đến viêm gan C mỗi năm.
  • Viêm gan C được tìm thấy trên toàn thế giới, một số nước có tỷ lệ nhiễm mãn tính cao tới 5% hoặc hơn. Phương thức lây truyền chính ở các nước này là do tiêm không an toàn sử dụng dụng cụ tiêm bị nhiễm bẩn.
  • Viêm gan C không lây qua sữa mẹ, thức ăn hoặc nước hoặc qua tiếp xúc thông thường như ôm, hôn và dùng chung thức ăn hoặc đồ uống với người bị bệnh.

Triệu chứng

  • Thời gian ủ bệnh viêm gan C từ 2 tuần đến 6 tháng.
  • Sau lây nhiễm ban đầu, khoảng 80% người không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào.
  • Những người có triệu chứng rõ ràng có thể biểu hiện sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, phân màu xám, đau khớp và vàng da (vàng da và vàng mắt).
  • Khoảng 75-85% người nhiễm mới trở thành nhiễm vi rút mãn tính và 60-70% số người nhiễm vi rút mãn tính bị bệnh gan mãn tính; 5-20% phát triển thành xơ gan và 1-5% chết vì xơ gan hoặc ung thư gan.
  • Viêm gan C là nguyên nhân cơ bản của 25% bệnh nhân ung thư gan.

Tình hình ở Việt Nam

  • Tỷ lệ nhiễm viêm gan C ở Việt Nam thấp trong dân số nói chung nhưng tập trung ở những người tiêm chích ma túy. Có thể tới 97% những người tiêm chích ma túy bị nhiễm vi rút viêm gan C.
  • Viêm gan C giống như viêm gan B là nguyên nhân chính gây ung thư gan và bệnh gan ở Việt Nam.
  • Những người bị nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính gặp khó khăn trong tiếp cận điều trị do giá thành của thuốc kháng vi rút cao.
  • Việt Nam hiện đang xây dựng hướng dẫn quốc gia về điều trị bệnh viêm gan C.

Đáp ứng của WHO

WHO đang làm việc trong các lĩnh vực sau đây để phòng ngừa và kiểm soát bệnh viêm gan vi rút:

  • Nâng cao nhận thức, thúc đẩy quan hệ đối tác và huy động nguồn lực.
  • Hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng và hướng dẫn về phòng, chẩn đoán và điều trị viêm gan C.
  • Hỗ trợ Bộ Y tế để tăng độ bao phủ của các chương trình bơm kim tiêm - đặc biệt là thúc đẩy việc sử dụng bơm kim tiêm có khoảng chết thấp để giảm nguy cơ truyền vi rút ở những người tiêm chích ma túy.
  • Thúc đẩy Ngày Viêm gan Thế giới vào 28 – 7 hàng năm để nâng cao nhận thức và hiểu biết về viêm gan vi rút.

Phòng chống

Phòng ngừa ban đầu

Không có vắc xin viêm gan C. Nguy cơ lây nhiễm có thể được giảm bằng cách:

  • Tránh tiêm không cần thiết và không an toàn;
  • Tránh các sản phẩm máu không an toàn;
  • Tránh thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn không an toàn;
  • Tránh sử dụng ma túy trái phép và dùng chung dụng cụ tiêm chích;
  • Tránh quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm vi rút viêm gan C;
  • Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân sắc nhọn có thể bị nhiễm bẩn với máu bị nhiễm vi rút;
  • Tránh xăm trổ hoặc xâu khuyên và châm cứu bằng các dụng cụ bị nhiễm bẩn.

Phòng ngừa thứ cấp và tam cấp

Đối với những người bị nhiễm vi rút viêm gan C, WHO khuyến cáo:

  • giáo dục và tư vấn về các lựa chọn cho việc chăm sóc và điều trị;
  • chủng ngừa với vắc xin viêm gan A và B để dự phòng đồng nhiễm từ các vi rút này để bảo vệ gan của họ;
  • quản lý và điều trị sớm và thích hợp bao gồm cả điều trị kháng vi rút nếu có chỉ định;
  • theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm bệnh gan mãn tính.
  • Nguồn: wpro.who.int/vietnam