Kết quả 1 đến 1 của 1

Chủ đề: Bài 3: 12 năm sống với H của người phụ nữ như bông sen nở giữa bùn lầy

  1. #1
    Thành Viên Charles's Avatar
    Ngày tham gia
    15-04-2013
    Giới tính
    Nam
    Bài viết
    56,883
    Cảm ơn
    596
    Được cảm ơn: 12,648 lần

    Bài 3: 12 năm sống với H của người phụ nữ như bông sen nở giữa bùn lầy

    Bài 3: 12 năm sống với H của người phụ nữ như bông sen nở giữa bùn lầy

    Hồng Kiều (Vietnam+)


    Chị Liên tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. (Ảnh nhân vật cung cấp)

    Nhìn gương mặt xinh đẹp, miệng luôn tươi cười, ít ai biết được rằng chị Ngô Thị Liên (32 tuổi, quê ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đã từng trải qua những tháng ngày cơ cực khi phải sống cùng HIV suốt 12 năm qua. Vượt qua sự kỳ thị
    của nhiều người và của chính mình, chị Liên giống như một bông hoa sen nở trong đầm lầy, chị đã vươn lên để tiếp tục sống và sống có ích cho gia đình, xã hội... giúp đỡ hàng trăm người có HIV.

    Quên đi mình là ai để sống

    Năm 2004, khi con gái mới được 9 tháng tuổi, chị Liên phát hiện mình bị lây nhiễm HIV từ người chồng nghiện ma tuý. Đau đớn và hoảng hốt, chị Liên chồng bế con đi Hà Nội xét nghiệm và kết quả thật đau xót khi cả hai vợ chồng đều dương tính với HIV. Tia hy vọng duy nhất trong ngày hôm ấy là may mắn con gái của chị khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ.

    Lúc mới phát hiện ra bị bệnh, chị Liên vô cùng sợ hãi và khổ sở: “Mình không biết mình còn sống được bao lâu nữa. Mình chỉ nghĩ sống khoảng 2 tháng nữa là chết, sống gấp gáp với nỗi lo mình chưa làm được gì đã phải ra đi sớm trong khi con gái
    còn quá nhỏ.”

    Nhớ lại những năm 2004, 2005 ngày ấy, chị Liên nói: “Những năm ấy là giai đoạn kỳ thị HIV/AIDS rất lớn ở Việt Nam, mình sợ hãi không dám công khai danh tính. Thời ấy thông tin về HIV/AIDS rất hiếm, mình nhặt nhạnh từng mẩu báo, tờ rơi để đọc, để hiểu hơn về bệnh.”

    Suốt 4 năm trời sống trong sợ hãi và dấu diếm bệnh tật, công việc không có, chồng đi cải tạo cai nghiện ma tuý, chị Liên đã không chịu nổi và tìm đến cách cuối cùng là ra đi trước. Chị Liên đã tự tử bằng cách uống thuốc sâu, nhưng rất may được cứu kịp thời.

    “Lúc ấy mình nghĩ nếu ông trời không cho mình chết thì mình sẽ công khai sống, đối diện với cuộc sống xem như thế nào,” chị Liên kể lại.

    Thời gian đầu công khai, chị Liên cũng gặp phải những ánh mắt không thiện cảm, những lời nói cay độc. Mọi người xung quanh không phải tất cả đều xa lánh nhưng cũng không thoải mái khi tiếp xúc với chị. Thế nhưng chị Liên tự nhủ “mình cứ sống tốt trước đã” và chị cứ âm thầm sống không ảnh hưởng đến ai, ai khó khăn thì chị giúp.

    Sau một thời gian tự giam mình trong khó khăn cùng cực, chị Liên càng quyết tâm quên đi mình là ai để sống thật tốt cho tất cả mọi người phải thay đổi suy nghĩ. Để nuôi con, chăm chồng cai nghiện ma tuý, chị chạy chợ, nuôi lợn, trồng rau, chắt chiu, dè xẻn từng đồng để vực kinh tế gia đình lên.

    Dần dần thì mọi người cũng hiểu ra không phải nhiễm HIV là chết ngay và HIV không nguy hiểm, dễ lây lan như nhiều người vẫn nghĩ. Thậm chí những người bị ung thư còn chết trước những người nhễm HIV.

    Chồng chị sau khi cai nghiện cũng chí thú làm ăn. Hai vợ chồng sống tích cực, tham gia các tổ chức hội phụ nữ, ​tổ dân ở địa phương và cố gắng làm tốt vai trò trách nhiệm của mình nên dần dần mọi người tin tưởng yêu quý, nhà ai có công, có việc cũng nhờ hai vợ chồng. ​Nhờ đó, cuộc sống của hai vợ chồng dần trở lại bình thường.

    Hoa sen đã nở trong bùn lầy

    Đã từng trải qua những thời gian khủng hoảng khi phát hiện mình có HIV, chị Liên hơn ai hết hiểu được rằng sự sợ hãi bị kỳ thị, đàm tiếu, sợ mất việc làm không đáng sợ bằng việc không biết mình còn bao nhiêu thời gian cho gia đình và con cái nữa. Chị Liên luôn đau đáu tìm kiếm những người cùng cảnh ngộ để chia sẻ, giúp nhau vượt lên trong cuộc sống.


    Chị Liên (áo hồng) trong một hội thảo về bảo hiểm y tế cho người có HIV. (Ảnh nhân vật cung cấp)


    Thế rồi cơ hội cũng tới, năm 2011, khi Trung tâm Y tế Trấn Yên được tiếp nhận Dự án “Dịch vụ toàn diện phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con dành cho phụ nữ dễ bị tổn thương ở Việt Nam” do Uỷ ban Y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) tài trợ, chị Liên tình nguyện tham gia vào nhóm Hoa Hướng Dương và gây dựng nhóm trở thành nhóm hoạt động mạnh và đạt được nhiều hiệu quả nhất trong các tổ chức người có HIV ở Việt Nam hiện nay.

    Chỉ sau 5 năm tham gia, với sự nhiệt tình, sắc sảo và quyết tâm vì những hoạt động cộng đồng, chị Liên không chỉ trở thành Trưởng nhóm Câu lạc bộ “Hoa Hướng Dương” huyện Trấn Yên (Yên Bái) mà còn trở thành Trưởng ban điều phối mạng lưới Hoa Hướng Dương Việt Nam.

    Chị Liên kể lại: “Ngày xưa nếu không được hỗ trợ, giúp đỡ thì mình không có cuộc sống ngày hôm nay. Vì vậy, vợ chồng mình mặc định với nhau rằng người ta giúp mình thì mình phải có trách nhiệm giúp đỡ những thế hệ sau, những người có hoàn cảnh như mình.”

    Chẳng thế mà chồng và con gái năm nay lên lớp 8 đã trở thành hậu phương vững chắc cho chị Liên say mê tham gia các hoạt động cộng đồng. Chị Liên tổ chức cho các thành viên giao lưu học hỏi kinh nghiệm, thăm quan mô hình làm kinh tế giỏi của những người có HIV tại Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình. Lúc thì tổ chức các sự kiện cộng đồng như: gây quỹ giáo dục, quỹ sinh kế, quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho phụ nữ có HIV….

    Chị Liên nói: “Quên mình là ai trong một thời gian sẽ tìm được cách giải quyết tốt hơn cho những người có HIV. Môi trường nào cũng có thuận lợiq và khó khăn, quan trọng là mình phải không kỳ thị chính mình, vượt lên chính mình. Nếu như vứt bạn vào một cũng bùn bạn phải biết bạn tồn lại thế nào trong một vũng bùn ấy, chẳng phải trong vũng bùn vẫn còn có hoa sen đấy sao.”

    Và đúng như tên của chị là Liên, chị như một bông hoa sen đã nở trong vũng bùn lầy. Từ lúc phát hiện bệnh đến nay đã 12 năm, quãng đời tuổi trẻ đẹp nhất của người phụ nữ trôi qua với mọi cung bậc cảm xúc. Những năm tháng vật lộn với bệnh tật, nghèo khó dù khó khan đến đâu cũng không thể quật ngã được người phụ nữ kiên cường ấy. Chị Liên giờ sống lạc quan, khỏe mạnh, có ích và truyền nhiệt huyết sống ấy cho cả những người xung quanh.

    Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, chị Liên tâm sự: “Mình cũng đã tạm hài lòng với cuộc sống hiện nay nhưng mình sẽ không dừng chân ở đây vì mình còn rất nhiều tham vọng. Thời gian tới sẽ là thời gian khó khăn cho những người có HIV khi điều trị ARV không còn miễn phí, vì vậy, mình muốn nói lên tiếng nói của cộng đồng những người có HIV về những chính sách sắp tới.”

    Đúng như khẩu hiệu mới của những người có HIV: “HIV/AIDS không phải là hết, không phải là chết, chỉ là bắt đầu một cuộc sống mới”. Chị Liên vẫn tiếp tục hành trình giúp những người có HIV bắt đầu một cuộc sống mới.

    Khi nhắc về con gái, chị Liên cười và nói: "Mình chẳng dạy gì nhiều được cho con gái đâu" nhưng có lẽ chị đã dạy được cho con bài học lớn nhất và quan trọng về cuộc sống rằng không quan trọng bạn là ai mà quan trọng là bạn đã làm những gì. Những gì chị đã làm được sẽ là điều con gái chị có thể tự hào về chị, tự hào về một người mẹ có HIV./.


  2. Có 4 người đã cảm ơn Charles cho bài viết bổ ích này:

    Jimmy (31-07-2017),Không Ngừng Bước (17-07-2016),thanh_binh (17-07-2016),Vanhoang (18-07-2016)

Thông tin về chủ đề này

Users Browsing this Thread

Có 3 người đang xem chủ đề. (0 thành viên và 3 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •